Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung - BBC - 4 tháng 4 2015
Cuộc đình công của công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo, TP. Hồ Chí Minh đã buộc chính quyền thay đổi chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Những ngày vừa qua, quy mô và cuộc đấu tranh của công nhân công ty Pou
Yuen, khu công nghiệp Tân Tạo, ở TP. Hồ Chí Minh đã gây chú ý trong cả
nước và gợi cho tôi nghĩ đến lời bài Quốc tế ca mà chính những người
cộng sản Việt Nam nhiều thế hệ trước đây khi đấu tranh, lúc xuống đường
đã cất lời hát.
Đây
là lần đầu tiên một số lượng lớn công nhân, người lao động, với trên
dưới 90.000 người, theo chính số liệu của truyền thông nhà nước, đã tự
tập hợp lại để tranh đấu nhằm thay đổi chính sách đối với người lao
động, với giai cấp công nhân, của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, những
người luôn nhận mình là 'bộ phận tiên tiến và đại diện của giai cấp
công, nông'.
Điều
đặc biệt ở diễn biến đình công Tân Tạo lần này là mục tiêu của công
nhân đã không phải là về vấn đề đấu tranh với chủ lao động đòi cải thiện
tiền lương, tiền thưởng, giờ làm v.v... nữa, mà họ đã dám đấu tranh
trong ôn hòa gây áp lực nhằm làm thay đổi chủ trương, chính sách của nhà
nước và đảng cộng sản cầm quyền.
'Mạo danh?'
Cuộc
tranh đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, tầng lớp thợ thuyền hiện đại
như ở Tân Tạo tuần này đặt lại một vấn đề về chính tư cách, về tính
chính danh của chính cái gọi là đảng đại diện cho 'giai cấp công nhân' ở
Việt Nam và chính quyền do đảng này lãnh đạo và lập ra.
Chúng
ta đều biết, trong Hiến pháp cũng như trong cương lĩnh đảng cộng sản
ghi rõ đảng cộng sản Việt Nam đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam.
Thế
nhưng, mỉa mai thay, đảng cộng sản lại dường như không đếm xỉa đến
nguyện vọng, tâm tư, nhu cầu và cả những bức xúc của anh chị em công
nhân, thợ thuyền, và phải đợi đến lúc đình công bùng phát đông đảo, trên
diện rộng, thì Chính quyền mới 'giật mình' và chính phủ đã phải hứa hẹn
và đề nghị Quốc hội sửa luật Bảo hiểm xã hội.
Đáng
nói hơn, khi nhìn sâu vào vấn đề, thì tiền của anh chị em lao động, của
công nhân đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội lại bị quản lý không minh bạch,
thậm chí đem đi cho vay và để thất thoát, như chính truyền thông và giới
quan sát ở trong nước cho hay.
Ngày
24/4/2014, trước thực tế 1.052 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội coi như mất
trắng, và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân đã đặt vấn đề về sự công
bằng:
Ông
nói: “Tại sao người lao động không đóng bảo hiểm xã hội thì đòi xử lý
hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát
thì lại không ai chịu trách nhiệm?”
Qua đó, ta thấy rõ luật pháp do đảng cộng sản ban hành là thứ luật pháp bất công, tùy tiện.
Đến
đây, lại cần phải nhắc lại rằng từ năm 2009 đến 2014, có tới khoảng
3.120 cuộc đình công, và không có cuộc đình công nào diễn ra 'đúng
luật'.
Tác giả đặt vấn đề liệu khi được chào bán 'lao động Việt Nam' có giá rẻ hơn ở nơi khác, công nhân VN đang bị 'bóc lột' nặng nề hơn?
Tổ
chức công đoàn của đảng cộng sản lập ra đã không hề 'đại diện', lãnh
đạo, tổ chức được bất cứ một cuộc đình công nào để bảo vệ quyền lợi
chính đáng của công nhân.
Thậm
chí, báo Lao Động còn đăng ý kiến cần giao chỉ tiêu tổ chức đình công
đúng luật, tặng bằng khen cho công đoàn cơ sở nào tổ chức đình công đúng
luật.
'Bóc lột'
Như
thế, ở đây dấu hỏi đặt ra là đảng và công đoàn do chính quyền của đảng
lập ra có phải của công nhân Việt Nam hay không? Họ đại diện cho ai? Ai
cho họ đại diện như vậy?
Thực
vậy, luật pháp làm ra không thể đi vào thực tế, không hề là cơ sở pháp
lý để công nhân có thể tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của
mình. Luật pháp đó không hề chuẩn mực vì những người soạn ra nó không
hề đại diện cho giai cấp công nhân và cả toàn dân.
Ngoài
ra, trong việc thu hút vốn đầu tư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn nêu luận
điệu 'lợi thế giá công nhân rẻ hơn' so với các nước khác.
Như
vậy, nghĩa là nếu chiếu theo chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân Việt Nam
đang bị bóc lột “giá trị thặng dư” tàn bạo hơn các nước khác, có phải
như vậy không? Xin lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam lên tiếng trả lời
giúp.
Chính
Tạp chí Cộng sản, một cơ quan lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam, cũng công nhận những 'khó khăn ngặt nghèo' của công nhân Việt Nam
hiện nay: nào là chất lượng sống và thu nhập quá thấp, nào là doanh
nghiệp vi phạm luật lao động không bị xử lý nghiêm, nào là vai trò công
đoàn mờ nhạt, v.v...
Và
mới đây, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là 1 trong 3
nước có năng suất lao động thấp nhất Asean, chỉ cao hơn Myanmar và
Campuchia, thấp hơn cả Lào. Rõ ràng rằng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa
không thể đào tạo ra được đội ngũ công nhân lành nghề có năng suất cao,
đủ sức cạnh tranh với quốc tế.
Trong
khi cuối năm nay, người lao động lành nghề ở các nước Asean có thể tự
do sang Việt Nam để làm việc. Sức ép đối với người lao động, công nhân ở
Việt Nam rất lớn khi phải cạnh tranh với lao động lành nghề từ các quốc
gia khác đến.
Đời
sống khó khăn là thế, công đoàn chỉ là hình thức như thế, mà người công
nhân Việt Nam lại không có quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ
quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình. Trong đàm phán Hiệp định Thương
mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề gai góc nhất, chúng ta đã biết,
vẫn là quyền được tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân Việt
Nam.
Tại
sao quyền lập công đoàn của người công nhân nói riêng, quyền lập hội
cũng như các quyền tự do dân chủ khác của người dân nói chung trong quốc
gia tự nhận là xã hội chủ nghĩa, do các đảng cộng sản, mà ở đây là đảng
cộng sản Việt Nam cầm quyền, lại bị tước đoạt như vậy? Ai cho phép Đảng
Cộng sản và chính quyền cộng sản làm điều này?
'Đổi ngôi'
Tác giả đặt dấu hỏi liệu đảng cộng sản và tập thể lãnh đạo hiện nay ai đang là đại diện thực sự cho giai cấp công nhân VN?
Để
trả lời câu hỏi này, câu hỏi về việc 'bị tước đoạt ấy', nhìn lại chính
các văn kiện lý luận của cộng sản, cách đây hơn một thế kỷ, trong cuốn
“Thể chế nhà nước và Tình trạng vô chính phủ” xuất bản năm 1874 của
Mikhail Bakunin (1814-1876), một đối thủ của Mác từ thời Quốc tế I, ông
Bakunin đã cho rằng:
"Kiểu
bầu cử độc đảng của những người Mác-xít là “những lời nói dối, chúng
che đậy sự chuyên chế của một thiểu số người quản lý, và những lời nói
dối này còn nguy hiểm hơn nữa, ở chỗ phần thiểu số này là sự biểu hiện
của cái gọi là ý chí nhân dân."
"Kết
quả là: một số ít người có đặc quyền cai trị đại đa số nhân dân. Nhưng
theo những người Mác-xít nói, phần thiểu số đó sẽ gồm những người công
nhân."
Thật
vậy, theo ý của Bakunin, nhà triết học phương Tây bị những nhà marxist
đả phá là 'cựu hữu, vô chính phủ', thiểu số ấy có lẽ là 'gồm những người
công nhân trước kia', nhưng một khi những người công nhân đó lên nắm
quyền, trở thành "người đại diện" tự xưng hoặc người cai trị nhân dân
(tầng lớp cai trị), thì họ sẽ 'không còn là người công nhân' nữa (bị
trị), họ đã đổi ngôi (cai trị) không như những gì họ tự nhận nữa.
Khi
ấy, vẫn theo triết gia này, họ sẽ từ 'trên tầm cao' của chính quyền cai
trị 'nhìn xuống toàn bộ thế giới' của những người 'công nhân bình
thường', một giai cấp và tầng lớp bị trị trong xã hội. Kể từ đó, họ
'không còn đại diện' cho nhân dân, mà chỉ đại diện, bảo vệ chính yếu,
trước hết cho chính bản thân 'quyền lợi' của họ, của nhóm cai trị, đảng
cầm quyền của họ.
Quan
tâm của họ lúc này là đề ra những chính sách trước hết để đảm bảo quyền
lợi, vị thế của mình, và sau đó là nhắm vào việc cai trị quần chúng
nhân dân, trong đó có tầng lớp công nhân, người làm công ăn lương, vẫn
theo Bakunin.
"Kẻ
nào nghi ngờ điều đó, kẻ đó hoàn toàn chẳng biết gì về bản tính của con
người,” nhà lý luận đối lập và triết gia người Nga nói.
Và ông khẳng định:
“Họ
[các nhà Mác-xít] luôn xác nhận rằng chỉ là một chế độ độc tài – dĩ
nhiên là chế độ độc tài của họ - có thể tạo ra ý chí nguyện vọng cho
người dân, nhưng câu trả lời của chúng tôi về điều này là: không có chế
độ độc tài nào nhắm được vào mục đích nào khác hơn, ngoài mục đích tự
làm cho mình bất tử, và nó chỉ có thể là cha đẻ của nô dịch, nhờ vào
việc người dân phải chịu đựng nó (chế độ)…”
'Vùng lên'
Con
số gần 90.000 công nhân đình công ở khu công nghiệp Tân Tạo tuần này,
khi đem so sánh với số lượng thành viên của các tổ chức xã hội dân sự ở
Việt Nam đã làm tôi kinh ngạc. Nó khiến tôi nhớ lại những gì tôi được
học trong chủ nghĩa Mác về giai cấp công nhân trên ghế nhà trường ở Việt
Nam trước đây.
Theo đó, đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: "kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, kỷ luật".
Cảnh sát và an ninh được cho là sẵn sàng 'vào cuộc' trong cuộc đình công mà cuối cùng đã diễn ra 'trong trật tự' ở Tân Tạo tuần này.
Tinh
thần đấu tranh của họ có thể "ảnh hưởng và làm gương" cho các tầng lớp
khác. Do đó, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp
công nhân đều "giữ vai trò lãnh đạo". Sức mạnh đó của công nhân ngày hôm
nay, như trong các vụ đình công nhiều năm trở lại, đặc biệt vụ ở Tân
Tạo, đã buộc lãnh đạo đảng cộng sản phải tỏ dấu hiệu nhượng bộ ngay lập
tức.
Qua
sự kiện vừa qua, ta thấy rõ trên thực tế đảng cộng sản Việt Nam không
hề đại diện cho giai cấp công nhân và toàn dân tộc, khi mà quyền lợi,
lợi ích chính đáng của công nhân và quyền làm chủ của người dân bị tước
đoạt.
Để
tránh tình trạng thay đổi trong 'bạo lực' mà giới quan sát đã cảnh báo,
Việt Nam cần phải có một nền tảng quốc gia vững chắc, đó chính là tính
chính danh của người cầm quyền, điều mà chỉ có thể đạt được thông qua
bầu cử công khai, dân chủ, trung thực và pháp luật phải chuẩn mực, không
thiên vị, không vi Hiến ngay từ đầu, phải có phân lập tam quyền, mà
trong đó, tư pháp phải được độc lập.
Chỉ
có một nền pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ một bản Hiến pháp Dân chủ
cho dân lập ra, phúc quyết, mới đảm bảo quyền làm chủ, và đảm bảo quyền
con người của người dân được tôn trọng, trong đó có các quyền tự do lập
hội, quyền thành lập công đoàn độc lập của công nhân v.v...
Cho
nên, để tranh đấu cho quyền lợi của nhân dân và giai cấp công nhân hay
cho quyền lợi của quốc gia một cách triệt để, thì thiết nghĩ anh em lao
động cũng cần lưu ý tranh đấu sao cho lãnh đạo đảng cộng sản và chính
quyền Việt Nam phải hủy bỏ bản hiến pháp áp đặt hiện hành và mau chóng
thay thế bằng một hiến pháp của toàn dân, do dân soạn thảo và phúc
quyết...
Nói
cách khác, chỉ có hiến pháp của toàn dân mới thực sự bảo vệ được cho
quyền lợi của toàn dân, trong đó có giai cấp công nhân, giai cấp lao
động mà danh nghĩa của họ đang bị người khác, mà ở đây là Đảng cộng sản
cầm quyền và chính quyền do đảng này lãnh đạo 'tước đoạt', 'mạo xưng'.
Viết
tới đây, trong tai tôi, tự dưng lại vang lại giai điệu và lời của bài
Quốc tế ca, bài hát chính thức chung cho các đảng giai cấp công nhân các
nước trên thế giới mà chính những người Mác-xít một thời từng hát vang
trên các đường phố và chặng đường đấu tranh khi còn thu hút được nhiều
quần chúng của họ:
“Vùng
lên hỡi các nô lệ của thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…” Phải
chăng câu hát ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa, hay là vẫn chưa đi hết con
đường của nó trong xã hội Việt Nam của ngày hôm nay, cũng như trong ít
nhất suốt bốn chục năm vừa qua, khi đất nước được cho là đã 'thống
nhất', 'độc lập' mà dường như chưa có 'tự do', 'dân chủ' đích thực như
nhiều người kỳ vọng.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà
hoạt động cho nhân quyền và dân chủ hóa, cựu tù nhân chính trị, hiện
đang sinh sống ở Sài Gòn.
0 comments:
Post a Comment