Ảnh: vnexpress
Kể thì cũng hơi mắc thiệt, nếu chỉ thấy cái đầu của mẹ
Nguyễn Thị Thứ giữa một đống đá lô nhô nhưng nếu nhìn bao quát
cả quần thể kiến trúc tượng đài (“gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước
cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn 1,2 m làm bằng đá hoa
cương”) thì mới thấy giá cả cũng phải chăng thôi.
Đó là chưa kể công phu khắc họa trên 8 trụ “hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ
hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây
Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ
Nam Bộ kiên trung, bất khuất…”
Nói tóm lại, và nói cho công bằng, là rẻ rề hà. Hơn nữa, theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo thì “không thể lấy con số 400 tỷ để đem ra đo với giá trị nghệ thuật vì giá trị nghệ thuật là vô giá.”
Thằng chả nói đúng!
Cứ chăm chăm xoáy vô chuyện tiền bạc không những đã kỳ mà còn có thể làm cho qúi mẹ buồn lòng nữa, nhất là “mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội”!
Mà không phải chỉ có mẹ Tây Nguyên thôi đâu nha. Các mẹ ở sóc
Bom Bo, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cũng chịu chơi hết biết
luôn:
“Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ,
Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây,
Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay
Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày.”
Tiếng Chầy Trên Sóc Bom Bo – Xuân Hồng
Mấy mẹ Vân Kiều hay mẹ Pa Kô (ở Huế) cũng vậy, cũng đều chơi xả láng, sáng về sớm:
“Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường.
Bộ đội giải phóng ơi yên tâm mà đánh thắng giặc Mỹ.”
Cô Gái Pa Kô – Huy Thục
Chỉ có điều đáng tiếc là thời son trẻ của các mẹ đều đã qua
tự lâu rồi, và cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Bây
giờ mà “cách mạng (lại) cần gạo nhiều để đánh Mỹ,” đánh Tầu, hay
đánh ai đó nữa thì chắc chắn là sóc Bom Bo không còn “sẵn cối
chầy” đâu.
Tiế́n sĩ Trần Đăng Tuấn đã báo động rồi: “Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ bỗng.”
Sao kỳ vậy?
Kỳ khỉ gì. Tụi nhỏ “nhẹ bỗng” vì chúng đói quá thôi! Kể từ
khi “bộ đội giải phóng đánh thắng giặc Mỹ” thì người dân ở những
vùng cao vẫn phải ăn mèng méng, củ mài, rau rác, hay chuột,
nhái thay cơm. Làm gì còn có gạo (“ngàn cân”) để gùi ra chiến
trường, như hồi đó nữa.
Đói rách là tình trạng phổ biến đối với tất cả mọi sắc dân
bản địa ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Còn
tuyệt vọng, phẫn uất, và sợ hãi là tâm cảm chung của họ.
Ngày 21 tháng 7 năm 2004, BBC
đi tin: “Vietnam refugees emerge from hiding.” (Những người tị nạn
Việt Nam xuất hiện từ nơi ẩn trốn). Bản tin này có trích dẫn
lời của một nạn nhân: “Tôi hoan hỉ chết ngay tại nơi này, hơn là trở lại Việt Nam và chết ở đó.” (I would be happy to die right here, rather than go back to Vietnam and die there).
Ngày 20 tháng 12 năm 2014, Quốc Việt (RFA) cũng phổ biến một bản tin tương tự:
“Một nhóm người Thượng gồm 8 người đã mạo hiểm ra khỏi rừng rậm để gặp
Liên Hiệp Quốc, và yêu cầu cơ quan quốc tế này can thiệp.” Họ cũng lập lại một lời yêu cầu, y như những kẻ đồng cảnh, trước đó:
“Liên Hiệp Quốc chở đi chỗ nào cũng được, quan trọng là đừng chở về
Việt Nam. Vì chúng tôi sợ Việt Nam, công an Việt Nam đánh đập…”
Khoảng cách của hai bản tin dẫn thượng là đúng một thập niên. Giữa thời gian này là ba biến động lớn: năm 2001, năm 2004 – ở Tây Nguyên – và năm 2011 ở Mường Nhé. Hệ quả, riêng tại địa danh cuối, theo tường thuật của Thanh Trúc (RFA) “đã
khiến hàng trăm người phải bỏ trốn vào rừng, và bản án 63
năm tù giam (trong phiên toà ngày 28 tháng 5 năm 2013) cho 8 bị can ở
Tây Nguyên với tội danh là gây hằn thù, kỳ thị, chia rẻ dân tộc, xâm
phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
Cả ba biến động này, xem ra, chả hề làm cho nhà đương cuộc Hà
Nội bận tâm một xíu xiu nào ráo trọi. Họ đều coi như đều là
chuyện nhỏ nên tiếp tục không nương tay với những sắc dân bản
địa. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm nay (năm 2015) khán thính
giả của VOA, RFA, và Phnom Penh Post đã được biết thêm hàng chục
bản tin về tình trạng vượt biên từ Việt Nam:
- More Montagnard arrive (The Phnom Penh Post)
- Montagnard presence denied (The Phnom Penh Post)
- After Montagnard, threats (The Phnom Penh Post)
- Armed police sweep village in ongoing hunt for asylum seekers (The Phnom Penh Post)
Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là
nơi cư ngụ của những dân tộc bản địa tự ngàn xưa. Với cuộc sống đơn
giản và hài hòa với thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái
được quân bằng và tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước. Cũng chính họ là
những tuyến đầu, và là vòng đai an ninh cho tố quốc. Cớ sao lại tỏ thái
độ khinh thị, và cương quyết tìm mọi cách đẩy người ta đến bước đường
cùng như thế?
“Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận
không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả
theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai
lầm trong lãnh vực sắc tộc” (Lý Hồng Xuân. Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn. Văn Nghệ: California 2000, 177).
“Bọn bành trướng Bắc Kinh” (xem chừng) đang muốn tràn sang lần nữa, và
“những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại càng
tệ hại hơn! Tuy nhiên, mọi sai lầm – cuối cùng – đã được “sửa sai”
và “đền bù” bằng một cái tượng đài hoành tráng với 8 trụ
“huyền thoại,” ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn
1,2 m làm bằng đá hoa cương.
Theo vnexpress: “Trên
8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ
tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng
vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội ; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất…”
Ý Trời! Gạo nghìn cân gùi ra chiến trường đều đều, cùng với
hàng vạn mạng người đã bỏ mình cho “cách mạng” mà “đền bù”
chỉ có mỗi một cái hình “mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no” thôi
sao?
Chơi vậy, ngó bộ, có hơi hẹp à nha.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh và chú thích: baotanghochiminh
Không dám hẹp đâu. Đã có một pho tượng hoành tráng khác “đặc
biệt dành riêng” cho đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng
căn cứ cách mạng rồi – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online:
“Tối 9-12, tại TP Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra lễ khánh thành tượng
đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên... Tượng đài Bác Hồ với các dân
tộc Tây nguyên được khởi công xây dựng tháng 10-2010 tại quảng trường
Đại đoàn kết, TP Pleiku. Tượng Bác cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m được
đúc bằng chất liệu đồng. Phía sau và hai bên tượng Bác là phù điêu bằng
đá tự nhiên có chiều dài 58m, cao 11m, hình vòng cung với nhiều cánh
sen, thể hiện nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây nguyên như nhà rông, rượu
cần, cồng chiêng...Tổng kinh phí xây dựng công trình là 230 tỉ đồng.”
Thạch thư toàn văn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi
Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Ảnh: cadn.com
Thấy chưa: chỉ mình ên đám Tây Nguyên mà đã được “hưởng” nguyên
một pho tượng Bác, trị giá tới 230 tỉ đồng rồi. Đó là chưa
kể chuyện nhà thầu còn khuyến mại (thêm) một bức thạch thư
hoàn toàn miễn phí nữa – theo mô tả báo Công An Nhân Dân:
Phía tay phải của Tượng đài Bác là 54 trụ đá bazan được ghép tỉ mỉ
với 3 tầng với tên gọi công trình là “Đại Đoàn Kết” thể hiện lòng đoàn
kết của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện
của Bác trong bức thư của Người gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền
Nam, họp tại Pleiku” vào ngày 19-4-1946 được khắc toàn văn trên Đài
thạch bằng đá granite rộng 3m, cao 4,2m, dày 2,5m và nặng hơn 135 tấn
đặt tại phía trái Quảng Trường: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán...
Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều
là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có
nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”
Thư Bác viết đã hơn nửa thế kỷ qua mà đọc (lại) vẫn cứ muốn ứa nước mắt: “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”
Lúc đói, mỗi người sẵn lòng giúp cho Nhà Nước hàng ngàn cân
gạo; khi no, Đảng và Chính Phủ cũng không ngần ngại giúp lại
cho nhân dân hàng ngàn tượng đài, nặng hàng ngàn tấn, với kinh
phí hàng ngàn tỉ bạc chi từ tiền thuế của họ. Chơi kiểu đó
(e) chó cũng nổi điên, chớ đừng nói chi người – bất kể̉ là
Kinh hay Thượng.
0 comments:
Post a Comment