Thanh Phương - RFI
18-04-2015
18-04-2015
Hình ảnh cuộc tập trận chung Mỹ Philippines mang tên Balikatan 2014.Reuters
Kể
từ ngày 20/04/2015, hàng ngàn binh lính Mỹ và Philippines sẽ tham gia
các cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày, thể hiện một liên minh quân sự
chặt chẽ hơn giữa hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc đe dọa ngày càng
nhiều các nước trong khu vực.
Đây
thật ra là những cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ với đồng minh
Philippines, nhưng năm nay, số binh lính tham gia nhiều gấp đôi so với
năm ngoái, tức là tổng cộng hơn 12 ngàn lính của cả hai bên, một dấu
hiệu cho thấy hai nước đang mở rộng quan hệ đối tác chiến lược.
Trong
khuôn khổ các cuộc tập trận chung mang tên Balikatan ( Vai kề vai ),
vào thứ ba tới, quân đội hai nước sẽ tập đổ bộ từ một căn cứ hải quân,
chỉ cách 220 km bãi cạn Scarborough mà Manila khẳng định chủ quyền,
nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ năm 2012.
Manila
hiện đang cần được Mỹ yểm trợ nhiều hơn về mặt ngoại giao và quân sự để
đối phó với những hành động ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm xác
quyết chủ quyền của họ tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Trả
lời phỏng vấn hãng tin AFP vào tuần trước, tổng thống Philippines
Begnino Aquino tuyên bố rằng việc quân đội hai nước sát cánh bên nhau
tác chiến sẽ tạo ra một tác động răn đe đối với bất cứ thực thể nào, cho
dù đó là một quốc gia hay là các thành phần Hồi giáo cực đoan.
Nhưng
ông Aquino nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines không
nhắm vào Trung Quốc, rằng đó là những cuộc thao dược quân sự thường
niên, nhưng ông nói nhiều đến những gì mà Manila trông chờ vào đồng minh
Hoa Kỳ. Vào tuần trước, Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng đã cho
biết là Phillippines sẽ yêu cầu Washington gia tăng trợ giúp để đối phó
với Trung Quốc.
Trong
cuộc phỏng vấn với AFP, tổng thống Aquino đã cảnh báo là thế giới nên
lo ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách đây vài ngày
chính tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã bày tỏ mối quan ngại này, chỉ
trích Bắc Kinh lợi dụng vị thế nước lớn và sức mạnh của mình để o ép các
nước khác.
Cho
tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định Trung Quốc có chủ quyền trên các vùng
đang tranh chấp ở Biển Đông, cho nên, đối với họ, những lời chỉ trích về
công trình cải tạo, bồi đắp các đảo ở Trường Sa là « không có cơ sở ».
Về phần Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chính sách của tổng thống Obama « xoay trục sang châu Á »,
đang gây dựng lại sự hiện diện quân sự ở Philippines, nơi mà Washington
đã duy trì các căn cứ quân sự cho đến đầu thập niên 1990.
Mỹ
và Philippines đã ký hiệp ước phòng thủ từ năm 1951 và vào năm ngoái đã
ký một hiệp ước khác cho phép có thêm binh lính Mỹ đến Philippines,
nhưng hiệp ước này còn phải chờ được Tòa án Tối cao của nước này phê
chuẩn.
0 comments:
Post a Comment