Ông Löning (giữa) cùng bà Đại sứ Đức Jutta Frasch trong cuộc thảo luận với các đại diện của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.
Giới chức đặc trách về nhân quyền của chính phủ Đức, ông Markus
Löning, mới có chuyến thăm Hà Nội và TP HCM để hội đàm và tìm hiểu thêm
về tình hình chính trị, nhân quyền ở Việt Nam. Sau khi trở về nước, ông
Löning đã ra một tuyên bố, nói rằng những người chỉ trích Hà Nội không
được phép gặp ông và ông cũng không được phép tới thăm một nhà tù theo
dự kiến. Từ TP HCM, ông Löning đã dành riêng cho VOA một cuộc phỏng vấn,
và trước hết, ông cho biết về tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền
trong mối bang giao Việt – Đức.
Ông Markus Löning: Đức rất quan tâm tới việc cải thiện
quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi có mối bang giao lâu năm cả về chính trị
lẫn văn hóa với Việt Nam. Ở Đức cũng có rất nhiều người gốc Việt nên
giữa hai nước còn có mối quan hệ mang tính gia đình. Hai bên ngày càng
gia tăng các mối giao tiếp về mặt kinh tế. Tất cả những mặt tôi vừa kể
đều rất tốt đẹp, nhưng Đức quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam mà
chúng tôi cho là rất lẫn lộn. Chúng tôi thấy có một số tiến bộ về các
vấn đề như lương thực, chống đói nghèo, nhưng lại không có tiến bộ về
quyền chính trị.VOA: Ông có nêu với phía chính quyền Hà
Nội các trường hợp cụ thể về các nhà bất đồng chính kiến bị tống giam ở
Việt Nam không, thưa ông?
Ông Markus Löning: Tôi đã gặp một số nhà hoạt động.
Không chỉ họp với giới chức chính phủ, tôi còn gặp các nhà hoạt động từ
nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau. Tôi cũng gặp những người từng bị
tống giam vì các hoạt động chính trị. Tôi cũng gặp thân nhân của những
người hiện vẫn còn bị cầm tù. Tôi cũng tiếp xúc với những người từ các
cộng đồng tôn giáo để trao đổi với họ về hình hình hiện tại. Chúng tôi
cũng đã trao cho chính quyền Việt Nam một danh sách gồm từ 70 tới 80 tên
khi chúng tôi yêu cầu thả tù nhân và bày tỏ quan ngại về tình trạng các
nhà tù. Chúng tôi cũng yêu cầu được giải thích là tại sao những người
đó bị tống giam. Tôi chỉ chuyển cho họ danh sách đó chứ không nêu tên cụ
thể bất kỳ ai. Chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực về mặt
chính trị nhằm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thả các tù nhân chính
trị.
VOA: Thưa ông, thế phản ứng của phía Việt Nam ra sao?
Ông Markus Löning: Tôi nhận được các phản ứng khác
nhau. Không có sự hồi đáp thực sự khi chúng tôi thảo luận về định nghĩa
quyền tự do ngôn luận, về sự khác biệt giữa cách nhìn của Việt Nam và
Đức về vấn đề này. Chính phủ Đức rất coi trọng vấn đề nhân quyền và đó
chính là một trong những lý do tôi tới Việt Nam để nhấn mạnh điều đó.
VOA: Hoa Kỳ từng cho rằng Việt Nam cần phải cải
thiện nhân quyền nếu muốn tăng cường các mối quan hệ thương mại và quốc
phòng sâu rộng hơn. Thưa ông, đó có phải là cách tiếp cận của Đức không?
Ông Markus Löning: Chúng tôi có cách tiếp cận tương
tự. Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế Đức đã tới Việt Nam.
Đặc biệt là mới đây, trong một bài phát biểu tại một trường đại học ở Hà
Nội, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã công khai nêu lên quan ngại của ông về
quyền tự do cá nhân ở Việt Nam. Trong các cuộc họp, tôi cũng nhấn mạnh
với các đối tác Việt Nam rằng để cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai
nước, điều hết sức cần thiết là phải cải thiện tình hình nhân quyền ở
Việt Nam.
VOA: Sau chuyến thăm Việt Nam lần này, liệu ông có cảm thấy lạc quan rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện?
Ông Markus Löning: Tôi đã thấy một số sự cải thiện
trong một số lĩnh vực, đặc biệt là quyền kinh tế và xã hội. Tôi không có
nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng chúng tôi thấy rõ ràng rằng chính phủ
Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện vấn đề tôn giáo,
quyền chính trị, tự do ngôn luận, và vấn đề đa nguyên. Tôi tin rằng sẽ
còn có nhiều áp lực nữa đối với Việt Nam trong những năm sắp tới vì cộng
đồng quốc tế thấy được ví dụ của Miến Điện. Nước này đã lột xác từ một
chế độ độc tài sang một quốc gia tự do hơn và tôn trọng nhân quyền hơn.
Không có lý do nào có thể biện minh cho việc không trao cho người dân
Việt Nam quyền tự do ngôn luận.
Nguồn: VOA’s Interview
0 comments:
Post a Comment