Iris Vinh Hayes, Ph.D.
Tôi
đã sinh ra và trưởng thành trên một đất nước mà tôi thường xuyên nghe
từ miệng của những người lớn chung quanh nào là “đừng có dính vô chính
trị mà khổ thân” hoặc “ai làm chính trị thì kệ họ đi” hoặc “học theo 3
cái tượng kia kìa, bịt mắt, bịt tai, bịt miệng lại!” hoặc “thật thà như
vậy thì không nên dính vào chính trị” hoặc “làm chính trị phải gian
hùng, phải thủ đoạn, phải ác độc” hoặc “chính trị rất dơ bẩn không phải
là chỗ cho người hiền đức” vân vân… Nói tóm lại là những bài học tôi
được người lớn dạy bảo có thể tóm gọn trong vài chữ: hãy tránh xa chính
trị.
Những
nhận xét của họ không phải là không đúng với sự thật. Nhưng không may,
chúng chỉ là những sự thật của một xã hội đã chìm ngập quá lâu trong
bóng tối. Những khuyên răn của họ không phải là không có lý. Nhưng buồn
thay chúng chỉ là cái lý của những người đã bị dìm quá lâu trong nếp
sống vong thân.
Thế
nào là vong thân? Vong thân là khi tự thân đã đánh mất chính mình, đã
không thể có được sự tự chủ và tự do, đã không được quyền làm người, đã
không được sống như là một con người đúng nghĩa, đã trở thành vô cảm
trước những diễn biến chung quanh. Trong môi trường như vậy thì làm sao
mà không khổ, làm sao mà kẻ xấu ác không hoành hành, làm sao mà chính
trị không dơ bẩn, làm sao mà người hiền không bị bóp chết.
Câu
hỏi quan trọng là: ai đã dung dưỡng những thứ xấu ác đó, ai đã để cho
bóng tối áp bức tiếp tục phủ trùm lên đất nước, ai đã tiếp tay cho nếp
sống vong thân?
Không
cần biết ai đã tạo ra những thứ xấu ác, không cần biết ai đã áp đặt
những thứ xấu ác, không cần biết ai đã duy trì những thứ xấu ác, có một
điều chắc chắn là CHÍNH TÔI ĐÃ DUNG DƯỠNG NHỮNG THỨ XẤU ÁC ĐÓ; CHÍNH TÔI
ĐÃ ĐỂ CHO BÓNG TỐI PHỦ TRÙM ĐẤT NƯỚC; CHÍNH TÔI ĐÃ TIẾP TAY CHO NẾP
SỐNG VONG THÂN. Vâng, chính là tôi, một con dân của tổ quốc. Chính là
tôi, một thành viên của xã hội. Chính là tôi, một tác nhân của môi
trường sống.
Tại sao có thể là như vậy? Rất đơn giản. Tại vì là:
KHI
IM LẶNG TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU XẤU ÁC, TÔI ĐÃ TRỰC TIẾP ĐỒNG LÕA. KHI CAM
CHỊU CÚI ĐẦU TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU XẤU ÁC, TÔI ĐÃ TRỰC TIẾP KHUYẾN KHÍCH.
KHI TRÁNH XA CHỖ DIỄN RA NHỮNG ĐIỀU XẤU ÁC, TÔI ĐÃ TRỰC TIẾP MỞ RỘNG.
Khi
mà đại đa số công dân đều chỉ biết im lặng khuất phục trước độc tài
chuyên chế, trước tham nhũng lũng đoạn, trước trấn lột cưỡng đoạt, trước
dối gian bưng bít, trước gian ngoa xảo quyệt, trước khủng bố bạo hành,
trước bất chính bất minh, trước tham lam tráo trở thì thử hỏi làm sao
đất nước không đầy dẫy độc tài chuyên chế, tham nhũng lũng đoạn, trấn
lột cưỡng đoạt, dối gian bưng bít, gian ngoa xảo quyệt, khủng bố bạo
hành, bất chính bất minh, tham lam tráo trở???
Khi
mà đại đa số quần chúng đều chỉ biết tránh xa chính trị để mặc tình cho
kẻ xấu ác hoành hành thì thử hỏi làm sao nền chính trị của quốc gia
không dơ bẩn, không xấu xa, không ác độc, không tà đạo, không chuyên
chế, không nằm trong tay của bọn đầu trâu mặt ngựa???
Khi
mà mỗi cá nhân không dám xác lập quyền lực của chính mình để tạo ra sức
mạnh cộng hưởng giúp xác lập quyền lực của toàn dân thì thử hỏi làm sao
một đảng cầm quyền không thao túng, không tự ngồi trên cả luật pháp,
không ngang nhiên vơ vét tài nguyên của đất nước, không hút nạo máu mỡ
của bá tánh, không khủng bố những tiếng nói đối lập, không đối xử tàn tệ
với đồng bào ruột thịt hơn cả những kẻ ngoại bang đô hộ thuộc địa???
Sống
trong một quốc gia, dầu muốn hay không muốn thì mỗi người dân trong
quốc gia đó cũng đã tự nhiên tham gia vào nền chính trị của đất nước
rồi. Chỉ có điều là tham gia để biến quốc gia đó thành một quốc gia lý
tưởng, thành một nơi chốn đáng sống cho mỗi người và mọi người bằng cách
tích cực xác lập quyền lực của người dân qua hành động cụ thể, hay là
tham gia để biến quốc gia đó thành địa ngục trần gian bằng cách im lặng,
cúi đầu và lánh xa. Phải, tôi không ngại lập lại một lần nữa, “im lặng, cúi đầu, lánh xa” là cách tham gia chính trị để biến một đất nước thành địa ngục.
Mãi
cho tới ngày hôm nay tôi vẫn phải nghe từ miệng của những người chung
quanh những lời tương tự, cũng với hàm ý “hãy tránh xa chính trị.” Nhiều
thế hệ trước đã bị đầu độc với những lời khuyên vô trách nhiệm này. Thế
hệ đương đại đang bị “mang niềng kim cô” với cụm chữ đầy răn đe này.
Nếu không có sự thay đổi về nhận thức thì có lẽ những thế hệ mai sau
cũng sẽ không khá hơn. Tôi thực sự ưu phiền và lo lắng. Với một tấm lòng
vì tiền đồ của dân tộc, tôi xin mạn phép được hét to để mọi người, mọi
thế hệ –trước kia, ngay bây giờ và mai sau– và mọi giai tầng của đất
nước cùng nghe về một sự thật đơn giản:
KHÔNG
CÓ MỘT CÔNG DÂN NÀO SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC CỦA MÌNH CÓ THỂ TRỐN LÁNH THAM
GIA CHÍNH TRỊ, CHỈ CÓ SỰ CHỌN LỰA THAM GIA CHÍNH TRỊ BẰNG THÁI ĐỘ NÀO MÀ
THÔI.
Những
đồng bào của tôi ơi, nhất là những người trẻ trong nay mai sẽ phải kê
vai nâng cả một gánh sơn hà, xin đừng để cho kẻ xấu ác tiếp tục khủng bố
bằng cụm chữ răn đe “hãy tránh xa chính trị.” Cũng đừng để cho những kẻ
ươn hèn vô trách nhiệm nhồi sọ cả một thế hệ rường cột với cụm chữ “hãy
tránh xa chính trị” để biến thành kẻ vô trách nhiệm như họ.
Sự
nhẫn nhục nào cũng phải có giới hạn. Khi mạng sống của dân đã bị coi
thua súc vật, khi tài sản của dân đã bị tước đoạt dễ như lấy đồ trong
túi, khi tôn nghiêm của dân đã bị chà đạp quá đáng thì GIỚI HẠN CỦA SỰ
NHẪN NHỤC ĐÃ BỊ PHÁ VỠ. Đã đến lúc mọi người cần phải đứng lên cùng nhau
tham gia vào nền chính trị của đất nước một cách tích cực và cụ thể để
tái lập một cơ chế điều hành đất nước của dân, do dân và cho dân. Đã đến
lúc mọi người cần phải đứng lên cùng nhau tham gia vào nền chính trị
của đất nước một cách tích cực và cụ thể để tái lập một xã hội văn minh
và thiện đức.
Ở
thời điểm lịch sử này toàn dân đang có cơ hội để giành lại NHÂN QUYỀN
VÀ DÂN QUYỀN đã bị tước đoạt trong nhiều năm qua, hãy tham gia để XÁC
LẬP QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN BẰNG CHÍNH SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN và nói cho
ĐCSVN biết rằng DÂN LÀ CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC NÀY chứ không phải họ.
Hãy
tham gia với quyết tâm “KHÔNG KHOAN NHƯỢNG CÁI XẤU ÁC” nhưng KHÔNG ĐỂ
BỊ Ô NHIỄM BỞI HẬN THÙ. Hãy tham gia với MỘT TÌNH THƯƠNG LỚN và CHO MỘT
ƯỚC MƠ LỚN.
Con
đường mà chúng ta cùng đi để XÁC LẬP QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN BẰNG CHÍNH
SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN chắc chắn là không bằng phẳng, nếu không muốn nói
là có thể phải hy sinh cả tánh mạng. Trên con đường đó, chúng ta tuyệt
đối không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực; tuyệt đối không
thể để hận thù dẫn chúng ta vào con đường lập lại sai lầm lịch sử mà
chính chúng ta đã từng là nạn nhân; tuyệt đối không thể để sự sợ hãi
biến chúng ta thành lũ người xấu ác mà chính chúng ta đang lên án họ.
Những cái không thể này không phải là những ý nghĩ “lãng mạn trong đấu
tranh” mà là một “tính toán chính lược” sẽ quyết định xác suất thành bại
của một cuộc cách mạng, trong đó có cả nỗ lực kiến tạo một quốc gia lý
tưởng sau khi quật ngã được chế độ độc tài. Như tôi đã từng nói trong
bài Bát Chánh Kiến Cho 1001 Ghonim Của VN: Chỉ có tình thương lớn mới
chuyển hóa được tâm thức con người và đưa cá nhân, chủng tộc, nhân loại
vượt lên trên mọi dị biệt để hình thành một môi trường sống dung nạp
hơn, phồn thịnh hơn, nhân bản hơn và an ninh hơn.
Hãy
dùng chính cái sức mạnh chúng ta có được mà họ không có để thắng. Họ có
sức mạnh của bạo lực, chúng ta có sức mạnh của biển người phản kháng
bất bạo động. Họ độc tài chuyên chế, chúng ta biểu dương dân chủ tự do.
Họ khinh bạc nhân dân, chúng ta có lòng thành kính thể hiện qua sự tôn
trọng nhân quyền và dân quyền. Họ tàn nhẫn với dân đen, chúng ta có lòng
từ mẫn thể hiện qua sự quan tâm và tương trợ. Họ chà đạp sĩ phu và trí
thức, chúng ta tôn trọng lắng nghe dù là tiếng nói đối lập. Họ bán nước
cầu vinh, chúng ta sắt son với tiền nhân giữ nước và dựng nước. Họ bịt
mắt thiên hạ, chúng ta có thông tin và sự thật. Họ có ĐCSVN, chúng ta có
toàn dân trong đó bao gồm cả cảnh sát, quân đội và CNV của bộ máy hành
chánh. Họ có được ngọn roi của kẻ cầm quyền, chúng ta có được áo giáp
lương tâm, và nhiệt tình của toàn nhân loại trên thế giới. Họ sử dụng
cương thi XHCN để tiếp tục phủ bóng tối lên đất nước, chúng ta mang
quang huy của mặt trời chân lý “sống như con người” chiếu sáng khắp hang
cùng ngõ hẹp. Họ chỉ có một kết quả duy nhất là phải đầu hàng trước sức
mạnh của toàn dân, chúng ta có một chọn lựa đúng đắn là sẽ ôm vào vòng
tay tất cả những người đã qui phục trước sức mạnh của dân. Họ chắc chắn
sẽ tan rã, chúng ta chắc chắn sẽ có 1001 Ghonim của Việt Nam bước ra từ
dân để hoàn thành ý nguyện của dân thứ ý nguyện đơn giản mà thiêng
liêng: MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC SỐNG NHƯ MỘT CON NGƯỜI.
Đã
đến lúc mọi người cần phải đứng lên cùng nhau tham gia vào nền chính
trị của đất nước một cách tích cực và cụ thể để tái lập một cơ chế điều
hành đất nước của dân, do dân và cho dân. Đã đến lúc mọi người cần phải
đứng lên cùng nhau tham gia vào nền chính trị của đất nước một cách tích
cực và cụ thể để tái lập một xã hội văn minh và thiện đức. Và cho những
ai còn e ngại, sao không thử bắt đầu với trách nhiệm nhỏ nhất như tác
giả Nguyễn Ngọc Già đã viết trên Dân Luận: “Mỗi lần chúng tôi gặp nhau
hàn huyên, tôi và anh ấy luôn nói về tình hình chính trị – xã hội, tôi
cũng hay chia sẻ những bài viết của mình với anh ấy. Ban đầu anh ấy ngại
ngùng và có vẻ lảng tránh, dần dần (sau cả năm trời) anh ấy bớt thái độ
né tránh và quan tâm hơn. Tôi dấn thêm bước nữa, đề nghị anh ấy đọc bài
của tôi, anh ấy bảo: “tôi yêu đất nước này, và cũng rất đau đáu với
những bất công đầy rẫy trong xã hội, nhưng có lẽ tôi không có lý tưởng
như anh”, tôi trả lời: “không, đó không phải là lý tưởng, đó là trách
nhiệm của chúng ta. Anh cứ coi như, trách nhiệm của tôi là viết, trách
nhiệm của anh là đọc và truyền bá cho những người chung quanh. Hãy bắt
đầu từ trách nhiệm nhỏ nhất”, và anh ấy đồng ý.”
Xin đừng tránh xa chính trị!
Iris Vinh Hayes, Ph.D.
Đàn Chim Việt
----------------
----------------
Ý kiến độc giả:
Có ai nói rằng lửa là xấu và nước là tốt ? Có ai nói rằng luật pháp trừng trị là xấu mà tình thương tha thứ mới là tốt ?
Trong
thực tế, những cái chúng ta cho là XẤU đó thường rất hữu ích là thực
dụng, chỉ cần dùng lương tâm, khôn ngoan và công bằng để thi hành thì
cái mà ta cho là xấu đó sẽ trở nên rất hữu ích cho xã hội con người.
Hẳn
quý vị ghét lửa khi thấy nó thiêu rụi làng mạc trong một cơn hỏa hoạn,
nhưng nếu biết kiềm chế và xữ dụng lửa thì nó trở nên vô cùng hữu ích và
cần thiết cho cuộc sống. Không có lửa thì lấy gì ta nấu ăn, không có
lửa thì làm sao kỷ nghệ có thể làm ra những vật dụng bằng kim khí cho
chúng ta xử dụng hằng ngày ?
Trừng
phạt và diệt những thành phần nguy hại cho xã hội yên bình là một hành
động mà trong thiên nhiên đang thi triển. Trong cơ thể con người, luôn
luôn có sự diệt khử những thành phần lạ xâm nhập vào dòng sinh hoạt của
các tế bào, không có sự chống trả và chiến đấu của các bạch huyết cầu để
bảo vệ cho cơ thể thì con người chắc chắn chết.
Quan
niệm đem tình thương xóa bỏ hận thù, lấy nhu thắng cương chỉ có thể áp
dụng được trong một xã hội mà mọi thành phần đều có lương tâm cao độ.
Nhưng cuộc đời không phải vậy, con người chưa được trưởng thành cho nên
không phải ai cũng có được lương tâm để biết tránh xa những điều tai
hại cho xã hội, phần đông đều có những bất toàn cho nên thường phá hoại
xã hội hơn là đóng góp xây dựng, những thành phần này cần được giáo hóa,
và nếu quá ngoan cố thì cần phải bị cô lập hoặc tiêu diệt. Nếu đem áp
dụng phương pháp “tình thương xóa bỏ hận thù” không đúng chỗ thì đó là
một hành động phá hoại. Trong thế giới côn trùng, có những loài kiến
không có thị giác, chúng làm việc dưới sự hướng dẫn của những thủ lỉnh
tài giỏi, tên kiến thợ nào mãi chạy sai đường thì bị thủ lỉnh cắn đứt
đầu ngay để cho các con khác không lạc đường theo nó.
Thiết
nghĩ chưa phải lúc thích hợp để rao truyền những lý tưởng quá cao siêu
cho con người và khuyên họ nên xóa bỏ phương thức trừng trị. Xóa bỏ hận thù trong lòng thì đúng, nhưng không nên xóa bỏ biện pháp trừng trị (mà phần đông cho là phát xuất từ hận thù). Pháp luật không hận thù ai, nhưng nó vẫn phải trừng trị kẻ có tội để bảo đảm an bình và trật tự cho loài người.
JB Trường Sơn
0 comments:
Post a Comment