Việc “chạy chức” cứ ngỡ chỉ dành cho người lớn nhưng tại một số trường tiểu học ở TP HCM, nhiều phụ huynh cũng đang điêu đứng “chạy” cho con được làm lớp trưởng hoặc đôi khi chỉ làm tổ trưởng.
Không được lớp trưởng thì tổ trưởng
Mới vào đầu năm, một giáo viên dạy tiểu học tại quận 4, TP HCM đã gặp tình huống khó xử. Số là một phụ huynh đến đặt vấn đề với cô cho con mình được làm lớp trưởng. Theo lý giải của phụ huynh này, con anh nói năng lưu loát, thông minh, ở bậc mầm non đã được các cô đặt biệt danh “ông cụ non” vì tính tình già dặn hơn các bạn cùng lứa. Vì thế, anh mong ở bậc tiểu học, con được tạo điều kiện để phát huy.
“Tôi phải giải thích rằng những tố chất đó của bé là tốt nhưng chưa đủ để được làm lớp trưởng. Hơn nữa, nếu gia đình quá đề cao các bé sẽ tạo cho bé tính tự cao và ảo tưởng về bản thân. Các bé mới vào lớp 1, còn quá lạ lẫm để hiểu được tính cách của từng bé nên thường tôi phải để gần hết học kỳ mới tổ chức chọn lớp trưởng cho lớp. Qua các hoạt động tập thể, sẽ phát hiện bé nào có tố chất. Lớp trưởng không phải cứ học giỏi là được” – giáo viên này nói.
Những câu chuyện tương tự thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Theo một diễn đàn trên mạng, nhiều phụ huynh chia sẻ chuyện “chạy chức” cho con cũng nan giải và gay go không kém gì “chạy trường”.
Chị Nhung, có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 5, kể con chị rất nhút nhát và sợ đám đông nên chị xin giáo viên chủ nhiệm cho con làm lớp trưởng để khắc phục nhược điểm này. Tuy nhiên, vị trí lớp trưởng thường rơi vào con của vị hội trưởng hội phụ huynh lớp, những cháu học giỏi hoặc đã từng làm lớp trưởng ở những năm trước.
Khi chị xin cô giáo, cô đã khuyên con chị không phù hợp làm lớp trường, các bạn trong lớp sẽ không phục nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, cô giáo cho con chị làm tổ trưởng, chuyên để ý các bạn trong tổ có mặc đồng phục đúng quy định hoặc có làm bài tập về nhà không.
Chỉ làm hư trẻ
Giáo viên một trường THCS tại quận 3 chia sẻ nhiều phụ huynh đã đến xin cho con họ làm lớp trưởng, sau đó là liệt kê những thành tích của các cháu. Thậm chí có phụ huynh nói thẳng để con họ làm lớp trưởng thì mọi phong trào đóng góp gì phụ huynh sẵn sàng tham gia.
Chị Trang, phụ huynh một trường tiểu học tại quận 1, bày tỏ: Ban đầu chị không chú ý, cứ nghĩ để các con phát triển tự nhiên, đưa những cuộc chạy đua thế này nhồi nhét vào đầu các cháu quá sớm thì không tốt nhưng thấy các phụ huynh khác chạy rầm rộ quá nên chị cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, tại nhiều trường học ở Singapore, học sinh sẽ luân phiên nhau làm lớp trưởng. Đó như là một nhiệm vụ để học sinh rèn luyện tính giao tiếp, khả năng độc lập, tự tin mà không phải là sự chạy chọt mang ý đồ của người lớn.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, khuyến cáo: Mọi sự chạy chọt đều có thể ảnh hưởng đến tâm hồn và sự phát triển của trẻ nhỏ. Lớn lên, các cháu sẽ bị ám ảnh rằng mọi sự thành công đều do chạy chọt mà có. Vì vậy, nếu muốn cho con tự tin, các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện để phát huy năng lực thực sự của trẻ. Ngoài ra, để trẻ giao tiếp tốt, rèn luyện tính tự tin thì phụ huynh hãy trau dồi cho trẻ các kỹ năng sống ngoài đời với chính những gì mà các cháu đang có và thể hiện.
Đ.Trinh – Ảnh: T.Thạnh (Người Lao Động)
0 comments:
Post a Comment