Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lưu danh thơm trong lịch sử tư pháp Việt Nam nhờ bài “Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”
đọc tại Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30-10-1956. Trong bản văn lịch
sử này, ông mạnh mẽ phê phán rằng cuộc CCRĐ đã được thực hiện với phương
châm sắt máu "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch"; phương
châm ấy đi ngược với quy tắc cơ bản của pháp luật, trong trường hợp này
là "thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan"! Ông còn cho biết
nhiều quy tắc pháp lý khác đã bị cuộc CCRĐ vi phạm, chẳng hạn: “Muốn kết
án một người phải có bằng chứng xác đáng”; “Thủ tục điều tra, xét xử
phải bảo đảm quyền lợi của bị can. Bị can có quyền nhờ luật sư bào chữa.
Phải tôn trọng bị can trong quá trình truy tố và xét xử; khi bị can ra
trước tòa không được xiềng xích và không được dùng nhục hình”. Bất hạnh
thay, chính bài phát biểu này đã chấm dứt sự nghiệp của ông và khiến ông
bị Hồ Chí Minh cùng đảng Cộng sản đày đọa bản thân lẫn gia đình cho đến
chết.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (và những nạn nhân ông bênh vực) đã phải lãnh
số phận bi đát như thế chẳng có gì lạ. Bởi lẽ vốn coi con người chỉ
thuần túy là vật chất, chẳng có hồn thiêng, bất cần Thượng Đế; coi đời
sống xã hội là một cuộc chiến sinh tồn, đấu tranh giai cấp, yếu thua
mạnh được; coi chính quyền đẻ ra từ nòng súng, trường tồn nhờ dối trá,
củng cố nhờ bạo lực, nên chế độ cộng sản là tay vô địch trong việc thảm
sát và các lãnh tụ cộng sản (từ Lênin, Stalin đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí
Minh…) là những quán quân về việc giết người, đặc biệt giết chính đồng
bào của chúng… Chúng giết người qua các cuộc chiến tranh chúng gây ra,
các cuộc thanh trừng, các cuộc cải cách (như cải cách ruộng đất), cách
mạng (như cách mạng văn hóa), chỉnh đốn (như chỉnh quân chỉnh đảng) và
qua một hệ thống tư pháp rất khoái án tử hình (Nga cộng, Tàu Cộng, Hàn
cộng và Việt cộng là tiêu biểu). Thói hiếu sát của các lãnh tụ ấy dĩ
nhiên cũng truyền lại cho đồ đệ và đồng đảng. Điều đó đã khiến máu của
dân Việt đổ ra dưới chế độ và triều đại CS nhiều hơn dưới bất cứ chế độ
và triều đại nào của sử Việt. Nay dù trong thời bình, máu đó vẫn tiếp
tục đổ ra nơi những người đi xe không đội mũ bảo hiểm bị cảnh sát quật
cho vỡ sọ, nơi những người bị triệu đến đồn vì một cớ vu vơ nào đó để
rồi bị công an tra tấn đến tử vong, nơi những người can đảm đi đòi công
lý để rồi bị đánh cho thương tật trên đường hay bị hành hạ tới chết
trong lao ngục, nơi những người tù không may bị vu cáo hay cưỡng bức
nhận tội sát nhân để rồi phải lãnh án tử. Và đó là hai trường hợp đang
gây công phẫn dư luận, hai “phạm nhân” trẻ có tên Nguyễn Văn Chưởng
(sinh năm 1983) và Hồ Duy Hải (sinh năm 1985), vốn bị tòa sơ thẩm lẫn
phúc thẩm kết án tử hình từ lâu và chờ bị tiêm thuốc độc cuối năm nay
(NVC) và đầu năm tới (HDH), sau từng ấy năm bản thân họ kêu oan trong
tức tưởi lẫn khắc khoải và gia đình họ đi đòi công lý trong đau khổ lẫn
tuyệt vọng. Tưởng cũng nên nhắc lại chút ít hai án oan này
Trước hết là vụ 1 thiếu tá công an ở Hải Phòng bị giết chết đêm
14-7-2007. Vụ án có 3 bị cáo gồm Vũ Đoàn Trung, ở Hải Phòng, nhận tội,
23 năm tù giam; Đỗ Văn Hoàng (bị Vũ Đoàn Trung tố cáo là đồng phạm), ở
Hải Phòng, không nhận tội, tù chung thân; và Nguyễn Văn Chưởng, ở Hải
Dương (bị Vũ Đoàn Trung tố cáo là chủ mưu), không nhận tội, tử hình! Có
những bằng cớ cho thấy tháng 7 năm ấy, bị cáo Chưởng đang lao động ở Hải
Phòng. Tuy nhiên, anh không có mặt tại đó vào thời điểm án mạng, vì
thường về thăm nhà ở thôn 1, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải
Dương mỗi cuối tuần. Nhiều người thân lẫn người dân trong thôn đã làm
chứng về sự có mặt của anh tại nhà đêm 14-7-2007, xa phạm trường tới
40km. Thế nhưng lời khai của các nhân chứng đã bị cơ quan điều tra hoặc
xuyên tạc (như mẹ bị cáo) hoặc dùng tra tấn để buộc rút lại (như vợ bị
cáo hoặc nhiều người dân trong thôn). Rốt cuộc, các chứng nhân ấy không
được ghi lời khai trong cáo trạng cũng chẳng được triệu tập đến tòa
trong ngày xử.
Nhiều tình tiết cho thấy công an Hải Phòng (đứng đầu là Đỗ Hữu Ca, viên
tướng khét tiếng từng dẫn quân tới bắn phá, cướp của và bắt bớ gia đình
Đoàn Văn Vươn đầu năm 2013 tại Tiên Lãng) đã áp đặt tội cho Nguyễn Văn
Chưởng ngay từ khi cuộc điều tra khởi sự. Đó là bắt giam em trai của
Chưởng chính khi anh này đem nộp đơn của mẹ kêu oan cho con, sau đó tặng
anh 2 năm tù vì “che giấu tội phạm”! Đó là tra tấn bị cáo Chưởng và
nhiều chứng nhân hết sức dã man (xem thư Chưởng gởi gia đình
ngày 07-04-2009) để hủy bằng cớ anh ngoại phạm. Đó là trong hồ sơ vụ
án, giấy tờ giám định thương tích của Chưởng, lời khai của nhiều nhân
chứng vắng bóng; chữ ký của em trai Chưởng bị giả mạo; lời khai của bị
cáo Vũ Toàn Trung rất mâu thuẫn; yêu cầu của Chưởng xin được khôi phục
các cuộc điện thoại của mình từ nhà tối ngày 14 và sáng ngày 15-07-2007
cũng bị lờ hẳn. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn gây khó khăn và chậm trễ
trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa (hơn 3 tháng so với qui
định là 3 ngày) khiến nhiều cuộc thẩm vấn và nhiều biên bản không có
luật sư tham dự (hay nếu có thì công an chẳng giới thiệu là luật sư).
Đến ngày xét xử, tòa án không triệu tập nhân chứng nào cũng chẳng cho
các bị cáo đối chất nhau. Chưởng kêu bị tra tấn thì Hội đồng xét xử bác
bỏ vì cho rằng không có trong biên bản.
Nhận thấy vụ án bất công, gia đình thuê các luật sư bào chữa thì được họ
trả lời rằng VN không có luật pháp mà chỉ có luật rừng của đám cầm
quyền nên không thể cãi nổi. Gửi hàng ngàn đơn thư, thậm chí huyết thư
đến Chủ tịch nước cũng vô vọng (x. RFA 3-12-2014). Hiện cả gia đình
không làm đơn xin ân xá mà chỉ một mực kêu vô tội. Quá đỗi oan ức, bà mẹ
còn cho biết sẽ nổ bom nếu Chưởng bị đem hành hình!
Thứ hai là vụ 2 nữ nhân viên bưu điện bị hãm hiếp, giết chết đoạn cướp
của ngày 14-01-2008 ở bưu cục Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mà
chẳng một ai chứng kiến. Khoảng 3 tháng sau, cơ quan công an điều tra
bắt sinh viên Hồ Duy Hải, rồi cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên
án tử cho anh về các tội “giết người”, “cướp tài sản”.
Tuy trong các bản khai, HDH có nhận tội, nhưng trước hai tòa và khi gặp
thân nhân, anh đều cho biết đó là do đã bị tra tấn dã man quá thể. Trong
phiên sơ thẩm ngày 28-11-2008, luật sư bào chữa Nguyễn Văn Đạtđã đưa ra
đến 41 điểm sai phạm trong quá trình tố tụng và điều tra xét hỏi, như
không vật chứng (dấu vân tay tại phạm trường chẳng phải của bị cáo, hung
khí giết chết 2 nạn nhân là đồ đi mua ở chợ về sau…), cũng không nhân
chứng xác nhận bị cáo có mặt tại phạm trường. Trong đơn đề nghị giám đốc
thẩm (11-01-2012), luật sư Trần Hồng Phong cũng chỉ ra vô số điểm bậy
bạ của hồ sơ (đặc biệt lời khai của nhiều nhân chứng đã bị sửa chữa
không có chữ ký xác nhận của họ) để rồi nhận định: việc xét xử phiến
diện, làm sai lệch hồ sơ, bất chấp kết quả giám định khoa học, bỏ qua
tình tiết ngoại phạm của bị cáo, không phù hợp với thực tế khách quan vụ
án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… Ngoài ra, nhiều tờ báo còn
cho thấy hung thủ có thể là một kẻ khác và đã được cơ quan điều tra lấy
lời khai ngay khi vụ việc mới phát hiện. Thế nhưng các tình tiết ấy đã
không nằm trong hồ sơ. Đó là chưa kể có mật lệnh cấm báo chí viết về vụ
HDH !?!
Sau khi có bản án, bị cáo và gia đình không viết đơn xin ân xá mà chỉ
liên tục kêu oan vô tội. Sáu năm qua, họ đã gửi đơn khắp nơi đề
nghị giám đốc thẩm, nhưng chỉ được trả lời “đã đúng người
đúng tội” hay “hết thẩm quyền xử lý vụ án”. Bà mẹ còn tìm đến Quốc
hội, nhà riêng của các lãnh đạo cao cấp để kêu cứu nhưng vô vọng hoàn
toàn.
Người ta tự hỏi tại sao nền tư pháp VN giết người dễ như thế và các cơ
quan tư pháp đồng lòng với nhau dễ như vậy? Đó là vì tại VN chỉ có tam
quyền phân công chứ không phân lập, tư pháp hoàn toàn nằm dưới sự chi
phối của CS, có nhiệm vụ bảo đảm quyền lực của đảng chứ không bảo toàn
công lý và bảo vệ nhân quyền, nên nhiều vụ án oan khốc đã xảy ra, xổ
toẹt luật pháp, thách thức công luận, với những bức cung nhục hình, cáo
trạng dối chứng cứ giả, âm mưu cá nhân và ý đồ tập thể... Ở hai vụ án
trên, các nạn nhân bị kết tội chủ yếu chỉ bằng "lời khai" đẻ ra từ đấm
đá roi đòn, không cần vật chứng, lý chứng, nhân chứng thuyết phục. Điều
này dễ hiểu khi mà cơ quan điều tra luôn được quyền hành động bí mật,
loại bỏ vai trò luật sư trong tiến trình thẩm vấn.
Việc công an nhất quyết cho bị cáo là thủ phạm dẫu hai bên chẳng có tư
thù, điều ấy có thể lý giải bằng hai cách. Một là bị áp lực đạt chỉ tiêu
phá án để bảo vệ thành tích của đơn vị, công an đã bắt đại một người
nào đó để kết tội hay kết tội đại một người nào đó đã bắt. NVC và HDH
không may trở nên vật tế thần. Hai là công an biết rõ thủ phạm, nhưng
tên này lại có quyền hoặc có tiền và đã biết dùng lợi thế đó để khuynh
đảo công lý. Đề nghị kết án tử nạn nhân nếu thành công thì vừa cứu kẻ
được che chở vừa tránh hậu họa bị lỗi gây án sai (như vụ "tù oan Nguyễn
Thanh Chấn"). Rồi khi hồ sơ điều tra chuyển lên viện kiểm sát, viện này
hoặc miễn tố bị cáo vì không đủ chứng cớ, hoặc giúp công an bảo vệ thành
tích phá án bằng cách khởi tố họ. Nên nhớ kiểm sát và công an là hai cơ
quan cùng thuộc hệ thống tư pháp, dưới quyền chỉ đạo của cùng một đảng,
nghĩa là có quan hệ "người nhà". Nên kiểm sát giúp công an bảo vệ thành
tích là điều dễ hiểu. Khi hồ sơ được viện kiểm sát chuyển sang tòa án
để xét xử, quan hệ "người nhà" giữa cả ba lại được vận dụng. Tòa án cũng
hoặc xét không đủ yếu tố buộc tội nên yêu cầu công an điều tra lại,
hoặc kết án theo hồ sơ gởi tới. Thực tế, kết quả tái điều tra thường
không thay đổi, nên tòa án hay dựa trên hồ sơ công an để luận tội. Rồi
cũng do sợ hậu quả bị khuyết điểm xử sai, mất thành tích công tác, tòa
án sẽ đồng lõa với công an và kiểm sát kết án tử hình cho xong chuyện,
chưa kể còn hưởng mối lợi từ thủ phạm thật đang có quyền hoặc có tiền.
Đấy là sự khốn nạn của tư pháp VN và cũng là sự khốn nạn cho dân tộc VN
bao lâu còn có đảng Cộng sản độc tài toàn trị. Chế độ này (khắp thế
giới) từng xây dựng ngai vàng trên cả trăm triệu bộ xương, nên sẽ tiếp
tục thản nhiên chà đạp sinh mạng con người để tồn tại.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 209 (15-12-2014)
Ban Biên Tập
0 comments:
Post a Comment