Sunday, April 5, 2015

Công nhân thức tỉnh chính là lời cảnh tỉnh đối với chế độ

Làn sóng đình công rầm rộ vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 của hàng vạn công nhân Sài Gòn đã tạo nên một chiến thắng lịch sử. Lần đầu tiên, các cuộc phản kháng ôn hoà đã buộc giới lãnh đạo CSVN phải ‘xuống nước’, chấp thuận kiến nghị sửa đổi luật bảo hiểm xã hội chỉ mới vừa được quốc hội thông qua.  

Bất chấp những lời hứa hẹn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phong trào đình  công vẫn được tiếp nối tại các tỉnh lân cận Sài Gòn như Bình Dương, Tiền Giang, Long An… Điều này cho thấy rõ sự bất lực của chế độ CSVN trước sức mạnh của số đông công nhân thức tỉnh.
 
Bước tiến mới.

Ông Trần Ngọc Thành 
Từ nước Áo, ông Trần Ngọc Thành – chủ tịch Liên đoàn Lao Động Việt Tự do (Lao Động Việt) nhận định đây là một bước tiến mới về nhận thức của người lao động Việt Nam.

“Từ trước đến nay, tại Việt Nam đã có trên 5 ngàn cuộc đình công, nhưng hầu hết vẫn là mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ, tập trung chủ yếu vào các vấn đề lương thưởng và điều kiện lao động… Thực chất, nguyên nhân sâu xa vẫn là do chế độ CS với chủ trương bóc lột người lao động.

Trong các cuộc đình công kéo dài từ cuối tháng 3 đến nay, giới công nhân đã nhận thức rõ thủ phạm gây ra sự bất công chính là giới lãnh đạo CSVN. Do đó, sự thức tỉnh của những người công nhân đã tạo áp lực lớn, buộc chế độ phải thay đổi những chính sách ở tầm quốc gia”, ông Trần Ngọc Thành nói. 

Là người dành trọn cả cuộc đời để đấu tranh cho quyền lợi công nhân Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành kỳ vọng các sự kiện vừa qua sẽ tạo nên sức mạnh và vị thế mới đối với hàng chục triệu người lao động cả nước.

“Lâu nay, chế độ CSVN vẫn coi khinh những người lao động. Tất cả những chính sách về quyền lợi, phúc lợi đưa ra đều không đếm xỉa gì đến người lao động. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc quốc hội CSVN dễ dãi thông qua luật bảo hiểm xã hội mà không hề đếm xỉa gì đến ý kiến, nguyện vọng của hàng triệu lao động Việt Nam.

Một khi công nhân đã thức tỉnh thì đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho chế độ. Sự kiện vừa qua cho thấy lực lượng công nhân Việt Nam đã ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn”, ông Trần Ngọc Thành nhận định.

Dù thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết sẽ kiến nghị quốc hội sửa luật bảo hiểm, nhưng các công nhân vẫn tỏ ra hoài nghi khiến đình công tiếp diễn ở nhiều nơi. Đây cũng là minh chứng cho sự trưởng thành của phong trào đấu tranh cho quyền lợi công nhân Việt Nam.

Triển vọng mới

Nhìn chung, các cuộc đình công, biểu tình vừa qua tại Sài Gòn đều diễn ra một cách trật tự và ôn hoà, dù không ai đứng ra tổ chức. Thậm chí khi bị CA đàn áp bắt bớ, các công nhân cũng chỉ phản ứng chừng mực bằng cách phá rào để giải vây cho đồng đội. Điều này được thể hiện rõ qua các video do nhóm phóng viên Lao Động Việt ghi nhận tại hiện trường.

Dù vậy, tất cả các cuộc đình công từ trước đến nay đều bị nhà cầm quyền CSVN coi là bất hợp pháp vì không do công đoàn nhà nước tổ chức. Trên thực tế, các công đoàn này không hề đại diện cho quyền lợi công nhân,  mà thậm chí còn tiếp tay cho chế độ để kiểm soát và phản bội người lao động.

Trong sự kiện vừa qua, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là ông Đặng Ngọc Tùng còn ra lời kêu gọi công nhân ngưng đình công và đổ lỗi cho các ‘thế lực thù địch’. Là một uỷ viên trung ương đảng cộng sản, ông Đặng Ngọc Tùng không hề đứng về phía công nhân mà chỉ biết bảo vệ cho chế độ.



Chị em công nhân PouYuen rượt đuổi dân phòng để giải vây cho các đồng nghiệp đang bị đàn áp. Video: Lao Động Việt.

Trong khi đó, hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam luôn bị chế độ CS đàn áp mạnh tay. Nhiều thành viên của Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do (Lao Động Việt) hiện đang bị kết án nặng từ 7-9 năm tù giam như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương...

Bất chấp hoàn cảnh bị đàn áp, các thành viên Lao Động Việt vẫn tiếp tục bí mật hoạt động để hỗ trợ công nhân.  

Trong 7 ngày đình công liên tiếp vừa qua tại nhà máy Pou Yuen (Sài Gòn), nhóm phóng viên Lao Động Việt đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và gửi đi những bản tin, hình ảnh, video rất có giá trị.

Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch Lao Động Việt trình bày quan điểm: "Từ khi thành lập vào năm 2006 đến nay, tiêu chí của Uỷ ban bảo vệ Người Lao Động và Lao Động Việt vẫn luôn luôn hỗ trợ công nhân nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Một thực tế là giới công nhân hiện nay không có tổ chức đại diện chính đáng bảo vệ quyền lợi cho họ. Do đó, bất chấp hoàn cảnh bị đàn áp và bắt bớ, Lao Động Việt luôn hỗ trợ người công nhân đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng”

Theo ông Trần Ngọc Thành, tất cả những bất công ảnh hưởng đến đời sống người công nhân đều có chung một nguyên nhân là do những chính sách từ giới lãnh đạo cộng sản. Khi quyền lợi bị xâm phạm, người công nhân có quyền tranh đấu ôn hoà.

Các cuộc đình công với sự hưởng ứng của hàng trăm ngàn người đã cho thấy tình đoàn kết và sức mạnh tập thể. Hơn ai hết, người cộng sản biết rõ chế độ của họ sẽ xụp đổ nếu chống lại công nhân. Đây cũng chính là một lời cảnh tỉnh cho họ.

Kết quả thành công như trên đã mở ra nhiều triển vọng mới đối với phong trào dân chủ Việt Nam. Công nhân và những người lao động là lực lượng không thể bỏ qua trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Do đó, sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào lãnh vực công nhân là rất cần thiết.

“Không thể có tự do nếu không có đoàn kết. Công cuộc đấu tranh cho dân chủ phải gắn liền với đời sống người dân, đặc biệt là những người lao động. Làm được điều này, chúng ta sẽ đạt được kết quả nhanh chóng và tốt đẹp hơn’’, ông Trần Ngọc Thành nhấn mạnh.

0 comments:

Powered By Blogger