Hôm nay, như đã nói người viết trở lại
cùng quý độc giả với Lá Thư từ Đức quốc, tóm lược nhanh tin liên quan
đến kết quả bán chính thức cuộc bầu cử Quốc Hội Đức ngày Chủ Nhật
22-9-2013. **
Tối hôm qua 22.09.2013, ai theo dõi tình hình chính trị
nước Đức đều thấy rõ cuộc bầu cử lại Quốc hội Đức diễn ra rất căng
thẳng, gay cấn chưa từng có và kết quả không đáp ứng được sự mong đợi
đối với Tả Khuynh, đặc biệt với SPD + Xanh nói riêng vì họ muốn hơn
phiếu CDU/CSU với tham vọng hất bà Merkel ra khỏi chức thủ tướng Đức. Còn FDP thì trước khi bầu cử chuyên gia phân tích chính trị tiên đoán sẽ “rớt đài” và chuyện này đã xảy ra. FDP không đạt được chỉ số tối thiểu 5% và đã bị loại ra khỏi chính quyền Đức. Trong khi đó thì CDU và Merkel chiến thắng vẻ vang với kỷ lục kể từ năm 1990.
Kết quả bán chính thức được công bố sáng thứ Hai ngày 23.09.2013 (trong ngoặc đơn là của 2009 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 41,5% (33,8%); SPD: 25,7% (23%); FDP: 4,8% (14,6%); Xanh: 8,4% (10,7%); Tả Khuynh: 8,6% (11,9) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài tháng và lần đầu tiên ra tranh cử: 4,7%.
Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 311 ghế tại quốc hội (2009: 239), SPD : 192 ghế (146), Xanh:63 (68) và Tả Khuynh: 64 ghế (76).
Tổng cộng toàn khối đối lập có 319 đại biểu tại quốc hội trong khi liên đảng CDU/CSU đơn thân độc mã, không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối và chỉ có 311 ghế.
Tỉ lệ dân chúng đi bầu tăng nhẹ, lên 71,5% (năm 2009 70,8%).
Như vậy, đảng CDU của nữ thủ tướng Đức hiện nay Angela Merkel (chủ tịch CDU) là chính đảng mạnh nhất, trên nguyên tắc CDU được ưu tiên thương lương thành lập một liên minh chính quyền. FDP bị loại nên nhiệm kỳ mới chỉ còn có 4 đảng tham chính: CDU/CSU, SPD, Xanh và Tả Khuynh. Bà Merkel lần này phải tìm một đảng khác để liên minh vì FDP bị “rớt đài”, một chuyện không phải dễ dàng vì đường lối chính trị của 4 đảng khác nhau.
Một điều chẳng vui gì vì FDP đại bại không được tham chính và chẳng còn tiếng nói nào trong chính quyền cả trong 4 năm tới nên tự động người Đức gốc Việt ông Rosler, chủ tịch đảng FDP sẽ mất chức phó thủ tướng Đức. Roesler đã từng tuyên bố 45 tuổi từ giã chính trường. Tương lai Roesler phải rời Berlin với tuổi 40, sớm hơn 5 năm vì thế theo cái nhìn khách quan của tôi, chưa biết con đường chính trị của Roesler đi về đâu?. Ngay sau khi kết quả ước tính công bố thì Bruederle và Roesler xuất hiện trên Tivi, vẽ mặt buồn thiu tuyên bố ngắn gọn là FDP thất bại nặng nề cũng như cho biết cả hai chịu trách nhiệm cho sự “đại bại chính trị” của FDP ! Chắc chắn nội đảng FDP sẽ phân tích “nguyên nhân đưa đến sự thảm bại” và chuyện tranh cãi không tránh được và lần nữa sự cải tổ thành phần lãnh đạo đảng FDP có thể xảy ra.
Và như các đảng phái Đức tuyên bố tối chủ Nhật, hôm nay thứ Hai 23.09.2013, họ thảo luận về hậu quả của cuộc bầu cử. Thêm vào đó họ cụ thể hơn về cách thức 4 đảng phái chính trị tương lai đại diện trong quốc hội Đức sẽ thành lập một chính phủ như thế nào??? .
Một tin động trời người viết vừa biết được là sau thất bại lịch sử của họ trong cuộc tổng tuyển cử 2013, FDP đánh dấu lại một khởi đầu mới. Toàn bộ ban lãnh đạo của đảng FDP từ chức hôm nay 23.09.2013. Chính trị gia “sáng giá mới” được đề cập là cựu Tổng thư ký Christian Lindner.
Toàn ban điều hành của lãnh đạo đảng FDP xung quanh chủ tịch Rosler đồng loạt từ chức, theo tin nóng của một số cơ quan truyền thông loan tải. Tổng cộng có 54 người trong ban điều hành, bao gồm tất cả các nhà chính trị gia hàng đầu lãnh đạo đảng như Ngoại trưởng Guido Westerwelle, Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr và cả người đứng đầu FDP tiểu bang NRW, Christian Lindner. Trong số đó có thể có một số người sẽ ra tái tranh cử, dựa theo tin của Focus Online. Hội đồng lãnh đạo mới sẽ được bầu trong một đại hội đảng. Việc xây dựng lại đảng chủ yếu sẽ diễn ra từ các tiểu bang. Lý do cho bi kịch trong đảng Dân chủ Tự do vừa xảy ra là vì kể từ khi sáng lập Cộng hòa Liên bang Đức đến nay lần đầu tiên FDP không còn ở trong Quốc hội Đức !.
Thay lời kết:
Họp và bàn thảo riêng của các đảng phái Đức là chuyện của họ, nhưng người viết cũng mạo muội đưa ra vài nhận định riêng sau đây đi từ những dữ kiện nêu trên:
- FDP đã bị loại ra khỏi chính quyền Đức. Chiến dịch “xin lá phiếu thứ hai” do ban lãnh đạo FDP chủ xướng 1 tuần trước bầu cử hoàn toàn thất bại. Không được tham chính nên trên chính trường Đức, FDP mất hẳn tiếng nói quan trọng tại quốc hội. Các chính trị gia hàng đầu vì thế lo sợ đảng FDP từ từ sẽ bị “lãng quên” nên thế nào cũng có sự cải tổ nội đảng và sự thay đổi về đường lối chính trị và ban lãnh đạo đảng sẽ xảy ra.
- CDU vui mừng đã chiến thắng rõ rệt. Qua đó chúng ta thấy rằng chính CDU lo cho đảng họ trước, không cho FDP mượn phiếu như FDP kêu gọi.
- SPD thêm phiếu nhưng kém hơn sự mong đợi (khoảng 30%). Xanh thì ngược lại thất vọng nhiều bởi lẽ không đạt được kết quả mong đợi mà còn mất phiếu. Tham vọng của SPD+Xanh là sẽ hơn phiếu CDU của bà Merkel bất thành.
- Tả Khuynh vui mừng khi hơn Xanh, là đảng mạnh thứ ba tại quốc hội.
- Một điểm khác, vì chính Peer Steinbrueck từng nhấn mạnh không chịu dưới quyền bà Merkel nên liệu SPD có bằng lòng thành lập một liên minh lớn với CDU?
- Tính ra theo kết quả bán chính thức công bố sáng 23.09 thì tổng cộng SPD + Xanh + Tả Khuynh được 319 ghế tại Quốc hội, CDU một mình chỉ được 311 ghế. Qua kết quả kể trên cho chúng ta thấy rằng bà Merkel sẽ gặp trở ngại khi thương lượng để thành lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của bà ta.
- Đức là nước dân chủ, đa đảng nên trên nguyên tắc đảng mạnh nhất CDU sẵn sàng / có thể thương lượng với tất cả ba đảng phái thắng cử còn lại để lập chính quyền tại nước Đức. Câu hỏi còn lại sẽ liên minh với đảng nào: SPD hay Xanh?. Và liệu Xanh hay SPD có chịu liên minh với CDU hay không (?) – nhìn từ khía cạnh chính trị lại là khúc chiếc khác.
- Đành rằng uy tín, giữ lời là điều rất quan trọng trên phương diện chính trị nhưng chính trị cũng rất phức tạp và đa diện. Vì vậy giả thuyết có thể được đặt ra (dựa vào lời phát biểu của ông Peer Steinbrueck ngay trong đêm 22.09.13 trên đài truyền hình ZDF (phóng dịch): ” quả bóng trên sân cỏ đang ở trong chân bà Merkel, bạn hãy tự tìm cho mình đa số … !“) là với đa số phiếu tuyệt đối 319 NẾU Đỏ+Đỏ+Xanh “bất ngờ” đồng ý liên minh thì chiến thắng kỷ lục của CDU, của bà Merkel sẽ thành công dã tràng! .
- Tuy nhiên nếu dựa theo lời tuyên bố của chủ tịch Sigmar Gabriel (SPD) :” SPD thất vọng! Vâng, SPD đã có thêm sự ủng hộ nhưng chúng tôi mong đợi nhiều hơn”. Đồng thời Gabriel từ khước, quả quyết là chuyện thành lập liên minh gồm Đỏ+Đỏ+Xanh (SPD + Gruene + die Linke) sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ mới”.
Nếu chuyện này bất thành thì giải pháp còn lại là chỉ có thể liên minh CDU/CSU + Xanh. Việc liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng công sản Đông Đức cũ) từ phía CDU là điều không tưởng!
Trong trường hợp NẾU Xanh và SPD từ chối liên minh với CDU thì chính trị Đức sẽ đi về đâu ???
Lá Thư từ Đức quốc khá dài rồi nên xin tạm dừng ở đây. Sẽ trở lại với quý độc giả nay mai với bài bình luận ngắn “hậu bầu cử Quốc hội Đức”.
- © Lê-Ngọc Châu (Munich, Chiều ngày 23.09.2013)
- (Tài liệu tham khảo: ZDF, AFP, Focus Online, Yahoo-News, Internet)
0 comments:
Post a Comment