Wednesday, September 25, 2013

Philippines : tầng lớp trung lưu chống tham nhũng

Giám mục Manille, Hồng y Luis Antonio Tagle, tuần hành bên cạnh những người biểu tình.
Giám mục Manille, Hồng y Luis Antonio Tagle, tuần hành bên cạnh những người biểu tình.
REUTERS/ERIK DE CASTRO
Các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay khá quan tâm đến thời sự tại châu Á. Trước tiên, báo Công giáo La Croix có bài viết mang tựa: “Tại Manila, tầng lớp trung lưu huy động chống nạn tham nhũng” với hình ảnh từ thường dân đến tu sĩ biểu tình trên đường phố. Theo tờ báo, hàng nghìn người Philippines đã xuống đường vào ngày thứ 7 vừa qua để thể hiện sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng của giai cấp chính trị.
Báo La Croix nhận định, người dân Philipines vốn quen với các vụ bê bối tham nhũng tại đất nước này. Thế nhưng, từ trung tuần tháng 7/2013, các “Pork Barrels” tức chỉ những khoản kinh phí mà nhà nước cấp cho các dân biểu nhằm xây dựng các dự án dành cho từng địa phương, là tâm điểm của các vụ lừa đảo, đã làm cho người dân Philippines cực kỳ sốc.
Tờ báo nêu bật một ví dụ nổi đình đám trên mà các phương tiện đại chúng gọi là “một xã hội đen tầm cỡ”. Nữ doanh nhân Janet Lim Napoles bị xét xử với tội danh là đã biển thủ hơn 10 tỷ pêsô (170 triệu euro) của Quỹ Ưu tiên phát triển Priority Development Assistance Fund (PDAF). Với sự thông đồng của 23 dân biểu và 5 thượng nghị sĩ, bà đã thành lập các tổ chức phi chính phủ (ONG) ảo được “Pork Barrels” tài trợ và sau đó, các dân biểu nhận được khoản ăn chia đáng kể.
Nhận định về vấn đề tham nhũng, Pierre Charentenay, cựu giám đốc tạp chí Etudes và giáo sư dạy khoa học chính trị tại đại học Ateneo Manila nhận xét: “ việc các dân biểu tham nhũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Thế nhưng, cái mới ở đây là tầng lớp trung lưu đã quyết định hành động, lên tiếng chống tham nhũng”. Theo Ngân hàng thế giới, tầng lớp trung lưu hiện chiếm khoảng 10% dân số Philippines và 20% dân số Manila.
Báo La Croix nhận định, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo Philippines, thành phần trung lưu dự định sẽ cương quyết chống những thói quen xấu của các quan chức chính trị từ thời của chế độ độc tài Marcos. Một giáo sư đại học ghi nhận, nếu không có sự ủng hộ của Giáo hội thì sẽ không có những vụ xuống đường rầm rộ như vậy. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng góp phần huy động dân chúng tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Thế nhưng, Pierre Charentenay, cựu giám đốc tạp chí Etudes nói trên đặt câu hỏi: “Thậm chí các cuộc biểu tình có tiếp tục đi chăng nữa thì điều đó sẽ thay đổi được gì không? Philippines cần phải bãi bỏ mọi thói quen xấu đã thành thông lệ từ suốt 20 năm dưới chế độ độc tài Marcos mà tham nhũng đã mang tính hệ thống trong bộ máy hành chính của nước này”.
Julia Perez, một sinh viên thuật lại rằng, vừa mới tuần rồi, anh ta đã nhét vào tay một viên cảnh sát 50 pêsô để được thả khi anh ta vượt đèn đỏ. Anh ta nhận định, tham nhũng đã trở thành cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, anh cũng đã tham gia biểu tình phản đối tham nhũng và anh cho biết, ngày nay, anh không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng này đang hoành hành trên đất nước.
Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng kiểm duyệt mạng tại Thượng Hải

Liên quan đến Trung Quốc, báo kinh tế Les Echos cho biết, Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng kiểm duyệt trên mạng. Mục tiêu của cải cách nho nhỏ này là để đón tiếp các công ty nước ngoài đến Trung Quốc làm ăn và để người ngoại quốc sống và làm việc thoải mái hơn tại Hoa lục.
Báo Les Echos cho biết, một số trang mạng trước đây bị cấm, bây giờ người dân có thể truy cập được tại Khu Thương mại Tự do Thượng Hải sắp được khai trương. Trong số đó có Facebook, Twitter hay NewYork Times. Vào thời điểm này, vẫn còn khó để biết được liệu Trung Quốc có nới rộng việc giảm bớt kiểm duyệt ra toàn đất nước hay không.
Về việc thành lập Khu Thương mại Tự do Thượng Hải với việc tự do truy cập các trang trước đây bị cấm, trên các trang xã hội, cư dân mạng chia sẻ nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho đây là quá bất công vì Bắc Kinh chỉ “cưng” dân ngoại quốc và xem đây như một sự nhượng bộ dưới thời kỳ thuộc địa. Đa số dân Trung Quốc đều muốn đến vùng này để sinh sống. Do đó, một cư dân mạng khác nhận định, giá bất động sản tại Thượng Hải sẽ tăng vọt. Một người khác giễu cợt: “Liệu có cần phải có visa để đến Thượng Hải?”
Tờ báo gọi Khu Thương mại Tự do Thượng Hải là “Hồng Kông nhỏ”, tức là nơi có các đặc quyền riêng, không bị chính quyền Bắc Kinh kìm kẹp và một giáo sư dạy đại học kêu gọi Bắc Kinh nên lập ra trong tương lai nhiều khu như vậy.
Iran thay đổi phong cách tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Đề tài Iran tham gia Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thu hút sự quan tâm của nhiều nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Các báo đưa ra cùng nhận định là Iran đã thay đổi một phong cách mới mà những người tiền nhiệm Iran không có được. Tổng thống Rohani, từ khi thắng cử, được xem là một nhà cải cách và đối thoại tỏ ra rất thiện chí trên hồ sơ đàm phán về vấn đề hạt nhân tại Iran.
Báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất: “Hoa Kỳ giang tay ra cho Iran”. Báo Libération có bài viết mang tựa: “ Rohani, ngôi sao của Hoa Kỳ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”. Theo tờ báo, hôm qua, tổng thống Rohani đã có cuộc hội đàm với các đồng nhiệm tại New York, trong đó có tổng thống Pháp Hollande. Bài viết trích phát biểu của tổng thống Mỹ Obama như sau: “Tôi cảm thấy thuyết phục khi cần phải thử con đường ngoại giao” cho hồ sơ giải trừ hạt nhân tại Iran. Hôm qua, tại Đại hội đồng, ông Obama lấy làm phấn khởi vì ông Rohani đã thắng cử lãnh đạo đất nước Iran. Tuy nhiên, ông Obama cũng đòi hỏi Iran nên có “những hành động minh bạch và được kiểm tra”. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng còn báo trước là những mối bất đồng sẽ không thể được giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai.
Về phía Pháp, điện Elysée vẫn giữ một thái độ thận trọng và cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Iran Rohani và tổng thống Pháp Hollande vào ngày hôm qua phải cho thấy được thực tế ẩn đằng sau các hô hào thiện chí của Teheran. Paris chờ đợi Iran có những hành động cụ thể trên hồ sơ hạt nhân và làm giàu uranium của nước này.
Paris trước chiến thắng của bà Merkel
Báo Le Monde hôm nay quan tâm đến thái độ của Pháp trước chiến thắng của thủ tướng Đức Angela Merkel. Tờ báo nhận định, chiến thắng của bà Merkel đã gây ra những phản ứng khác nhau và đôi khi còn có những thái độ quan ngại về chính sách lãnh đạo của “bà đầm thép”.
Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone nhận xét: “sự đối đầu chắc chắn sẽ xảy ra vì giữa Hollande và Merkel có hai hướng chính trị và hai cái nhìn khác nhau về châu Âu”. Một dân biểu khác thì nhận thấy “chiến thắng hôm chủ nhật vừa rồi của bà Merkel là tin không vui cho châu Âu bởi vì bà Merkel sẽ không thay đổi chính sách cứng rắn của bà mà thậm chí còn ngược lại”.
Sự mất cân bằng giữa Pháp và Đức ngày càng đáng quan ngại vì các nguyên nhân kinh tế, theo như nhận định của báo Le Monde. Malek Boutih, dân biểu tỉnh Essonne nhận định: “Cách đây một năm, Hollande còn là một nhà lãnh đạo châu Âu vĩ đại, thế nhưng bây giờ thì Merkel mới chính là một bước ngoặc quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm”. Ngoài ra, trong mục tranh luận, báo Le Monde còn ghi nhận: “Chiến thắng của bà Merkel buộc Pháp phải điều chỉnh mạnh về mặt cơ cấu”.
Canada : Nhân viên bưu chính sắp bị Internet giết chết
Mục kinh tế của tờ Le Figaro hôm nay quan tâm đến tình trạng công ăn việc làm của nhân viên ngành bưu chính tại Canada qua bài viết: “Người đưa thư sắp tới không đến nhà bạn nữa, Internet đã giết họ…”.
Theo tờ báo thì với sự lớn mạnh của internet thì nhân viên bưu chính có nguy cơ bị mất việc vì người dân Canada càng ngày càng ít gửi thư tay mà dùng nhiều internet. Bộ trưởng Bộ Giao thông, phụ trách về ngành bưu chính tại Canada cho biết, dịch vụ giao hàng tại nhà qua đường bưu điện có nguy cơ bị loại bỏ trong tương lai. Từ con số là 5 tỷ lá thư được giao vào năm 2006, con số này đã hạ xuống chỉ còn 4 tỷ lá thư vào năm 2012 và còn giảm mạnh hơn vào năm này. Cuộc cạnh tranh với internet vô cùng khốc liệt. Ngành bưu chính càng ngày càng mất nhiều tiền (104 triệu đô la vào quý vừa rồi).
Đứng trước tình trạng thâm hụt ngân sách của các công ty bưu chính, Lisa Raitt, một công ty trong lĩnh vực này đề nghị tập trung thư tại một điểm giao thư trong từng khu phố chứ không đi từng nhà giao nữa. Bộ trưởng Bộ Giao thông, quản lý ngành bưu chính nhận xét: “Biện pháp này giúp giảm chi tiêu đáng kể và mong muốn hình thức này sớm được thực hiện”.
Đó là chưa kể hiện nay, tại khu vực nông thôn của Canada, người dân đã phải chạy xe nhiều cây số để lấy thư. Tình hình của nhân viên ngành bưu chính nước này đang rất u ám. Một nhân viên than phiền ngày làm việc dài ra, họ phải chuyển nhiều thư hơn và chạy nhanh hơn trong một điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Snowden được đề cử giải nhân quyền Sakharov
Báo Cộng sản L’Humanité hôm nay quan tâm đến cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) Edward Snowden đang tị nạn ở Nga sau khi tiết lộ thông tin về chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ qua bài viết: “Người thổi còi báo động Snowden được đề cử nhận giải nhân quyền Sakharov”.
Theo tờ báo, giải thưởng Sakharov được Nghị viện châu Âu sáng lập ra để thưởng cho các “cá nhân hay tập thể nào cố gắng đấu tranh bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản”. Đa số các nghĩ sĩ thuộc đảng xanh ủng hộ Snowden nhận giải thưởng. Karima Delli, một nghị sĩ châu Âu thuộc đảng xanh đánh giá: “Snowden đã mạo hiểm đánh đổi sự tự do của mình để bảo vệ chúng ta”. Việc các Nghị sĩ châu Âu đề cử Snowden nhận giải thưởng nhân quyền Sakharov đặt ra vấn đề về bảo vệ những người dám lên tiếng báo giác những hoạt động của nhà nước. “Đằng sau Snowden chính là vấn đề cần bảo vệ những người dũng cảm tố giác những điều sai lệch như các nhà báo Tunisia phải chịu nhiều áp lực từ chính quyền Ennhadha”, theo ý kiến của Chistine Vergiat, một dân biểu châu Âu.

0 comments:

Powered By Blogger