Sunday, April 5, 2015

Mối quan ngại của Mỹ về "trường thành trên biển Đông"

Hải Ninh- RFA
2015-04-03



site2-of-wall-in-schina-sea Tào nạo vét và hai tàu kéo của Trung Quốc đang đắp bồi Đá Vành Khăn ở Trường Sa Courtesy of CSIS

Những căn cứ mới "chưa từng thấy"

Tại một hội nghị hàng hải ở Australia hôm 31/3, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô Đốc Harry Harris, lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang “bơm cát lên các rạn san hô, một số ngập nước, và lát bê tông. Trung Quốc đã tạo ra một khu vực nhân tạo rộng hơn 4 km vuông”. Đây là một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhất và ở cấp cao nhất từ phía Mỹ về dự án cải tạo đất biển đảo, theo tướng Harry Harris là “chưa từng thấy" của Trung Quốc.
Bà Phương Nguyễn, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C., nhận định:
Phương Nguyễn: Nó là một lời cảnh báo cho cuộc gặp gỡ giữa các quan chức hàng hải. Nó cũng cho thấy Mỹ đã thức tỉnh và nhận ra một thực tế rằng Trung Quốc sẽ không dừng các hoạt động mà họ đang làm, mặc cho Mỹ có điều tiết hay cố gắng hợp tác với họ
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy một loạt các hoạt động xây dựng đang diễn ra nhanh chóng tại các rạn san hô và đảo đá do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa. Trong số đó có việc xây các cảng, bến cảng, sân bay, toà nhà và ít nhất một đường băng. Tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tỏ ra lo ngại rằng chương trình này là một nỗ lực nhằm “quân sự hoá” những vị trí tiền đồn tại khu vực có tranh chấp.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế CSSD, tại Việt Nam cho biết sự nguy  hiểm của việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông như sau:
T.S. Nguyễn Ngọc Trường: Cái này trước mắt là sẽ tạo ra những căn cứ mới ở biển Đông. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc chắc chắn sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Vùng nhận dạng phòng không này sẽ nối các điểm mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa với Hoàng Sa và các căn cứ ở Hải Nam thành một tứ giác chiến lược. Kiểu gì đó thì tuỳ thuộc vào vị trí, như ở đảo Hải Nam lại khác và ở đất liền lại khác. Trên các vùng nhận dạng phòng không đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở vùng sâu nhất ở biển Đông. Như vậy là Trung Quốc sẽ khống chế khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đắp bồi đá đảo
ở Trường Sa, không ảnh của
Cơ quan không thám Philippines
Khả năng Trung Quốc xây dựng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông vốn là điều mà các chuyên gia dự báo và lo ngại. Hồi đầu năm ngoái, một tờ báo của Nhật đưa ra thông tin rằng không quân Trung Quốc đã có kế hoạch lập một vùng nhận dạng phòng không mới ở Biển Đông, bao trùm quần đảo Hoàng Sa và lan ra một vùng rộng xung quanh. Thông tin này bị phía Trung Quốc bác bỏ.
Trên thế giới có khoảng 20 nước đã có vùng nhận dạng phòng không. Thường thì các vùng này chỉ bao trùm những vùng lãnh thổ không tranh chấp và không áp dụng với máy bay nước ngoài không có ý định bay vào không phận, và các vùng này cũng thường không chồng lấn lên nhau. Hồi năm 2013, Trung Quốc đã khiến Mỹ phgẫn nộ khi tuyên bố xây dựng một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông nơi có tranh chấp với Nhật.

Hy vọng nào cho Biển Đông

Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, chồng lấn với một số quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Bắc Kinh luôn cho rằng tuyên bố về đường 9 đoạn của họ là có căn cứ lịch sử và Mỹ không nên can thiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có Mỹ mới có khả năng hoá giải tình thế ở Biển Đông, tuy nhiên, chính Washington cũng đang bối rối về những bước đi tiếp theo. Bà Phương Nguyễn thuộc trung tâm CSIS ở Washington cho biết:
Phương Nguyễn: Gần đây, nhiều nhà lập pháp tên tuổi của Mỹ đã lên tiếng về vấn đề này và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra một chính sách về việc Mỹ làm thế nào đảm bảo tự do hàng hải và hạn chế việc Trung Quốc gây áp lực đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Đó là những dấu hiệu tốt song chúng ta vẫn còn phải xem mọi việc sẽ biến chuyển như thế nào.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Bắc Kinh và Washington có nhiều cơ hội có thể trao đổi với nhau về vấn đề này. Ông nói:
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Tôi nghĩ Mỹ với Trung Quốc vẫn còn rất nhiều cửa để thương lượng với nhau bởi vì hai bên còn có nhiều lợi ích chồng chéo đan xen, vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vừa là đối tác vừa là đối thủ. Hai nước vẫn có khoảng 90 cơ chế để giải quyết vấn đề này trong đó có những cơ chế cấp cao. Tháng 9 này ông Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đi thăm Washington, đó là cái cơ chế cấp cao nhất.
Hiện chính phủ Mỹ vẫn đang thực hiện chiến dịch chuyển 60% lực lượng sang Thái Bình Dương nhằm tái cân bằng với Trung Quốc. Trong một phát biểu được tờ Wall Street Journal dẫn lại mới đây, chuẩn đô đốc Christopher Paul, Tư lệnh phó Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm một số tàu chiến tới khu vực này, bao gồm tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt. Đây là loại tàu hiện đại bậc nhất của hải quân Mỹ, có trực thăng cơ hữu, có hình thể chống radar, dàn radar chống hỏa tiễn tối tân nhất, được trang bị hằng trăm tên lửa tấn công tàu, tàu ngầm và mục tiêu trên mặt đất.
Gần đây, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam một số tàu tuần tra tốc độ cao, cho thấy những dấu hiệu về mối quan tâm của Mỹ tới việc Việt Nam đảm bảo an ninh hàng hải. Ông Nguyễn Ngọc Trường nói:
Nguyễn Ngọc Trường: Mỹ không thể vì Việt Nam mà gây sự hoặc gây chiến với Trung Quốc nhưng việc tăng cường sức mạnh và khả năng bảo vệ vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế cũng như lãnh hải của Việt Nam là điều Mỹ rất quan tâm. Cái này nó liên quan trực tiếp tới việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Bởi vì Trung Quốc và Việt Nam đều cam kết về an ninh và tự do hàng hải nhưng mà việc Trung Quốc làm ở Hoàng Sa và Trường Sa không hề tỏ ra Trung Quốc muốn thực hiện điều này.
Về vấn đề xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc khẳng định việc này không nhằm tới bất cứ nước nào và cũng không ảnh hưởng tới bất kỳ ai. Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của các bên và rằng việc xây dựng trên lãnh thổ là hoàn toàn hợp pháp vì được thực hiện trên lãnh thổ của họ.

0 comments:

Powered By Blogger