Warsaw- Trong các xã hội lịch sử, tất cả mọi sự đều được quyết định
trong quá khứ. Tất cả nghị lực, tình cảm, say mê của họ đều hướng về quá
khứ, đều dành cho việc thảo luận lịch sử, cho ý nghĩa lịch sử. Họ sống
trong vương quốc của huyền thoại và nòi giống lập quốc. Họ không thể nói
về tương lai vì ở họ tương lai không gợi lên niềm say mê như lịch sử.
Họ là dân tộc hoàn toàn lịch sử, sinh ra và sống trong lịch sử của những
đấu tranh, phân chia và xung đột lớn. Họ giống như người cựu binh già.
Tất cả những điều ông ta muốn nói toàn là về những trải nghiệm thử thách
lớn lao chất chứa bao tình cảm sâu đậm khiến ông không bao giờ có thể
quên được.
Tất cả những xã hội lịch sử đều sống với gánh nặng làm lu mờ tâm hồn,
trí tưởng tượng của họ. Họ phải sống đắm mình trong lịch sử; nhờ lịch sử
họ thể hiện mình. Nếu họ mất lịch sử, họ mất bản sắc của họ. Lúc đó họ
sẽ không chỉ vô danh. Họ sẽ không còn tồn tại. Quên lịch sử là quên
chính mình- một sự bất khả về sinh học và tâm lý. Lịch sử là vấn đề sinh
tồn.
Tuy nhiên, để tạo ra giá trị mới, xã hội cần phải có tâm hồn trong sáng
để cho phép xã hội sẽ tập trung vào làm điều gì đấy nhắm vào tương lai.
Đây là bi kịch các xã hội lịch sử đang mắc phải.
Mỹ, ngược lại, là một quốc gia may mắn. Mỹ không có vấn đề với lịch sử.
Tinh thần Mỹ là mở rộng vào tương lai. Là xã hội trẻ, Mỹ có thể đầy sáng
tạo khi không có gánh nặng lịch sử đè nó xuống, giữ chặt chân nó, trói
chặt tay nó lại.
Nguy cơ đối với Mỹ, và nguy cơ đối với cả thế giới, là rằng sự phát
triển của Mỹ rất năng động và sáng tạo đến mức Mỹ sẽ là một thế giới
hoàn toàn khác trên cùng hành tinh này. Mỗi ngày, Mỹ đang tạo ra càng
lúc càng nhiều những yếu tố của nền văn minh hoàn toàn mới, càng ngày
càng tách xa nền văn minh của thế giới còn lại. Khoảng cách này không
chỉ là vấn đề của cải và kỹ thuật, mà còn là vấn đề tinh thần.
Địa vị cùng sự ngự trị của nước Mỹ năng động và sự tê liệt của các xã
hội lịch sử - đây là vấn đề lớn cho tương lai của nhân loại. Khác với
viễn cảnh tất cả chúng ta đều tưởng cách đây 20 năm, thế giới hiện không
hội tụ, mà tản mác ra như những thiên hà.
Khi tôi lần đầu tiên đến châu Phi cách đây 30 năm, tôi có thể bắt gặp
nền nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và y học cũng hơi hiện đại. Ít nhiều cũng
tương tự như châu Âu sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Ngày nay, ngay cả những gì còn sót lại từ chủ nghĩa thực dân ở châu Phi
cũng hư hỏng dần đi. Chẳng có cái gì mới được xây dựng nên. Trong khi
ấy, Mỹ đang tiến vào không gian mạng.
Sau Thế chiến thứ Hai, tại các nước Thế giới thứ Ba đã có sự giác ngộ ý
thức lớn lao. Đặc biệt đối với châu Phi và châu Á, chiến tranh đã chứng
minh rằng các mẫu quốc, như Anh hay Pháp, có thể bị đánh bại. Các trung
tâm quyền lực trên thế giới cũng chuyển từ Đức, Nhật và từ các đế quốc
Pháp và Anh sang Hoa Kỳ và Liên Xô – những nước vốn không phải là các
cường quốc thực dân truyền thống. Những biến chuyển này đã thuyết phục
những người trẻ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc tại các nước Thế giới thứ Ba
rằng họ có thể giành được độc lập.
Cuộc đấu tranh giành độc lập có ba giai đoạn. Đầu tiên là các phong trào
giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các nước châu Á rộng lớn nhất. Ấn Độ
đạt được độc lập năm 1947 và Trung Quốc năm 1949. Thời kỳ này chấm dứt
bằng Hội nghị Bandung năm 1955, tại đây triết học chính trị đầu tiên của
Thế giới thứ Ba, tức phi liên kết, đã ra đời. Triết học này được các
nhân vật đầy màu sắc của thập niên 1950 cổ vũ – Nehru của Ấn Độ, Nasser
của Ai Cập, Sukarno của Indonesia.
Đặc trưng cho giai đoạn thứ hai, trong thập niên 1960, là niềm lạc quan
mãnh liệt. Chính trong thời kỳ này, phong trào giải phóng thuộc địa lan
nhanh nhờ lấy triết học phi liên kết làm kim chỉ nam. Năm 1964, 14 nước
châu Phi giành được độc lập.
Đến giai đoạn thứ ba, khởi đầu vào thập niên 1970, niềm lạc quan mãnh
liệt ấy vốn đi cùng với sự khai sinh của các quốc gia bắt đầu tiêu tan.
Niềm tin rằng độc lập dân tộc tất nhiên có nghĩa là độc lập kinh tế và
độc lập văn hoá đã chứng tỏ là một khái niệm ảo tưởng và hoàn toàn không
thực tế.
Giai đoạn thứ tư được khai màn bởi cuộc cách mạng Iran năm 1979, ra đời
như là phản ứng đối với những nỗ lực phát triển đầy lạc quan. Bản chất
kỹ thuật của các giá trị hiện đại và các kế hoạch công nghiệp trong thời
kỳ đầy lạc quan ấy đã bỏ qua khía cạnh cực kỳ quan trọng của các xã hội
lịch sử, tức các giá trị truyền thống về đạo đức và tôn giáo. Các xã
hội lịch sử truyền thống không chấp nhận lối sống mới này vì họ cảm thấy
lối sống ấy đe dọa đến phần cơ bản nhất trong bản sắc của họ.
Chẳng hạn, du nhập nhanh chóng kỹ thuật vào Iran lại bị những người Iran
coi đó là một sự lăng nhục đối với một dân tộc có văn hoá truyền thống
lâu đời. Vì họ không thể học kỹ thuật nên họ cảm thấy xấu hổ. Sự lăng
nhục này gây ra phản ứng rất dữ dội. Người dân Iran gần như phá huỷ các
nhà máy đường do các chuyên gia người Âu xây dựng bởi vì họ cảm thấy rất
phẫn nộ. Vì du nhập từ bên ngoài, họ cảm thấy kỹ thuật được cài vào để
thống trị họ. Thay đổi diễn ra quá nhanh nên họ không thể nào chấp nhận
được thay đổi.
Đông đảo quần chúng Iran đi theo giáo chủ Ayatollah Khomeini nhận thấy
rằng những kế hoạch kinh tế hoành tráng của Shah và các cố vấn tây hoá
của ông không đủ để đưa họ lên đến cõi trên, hay lên đến thiên đường. Vì
thể họ lại càng nhấn mạnh nhiều vào các giá trị cũ hơn. Người dân núp
đằng sau các giá trị cũ này để bảo vệ mình. Những truyền thống cũ và tôn
giáo cũ là nơi trú ẩn an toàn duy nhất bày sẵn cho họ.
Hôm nay chúng ta thấy phản ứng diễn ra trên khắp thế giới Hồi giáo thể
hiện qua các phong trào tôn giáo và cảm tính chỉ mới là sự khởi đầu.
Cuộc cách mạng Iran đã mở ra một thời kỳ mới trong các nước Thế giới thứ
Ba – thời kỳ giải phóng thuộc địa về văn hoá. Nhưng cuộc phản cách mạng
này không thể thành công. Bởi lẽ nó không sáng tạo mà chỉ chống đỡ. Nó
vẫn còn định hình bởi những gì nó kháng cự. Tất yếu nó sẽ dẫn đến sự tê
liệt. Trong khi ấy, Mỹ đang di chuyển ở tốc độ ánh sáng tương đối.
Không có gì sẽ thay đổi trừ phi các xã hội lịch sử học để sáng tạo, học
để tạo ra cuộc cách mạng tinh thần, cách mạng thái độ, cách mạng tổ
chức. Nếu họ không huỷ diệt lịch sử, thì lịch sử nhất định huỷ diệt họ.
Ryszard Kapuscinski (1932-2007) là nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn
cầu. Trước khi CNN ra đời, ông đã đến tận những nơi heo hút của Thế giới
thứ Ba để cảm nghiệm và ghi chép. Từ đấy một loạt tác phẩm nổi tiếng ra
đời như Shah của Shahs, Hoàng đế, hay Chiến tranh Túc cầu.
Nguồn: Tạp chí NPQ số mùa Đông năm 2002
_______________________________________
* Bài dịch được đăng lần đầu tiên trên trang mạng Talawas vào ngày 26/10/2010.
0 comments:
Post a Comment