Tuesday, December 4, 2012

Việt Nam phản đối vụ tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02

Tàu Bình Minh 02, ảnh tư liệu lúc bị hai tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp vào ngày 26/05/2011.
Tàu Bình Minh 02, ảnh tư liệu lúc bị hai tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp vào ngày 26/05/2011.
REUTERS/Handout
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua, 03/12/2012, đã triệu đại diện sứ quán Trung Quốc đến để phản đối về việc tàu cá Trung Quốc cắt dây cáp của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 30/11.
Hôm qua, tức là bốn ngày sau khi xảy ra sự việc, Việt Nam mới lên tiếng tố cáo tàu cá Trung Quốc cắt đứt dây cáp của tàu Bình Minh 02. Theo tin báo chí chính thức, PVN đã phản đối việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 và kiến nghị các cơ quan chức năng « yêu cầu công dân Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn. » .
Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc làm đứt dây cáp. Ngày 26/5 năm ngoái, tàu này đang hoạt động trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn.
Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tuyên bố hành động nói trên của phía Trung Quốc, cũng như những hành động trước đó “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam”.
Theo báo chí trong nước, ông Trịnh Đức Hải, Vụ trưởng Ban Nghiên cứu chính sách biển, thuộc Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho biết là trong thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá của Trung Quốc (cao điểm có ngày lên tới 100 tàu ) vẫn gây cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị các lực lượng chức năng của Việt Nam đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi của phía Việt Nam.
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ hôm qua đã tuyên bố sẵn sàng điều chiến hạm đến Biển Đông để bảo vệ tập đoàn Nhà nước của Ấn Độ ONGC tham gia thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Khi được hỏi là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu Hải quân Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố là Bắc Kinh vẫn chống lại mọi hoạt động đơn phương khai thác dầu khí ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu các nước các liên hệ « tôn trọng quyền và lập trường của Trung Quốc ».

0 comments:

Powered By Blogger