Saturday, September 21, 2013

PHƯỢNG HOÀNG VÀ GÀ THIẾN

Nói gì thì nói, ông Đô Đốc cũng đã chết rồi. Báo chí ồn ào đăng lên. Rồi thì người ta cũng ồn ào an táng ông. Cả ông Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự xúc động, ngỏ lời phân ưu với gia đình và ca ngợi ông Đô đốc hết mình.
Cặp mắt kèm nhèm, cái tivi mờ ảo. Tôi bỗng thấy cái mặt mà tôi vốn không ưa xưa nay. Bộ mặt của một ông trốn quân dịch. Ông trốn quân dịch đang nhỏ mấy giọt nước mắt cá sấu thương tiếc ông Đô đốc và lấy giọng bề trên khen ngợi binh nghiệp của ông Đô đốc bốn sao, Tư lệnh Hải quân. Thật là chướng con mắt. Ông làm như vậy bởi vì bằng con đường tắt, ông này hiện là Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội Hoa Kỳ! Mẹc xà lù!
Ông Jemery “Mike” Boorda
Ông Đô đốc Jemery “Mike” Boorda đã quay súng tự bắn vào ngực mình. Nghe nói cũng tại mấy cái huy chương mà thôi. Trong số những huy chương mà ông đeo, có hai cái ông được thưởng hồi chiến tranh Việt Nam. Cũng hai cái huy chương này, nếu được thưởng vì đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường thì có quyền đeo thêm phía trên một chữ V. Còn không trực tiếp chiến đấu thì để trơn. Chỉ có hai cái chữ V này mà sanh chuyện. Trung úy Boorda khi được thưởng huy chương này, đang phục vụ ở Đệ thất hạm đội, ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Có người thắc mắc: ông Đô đốc đã bỏ hai chữ V ấy ra, hồi năm rồi. Năm nay lại thắc mắc nữa. Ông tự sát. Đô đốc về hưu Zumwalt, cựu Tư lệnh của Trung úy Boorda thì  lại xác nhận Vịnh Bắc Việt là một chiến trường và ông Boorda có quyền đeo 2 chữ V. Ai đúng, ai sai? Chiến trường giới hạn bởi cái gì? Tầm súng cá nhân, tầm pháo?  Tầm hỏa tiễn, tầm hoạt động của máy bay? Không biết. Nhưng mà ông Đô đốc thì đã chết rồi, để lại mấy cái thứ đó cho người khác tranh cãi.
Thời Việt Nam Cộng Hoà, huy chương cao quý nhất là Bảo quốc huân chương. Có 5 hạng. Nhất đẳng, nhị đẳng…
Năm 1972 trong mùa Hè đỏ lửa, tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Sư đoàn 5 BB tử thủ An Lộc. Sau khi tàn quân của mấy công trường chủ lực Miền và các trung đoàn pháo binh thiết giáp Cộng quân mang đầu máu rút về rừng thì ông tướng được thưởng Đệ Tam đẳng Bảo quốc huân chương. Rất xứng đáng. Chẳng có ai dám thắc mắc. Đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư Đoàn 23BB, Tư lệnh Mặt trận Phòng thủ Kontum, chận đứng các sư đoàn chính qui thiện chiến dưới tay Hoàng Minh Thảo. Ông vinh thăng Chuẩn tướng và được gắn Đệ tam đẳng bảo quốc huân chương. Khi Thủy quân Lục chiến cắm cờ trên cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị thì ông Tư lệnh Bùi Thế Lân cũnng được một cái Đệ tam đẳng Bảo quốc huân chương. Năm 1970, Tư lệnh Quân đoàn III là Trung tướng Đỗ Cao Trí tử nạn trực thăng khi đang chỉ huy cuộc tấn công các căn cứ địa hậu cần của Việt cộng trên đất Cao Miên. Ông được truy thăng Đại tướng và truy tặng Đệ nhất đẳng Bảo quốc huân chương. Cũng xứng đáng chứ! Ông tướng dù sao cũng đã chết khi đang cầm gậy chỉ huy trên tay.
Tôi vốn không rành về các danh hiệu, huy hiệu, huy chương, quân chương của phe nhà nước xã nghĩa. Chẳng biết phải hạ được bao nhiêu tên “xâm lược Mỹ” để giựt cái danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nhưng tôi có thấy hồi năm 1976, trên báo Nhân Dân có đăng hình một anh Đại úy bộ đội đeo tới 53 cái huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngồi đếm hết mấy cái huy hiệu loại này đã được nhà nước phát ra thì người ta có thể đoán được số lính Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam phải ở mức từ 8 đến 10 triệu chứ không phải chỉ có 58 ngàn mà thôi đâu! Rồi các danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng các lực lương vũ trang, Anh hùng Việt Nam vân vân và vân vân… Nhặng sị cả lên. Còn riêng huân chương, tôi biết rất rõ, huân chương cao quý nhất là Huân chương Sao vàng.
Hồi chú “Phạm Tuân quê ở Thái Bình” mang dép lốp quá giang chú Go-rơ-ba-trốp “bay vào vũ tru” – như thơ ông Bút Tre nói, thì chú Go-rơ-ba-trốp có bợ được cái danh hiệu “Anh hùng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ghê gớm thay cho cái công đức của chú Nga này đối với “nhân dân ta”. Hồi còn mồ ma Bác Hồ kính yêu của Bùi Tín, Quốc hội Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa có đặt ra huân chương Sao vàng – huân chương cao quý nhất. Và sau khi đặt ra huân chương ấy, toàn thể “Quốc hội” đã nhất trí cao 100% là tặng huân chương này cho Bác. Và Bác quả không hổ danh Đệ nhất Cáo, Bác trả lời rằng: “Các chú có lòng như vậy, Bác xin cám ơn. Nhưng Bác xin Quốc hội hãy chờ đến khi miền Nam được ‘hoàn toàn giải phóng’ thì hãy đem huân chương này tặng ‘nhân dân miền Nam anh hùng’. Bác xin đề nghị với các chú như thế”.
Khi miền Nam được “hoàn toàn giải phóng” thì Bác đã hai năm mươi, cái huân chương cao quý này được bẻ ra chia cho mỗi người một miếng. Phần các “nhân dân anh hùng” mà lỡ có dính dáng đến chế độ cũ thì được chia như sau: quan đi “học tập”, lính đi đào kinh, dân đi kinh tế mới, ai có của cải khá khá một chút thì vô nằm ấp chờ nhà nước quản lý dùm tài sản xong xuôi mới được thả ra. Lời dạy của Bác đã được “thế hệ thừa kế” thực hiện một cách xuất sắc. Cái ngôi sao vàng đã đập toang miền Nam.
Sau 1975, “hồ hỡi” với chiến thắng, nặng nghĩa Quốc tế vô sản, ông nhà nước đem cái huân chương Sao vàng này đi tặng vung xích chó. Người ngoại quốc đầu tiên được tặng cái của quỷ này là Đại đồng chí Tổng Bí Brêgiơnép. Rồi kế đến là các ông Tổng bí khác. Đồng chí Tôđo Gípcốp của Bungary, đồng chí Êrích Hônếchcơ của Đông Đức, đồng chí Cayxỏn Phômvihãn của Lào, đồng chí Nicôlai Côsơcu của Rumani, Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên…, mấy ông có công đức với đảng ta đều được ông nhà nước cung kính gắn mề đay.
Không biết hồi gắn mề đay cho các vị này nhà nước có coi ngày hay không sao đời của mấy vị này đôi khi gặp vận bĩ. Xui nhất thì có đồng chí Côsơcu, gần tới ngày Giáng sinh năm 1989, cả hai vợ chồng Tổng Bí  bị dân lôi ra cắc bùm ở pháp trường. Ông Tổng Bí Todo Gípcốp thì may mắn hơn, chỉ bị đuổi về vườn. Đồng chí Êrích Hônếchcơ thì bị dân lôi ra tòa để trả lời về những “công đức” trong quá khứ. May mà nhờ có ông bạn tên “Bệnh ung thư” dẫn người qua thế giới bên kia để tỵ nạn bằng không thì cũng đến khổ. Còn ông Tổng họ Kim thì qua đời với cái đám ma rình rang trong lúc “nhân dân anh hùng” của nước Bắc Hàn đang đói vêu mõm.
Người ta nói tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Ừ, thì có thể như vậy. Đằng sau những tấm huy chương đích thực đó, là những chiến tích, những công trạng mà người  mang nó cống hiến. Những chiến tích, những công trạng ấy bảo đảm giá trị của tấm huy chương. Chứ nhìn hình ông Thái tử nước Anh mặc quân phục gắn đầy huy chương thì người ta chán lắm. Giống như bị bắt buộc phải ăn một đĩa cơm thiu. Những huy chương được ban phát vô tội vạ, không căn cứ trên thành tích này giá trị còn thấp hơn số kim loại bỏ ra mà đúc nó.
Nhất tướng công thành vạn cốt khô! Khi thấy tướng Bùi Thế Lân đeo Đệ tam đẳng Bảo quốc huân chương, người ta thấy rất rõ, là để dựng được ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và các đơn vị bạn phải đổ ra bao nhiêu là xương máu. Không biết khi tự sát, tướng Lê Văn Hưng có đeo trên ngực trái  của ông tấm Bảo quốc huân chương Đệ tam đẳng, tấm huân chương mà ông đã đoạt được một cách vô cùng xứng đáng khi ông và đồng đội tạo nên chiến tích An Lộc thần kỳ?
Ông Đô đốc Jemery “Mike” Boorda
Ông Đô đốc Boorda đi lính từ năm 17 tuổi. Lính trơn và khi tự sát, ông là Tư lệnh Hải quân với bốn ngôi sao mỗi bên vai áo. Binh nghiệp của ông quả thực là không có những chiến tích lẫy lừng, những lần vào sanh ra tử. Nhưng không thể nói đây là một ông tướng tầm thường. Chuyện ông có được đeo hai cái chữ V trên hai huy chương gì đấy, theo tôi, nó cũng không quan trọng lắm. Nhưng đối với một quân nhân, một ông Đô đốc thì khác. Kỷ luật Quân đội nghiêm minh từ những cái nhỏ nhặt trở đi. Việc tự sát của một ông Đô đốc Mỹ cũng giống như việc hara-kiri của một ông samurai ở Nhật Bản. Khi các võ sĩ đạo Nhật Bản lầm lỗi, hoặc muốn phản đối điều gì; các ông này tự mổ bụng. Người Mỹ không quen lối này nên ông tự bắn vào mình.
Hãy để chuyện hai cái chữ V này lại cho các nhà chuyên môn. Chung ta hãy nói về tư cách của ông Đô đốc. Dù ông sai, dù ông đúng, chuyện ông tự sát cũng khiến cho ta thấy ông có nhiều điểm hơn người.
Ông sai! Ông đã lấy cái chết để tạ lỗi với truyền thống Quân đội. Thế là xong!
Ông phải! Thế thì ông đã mắng cái đám báo chí nhiễu sự kia một câu quá nặng nề!
Ông muốn bảo vệ sự toàn bích của binh nghiệp người Tướng bốn sao? Ông đã làm được rồi!
Cách xử sự của ông Đô đốc có vẻ lạc lõng trên đất Mỹ ngày nay. Nó phảng phất giống cách xử sự của người Đông phương thời trước. Hay ông Đô đốc là người Mỹ mà lại mang trong tim tinh thần võ sĩ đạo? Hay ông Đô đốc muốn làm người theo Khổng giáo ở Washington DC? Nói gì thì nói, ông Đô đốc nhất định là người biết giữ liêm sỉ.
Có những ông tướng, những ông chính khách Việt Nam đã từng đeo trên ngực những Bảo quốc huân chương, những Chương mỹ bội tinh Đệ nhất, Đệ nhị hạng của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ban thưởng. Vài người trong số này đang có mặt trong nhóm đón gió, đang kêu gào bắt tay xóa bỏ hận thù với Nhà cầm quyền Hà Nội. Họ muốn gì? Họ muốn được thêm một cái huân chương Sao vàng? Cái huân chương Sao vàng mà miền Nam nhận lãnh một cách bất đắc dĩ sau ngày 30-4-1975 đấy, các ông ấy chưa có phần à? Những cái tát tai, những cú đá hậu thân ái mà người ta dành cho bọn theo voi hít bả mía như Trịnh Đình Thảo, Trương Như Tảng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hữu Hạnh… sau khi thôn tính xong miền Nam chưa làm họ sáng mắt sao?
Một trong những con gà “thái giám” bụ bẫm !
Con chim Phượng hoàng ngạo nghễ bay lượn trên đỉnh núi cao. Nó có thể chết rét trên đỉnh núi cao hoang vu tuyết phủ, nhưng không phải là cây ngô đồng thì nó không chiụ đậu. Mất đôi cánh thì ôi thôi, con Phượng hoàng kia có khác gì đám gà thiến đang lúc nhúc trong chuồng. Không, không đời nào Phượng hoàng chịu vậy. Nó thà bay lượn trên trời, uống nước suối trong, đậu nhánh ngô đồng hoặc là nó chết. Nó không bao giờ chịu sống chung trong cái chuồng chật hẹp với lũ gà thiến vô tâm. Bảo quốc huân chương không thể đặt gần cái huân chương Sao vàng ba phải kia. Không thể được, thà là mang nó xuống mồ.
Các ông tướng, các ông chính khách muốn bắt tay với Hà Nội, tôi xin can các ông! Các ông muốn làm phượng hoàng hay gà thiến?
LÃO MÓC

0 comments:

Powered By Blogger