Lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một công trường của quân đội Bắc Triều Tiên (ảnh do KCNA công bố 27/05/2013)
REUTERS
Hôm qua 19/09/2013,Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ RAND Corp, một tổ chức bất vụ lợi, công bố bản phúc trình về tình hình Bắc Triều Tiên với nhận định : Chính quyền Kim Jong Un có dấu hiệu mất ổn định trong một giai đoạn. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng chế độ này có khả năng bị sụp đổ. Tác giả bản báo cáo, Bruce Bennett, một chuyên gia về quốc phòng cho rằng đây không còn là vấn đề « khi nào » hay là « nếu ».
Bản báo cáo liệt kê một loạt hệ quả nếu chính quyền Kim Jong Un sụp đổ : Từ khủng hoảng lương thực cho đến nội chiến tại quốc gia khép kín, nhưng có vũ khí sát hại hàng loạt . Rand Corp không loại trừ kịch bản chiến tranh với Trung Quốc.
Theo dự báo, tình hình Bắc Triều Tiên có thể suy thoái nhanh chóng. Trong điều kiện lương thực và thuốc men đang thiếu nghiêm trọng, một khi chế độ lung lay sẽ đưa đến phản xạ tích trữ nhu yếu phẩm, làm cho tình hình nguy ngập hơn. Nạn đói sẽ làm cho dân chúng bỏ nhà đi kiếm sống tạo ra một làn sóng tỵ nạn làm cho các giải pháp viện trợ nhân đạo, cứu đói khó có thể thực hiện. Rồi số phận của 200.000 tù nhân cải tạo sẽ ra sao ?
Trong tình thế này, quân đội và lực lượng an ninh có thể xung đột với nhau để bảo vệ trước nạn giành giựt lương thực. Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng kịp thì có nguy cơ xẩy ra nội chiến với những cuộc nổi dậy mang tinh chất cướp bóc, gây ra tình trạng bất ổn kéo dài, cản trở tiến trình thống nhất đất nước.
Do vậy, bản báo cáo đề nghị các biện pháp làm giảm bớt các hệ quả này: Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc cần phải có sẵn kế hoạch và phương tiện nhanh chóng vận chuyển lương thực thuốc men cho miền bắc. Nhưng điều quan trọng hơn hết là phải thuyết phục được cán bộ và binh sĩ Bắc Triều Tiên biết rằng họ sẽ được Hàn Quốc đối xử tốt, và có đời sống tươi sáng hơn trong một đất nước thống nhất. Có lẽ ý thức và lo ngại quân đội bội phản, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định người dân miền nam đói khổ gấp mười lần người dân miền bắc.
Về quân sự, quân đội Bắc Triều Tiên, với kho vũ khí hóa học, vi trùng và có thể có cả hạt nhân là một mối đe dọa lớn. Mỹ và Hàn Quốc cần phải can thiệp nhanh chóng để « kiểm soát » kho vũ khí này được cất giấu đó đây trên lãnh thổ.
Vấn đề là Trung Quốc cũng dự phóng khả năng này và sẽ đưa quân ra tay trước để « bảo vệ » các kho vũ khí chiến lược này và nhân đó « lấn chiếm một phần lớn lãnh thổ Bắc Triều Tiên » .
Nguy cơ quân đội Mỹ và Trung Quốc đụng nhau sẽ rất lớn, nhưng theo viện RAND Corp, thái độ của Bắc Kinh đang thay đổi trong thời gian gần đây và có thể mở đường cho đối thoại.
Cho đến nay, Trung Quốc ngần ngại thảo luận về khả năng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, vì không muốn mang tiếng « phản bội » đồng minh và vô tình làm tình hình Bắc Triều Tiên suy thoái thêm.
Bản báo cáo đề nghị Bắc Kinh và Washington cần phải thỏa thuận lập một đường ranh để quân đội hai bên không chạm mặt nhau. Đường ranh đó không lấn sâu quá 50 km kể từ dòng sông Áp lục, biên giới thiên nhiên Trung-Triều.
Một điểm đáng lo khác được nêu lên là quân số của Bắc Triều Tiên có thể đươc cắt giảm từ 22 sư đoàn xuống còn 12 sư đoàn vào năm 2022 vì sinh suất thấp. Bình Nhưỡng sẽ cân bằng quân số bằng cách nào ? Vũ khí hạt nhân ? Hay gia tăng lực lượng trừ bị ?
Trước câu hỏi chất vấn của báo chí về « xác suất » Bình Nhưỡng sụp đổ trong năm tới, chuyên gia Bruce Bennett trả lời là 2%. Tuy nhiên, ông lý giải, xác xuất này tuy thấp, nhưng vẫn còn cao hơn xác xuất « bị cháy nhà ». Biết vậy nhưng ai cũng mua bảo hiểm.
Cũng theo Bruce Bennett, tất cả các quốc gia trong khu vực đều lo âu chế độ Bình Nhưỡng tự tan rã. Một trong những kịch bản có xác suất cao nhất là Kim Jong Un bị ám sát.
0 comments:
Post a Comment