Thursday, April 2, 2015

Ý kiến: Nên thay xà cừ và hoa sữa HN


Nguyễn Quảng - Gửi bài từ Milton Keynes, Anh Quốc
30 tháng 3 2015



Hà Nội đang cho thay cây ở một số tuyến phố với số cây dự định thay là cỡ 6700 cây, chiếm cỡ 17% toàn bộ cây xanh trên hè đường ở Hà Nội.
Nhân dân đang phản đối và đi diễu hành cuối tuần cùng với những biểu ngữ thương cây, vậy chúng ta thử phân tích môt chút về cây xanh hè phố và xin chú ý lần này, Hà Nội chỉ cho thay cây hè phố chứ không động đến cây ven hồ hay công viên.
Thực tình, những nhà buôn bán có cây to chặn cửa rất khó chịu về cây, họ ghét cây vì ngoài lý do phong thủy (cản vượng khí vào nhà) cây to còn choán hết vỉa hè là nơi kinh doanh, không đưa được ô tô vào nhà và rễ cây làm méo mó cả hè phố.
Thường thì họ giết cây bằng cách đốt, lột vỏ cây ở gốc, đổ xi măng bịt kín rễ, hay đổ axít vào cây hay chôn một bình ắc quy dưới gốc. Phần lớn cây bị ép chết là xà cừ.
Cây xà cừ hay còn gọi là cây sọ khỉ, TP Hồ Chí Minh đã cấm trồng loại cây này cùng với 27 loài khác, lý do cây xà cừ rễ chùm phát triển nhanh phá hỏng mặt đường, hè phố và các công trình ngầm.
Ở Hà Nội, cây xà cừ đã phát triển nhanh và rất to, đường kính thân lên đến cả mét và chiếm hoàn toàn vỉa hè vốn đã chật hẹp, những cành xà cừ to như cột đèn vươn ra trên phố, và vì là cây, thì xu hướng thân và cành vươn ra giữa đường để đón nắng là đương nhiên, thành ra tất cả những cây xà cừ đều cong và nghiêng ra lòng đường.
Khi mưa to, những cây xà cừ to là tên giết người thực thụ và chuyên nghiệp, gần như năm nào ở Hà Nội cũng có một hay vài người bị cây xà cừ đổ đè chết trong mùa giông bão.
Rõ ràng, cây xà cừ ở công viên thì chả vấn đề gì, vì không ai ra công viên trong bão, nhưng ở đường phố thì lại là vấn đề khác, dân Hà Nội luôn đông kín đường phố dù bão hay không.
Những cây xà cừ đường kính thân trên 400 mm ở Hà thành thì vì lí do an toàn, người viết thấy cần thay hết vì quá nguy hiểm cho dân, những cần lao làm ăn kiếm tiền trên đường phố.
Những bạn đang biểu tình giữ cây, tôi tin các bạn cũng sợ khi buộc phải ra khỏi nhà khi mưa to gió lớn vì những cây xà cừ quá to mà rễ chùm đã không có đủ đất bám luôn có nguy cơ đổ ụp xuống đầu.

Mùi rất nặng




Ngoài cây xà cừ cần chặt, theo tôi một loại cây nữa cũng cần, đó là cây hoa sữa.
Cây hoa sữa thì chỉ đẹp trong nhạc và thơ, một anh nhạc sĩ đã viết, “Hoa sữa, vẫn ngọt ngào, đầu phố đêm đêm…”
Anh nhạc sĩ này rõ ràng đang ở cuối phố hay giữa phố, anh mới thấy hoa sữa ở đầu phố thoang thoảng, hóa hay, chứ nếu anh ở đầu phố, tôi chắc anh không thể viết được như vậy, bởi bản thân hoa sữa hết sức hắc và nặng mùi, giống như mùi của quả sầu riêng, người ngửi được bảo ngon, người chịu không ăn nổi vì mùi của nó.
Tất cả những người có cây hoa sữa trước cửa đều kêu như vạc khi nó ra hoa, mùi hoa sữa đậm đặc gây nhức đầu, hoa mắt và chảy nước mũi.
Thành phố Nha Trang đã phải thay hoàn toàn hơn 1.000 cây hoa sữa trên 53 tuyến phố, vì người dân đồng loạt kêu cứu khi nhận ra họ bị lừa, mùi hoa sữa không hề thơm như trong thơ và nhạc.
Hà Nội đã phải chặt bỏ 228 cây hoa sữa và thay bàng cây Mỡ Vàng Tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh vì lí do tương tự, các bạn phản đối chặt cây, nhà có lẽ không nằm trên phố này.
Và sau khi một phố chặt bỏ cây xà cừ, những cây già, cây mối mọt, những nhà quy hoạch nhận ra nếu giữ những cây còn lại thì không thể hài hòa và đồng bộ, vậy chặt toàn bộ là cần thiết để trồng lại một hàng cây khác mà trăm cây như một.
Hàng cây mới đủ chuẩn là không to quá và rễ cọc (rất khó đổ khi bão) tán không quá to (cản tầm nhìn của lái xe và camera quan sát) mùi hoa nhẹ nhàng không hại sức khỏe và không quá cao che đi mĩ quan kiến trúc khác.
Nhiều bạn cũng tâm tư tiền chặt một cây lên đến 36 triệu là quá nhiều.
Tôi có anh bạn sống ở ven London, anh phải trả 2900 bảng Anh (cỡ 100 triệu VND) để thợ đến cắt một cây đường kính 60 cm sát gốc (không đào rễ).
Vậy giá 36 triệu để chặt một cây đường kính cả mét không có gì cao theo tôi, nhất là họ phải trốc tận phần gốc nằm chìm dưới đất.
Nhiều báo nói họ “lén lút” chặt và thay cây về đêm, nhưng theo luật Hà nội, nhưng ô tô to chỉ được vào thành phố sau 9h đêm và phải có giấy phép của cảnh sát giao thông, trước giờ này xe tải bị cấm hoàn toàn, vậy họ phải làm đêm chứ không hề lén lút.
Anh Phạm Viết Đào đã có bài lo về cây sưa (một loại cây có giá tiền tỷ một cây) bị chặt, nhưng theo những gì tôi đọc thì không hề có cây sưa nào bị chặt, những cây sưa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Rất nhiều bạn trong đoàn biểu tình kêu gọi giữ cây, nhất là những cây cổ thụ vì những hàng cây già nua đã gắn bó với họ cùng nhiều kỉ niệm đẹp.
Nhưng thời đó đã xưa rồi, đó là vài chục năm trước, khi chúng còn nhỏ và an toàn, bây giờ, cây đã già, cao, hết tuổi trời và tiểm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi mùa bão đến.
Với những bạn giữ cây, tôi hiểu các bạn đang giữ một Hà Nội xanh với những hàng cổ thụ và cố gắng chiến đấu vì một môi trường xanh, các bạn hoàn toàn có lí khi lo sợ mùa hè đến mà không có bóng râm trên đầu.
Nhưng hãy cố chịu đựng vài năm, những cây nhỏ mới trồng không thể có lá ngay, hãy nghĩ xa hơn cho 5 năm kế, các bạn và con cháu bạn có thể yên tâm đi trong bão mà không sợ cây đổ vào đầu.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của blogger Nguyễn Quảng, từ Milton Keynes, Anh Quốc. Bạn đọc có ý kiến khác nhau về chủ đề cây xanh tại Hà Nội xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi.
*******
Phản biện bài chặt cây của Nguyễn Quảng

Blogger Phạm Viết Đào - Gửi cho BBC từ Hà Nội
2 tháng 4 2015



Blogger Phạm Viết Đào bên một cây sưa được 'bảo vệ bằng giây thép gai' ở Bách Thảo hồi đầu tháng 3/2015.
Sau khi đọc bài viết trên mục diễn đàn của BBC, bài "Ý kiến: Nên thay xà cừ và hoa sữa Hà Nội" của Nguyễn Quảng, tôi xin có vài điều trao đổi lại với tác giả như sau.
Trong bài viết này, bạn Nguyễn Quảng nói:
”Thực tình, những nhà buôn bán có cây to chặn cửa rất khó chịu về cây, họ ghét cây vì ngoài lý do phong thủy (cản vượng khí vào nhà) cây to còn choán hết vỉa hè là nơi kinh doanh, không đưa được ô tô vào nhà và rễ cây làm méo mó cả hè phố…
Bạn Nguyễn Quảng còn đề cập tới một loạt phản tác dụng của việc trông cây xà cừ bên hè phố như: rễ chùm, phá huỷ mặt đường, hè phố và các công trình ngầm, chiếm vỉa hè chật hẹp, cành vươn ra cong nghiêng dễ gây tại nạn giao thông, “có một hay vài người bị cây xà cừ đổ đè chết trong mùa giông bão”…
Từ những dữ liệu trên bạn, Nguyễn Quảng cho rằng:”Những cây xà cừ đường kính thân trên 400 mm ở Hà thành thì vì lí do an toàn, người viết thấy cần thay hết vì quá nguy hiểm cho dân, những cần lao làm ăn kiếm tiền trên đường phố…”
Không chỉ riêng chuyện trồng cây hè phố mà bất cứ chủ trương, chính sách nào do nhà nước ban hành không riêng gì của Việt Nam đều có “mặt trái “, mặt khuyết nhược của nó; không có chủ trương nào là hoàn hảo tuyệt đối…
Tôi tán thành ý kiến của bạn là không nên tiếp tục trồng cây xà cừ trên hè phố Hà Nội với những lý do như bạn nêu, nhưng tôi không tán thành ý kiến của bạn ủng hộ chủ trương của Hà Nội đem chặt bỏ hết cây xà cừ, vì như thế sẽ gây nên tác động sinh thái tới môi trường Hà Nội.
Điều bạn nói có một phần cơ sở nhưng tôi chỉ xin phản biện lại ý kiến như sau:
Với 1 thành phố như Hà Nội hơn 7 triệu dân (nội thành theo ước tinh khoảng 3 triệu ) nếu cả mùa mưa bão chết một vài người, trong khi đó theo Phó Giám đốc Sở Giao thông & Vận tải Hà Nội cho biết:”
"Ngày 16/12/2014 tới ngày 14/2/2015 xảy ra tổng số 71 vụ tai nạn giao thông làm 69 người chết, 15 người bị thương…” thì số người bị tai nạn trong cả mùa mưa bão chưa phải là mặt trái quá xấu, đáng báo động và cấn cấp tốc chặt 6.700 cây vỉa hè Hà Nội?
Trong khi đó mặt tích cực của cây xanh và cây xà cừ nói riêng đó là: độ thích nghi với thổ nhưỡng cao nên cây xanh tốt, phát triển nhanh, tán lá rộng độ che phủ lớn;
'Người cầm đèn thúc xe'
Bạn thấy những hàng cây chò chỉ, một giống cây quý, một loại cây mang nhiều biểu tượng chính trị cao siêu thế nhưng khi được đem trồng dọc đường Hùng Vương (nơi có lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã gần 40 năm rồi mà không bằng cây xà cừ 10 tuổi ? Do đó mà ý nghĩa chính trị của nó không gặt hái được bao nhiêu…



Hai cây sưa nằm trên đường Nguyễn Trãi-Hà Đông; ảnh tác giả chụp trước khi đoạn đường này 'chưa bị chặt hạ hết cây.'
Tôi tán thành ý kiến của bạn là không nên tiếp tục trồng cây xà cừ trên hè phố Hà Nội với những lý do như bạn nêu, nhưng tôi không tán thành ý kiến của bạn ủng hộ chủ trương của Hà Nội đem chặt bỏ hết cây xà cừ, vì như thế sẽ gây nên tác động sinh thái tới môi trường Hà Nội.
Về việc này, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành uỷ Hà Nội, đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng Hà Nội:
“Không trồng thêm xà cừ dọc tuyến phố nhưng không được chặt phá hàng loạt cây xà cừ”, vì mặt tiêu cực của nó gây mất an toàn giao thông chưa tới mức báo động; Trong khi đó nếu chặt một lúc 6.700 cây trong đó có hàng trăm cây xà cừ có tuổi xấp xỉ trăm năm, dăm bảy chục năm thì sẽ tác động xấu tới môi trường ra sao?
Sự hiện diện của 6.700 cây đã có tác động tích cực tới môi trường Hà Nội là chủ yếu, mặt tiêu cực chưa tới mức báo động, còn việc trồng 6.700 cây thay thế này chưa có phương án khả thi nào đáng tin cậy… Còn trường hợp bất khả kháng có cây nào sắp đổ, tác động trực tiếp tới giao thông thì việc chặt bỏ là việc làm thường nhật của cơ quan chức năng Hà Nội, nào ai có ý kiến gì!
Việc trồng cây trên vỉa hè Hà Nội không đơn giản như bạn viết: ”Các bạn muốn giữ cây hãy cố chịu đựng vài năm, những cây nhỏ mới trồng không thể có lá ngay, hãy nghĩ xa hơn cho 5 năm kế, các bạn và con cháu bạn có thể yên tâm đi trong bão mà không sợ cây đổ trên đầu…”
Tôi cho rằng ý kiến của bạn giống như người cầm đèn thúc, khuyến khích chiếc ô tô đã bị tuýt còi dừng, lao chạy tiếp.
'Chặt cây ta khác tây?'
Bạn Nguyễn Quảng viết:
Nhiều bạn cũng tâm tư tiền chặt một cây lên đến 36 triệu là quá nhiều. Tôi có anh bạn sống ở ven London, anh phải trả 2900 bảng Anh (cỡ 100 triệu VND) để thợ đến cắt một cây đường kính 60 cm sát gốc (không đào rễ). Vậy giá 36 triệu để chặt một cây đường kính cả mét không có gì cao theo tôi, nhất là họ phải trốc tận phần gốc nằm chìm dưới đất…”
"Việc so sánh chặt một cây ở Hà Nội 36 triệu VND là còn rẻ chán nếu so với ở Luân Đôn 2.900 bảng tương đương với 100 triệu VNĐ nếu chỉ căn cứ vào con số là không chính xác?"
Bạn Nguyễn Quảng có biết lương của thợ chặt cây tại Hà Nội là bao nhiêu không: khoảng 200 bảng Anh/tháng; như vậy một cây xà cừ được thanh toán 36 triệu bằng ít nhất 6 tháng lương đấy; như vậy so với mặt băng Hà Nội trả như vậy là khá cao…



Những cây sưa trong vường Bách Thảo được bảo vệ sơ sài, chứ không phải bằng các phương tiện hiện đại, theo tác giả Phạm Viết Đào.
Tôi không rõ lương của thợ chặt cây của Luân Đôn bao nhiêu nhưng theo tôi nghĩ ở Luân Đôn nếu trả 2.900 bảng cho việc chặt một cây thì cái giá đó là bình thường so với thu nhập của người Anh… Vì lương tối thiểu của người Anh chắc phải gấp mươi, mười lăm lần lương tối thiểu người Việt (100 bảng Anh/tháng.)
Chưa kể thợ Hà Nội khi nhận 36 triệu đồng để chặt một cây, thì họ nghiễm nhiên chia nhau đút túi mà không phải đóng một xu tiền thuế nào; còn thợ Anh thì còn phải đóng thuế không?
'Bằng chứng của bạn đâu?'
Bạn Nguyễn Quảng viết tiếp:
“Anh Phạm Viết Đào đã có bài lo về cây sưa (một loại cây có giá tiền tỷ một cây) bị chặt, nhưng theo những gì tôi đọc thì không hề có cây sưa nào bị chặt, những cây sưa được bảo vệ nghiêm ngặt…”
Làm sao bạn ở Anh biết rằng ở Hà Nội chưa có cây sưa nào bị chặt trong số hàng trăm cây bị chặt vừa rồi? Chắc bạn dựa vào thông tin báo chí cùng như thông tin của cơ quan chức năng Hà Nội?
Làm sao bạn ở Anh biết rằng ở Hà Nội chưa có cây sưa nào bị chặt trong số hàng trăm cây bị chặt vừa rồi? Chắc bạn dựa vào thông tin báo chí cùng như thông tin của cơ quan chức năng Hà Nội?
Ngay tổng số cây bị chặt thì số lượng vẫn còn chưa thống nhất: báo Năng lượng Mới đưa con số 2.000, Phó Chủ tịch Hà Nội đưa con số trên 500 cây, còn lãnh đạo Công ty Một Thành viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã thông tin với báo chí rằng riêng đoạn đường Nguyễn Trãi-Hà Đông chặt 520 cây, chưa tính đơn vị khác chặt trên các tuyến Nguyễn Chí Thanh và các tuyến đường khác.
Khi tôi cảnh báo chuyện chặt sưa là cảnh báo về phạm vi cả chiến dịch chặt thay 6.700 cây; may mắn chiến dịch này bị dừng rồi.
Còn bằng chứng về cây sưa thì tôi còn tấm ảnh chụp một khúc đường Nguyễn Trãi-Hà Đông có hình ảnh hai cây sưa; hiện hai đoạn đường này đã bị chặt trụi…
Còn những cây sưa trên địa bàn Hà Nội thì không được bảo vệ nghiệm ngặt đâu như bạn nói; Cùng lắm thì người ta quấn vào gốc vài vòng dây thép gai chứ không được gắn chip hay cài đặt thiết bị báo động, camera như các nước khác.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà văn, blogger đang sinh sống tại Hà Nội. Các hình ảnh và chú thích là của tác giả.

0 comments:

Powered By Blogger