Lời Người Góp Ý Từ Quốc Nội: Ô, đọc các phát
biểu của các vị tai to mặt lớn, có chức có quyền trong Quốc hội về
chuyện ra các Luật, Nghị định … của một đất nước mà ngỡ cứ như trò đùa.
Các vị làm ăn thế thì dân đen chúng tôi biết “sống và làm việc theo hiến
pháp và pháp luật” như thế nào hở các vị? Thôi, không làm được thì
xuống hết đi để dân đen chúng tôi tự bầu người ra đảm đương những việc
của đất nước. Các vị phá như thế là quá đủ rồi. Tốn cơm, hại nước mắm!
——————–
Phát biểu tại phiên họp sáng 20.9 về kết quả triển khai thi hành các
luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
khóa XIII thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình
luận: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là
luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn
không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng… chưa
làm”.
Nhiều đại biểu đã “giật mình” sau khi nghe báo cáo về tình trạng yếu kém trong ban hành văn bản hướng dẫn luật.
Bộ nào cũng “nợ”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tình trạng nợ đọng các
văn bản luật vẫn rất phổ biến. Nếu năm 2001 có 60 văn bản nợ, năm 2002
là 80, năm 2003 là 50, năm 2006 vọt lên 165 văn bản do quá trình gia
nhập WTO, 2007 còn 52, 2010 nợ 45, năm 2011 có 58 văn bản thì đến thời
điểm hiện tại của năm 2013 là nợ 93 văn bản.
Trong đó, bộ nợ nhiều văn bản chi tiết luật nhất là Bộ Lao
động-Thương binh Xã hội với 28/42 văn bản. Bộ Giáo dục-Đào tạo về nhì
khi còn nợ 14/15 văn bản (mới ban hành được 1 văn bản). Bộ Tài chính nợ
12/19 văn bản và cá biệt, Bộ Công Thương phải ban hành 10 văn bản thì nợ
cả 10/10, trong đó có Luật Điện lực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bức xúc: “Hết nhiệm kỳ nào
cũng báo cáo rất tiến bộ, làm tốt cả, giờ mới thấy hóa ra không phải
thế. Lâu nay cứ tưởng thế, nhưng giờ nhìn lại là đủ ớn”. Chủ
tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải quy trách nhiệm cho rõ địa chỉ, như
trách nhiệm của người trình, người thẩm tra, người đề nghị và cả trách
nhiệm của đại biểu và người thông qua để tăng cường quy trình làm luật.
Toàn thạc sĩ, tiến sĩ luật mà tính thực tế của luật vẫn hạn chế
Ủy viên Thường vụ Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn báo cáo của Chính phủ
cho biết, có 55,6% các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng chưa có quy
định nội dung chi tiết, tức chỉ có 44% luật có đủ điều kiện triển khai.
Tuy nhiên, tỉ lệ nợ đọng văn bản quy định chi tiết pháp luật theo báo
cáo thanh tra của UB Pháp luật Quốc hội còn lên đến gần 67%. Đáng chú ý
là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật Xử
lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động
(sửa đổi), mà đây lại là hai trong số văn bản luật có vai trò quan trọng
trong đời sống kinh tế-xã hội.
Ông Hiển lý giải điều này có nghĩa luật hiệu lực thì có, nhưng không
được thực hiện đúng thời điểm. “Riêng về số lượng đã là đáng quan ngại,
chứ chưa nói về chất lượng” – ông nhận định.
Ông dẫn ra nguyên nhân là do chất lượng xây dựng luật chưa tốt, còn
tình trạng luật khung, luật ống hay luật chờ nghị định thông tin, luật
khẩu hiệu (luật nghị quyết). Ông Hiển cho rằng mấu chốt vấn đề là “ý
thức trách nhiệm, sự cương quyết tổ chức thực hiện chưa tốt”.
Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội – bày tỏ sự
thông cảm với Chính phủ, bởi cán bộ nguồn nhân lực chưa tương xứng. Ông
băn khoăn: “Vụ pháp chế của các bộ gồm toàn cử nhân luật, thậm
chí thạc sĩ và tiến sĩ luật cũng rất nhiều, nhưng không hiểu sao tri
thức thực tiễn để xây dựng luật vẫn hạn chế”.
Ông cho rằng cần phải có cách mạng cải cách về cách làm và hoạt động
của các vụ pháp chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đó là chưa kể
“cùng một bộ mà thứ trưởng này phát biểu thế này, thứ trưởng khác nói
khác”.
Luật vừa ban hành đã… kịp lạc hậu
Ông Ksor Phước cho biết khi ông đi giám sát, vấn đề bị kêu nhiều nhất
là văn bản dưới luật để hướng dẫn rất chậm, mà nội dung thì khó hiểu.
Khi ra được luật thì thực tiễn đã vượt qua luật rồi.
“Khi luật được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đã ký, Chủ tịch Nước công bố thì bản thân luật đã lạc hậu. Nhưng
nghị định và văn bản hướng dẫn lại còn chậm hơn, nên ra đời xong thì đã
phải sửa lại luật. Có những luật từ khi ban hành cho đến khi chưa có
hiệu lực đã phải bổ sung, sửa đổi” – ông nói.
Bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng ban Công tác đại biểu QH – “giật mình”
trước thực tế triển khai văn bản quy định chi tiết luật “rất yếu”.
Một lý do thường được nêu ra để lý giải cho tình trạng này là do
nguồn lực hạn chế. Song bà Nương cho rằng, nếu cứ mãi phân tích và kêu
ca về nguồn lực theo hướng này thì “còn lâu nữa mới khắc phục được”. Bà
Nguyễn Thị Nương đề nghị UB Pháp luật báo cáo kinh phí xây dựng luật từ
đầu nhiệm kỳ đến nay là bao nhiêu, trong đó chi bao nhiêu cho việc triển
khai thực thi các văn bản chi tiết và triển khai luật xuống cuộc sống
để các đại biểu Quốc hội đánh giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Ở VN có một
luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là Luật Phổ biến giáo dục pháp
luật. Có nghĩa, luật ra rồi vẫn không làm, đến khi phải ban hành thêm
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật cũng… chưa làm”.
Bà Kim Ngân tóm tắt 5 nguyên nhân chủ yếu là do: “Nợ; chậm tiến độ;
chưa nghiêm túc; chất lượng kém và nội dung chưa phù hợp”. Bà cho biết,
bình quân một luật có 6-7 văn bản luật mới thực hiện được.
Liên quan đến kiến nghị của Chính phủ về việc “Nâng cao nhận thức bộ
ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng”, bà Kim
Ngân cho rằng “các bộ, ngành, địa phương mà còn không có nhận thức về
thi hành pháp luật thì yếu quá”.
“Đây là bộ phận tinh túy xã hội, phải lựa chọn để tìm được người vào
bộ máy chính trị mà còn phải đi nâng cao năng lực cho họ thì không hiểu
ra sao” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Theo bà, vấn đề phải là kỷ
cương, kỷ luật, trách nhiệm và cách xử lý như thế nào.
“Trong thực tế, chúng ta chưa từng xử lý một bộ, ngành nào chưa nghiêm túc triển khai thực hành pháp luật, thì giờ ta phải siết chặt kỷ luật, chứ không phải là nâng cao nhận thức cho họ nữa” – bà nhấn mạnh.
(Theo LĐO)
0 comments:
Post a Comment