Tuesday, September 24, 2013

Cũng là một sứ-vụ

Phạm Minh-Tâm

Chuyến Úc-du của linh-mục Nguyễn Văn Khải đã kết-thúc bằng buổi nói chuyện sau cùng vào tối Thứ Hai 02-9-2013 tại Springvale Town Hall, trước khi ông lên đường trở lại Châu Âu vào ngày hôm sau 03-9-2013. Đây là buổi nói chuyện thứ bảy xếp theo thứ-tự  thời gian và là buổi được đặc-biệt  tổ-chức thêm lần thứ hai ở tiểu-bang Victoria để đáp-ứng sự mong đợi của đồng-bào Việt-Nam sinh sống phía đông nam Melbourne. Mặc dù việc tổ-chức diễn ra vào tối ngày thường song con số tham-dự cũng đã lên tới hơn bốn trăm người. Nếu so với buổi đầu tiên ở Melbourne tổ-chức vào ngày Chúa-nhật 04-8-2013 tại Đền Thờ Quốc Tổ ở vùng miền tây ngay sau khi linh-mục Khải vừa đặt chân đến Úc vào giữa đêm hôm trước, Thứ Bảy 03-8-2013, thì cũng không kém sút mấy.

Trong khoảng thời gian lưu lại Úc từ 04-8 đến 02-9-2013 với tất cả bảy buổi nói chuyện ở sáu tiểu-bang do  các Cộng-đồng Người Việt Tự-do liên-kết tổ-chức tại các thủ-phủ gồm Melbourne (Victoria), Canberra (Australian Capital Territory), Sydney (New-South-Wales), Brisbane (Queensland),  Adelaide (South Australia) và Perth (Western Australia), lúc nào và ở đâu cũng được số đông  người Việt-Nam đang tỵ-nạn cộng-sản hưởng-ứng và nhiệt tình tham-dự .  Điều này nói lên được nỗi-niềm chung của những  đồng-bào ở Úc-châu vẫn còn mang nặng  tình-tự Quê-hương, còn nhiều ưu-tư  và thao-thức với thực-trạng đất nước và tinh-thần đấu-tranh cho tự-do, dân chủ hiện nay tại quê-hương.
Bản-chất của vấn-đề linh-mục Nguyễn Văn Khải đã chia sẻ ở các nơi tựu-trung chỉ là những sự thật do chính ông đã kinh-qua từ tuổi trẻ đến lúc trưởng- thành; từ thời còn là  học-sinh trung-học đến khi vào Dòng Chúa Cứu Thế làm tu-sĩ. Song mọi người vẫn muốn nghe vì tất cả đều là những bằng chứng sống thực của một người  đã sinh ra và lớn lên giữa hoàn-cảnh khắc-nghiệt của một xã-hội đầy bất-công, gian-trá; đã trực-tiếp hấng chịu đủ mọi khía cạnh khốn cùng do chính-sách tàn-bạo, khốc-liệt, quỷ quyệt và sắt máu của nhà nước cộng-sản Việt-Nam. Chính vì vậy mà  ông đã luôn tuyên-bố như một xác-tín rằng cái chế-độ cộng-sản phi-nhân đó là hiện-thân của sự dữ, của ma-quỷ; cho nên  đã là người có lương-tri thì phải nỗ-lực loại-trừ  nó khỏi cuộc sống con người. Ông nhận mình có bổn-phận phải cho mọi người thấy được bộ mặt thật của thế-lực sự ác đó cho đời sống con người, cho khối chín mươi triệu dân Việt-Nam  đựợc thăng-tiến và hạnh-phúc.

Vì vậy, trong toàn-bộ các buổi nói chuyện của Linh-mục Nguyễn Văn Khải ở các nơi  ông đến, người nghe không phải chỉ có giáo-dân tham-dự  như  hầu hết  những sinh-hoạt thường  thấy do một linh-mục nào đó chủ xướng  để giảng-thuyết về lãnh-vực tâm-linh. Lại càng không phải như định-kiến của  không ít linh-mục và giáo dân đã  cho rằng  ông chỉ chuyên đi tuyên-truyền về đề tài chống cộng-sản và làm chính-trị. Sự suy-diễn nông cạn và hàm-hồ này quả không sai mấy như Đức Giám-mục Vinh-sơn Nguyễn Văn Long đã nhận-định trong bài giảng dịp ngài đến tham dự cuộc hành-hương kính Đức Mẹ La Vang do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức ở Washington DC, ngày 16 tháng 6 năm 2012 rằng “Nhiều người Công Giáo quan niệm rằng, đạo và đời là hai thực thể riêng biệt. Chính vì thế, câu nói “người Công Giáo không làm chính trị” đối với họ đã trở thành sự biện minh cho thái độ vô cảm hay chủ trương không tham dự vào những vấn đề xã hội và đất nước”.

Thực-tế, những người đến nghe ông tâm-tình chính là những người Việt-Nam đơn-giản, không phân-biệt tôn-giáo hay phe nhóm chính-trị và chung điểm quý hiếm là còn mang nặng lòng xót-xa về đồng-bào mình trong nước, về một khát-vọng cho đất nước sớm giải-trừ được chế-độ cộng-sản phi-nhân. Cho dân-tộc Việt-Nam được mau có  cuộc sống xứng hợp với nhân-phẩm và các quyền căn-bản của con người.

Tại Brisbane, vào buổi sáng Thứ Bảy 17-8-2013, trước khi có buổi nói  chuyện với đồng-hương vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày, linh mục Nguyễn Văn Khải và phái-đoàn của Ủy Ban Yểm Trợ Công Cuộc Đấu Tranh Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam - tiểu bang Queensland - đã đến gặp ông Bernie Ripoll, Dân biểu Liên bang đơn vị Oxley, mục-đích là trình-bày về vấn đề nhân-quyền tại Việt Nam. Bằng một thái-độ trân-trọng và tín-cẩn, ông Ripoll đã lắng nghe linh-mục Khải trình-bày chi-tiết về nhiều vấn-đề liên-quan đến thực-trạng Việt-Nam hiện nay, bao gồm các lãnh-vực như tự-do tôn-giáo, nhân-quyền, dân-sinh, đất đai biên-giới bị Trung-cộng lấn chiếm cùng với những chứng-minh bằng hình-ảnh cụ-thể.

Cuộc hội-kiến bắt đầu từ lúc 10 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ.

Vào ngay buổi chiều cùng ngày, trong lúc buổi nói chuyện tạm nghỉ để mọi người giải-lao thì cả Hội-trường đã được ông Lê Minh Tuấn, Trưởng-ban Yểm Trợ thông báo cho biết kết-quả cuộc gặp gỡ với ông Dân biểu Liên bang Bernie Ripoll vào buổi sáng  là ông đã chính-thức viết thư gửi Thủ-tướng cộng-sản Việt-Nam yêu cầu  trả tự-do cho những người đang bị nhà nước giam giữ về lý-do chính-trị và tôn-giáo như linh-mục Nguyễn Văn Khải đã đề-nghị theo tinh-thần và mục-đích chung của những điều  ông  vẫn theo đuổi kể từ khi ra khỏi nước.

Hiến-chế Mục-vụ về Giáo-hội Trong Thế-giới Ngày Nay đã minh-xác "Giáo-hội cũng phải được quyền nói lên nhận-định luân-lý của mình về cả những vấn-đề liên-quan đến lãnh-vực chính-trị khi quyền-lợi căn-bản của con người hay phần rỗi các linh-hồn đòi hỏi". Đây hiển-nhiên là một sứ-vụ mà những người tin phải tuân-thủ và phải thi-hành bất kỳ ở đâu khi có thể, đúng theo như lời khẳng-khái của hai Thánh Tông-đồ Phê-rô và Gio-an đã tuyên-bố với thượng-hội-đồng Sanhédrin của Do-thái rằng "Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ nói về những gì đã thấy và đã nghe" (Tông-đồ Công-vụ 4, 20). Linh-mục Nguyễn Văn Khải cũng đã trong ý hướng này khi ông dấn thân vào những chuyến đi để nói lên sự thật tồi-tệ của chế-độ cộng-sản hiện nay.

Có điều, trên lộ-trình đi gặp gỡ và chia sẻ những kinh-nghiệm đã sống, đã trải qua cũng như  đã phải đương đầu với cơ-chế của chính-quyền cộng-sản Việt-Nam từ lúc còn tu-học đến khi xẩy ra các biến-cố Toà Khâm-sứ, Thái-hà, Đồng Chiêm chẳng hạn…linh-mục Nguyễn Văn Khải tuy  được sự đồng-cảm của nhiều giới đồng-bào nhưng  cũng vẫn không tránh được đôi ba thái-độ e-dè và xa cách của một số anh em cùng chung lý-tưởng tu-trì cũng chỉ vì những người này không chấp nhận “làm chính trị” theo cách biện-minh của họ vẫn giữ xưa nay. Đức Thánh Cha Biển-đức 16 gọi đó là cách sống …chỉ biết an-phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột...thay vì đúng ra là  …“Giáo-hội không bao giờ đuợc phép chạy theo thời. Giáo-hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời-đại, phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, cả những người trí thức và cả những kẻ thờ-ơ hẹp hòi trước những nỗi thống-khổ của thời-đại…” (trích sách Muối cho đời).

Cũng trong chiều hướng này, Hồng-y  Renato R. Martino Chủ-tịch Hội-đồng Công-lý và Hoà-bình đã quả quyết “Hội thánh không làm chính trị, nhưng có một học thuyết về chính trị, hầu có thể chu toàn sứ mệnh của mình, để phục vụ công-thiện công hảo (L'Eglise ne fait pas de politique mais elle a une doctrine sur la politique, de façon à pouvoir accomplir sa mission au service du bien commun).

Thế thì, phải lý-giải ra sao cho đúng về những thái-độ làm ngơ và làm thinh của những người được liệt vào đấng bậc như Chúa nói là ….họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài…đuợc thiên hạ gọi là “ráp-bi”(Mt 23, 5-7) nhưng lại tuyệt nhiên vô cảm.  Chẳng lẽ sự ghi nhận của Công Đồng Vatican II trong Hiến-chế Mục-vụ về Giáo-hội trong Thế-giới Ngày Nay là “…có những người ngoài miệng chủ-trương rộng-rãi và đại-lượng, nhưng thực-tế họ luôn-luôn sống như là chẳng quan-tâm gì tới những nhu-cầu của xã-hội” lại ứng-nghiệm cho Giáo Hội Công Giáo Việt-Nam trong suốt 38 năm qua?
Tại Perth là điểm đến sau cùng, bác-sĩ Nguyễn Anh Dũng, chủ-tịch Cộng-đồng Người Việt Tư Do ở đây cũng đã  sắp xếp để linh-mục Nguyễn Văn Khải đến gặp Dân-biểu Liên-bang Luke Simpkins tại Văn-phòng riêng và bà dân-biểu Margaret Quirk MLA tại Quốc-hội Tiểu-bang Tây Úc hầu  mong vận-động được sự tiếp-tục hỗ-trợ của thế-giới cho dân-chủ và nhân-quyền tại Việt-Nam.

Và rồi, để cho cái khí-thế và tinh-thần hưởng-ứng đông đảo các buổi nói chuyện của linh-mục Nguyễn Văn Khải nơi khối người Việt Quốc-gia tại Úc-châu được trải-nghiệm thì thiết tưởng mỗi người  đã nghe cần nghĩ đến làm sao cho nó khởi sắc thành sức sống tập-hợp cụ-thể,  thiết-thực và sống-động hơn.  


Đức Giám-mục Vinh-sơn Nguyễn Văn Long trong buổi nói chuyện sau cùng của linh-mục Nguyễn Văn Khải tại Springvale – Melbourne
Ngoài ra, riêng đối với Ki-tô hữu thì lại còn có huấn-giáo chung của Giáo-hội như Công-đồng Vatican II đã xác-định “Giáo-hội không làm chính-trị, nhưng Giáo-hội có bổn-phận phải lên tiếng với bất kỳ một thể-chế chính-trị nào vi-phạm những quyền căn-bản của con người”. Thể-chế chính-trị của cộng-sản Việt-Nam đang vi-phạm trầm-trọng những quyền căn-bản đó.  Vậy thì, hơn bao giờ hết, lúc này đây chính là  thời-điểm mà cộng-đồng Dân Chúa Việt-Nam phải  dấn-thân, phải nhìn ra mỗi thân-phận mình cũng đang nổi-trôi trong cơn xoáy chủ-nghĩa giữa dòng nghịch-lũ, đang cùng nhập chung với vận-mệnh của Giáo-hội và Quê-hương nên không thể tách rời như những kẻ ngoại cuộc, cứ bàng-quan  đứng trên bờ nhìn nước chảy.
Đấy cũng chính là một sứ-vụ đã được đức Giám-mục Vinh-sơn Nguyễn Văn Long xác-quyết mạnh-mẽ …“Tôi sẽ không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi”.

0 comments:

Powered By Blogger