Ba tôi là sĩ quan cảnh sát trưởng ban bài trừ tệ đoan xã hội (tương tự như police vice unit của Mỹ) của chế độ miền Nam [Việt Nam Cộng hoà - DCVOnline] ở Đà Nẵng. Tuy không làm việc gì liên quan tới “bài cộng sản” nhưng cũng phải vào tù 6 năm để “cải tạo thành con người mới XHCN”. Trong ký ức của tôi vẫn còn lờ mờ đọng lại hình ảnh về những lần đi “thăm nuôi” với mẹ tôi. Công nhận ai nghĩ ra cái từ này sao hay quá. Chỉ vỏn vẹn có hai chữ nhưng gói đầy ý nghĩa của “thăm” và của “nuôi”.
Tôi là con út, hồi đó mới 3, 4 tuổi gì đó nên vẫn hay được mẹ dắt theo vào thăm ba. Ba tôi bị giam đâu đó ở gần Bình Tuy. [Từ 1976, tỉnh sáp nhập với Ninh Thuận và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải.] Chiếc xe khách “Phi Long Tiến Lực” từ trung vào nam dừng lại Bình Tuy vào ban đêm trên đường quốc lộ hoang vắng. Trong hơi lạnh của sương đêm, mẹ bồng tôi lần mò theo ánh đèn dầu le lói kiếm tới nhà dân trong vùng xin tá túc. Tôi không nhớ là mẹ tôi có biếu họ gì không nhưng họ tiếp đón ân cần và hình như trong ánh mắt nảy lên sự cảm thông không tìm thấy được ở “bên thắng cuộc” vào lúc này. Nghỉ qua đêm trong căn nhà tranh vách đất, giữa ánh lửa nhen nhúm của mấy thanh củi sưởi ấm, nhưng vẫn ấm áp tình người ở vùng thôn quê chất phác. Hình như đa số dân quê ở đây làm rẫy hay đốn củi và rành đường lối ra vào rừng nên sáng sớm mẹ tôi cũng nhờ họ dẫn đường vào tới trại tù.
Trại tù nằm lọt thỏm ở trong rừng sâu và không hiểu có phải vì lý do an ninh hay sao mà chẳng có bảng tên chỉ dẫn đường đi lối về. Mẹ con tôi gia nhập vào đoàn người lũ lượt đi vào sâu trong rừng để gặp những người thân yêu xấu số của “bên thua cuộc”. Những con đường đất mòn quanh co dẫn vào trại tù giữa rừng nhìn không khác gì nhau làm bà con phải tìm cách để lại dấu vết (tôi chỉ còn nhớ một trong những cách đó là bẻ lá bên đường) trở lại đường cái đón xe ra về. Có lần mẹ con tôi không hiểu sao không ra về cùng lần với đoàn người, bị lạc giữa rừng cuối cùng mò ra được quốc lộ phải chạy trối chết (đúng hơn là chỉ có mẹ tôi chạy đèo theo cái cục nợ bên hông là tôi) mới bắt kịp xe khách vừa chuyển bánh. Tôi lon ton đi theo mẹ vào trại tù mà cứ ám ảnh sợ rắn cắn.
Vì còn quá nhỏ nên ký ức về những lần gặp ba tôi không còn đọng lại nhiều ngoài những giọt nước mắt của ba mẹ tôi, những cái ôm hôn như không muốn rời xen lẫn trong tiếng hối thúc mau trở về trại của “các đồng chí trong ban quản giáo”, và cảm giác của những sợi râu bạc (tuy chưa già) và cứng của ba tôi để lại trên má. Và cũng vì còn quá nhỏ nên vẫn ham ăn (hay là vì quá thiếu thốn) và nhớ tới mùi thơm của thức ăn bốc ra từ những lon “Guigoz”. Kỷ niệm về những lần thăm nuôi đó cũng làm tôi nhớ lại người cậu ruột đã mất, được coi là “thành phần thứ ba”, vì mẹ tôi luôn sẵn dịp này vào thăm ông ở Saigon. Nhưng tôi sẽ dành dịp khác để viết về người cậu mà tôi rất cảm phục này.
Những nấm mồ của người tù cải tạo (Suối Ô Mai) Nguồn ảnh: OnltheNet
Những gì viết về “cải tạo” (hay đúng hơn là tù khổ sai) và “thăm
nuôi” của tác giả Huy Đức trong “Bên thắng cuộc” thì tôi một là đã chứng
kiến hay hai là đã nghe qua. Tuy nhiên cũng cám ơn tác giả đã viết lại
cho những người chưa từng được nghe hay cảm nhận. Nó cũng làm tôi ân
hận là đã không tập trung gì mấy khi nghe ba tôi kể về cuộc sống trong
tù của ông khi còn ở Việt Nam. Qua câu chuyện của ông, tôi chỉ còn nhớ
tới những công việc lao động quá mức như đốn và vác những cây tre thật
dài trên đôi vai thiếu ăn. Nhớ tới sức bền bỉ chịu đựng của những người
tù có lúc phải sống bằng cây cỏ và côn trùng. Nhớ tới lòng tin của ông
với chuỗi lần hạt tự chế trong tù bằng một vòng tròn nhỏ bằng nhôm đập
dẹp với mười ngấn. Nhớ tới câu chuyện vui buồn của ông kể về đời sống
lao tù. Việc đi tiểu tiện phải báo cáo và việc anh em trong tù đã nghĩ
ra cách chơi khăm cán bộ khi nói “báo cáo cán bộ tôi đi… cán bộ nắm”
(nắm bắt triệt để chớ chả chơi!) Việc những người bạn tù vuợt ngục bị
bắn tại chỗ hoặc tử hình sau đó. Những khó khăn khốn cùng của thân
nhân người đi tù để lặn lội kiếm tiền “thăm nuôi” thì gia đình tôi cũng
đã trải qua. Mẹ tôi với luơng giáo viên cấp 1 phải bán đổ bán tháo tất
cả đồ đạc trong nhà (còn sót lại của tư sản) để sống qua ngày. Nếu ba
tôi không được thả ra sau 6 năm mà lâu hơn nữa như những người khác
thì không biết gia đình tôi sẻ đi về đâu. Ba tôi đích thật vẫn là trụ
cột của gia đình.Thanh Tran
————————————-
Nguồn: Hồi tưởng của “bên thua cuộc”. Thanh Tran. Facebook 14/12/2012. DCVOnline đề tựa, hiệu đính và minh hoạ.
0 comments:
Post a Comment