Monday, September 30, 2013

Hậu bầu cử Quốc hội 2013: Thử phân tích khó khăn đi tìm liên minh thành lập Tân Chính phủ Đức của Thủ tướng Merkel và CDU

CDU+SPD (Merkel + Gabriel) Internet
Lá Thư từ Đức Quốc, 29-09-2013 
Như đã nói, lần lượt tôi sẽ tóm lược nhanh các tin liên quan đến “hậu bầu cử Quốc Hội Đức” đã xảy ra vào ngày Chủ Nhật 22-9-2013. Hôm nay, người viết trở lại cùng quý độc giả với Lá Thư từ Đức quốc và thử phân tích tổng quát khó khăn nào đối với CDU khi muốn thành lập Tân chính phủ Đức nhiệm kỳ 2013 – 2017 ??
***
Để quý độc giả tiện theo dõi, tôi nhắc lại kết quả cuộc tổng tuyển cử của Đức quốc ngày 22.09.2013: Kết quả được công bố (trong ngoặc đơn là của 2009 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 41,5% (33,8%); SPD: 25,7% (23%); FDP: 4,8% (14,6%); Xanh: 8,4% (10,7%); Tả Khuynh: 8,6% (11,9) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài tháng và lần đầu tiên ra tranh cử: 4,7% (thất cử vì chưa đạt được 5%). Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 311 ghế tại quốc hội (2009: 239), SPD : 192 ghế (146), Xanh:63 (68) và Tả Khuynh: 64 ghế (76). Tổng cộng toàn khối đối lập có 319 đại biểu tại quốc hội trong khi liên đảng CDU/CSU đơn thân độc mã, không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối và chỉ có 311 ghế.
CDU/CSU thiếu 5 ghế để chiếm đa số phiếu tuyệt đối và vì FDP (4,8%, không đạt được chỉ số tối thiểu ấn định là 5% mới đắt cử !) bị loại ra khỏi Quốc hội nên hiện đang tìm một “đồng minh mới” để thành lập chính phủ.
Như chúng ta thấy với đa số phiếu tuyệt đối 319 NẾU Đỏ+Đỏ+Xanh “bất ngờ” đồng ý liên minh thì chiến thắng kỷ lục của CDU, của bà Merkel sẽ thành công dã tràng!. Tuy nhiên dựa theo lời tuyên bố của chủ tịch Sigmar Gabriel (SPD) quả quyết là chuyện thành lập một liên minh gồm Đỏ+Đỏ+Xanh (SPD + Gruene + die Linke) sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ mới 2013-2017.
 Đức là nước dân chủ, đa đảng nên trên nguyên tắc đảng mạnh nhất CDU sẵn sàng / có thể thương lượng với tất cả ba đảng phái thắng cử còn lại để lập chính quyền tại nước Đức. Nhưng chuyện liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản Đông Đức cũ) từ phía CDU trước cũng như sau cuộc bầu cử là điều không tưởng và đi từ các dữ kiện kể trên, câu hỏi còn lại sẽ liên minh với đảng nào: SPD hay Xanh?. Nếu nhìn từ khía cạnh chính trị liệu Xanh hay SPD có chịu liên minh với CDU hay không ??. Và trong trường hợp này chính trị Đức sẽ ra sao?
Trong suốt tuần lễ qua sau bầu cử, dựa theo tin tức báo chí Đức thì các đảng phái họp liên miên, tự kiểm điểm và phân tích sự thất bại cũng như ngay từ bây giờ lo tìm cách cải tổ nhân sự và đường lối chính trị với tầm nhìn cho năm 2017! Riêng đảng Xanh, ngoài chuyện cải tổ họ cũng tìm cách giải quyết “việc có thể liên minh với CDU” để thành lập chính phủ thì liệu Xanh có đặt trọng tâm vào chuyện liên minh với CDU hay không?.
Vậy thì những khó khăn hay trở ngại nào ảnh hưởng đến việc liên minh với CDU ?
Giữa CDU/CSU + Xanh có quá nhiều dị biệt về đường lối chính trị, năng lượng và môi sinh nên khó mà có thể làm việc chung. Điều này Xanh nhấn mạnh nhiều lần trước bầu cử. Và mới đây, Xanh thay đổi ban lãnh đạo nên còn phải lo giải quyết chuyện nội bộ vì vậy theo cái nhìn của ngưới viết Xanh chẳng hào hứng gì việc cùng liên minh với CDU để lên cầm quyền. Tuy nhiên trong tuần qua, Xanh và những chính trị gia hàng đầu của đảng nhận thấy áp lực của cử tri Đức qua các cơ quan truyền thông “đè nặng lên các chính đảng” nên trong thế chẳng đặng đừng họ “phải tuyên bố chấp nhận nói chuyện với CDU” trong những ngày gần đây nhưng bên cạnh đó, Xanh cũng rào đón trước là chuyện thành lập chính phủ với CDU khó mà thành hình vì đường lối hai đảng khác nhau xa. Chính Trittin cũng có quan điểm như thế nhưng Thị trưởng Kuhn (Xanh, Stuttgart) thì đề nghị Xanh nên “thương thảo” với CDU. Những chính trị gia hàng đầu của Xanh . kẻ nói thế này, người đề nghị khác- không “thống nhất tư tưởng” thì chuyện liên minh trước sau cũng sẽ gặp trở ngại trong nội đảng.
Chưa hết, chủ tịch đảng chị em CSU của CDU là Seehofer (thống đốc tiểu bang Bavaria) cho biết là không muốn liên minh với Xanh vì có quá nhiều dị biệt sợ sẽ gặp trở ngại sau này nên ưu tiên, đề nghị liên đảng thành lập liên minh lớn với SPD. Ngay cả chuyên gia phân tích chính trị cử tri và theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri Đức thì họ đánh giá không tốt cho nước Đức nếu liên minh CDU/CSU và Xanh thành lập tân chính phủ !
Bây giờ trở lại chuyện SPD. Trước bầu cử SPD và Steinbrueck từng tuyên bố, xác quyết là SPD và  ông ta muốn cùng với Xanh lên thay quyền bà Merkel và sẽ “không thành lập liên minh lớn ,  không chịu đứng dưới trướng của bà Merkel (sic)”. Mặc dù nói vậy nhưng dân chúng Đức đang áp lực SPD viện lý do “đó chính là tiếng nói của chúng tôi, chúng tôi muốn liên minh lớn giữa CDU/CSU+SPD lên cầm quyền“. Có 58% (theo ZDF) và 64% (ARD) cử tri Đức đồng ý giải pháp này nên tương tự như Xanh, dù không muốn cho lắm SPD bắt buộc (tạm thời) chìu ý muốn của dân chúng, đúng theo phương châm “Ý DÂN là Ý TRỜI!” và hôm thứ Sáu 27.09.2013, ban lãnh đạo SPD sau phiên họp đặc biệt cho biết sẽ nói chuyện với CDU. SPD được đại diện bởi một nhóm (Team) gồm tổng thư ký Andrea Nahles, trưởng khối nghị sĩ của SPD tại quốc hội Frank-Walter Steinmeier, Steinbrueck và hai vị Thống đốc Hannelore Kraft und Olaf Scholz (SPD) do Gabriel dẫn đầu để nói chuyện với đại diện đảng CDU. Tuy nhiên vấn đề thương thảo thành lập chính phủ tính sau và qua đề nghị của chủ tịch Gabriel (SPD) còn tùy thuộc vào kết quả cuộc đầu phiếu của tất cả thành viên đảng (470 ngàn) là họ có đồng ý cho SPD liên minh với CDU và Gabriel nhấn mạnh, ý kiến của đảng viên – dự kiến sẽ thông qua trước ngày đại hội đảng 14.11.2013 được tổ chức tại Leipzig sẽ là chỉ tiêu cho SPD trong việc liên minh thành lập chính phủ với CDU. Seehofer (CDU) chỉ trích biện pháp này và đánh giá như là một “tiểu xảo của SPD”.
Lý do dễ hiểu, cử tri Đức phản đối rất mạnh mẽ và vì sợ mất sự ủng hộ trong lần bầu cử lại trong trường hợp việc thành lập tân chính phủ bất thành. Lúc đó họ sẽ “đổ lỗi cho nhau” để giành phiếu nên hai đảng SPD và Xanh phải tránh né thôi. Một điểm khác, nếu bất đắc dĩ phải tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới dù rất tốn kém trên mọi phương diện nhưng biết đâu lại là cơ hội may cho FDP vì có thể FDP sẽ được thêm phiếu để giải quyết khó khăn “về đồng minh” cho CDU ?.
Một đặc điểm khác cũng cần nhắc sơ đến là Steinbrueck tuyên bố chịu trách nhiệm cho việc SPD thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, đồng thời cho biết ông ta sẽ không giữ một chức vụ nào trong chính phủ mới, nếu thành hình. Steinbrueck nói là ông ta chỉ là thượng nghị sĩ bình thường (ghi chú thêm: đắc cử vào quốc hội Đức qua danh sách của tiểu bang NRW!). Theo tôi đây là lối giải quyết hay nhất, một mặt giữ thể diện, uy tín liên quan đến lời tuyên bố không chịu đứng dưới trướng của bà Merkel và mặt khác tránh khó khăn cho SPD nói chung trên phương diện nói chuyện, thương thảo với CDU.
Chưa hết, theo tin báo Spiegel, bộ trưởng tài chánh Đức W. Schaueble vì muốn “ve vãn SPD và Xanh” nên đã nói có ý định chấp nhận tăng thuế những người có lương bỗng cao. Thế là có thành viên CDU lên tiếng phản đối, báo chí chỉ trích CDU thất tín. Thống đốc tiểu bang Sachsen Stanislaw Tillich (CDU) nói qua báo Spiegel là không thể thay đổi hứa hẹn không tăng thuế với cử tri trước bầu cử được và tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại tại Thượng Viện .
Hôm nay, 29.09.2013, từ Bavaria thống đốc kiêm chủ tịch đảng CDU qua tuần báo “Bild am Sonntag” đã lên tiếng phản đối dự định này của CDU và ông khẳng định, đối với ông và đảng CSU, chuyện tăng thuế không xảy ra, cử tri hãy tin vào lời hứa của tôi trước bầu cử !
Thay lời kết:
 Người viết mạo muội đưa ra vài nhận định riêng sau đây đi từ những dữ kiện nêu trên:
Khó khăn nào khác đã làm cho SPD không muốn liên minh với CDU, nếu đừng vì áp lực cử tri?
Có khá nhiều nguyên nhân. Ngoài đường lối chính trị dị biệt liên quan đến mức lương tối thiểu, thuế má … thì quan trọng hơn cả là kinh nghiệm xấu đối với SPD sau nhiệm kỳ 2005-2009 ! Chính điều này đã làm cho SPD không muốn liên minh với CDU và sẵn sàng đứng ở vị trí đối lập tại quốc hội Đức. SPD viện dẫn như sau:
1)    Quốc hội cần đối lập mạnh. Nếu CDU + SPD cầm quyền thì 16% còn lại thuộc khối đối lập (Xanh+Tả khuynh) xem như chẳng có tiếng nói nào cả. SPD có lý vì chính phủ giải quyết mọi việc theo ý muốn không cần lưu ý đến đối lập, có thể đưa đến “bất lợi” cho nước Đức!
2)    SPD nói, CDU chỉ thiếu 5 phiếu để chiếm đa số tại quốc hội. CDU không đi với Tả Khuynh thì đi chung với Xanh đủ rồi, đâu  cần liên minh với SPD.
3)    Một điểm quan trọng khác, từ Gysi (ứng cử viên hàng đầu của Tả Khuynh, hậu thân của cộng sản Đông Đức cũ) tìm cách ve vãn nói có thể đả thông với Xanh + SPD sự khác biệt về đường lối chính trị nói chung, trong tuần qua lên tiếng kêu gọi SPD nên thành lập chính phủ Đỏ + Đỏ + Xanh (SPD + Linke+ Gruene) và ngay cả Lafontaine, từng là cựu chủ tịch SPD nhưng vì bất đồng ý kiến bỏ đảng qua Linke “mỉa mai” SPD thiếu thực tế, không có ý định lên nắm quyền khi có cơ hội để phất cờ (với Xanh và Tả Khuynh) nhưng cho đến nay SPD từ chối, không thay đổi ý định. Nhắc đến điều này để chúng ta hiểu rằng chính trị gia các chính đảng Đức vì họ hiểu khá rõ “bản chất của người cộng sản DDR” xưa cho nên đến nay các đảng CDU, SPD và Xanh vẫn bất hợp tác trên bình diện liên bang với Linke vì họ không tin tưởng “được người cộng sản, dù cũ hay mới, sau khi đã thay đổi tên đảng” ! Họ cũng có lối suy nghĩ chỉ là hiện tượng kiểu “bình mới, nhãn hiệu mới nhưng rượu thì cũ!” và sợ ảnh hưởng đến đường lối chính trị của nước Đức nói riêng, với quốc tế nói chung.
4)    Một khi Seehofer (CSU) quả quyết với ông ta không có chuyện tăng thuế thì thế nào cũng có trở ngại lớn giữa CDU với SPD hoặc Xanh vì đây là chủ trương của hai đảng này trong thời gian vận động bầu cử, chưa nói đến sự tranh chấp giữa Merkel và Seehofer !.
5)    Trong nhiệm kỳ 2005-2009, tuy SPD cùng CDU giải quyết mọi chuyện từ kinh tế, xã hội, ngoại giao, công ăn việc làm, học đường, năng lượng  .v.v… nhưng kết quả CDU hưởng hết và chua cay hơn họ không được sự chú ý cũng như ủng hộ của cử tri Đức (năm 2009 SPD chiếm 23% trong cuộc bầu cử quốc hội !). SPD sợ tình trạng này tái diễn.
6)    Những chính trị gia hàng đầu của SPD (trong đó có cả Steinbrueck và Gabriel) vì vậy không đồng ý cho giải pháp liên minh lớn. Elke Ferner, phó trưởng khối dân biểu của SPD tại quốc hội cho biết là đối với SPD hiện nay không có chuyện “Trật tư kiểu Merkel (Ordre de Mutti = Ordre de Mommy)” và hoàn toàn không có kiểu liên minh theo hình thức của CDU/CSU!. Nữ thống đốc tiểu bang Nordrhein-Westfalen (NRW), Hannelore Kraft bày tỏ sự hoài nghi cho một liên minh lớn giữa CDU + SPD. Và thống đốc SPD tiểu bang Schleswig-Holstein nhấn mạnh là sẽ không để cho CDU nhận được SPD với “mức giá giảm (Discount Preis= Discount Price)”.
7)   Thành viên Hội đồng lãnh đạo SPD, ông Ralf Stegner đánh giá sự trưng cầu ý kiến thành viên đảng về việc liên minh là đúng. Nếu lãnh đạo SPD không muốn nhưng đảng viên muốn là SPD bắt buộc phải cùng với CDU cầm quyền nước Đức thì đành chịu !
8)    Song song đó khi tôi đang gõ viết bài này thì ông Volker Kauder, trưởng khối nghị sĩ của CDU tại quốc hội Đức nói qua báo Welt am Sonntag rằng ông ta “dự kiến ​​theo ý riêng là chuyện đàm phán với SPD rất khó khăn”. Đồng thời Kauder cũng cảnh báo không nên nhượng bộ quá nhiều cho SPD trong các cuộc đàm phán sắp tới. Kauder nói tiếp: “Điểm khởi đầu cho cuộc đàm phán là chương trình chính phủ của chúng tôi (ý nói của CDU)”; SPD “không phải là đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua”,  cử tri Đức muốn có chính sách của Liên đảng !.
Còn nhiều chi tiết khác có thể ảnh hưởng đến việc thương thảo để thành lập liên minh chính phủ dưới sự lãnh đạo của bà Merkel nhưng bài viết có giới hạn nên tôi chỉ tóm lược những điểm chính. Từ đó chúng ta có thể hiểu và đoán ra được rằng sự thành lập một liên minh lớn (nếu có) lên cầm quyền Đức như 2005 giữa liên đảng CDU/CSU và SPD có lẽ không đơn giản. Ngay cả với đảng Xanh cũng thế.
Rõ ràng có khá nhiều dị biệt giữa ba đảng CDU, SPD và Xanh. Cho nên nếu trong trường hợp cả ba đảng vẫn khư khư giữ vững lập trường, đường lối chính trị của họ đã tuyên bố với cử tri trước khi bầu cử thì CDU sẽ không tìm được liên minh. Và như vậy chính trị Đức sẽ đi về đâu ???
Lá Thư từ Đức quốc khá dài rồi nên xin tạm dừng ở đây. Sẽ trở lại với quý độc giả nay mai với bài bình luận ngắn khác về sự kiện này và về FDP, nếu thời gian cho phép.
  • © Lê-Ngọc Châu (Munich, Chiều chủ Nhật 29.09.2013)
  • (Tài liệu tham khảo:  AFP, Spiegel Online, SZ, Yahoo-News)

0 comments:

Powered By Blogger