Với ý thức phản tỉnh chúng ta có thể nói cho nhau hôm nay về ý nghĩa đích thực của ngày 30 tháng 4 là đây là một ngày toàn thắng trong tiến trình cướp chính quyền của ĐCSVN và là một ngày đại bại của toàn dân tộc Việt. - Đỗ Kim Thêm
Tác phẩm Biển San Hô của
nhà văn Trần Vũ vừa được khởi đăng trên Tuần báo Trẻ, số ra
ngày 12 tháng 3 năm 2015 - phát hành từ Dallas, Texas - với lời
dẫn nhập của chính tác giả:
Cuối thập niên 70 cùng với những ghe vượt biển mong manh còn xuất
hiện những thuyền nhiều tầng được Công an Biên phòng hộ tống ra tận cửa
biển, do chính nhà nước đứng ra tổ chức dưới tên gọi Vượt biên Bán Chánh
thức. Với chính sách bài Hoa, chính quyền muốn triệt tiêu “đội ngũ Hán
gian” nhưng trong thực tế là những gia đình Hoa kiều đã sinh sống nhiều
thế hệ trong Chợ Lớn và có cả những thanh niên Việt mua khai sinh Tàu để
ra đi. Giá trung bình là 12 lượng vàng cho người lớn và 7 lượng vàng
cho trẻ em, cùng hai trăm đồng “cụ Hồ” cho thị thực khai sinh ma. Đóng
cho chủ tàu và công an thị xã điểm xuất phát. Chuyến tàu MT-603 khởi đi
từ Mỹ Tho đêm 29 rạng 30 tháng 5-1979 chứa 405 thuyền nhân đã đâm vào
bãi ngầm Trường Sa bốn ngày sau đó. Ngày 21 tháng 6-1979 khi được Hải
quân Phi Luật Tân cứu đưa vào hải đảo Liminangcong, điểm danh còn đúng
285 người. Tôi ở trong số những thiếu niên đi chuyến tàu này, ghi lại
dưới dạng tiểu thuyết.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu “con thuyền nhiều tầng” đã
được công an “hộ tống” ra cửa biển, bao nhiêu người đã vùi thây
dưới biển sâu, và bao nhiêu lạng vàng đã nộp cho nhà đương cuộc
Hà Nội trong chiến dịch bán bãi thu vàng. Đến nay chỉ có con
số về lượng vàng thất thu (vì cán bộ thu nhưng không trình)
tại vài địa phương:
Hậu Giang, 4.866 lượng; Minh Hải, 48.195 lượng; Bến Tre, 3.789 lượng;
Cửu Long, 27.000 lượng; Nghĩa Bình, 27.000 lượng; Phú Khánh, 10.987
lượng; Thuận Hải, 1.220 lượng; An Giang, 1.445 lượng”. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Bán bãi lấy vàng không phải là mẻ thu đầu tiên của bên thắng
cuộc. Trước đó đã có nhiều “chiến dịch” tương tự, xin được ghi
lại (tóm lược) theo theo thứ tự thời gian:
“Chưa đầy ba năm sau khi chủ nghĩa xã hội được áp dụng ở miền Nam,
các nhà doanh nghiệp, với tên gọi mới là “tư sản”, đã phải trải qua hai
lần bị “đánh”.
“Chiến dịch X-2”
Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 10-9-1975, Ủy ban Quân quản Thành phố
Sài Gòn họp báo, đưa ra “Bản Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, ra lệnh “bắt giữ một số tư sản mại bản có
chứng cứ đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường...
Về lý luận, “tư sản mại bản” được chính quyền cách mạng coi là “địch”
nên phương thức mà Chiến dịch X-2 tiến hành được xác định rõ là
“đánh”...
Tối 10-9-1975, “tin chiến thắng” liên tục được báo về “Đại bản doanh”
của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập. Con số bị bắt cho đến khi ấy
vẫn tăng lên. Các đoàn đưa ra những con số chi tiết: hàng chục triệu
tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả “kho” kim cương, hàng vạn mét vải và cả
một cơ sở chăn nuôi gồm “7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi
ngày”120 ở Thủ Đức...
Sau “Chiến dịch X-2”, Thành ủy nhận định: “Bọn tư sản mại bản bị cô
lập rất cao, chúng đã mất hết chỗ dựa về mặt quân sự và chính trị. Lực
lượng kinh tế của chúng đã bị sứt mẻ và đang bị tan vỡ dưới sự tiến công
của ta”122. Nhằm “giáng tiếp những đòn mới vào giai cấp tư sản”, ngày
22 và 23-9-75, đồng tiền cũ của chế độ Sài Gòn đã được thay thế bởi đồng
tiền mới.
Đổi tiền cũng được coi là “chiến dịch” với mật danh “X-3”...
Năm 1976, tình hình tiếp tục khó khăn. Một đợt “đánh tư sản” lại được
tiến hành, lần này tập trung hơn vào giới tư sản người Hoa.
- Những gì mà Cách mạng lấy được của “nhà giàu” trên toàn miền Nam
được liệt kê: “Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam;
134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng
tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)…; vàng: 7.691 lượng; hạt
xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167
thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn
tấn phân; 8.000 tấn hóa chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn
sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc;
96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn
bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và
một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD
thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát;
1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt” (Sđd, trang 71 - 80).
- "Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị “đánh” ngay
trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ “tư sản thương nghiệp”, 13.923 hộ “trung
thương”. Những tháng sau đó có thêm 835 “con phe”, 3.300 “tiểu thương
ba ngành hàng”, 4.600 “tiểu thương và trung thương chợ trời” bị truy
quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân
hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn
vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu
vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên
chiếu.”(Sđd, trang 71 - 90).
Cũng theo ông Huỳnh Bửu Sơn:
“Ngay trong ngày 1-5-1975, Cách mạng đã biết trong kho có số vàng
này, nhưng phải khi ông đi học tập về thì mới chính thức bàn giao. Ông
Huỳnh Bửu Sơn là một trong hai người nắm giữ chìa khóa kho vàng và trực
tiếp giao vàng cho hai người, một người bộ đội tên là Duyệt, một người
về sau làm giám đốc ngân hàng Cần Thơ. Kho dự trữ chứa 15,7 tấn vàng,
gồm: vàng thoi FRD của Mỹ, vàng thoi Montagu của Nam Phi và vàng thoi
Kim Thành, có nguồn gốc là vàng lậu do hải quan bắt tịch thu về đưa cho
hãng Kim Thành đúc lại. Ngoài ra còn có các đồng tiền vàng của Mỹ,
Double Eagle, mệnh giá 20 USD nhưng được làm từ một lượng vàng trị giá
420 USD; đồng Pesos của Mexico; đồng vàng Napoleon… ” (Sđd, trang 31).
Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn cơ sở thương mại bị tịch thu
hay công hữu hóa, và không biết bao nhiêu hãng xưởng, nhà cửa
mà dân miền Nam đã ký giấy “hiến” cho “cách mạng” với hy vọng
(mỏng manh) của đi thay người.
Kẻ bên thua cuộc thì trắng tay là chuyện tất nhiên nhưng người
bên thắng cuộc – tuyệt đại đa số – cũng chả “chiếm hữu” được
gì ráo. Dân quê ở hậu phương không với tay được đến chiến lợi
phẩm, đã đành, các chiến sĩ ngay tại trận tiền cũng không “vơ
vét” được của cải chi đáng giá – ngoài mấy cái khung xe đạp
vác vai, hay vài “con búp bế nhựa, biết nhắm mắt khi năm
ngửa và có thể khóc oe oe, buộc trên ba lô của… anh bộ đội
phục viên may mắn” – vẫn theo lời Huy Đức.
Bỏ cái ba lô, cái khung xe đạp, và con búp bê có thể khóc oe oe
ra, những chiến sĩ giải phóng quân hoàn toàn trần trụi: không
học vấn, không nghề nghiệp, không không một đồng xu dính túi,
và – tất nhiên – không một tấc đất cắm dùi!
“Họ ngơ ngác tìm kế sinh nhai,” Vi Đức Hồi kể lại:
“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ tâm sự,
cảnh ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền
cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không
thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã
trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã,
không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là hình ảnh
người chiến sỹ năm xưa cả nước trân trọng, mến mộ:
‘hoan hô anh giải phóng quân
kính chào anh con người đẹp nhất
lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất
sống hiên ngang bất khuất trên đời’
Nay họ đã trở thành đối tượng của đảng, chính quyền địa phương, họ
được quy là công thần, gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước,
kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bị bắt lên xã, lên
huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước
đã giao cho người khác.”
Đó là hoàn cảnh “hụt hẫng” của những binh sĩ hay sĩ quan phục
viên lành lặn, và may mắn. Nói chi đến đám thương binh (“nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng”) hay những gia đình liệt sĩ.
Năm 1983 ông Nguyễn Vĩnh Rượu nhận được 90 đồng tiền chính sách,
hỗ trợ vì gia đình có ba thân nhân là liệt sĩ. Số tiền này,
vào thời điểm đó, mua được “gần” ba bao 555 hay Craven A. Tính
cho gọn theo “chính sách” thì mỗi liệt sĩ tương đương với một
bao thuốc lá.
Ông Rượu gửi hết 90 đồng vào qũy tiết kiệm, loại không kỳ hạn
và có lời. Ba mươi hai năm sau, vào ngày 31 tháng 3 năm 2015, gia
đình ông Rượu mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank và nhận
lại được hơn 20.000 đồng. Tính luôn “cả lãi lẫn gốc không đủ
một cuốc xe ôm,” như nguyên văn lời của ký giả Tấn Tài trong
bài báo (“Gửi Tiết Kiệm Một Chỉ Vàng Nhận Lại Một Ổ Bánh Mì Thịt”) trên báo Một Thế Giới, số ra ngày 2 tháng 4 năm 2015.
Bởi vậy không có gì ngạc nhiên là bốn mươi năm sau, sau khi cuộc
chiến đã tàn, người ta vẫn còn tiếng kêu cứu thống thiết của
những gia đình thương binh hay liệt sĩ ở khắp mọi nơi. Hãy xem
hoàn cảnh của bà Hà Thị Thuỷ:
“74 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng (An Dương, thành phố Hải
Phòng)… Thời kỳ chiến tranh, bà là thanh niên xung phong. Bà gặp và kết
hôn cùng ông Nguyễn Văn Viền là bộ đội. Ông Viền hy sinh năm 1968, khi
con gái vừa mới sinh.
Bản thân bà là người ngoại tỉnh, gia cảnh lại neo đơn không có anh em
ruột thịt, bà phải gửi con nhỏ về quê Nam Định cho mẹ già chăm sóc. Bà
lăn lộn kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con gái...
Trước hoàn cảnh khó khăn trên của gia đình thân nhân liệt sĩ, rất
mong các cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ gia đình bà Thủy. Mọi sự
giúp đỡ xin gửi về bà Hà Thị Thủy hoặc bà Vũ Thị Hải – Trưởng văn phòng
đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay tại Hải Phòng – số 31 Điện Biên Phủ,
quận Hồng Bàng, ĐT: 0903212789; hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay – 13 Thụy
Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117, chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây
Hồ, Hà Nội.”
Chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ lẫn nhau khi tha nhân lâm vào
cảnh khó khăn. Tôi hy vọng sẽ không ai trù trừ, do dự hay quay
lưng với gia đình bà Hà Thị Thủy chỉ vì họ là những người
thuộc ... bên thắng cuộc.
Người dân Việt Nam không ai thắng ai sau cuộc chiến vừa qua. Tất
cả chúng ta đều thua, thua đau, sau một canh bạc bịp bởi những
kẻ gian manh. Phải nhận diện rõ được kẻ thù như thế để đánh
thẳng vào mặt chúng nó, và đừng... đánh lẫn nhau!
0 comments:
Post a Comment