Trong
thời đại toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu,
không những chỉ ra con đường tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững
mà còn tạo động lực và điều kiện để cải cách toàn diện hướng tới xây
dựng một quốc gia dân chủ, pháp trị, phồn vinh và văn minh. Đất nước
dưới chế độ độc đảng tuy đã có 40 năm hòa bình, song vẫn trì trệ, suy
thoái. Việt Nam hiện nay đang đối đầu trước những khó khăn kinh tế và
chính trị. Bối cảnh này thúc ép Việt Nam cần phải mở rộng hợp tác quốc
tế cũng như chủ động gia nhập vào các cộng đồng thương mại tự do do các
quốc gia dân chủ khởi xướng. Tham gia vào các hiệp định mậu dịch tự do
(FTA) sẽ là cơ hội cho đất nước phát triển tiềm năng và giảm bớt lệ
thuộc vào ngoại bang.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Stategic Economic Partnership Agreement, viết tắt TPP)
Hiệp định TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ trương liên
kết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thuộc khu vực Châu Á -
Thái Bình Dương thành một công đồng mậu dịch không còn hàng rào quan
thuế. Thỏa thuận thành lập ban đầu được các nước Brunei, Chí Lợi, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba ký vào ngày tháng 06 - 2005. Hiện tại có thêm 8 nước tán đồng, đó là các nước Úc, Mã Lai, Peru, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản,Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ.
TPP là thị trường với 800 triệu dân có tổng sản lượng nội địa (GDP)
khoảng 27.000 tỷ USD và chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. 40%
xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi đến 11 quốc gia TPP. Hoa Kỳ và Nhật
Bản là hai nước đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.Trong năm
2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 29 tỳ
USD và với Nhật đạt 25 tỷ USD. Trong số các nước tham gia TPP, Hoa Kỳ là
nước lớn nhất có ảnh hưởng nhất nên giữ vai trò chủ động trong các cuộc
đàm phán. Theo quan sát của các chuyên gia, Hoa Kỳ tham gia đàm phán
TPP nhằm:
- Gia tăng lợi ích của Hoa Kỳ trong chính sách kinh tế và đối ngoại với Châu Á.
- Mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ đánh giá TPP là "Minh ước thương mại của
thế kỷ 21" và sẽ là công cụ tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ trong chiến
lược xoay trục sang Châu Á "Pivot to Asia".
Hiệp định TPP dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2015.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (Vietnam - EU Free Trade Agreement - viết tắt EVFTA ).
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 10 năm 1990, quan hệ
giữa Việt Nam và Liên minh EU đã phát triển rất nhanh chóng, đi từ trọng
tâm ban đầu là thương mại và viện trợ sang một quan hệ đối tác mang
nhiều tính chính trị hơn và đa dạng hơn. Hiệp định khung về đối tác và
hợp tác toàn diện giữa hai bên (Viet Nam – EU Partnership and
Cooperation Agreement –PCA) được ký kết vào tháng 6.2012 đã mở rộng thêm
phạm vi hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, môi trường, năng
lượng, khoa học và công nghệ, quản trị công hiệu quả, cũng như du lịch,
văn hóa, di cư, chống khủng bố và cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tội
phạm có tổ chức. Tiếp nối hiệp định này, EU và Việt Nam đã thỏa thuận
tiến tới mức đối tác ổn định hơn thông qua một hiệp định mậu dịch tự do
(EVFTA).
EU là một liên minh kinh tế và chính trị gồm 28 nước Châu Âu. Với hơn
500 triệu dân, EU chiếm hơn một phần tư GDP của thế giới (khoảng 17.000
tỷ USD), là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong nền kinh tế
toàn cầu và chiếm một phần năm thương mại toàn cầu. EU xem Việt Nam là
cánh cửa vào thị trường Đông Nam Á (ĐNA) và sẽ giúp EU sớm đạt mục đích
kế tiếp là ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả 10 nước của Hiệp
hội các quốc gia ĐNA (ASEAN).
EU là một trong những đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam
với kim ngạch thương mại hai chiều ngày càng tăng. Về đầu tư, hầu hết
các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam.
Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU. Tổng kim
ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2013 giữa Việt Nam và EU đạt khoảng 33,78 tỷ
USD. Cũng như TPP, Hiệp định EVFTA chủ trương mở rộng hợp tác thương
mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định có thể sẽ
được ký kết trong năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao.
Cơ hội đối với Việt Nam khi tham gia TPP và EVFTA.
Phát triển thương mại, tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Hoa Kỳ và Liên minh EU là hai đối tác hàng đầu của Việt Nam. Các nhóm
hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam qua thị trường Hoa Kỳ và EU là giầy
dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, nông thủy sản, thực phẩm chế biến, thủ
công, linh kiện điện tử... Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu
chính là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng,
dược phẩm, phân bón. Nhờ cắt giảm thuế quan, tổng kim ngạch xuất khẩu
hàng hóa sẽ tăng. Phòng Thương mại Hoa Kỳ dự phóng xuất khẩu của Việt
Nam, khi không tham gia vào TPP thì đến năm 2025 chỉ đạt 239 tỷ USD
nhưng khi có TPP sẽ tăng thêm 67,9 tỷ USD lên 307 tỷ USD, trong đó mặt
hàng dệt may và da giày sẽ có mức tăng cao nhất với 45,9%. Tương tự,
Việt Nam có nhiều thế mạnh về xuất khẩu hải sản đông lạnh. Đối với cộng
đồng EVFTA, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40%.
Nói chung, các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định
thương mại tự do (FTA) là dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm (trong
đó có hải sản). Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể nhờ
FTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế.
Nhờ có sự bảo vệ luật pháp thông qua Hiệp định được ký kết, Nguồn đầu tư
trực tiếp (FDI ) từ các nước EU, Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên
trong TPP vào Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư
thực sự sẽ coi Việt Nam như lãnh địa sản xuất và giúp Việt Nam trở thành
công xưởng kỹ thuật cao để xuất khẩu sản phẩm có phẩm chất cao sang qua
Hoa Kỳ, EU và tất cả các nước đối tác thương mại của Việt Nam.
Nâng cao năng lực tiêu thụ và cạnh tranh.
Nhờ giảm thuế lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP và EU gia tăng giúp
người tiêu thụ trong nước được hưởng hàng hóa có phẩm chất. Các doanh
nghiệp có cô hội sử dụng nguyên liệu giá rẻ nhập khẩu từ các nước thành
viên Hiệp định giúp giảm chi phí sản xuất... Trong lãnh vực dịch vụ, môi
trường kinh doanh sẽ ép buộc các doanh nghiệp nội địa phải đổi mới
phương thức quản lý và công nghệ để tạo ra sản phẩm và phục vụ giới tiêu
thụ trong nước tốt hơn. Việc gia nhập FTA, Việt Nam sẽ tiếp nhận được
nhiều chuyển giao công nghệ, vốn đầu tư để nâng cao chất lượng hàng
hóa, sản phẩm, từ đó có khả năng cạnh tranh trên các thị trường nước
ngoài.
Cải thiện dân sinh, dân quyền và nhân quyền.
Nhân phẩm, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị và sự tôn trọng
nhận quyền là các giá trị nồng cốt của các quốc gia dân chủ phương tây.
Các thể chế và Chính phủ các nước dân chủ có nghĩa vụ gìn giữ và đấu
tranh cho các giá trị đó. Vì vậy Hoa Kỳ và EU kỳ vọng Hiệp định thương
mại tư do sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, qua đó góp phần giảm
nạn nghèo đói, giảm thiểu bất bình đẳng trong sự phân chia của cải.
Trong quá trình thương thảo hiệp định, Nghị viện Âu Châu đã nhiều lần
kết án Cộng sản Việt Nam đã lạm dụng luật pháp như là công cụ hạn chế
nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân (tư do tư tưởng, báo
chí và tôn giáo). Nghị Viện Âu Châu đòi đưa nhân quyền vào Hiệp định
thương mại. Hiệp định sẽ bị bãi bỏ, nếu Nghị Viện xác định tình trạng
ngược đãi những người bất đồng chính kiến và nhân quyền ở Việt Nam vẫn
tồi tệ.
Vấn đề lao động, Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu các nước tham gia thực thi quyền
tự do lập hội, công đoàn, cũng như phải bảo vệ quyền lợi công nhân và
bảo vệ môi trường.
Giảm bớt lệ thuộc Trung Quốc
Từ nhiều năm, thiếu hụt cán cân thương mại trên chục tỷ USD là căn bệnh
thường niên của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc. Năm 2013
Việt Nam nhập siêu gần 24 tỷ USD (xuất khẩu 13 tỷ - nhập khẩu 37 tỷ).
Trung Quốc cung cấp phần lớn phụ liệu, cho các công ty nước ngoài hoạt
động ở Việt Nam dùng lắp ráp và tái xuất cảng sản phẩm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 29 tỷ USD,
xuất siêu 20 tỷ USD, với Nhật Bản 25 tỷ USD, xuất siêu 2 tỷ USD và với
EU 33 tỷ USD, xuất siêu 15 tỷ USD.
Trong tương lai sau khi gia nhập Hiệp đinh, Việt Nam có cô hội tìm đối
tác trong TPP cung cấp nguyên liệu dùng cho các sản phẩm xuất khẩu để
được hưởng ưu đãi về quan thuế, thay vì nhập khẩu nguyên liệu của Trung
Quốc. Những công ty Trung Quốc không phù hợp những quy định của Hiệp
định sẽ bị loại khỏi những cuộc đấu thầu và hàng hóa 'nhái' Trung Quốc
không đủ tiêu chuẩn cũng sẽ bị cấm nhập khẩu.
Theo tinh thần Hiệp định FTA, các quốc gia thành viên phải tuân theo
những quy định về thương mại, về xuất xứ hàng hóa, về rào cản kỹ thuật
và về trao đổi dịch vụ cũng như phải tôn trọng những luật lệ bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ sáng kiến và phải minh bạch trong chính
sách cạnh tranh.
Hoa Kỳ và EU hy vọng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành
viên Hiệp định gia tăng sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc kinh tế Trung
Quốc.
Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam sang các châu lục và theo nước/khối nước năm 2013.
Thách thức chính trị và pháp luật đối với chế độ cộng sản Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế, gia nhập TPP và EVFTA. không chỉ đưa lại
những lợi ích, trái lại, nó cũng đặt Việt Nam trước nhiều bất lợi và
thách thức
Tác động tiêu cực của mậu dịch tự do
Việt Nam có thể bị rơi vào bẫy lương thấp vì chỉ có lợi cạnh tranh ở các
loại hàng hóa kém giá trị nhờ sản xuất dựa trên phí lao động thuận lợi
và tài nguyên. Trong khi Hoa Kỳ, Nhật và EU có ưu điểm cạnh tranh ở các
sản phẩm giá trị cao nhờ kỹ thuật cao và sáng tạo. Một khi Hiệp định
thương mại được áp dụng, hàng hóa lưu thông tư do trên thị trường sẽ dẫn
tới hậu quả các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh và có nguy
cơ phá sản. Các chuyên gia phỏng tính một vài ngành sản xuất như điên
tử, công nghiệp ô tô, máy móc sẽ sa thải nhiều nhân công, trong khi các
ngành giầy dép, quần áo, dệt may lại phát triển. Lãnh vực nông nghiệp và
biến chế thưc phẩm cũng bị thiệt hại nặng vì cạnh tranh.
Tổng sản lương nội địa GDP sẽ tăng nhờ gia nhập cộng đồng thương mại,
nhưng phúc lợi lại không được phân chia công bằng giữa các lãnh vực sản
xuất, giữa các địa phương và giữa các giai tầng xã hội.
Về mặt môi trường, tăng xuất khẩu hải sản dẫn đến tình trạng đánh cá cạn kiệt, và lạm dụng ruộng đất để nuôi tôm cá.
Thách thức chính trị và pháp luật
Đáp ứng tiêu chuẩn phẩm chất hàng hóa theo quy định của Hiệp đinh là sự
thách thức đối với Việt Nam. Hai công cụ được nêu ra trong các cuộc đàm
phán là TBS (Technical Barries to Trade) và SPS (Sanitary and
Phytosanitary Measures) có mục đích bảo vệ y tế, an toàn con người và
môi sinh mà Hoa Kỳ và EU đòi hỏi các thành viên Hiệp định phải tuân thủ.
Hiệp định không giới hạn trong mục giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh
thuận lợi mà còn bao hàm nhiều mục khác, chẳng hạn quy định về xuất xứ
hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - phát minh, quyền lao động, minh
bạch trong cạnh tranh cũng như gìn giữ mội trường. Để thực thi những yêu
cầu này của Hiệp định, chế độ cộng sản Việt Nam phải cải cách hệ thống
pháp luật hiện hành và thiết lập một cơ chế giám sát và thẩm định việc
thi hành hiệp định.
Kết luận
Gia nhập cộng đồng thương mại tự do đưa lại cả lợi ích lẫn bất lợi.
Những bất lợi sẽ giảm thiểu một khi Cộng sàn Việt Nam đặt quyền lợi tổ
quốc trên hết, cải cách toàn diện kinh tế và chính trị cũng như kiện
toàn hệ thống pháp luật công minh. Gia nhập TPP và EVFTA sẽ giúp Việt
Nam cơ hội xây dựng một nền kinh tế vững bền góp phần cải thiện dân
sinh, dân trí, nhân quyền cũng như có nhiều triển vọng thoát khỏi sự
không chế của Trung Quốc.
0 comments:
Post a Comment