Saturday, April 4, 2015

Đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ cả cây xanh và bố láo!

“Xuân xưa, bác Hồ của đảng ta nêu gương diễn trồng từng gốc cây con con. Xuân qua, các đời lãnh đạo đảng và chính quyền ta noi gương bác diễn trồng từng gốc cây xồn xồn. Xuân nay, nội trong vài ngày các đồng chí đã vẻ vang cấp tập trảm đồng loạt 2.000 cây, đại đa số là cổ lai hy tráng kiện - chứng nhân lịch sử của ‘Thủ đô văn vật anh hùng’. Vậy từ nay, mỗi độ xuân về, nên chăng tiếp tục kích động phong trào Tết trồng cây?”.

*

Cây xanh mà biết nói năng,
Tập đoàn đầy tớ hàm răng chẳng còn.
Núi sông mà biết nỉ non,
Con Hồng, cháu Lạc hết đường phân bua!
Xót xa nói mấy cho vừa,
Xót xa nói mấy cho vừa xót xa! - (Ca dao thời xã nghĩa)

*

Lời nói đầu: Những phát biểu mang vỏ bọc đối thoại (giữa ngoặc [ ]) trong bài này đều được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tin tức trên mạng thuần lề đảng. Người soạn chỉ chịu khó đọc kỹ, ghi chép, tổng hợp, biên tập lại đó đây chút đỉnh theo ‘biện chứng pháp Marx’ thành một buổi ‘Mê hồn luận’ về cuộc thảm sát đồng loạt hàng ngàn cây xanh cổ thụ tại Hà Nội trong tháng 3 năm 2015 vừa qua. Cũng có thể liệt buổi ‘mê luận’ này như một ghi nhận, tăng thêm tí tí bản chất khuất tất, lấp liếm, lẹo lời, bất nhất, tráo trở, bao che, đùn đẩy, đổ thừa, hứa nhăng, ti tiện, tiểu nhân, bố láo, ngậm máu phun người của tập đoàn lãnh đạo chóp bu nắm quyền trên suốt quê hương ta nói chung, trước mỗi sự kiện tiêu cực ảnh hưởng đến nhân quần xã hội, gây tổn thất khôn lường cho xứ sở từ vật chất đến tinh thần, nhất là tinh thần trong vụ tàn sát thậm man rợ cây xanh lần này. 

Bài sau sẽ ‘mê luận’ tới phương diện kinh tế về lượng gỗ ‘khùng’ thu hoạch từ chiến dịch CXHN 3-2015, đồng thời so sánh đặc tánh cây Vàng tâm với cây Mỡ và giá trị kinh tế của mỗi loại; bấy giờ mới thẩm thấu là có hay không âm mưu ‘treo đầu dê, bán thịt chó’của nhóm lợi ích tại Hà Nội. Nói thì nghe, làm cho thấy mới tin.

Trăm sự nhầy nhụa canh hẹ, theo tôi, cũng tự cái cơ chế Dân chủ tập trung (= đảng chủ), Trách nhiệm tập thể (= vô trách nhiệm) mà ra. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: cá nhân nào giỏi gập lưng, khéo bẻm mép lọt vào mắt xanh bề trên nào đó, được cơ cấu bồng lên làm lãnh đạo trong cái gọi là cơ chế xã nghĩa quang vinh này cũng hưởng nhiều cái sướng, “sướng nhất là ăn bẩn, ỉa đùn mà vẫn cứ thơm cứ sạch và dân trí cứ (buộc phải) ca ngợi…”(1) là đương sự mãn đời tinh luyện vì Đất nước, vì Nhân dân. 

*

Trần Đăng Tuấn – Nhà báo, Ts chuyên ngành Truyền hình, cựu Phó Tổng giám đốc VTV: [Người dân không phản đối chuyện chặt bất cứ cây nào ở Hà Nội. Nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như:

- Cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn;

- Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống;

- Do phải mở đường để đảm bảo giao thông

thì chắc không ai có ý kiến khác. Hãy thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét lại. Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình.].

Nguyễn Thế Thảo – Tiến $ĩ Kiến Trúc $ư, Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội: [Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ. Hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc thay thế cây xanh này! Thành phố cũng lựa chọn loại cây to, tươi tốt, không phải loại cây định mức mấy trăm nghìn đồng theo đơn giá như trước.

Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội: [Chặt cây là đúng chủ trương, đúng quy trình, đúng pháp luật.].

Nguyễn Thịnh Thành – Chánh Văn phòng, Phát ngôn viên Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội: [Hầu hết Nhân dân đồng thuận, ủng hộ] việc chặt cây.

Nhà báo A: Nhân dân thủ đô đã được trưng cầu ý kiến về dự án này vào lúc nào? Các nhà khoa học chuyên ngành có được góp ý hay không? Dựa vào cơ sở nào mà quí vị lãnh đạo thành phố biết dự án này “được rất nhiều đơn vị ủng hộ”, “hầu hết Nhân dân đồng thuận, ủng hộ”?

Nguyễn Lân Dũng – Gs-Ts, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam: [Nếu giao cho chúng tôi nghiên cứu xem trồng cây gì trên các tuyến phố Hà Nội hay tuyến phố nào, trồng cây gì, chúng tôi đủ chuyên gia để có ý kiến nhưng tại sao chúng tôi không được hỏi bao giờ... Hà Nội coi thường các nhà khoa học. Các nhà khoa học giỏi đều tập trung ở thủ đô nhưng những chuyện lớn thế này, chúng tôi không bao giờ được hỏi.].

Phan Đăng Long – Tiến $ĩ chuyên ngành Văn hoá học, Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: [Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì (!?)].

Nhà báo B: Vậy, cụ thể là chuyện chặt cây kỳ này đã có cuộc tham khảo ý dân chưa, thưa các đồng chí lãnh đạo chính quyền?

Phan Đăng Long: [Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác. Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân, thành phố có cả kế hoạch tổng thể và rất nhiều ban ngành tham gia. Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi.].

Nhà báo C: Thưa các đồng chí lãnh đạo chính quyền và quí vị tham gia buổi ‘mê luận’ này. Đây không phải là một cái cây, mà là sinh mạng của 6.700 cây xanh có tuổi đời từ 60 đến hàng 100 năm! “Vẻ đẹp của Hà Nội đâu chỉ ở nhà cửa, đường sá mà còn ở cây cối”. Hà Nội được mệnh danh là Thủ đô xanh là nhờ vào số cây lâu năm đó. Cùng là lãnh đạo trong một địa phận, lại cùng một dự án mà Chủ tịch Thảo và Chánh văn phòng Thành nói một kiểu, còn Phó trưởng tuyên giáo Long nói một cách, dân biết lối nào mà lần, dân biết nghe, tin ai? Xem ra đồng chí Long quên khẩu hiệu truyền thống của đảng ta: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng chí quên luôn đồng chí là đầy tớ, ăn lương từ nghĩa vụ đóng thuế cao cả của ông bà chủ là Nhân dân. Đầy tớ không hỏi chủ thì hỏi ai? Nhưng không sao, đây cũng chỉ là khẩu hiệu như chán vạn khẩu hiệu khác khắp nước ta. Hàng mẫu, để chưng, không bán. Khẩu hiệu cũng là một cách biểu hiện, cũng là Nói. Mà chế độ ta lừng danh là “Nói với Làm 2 đàng trái ngược, vốn xưa nay vẫn được múa hoài”.

Nhà báo D: Có bao nhiêu cây xanh đã bị chặt hạ ở nội đô Hà Nội?

Nguyễn Thế Thảo & Nguyễn Quốc Hùng: Mới chặt được có 500 cây thôi, ‘một bộ phận không nhỏ’ lại sâu bệnh, mọt mục! 

Cây Xà cừ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi. Thịt thà đỏ au thế này mà đã là cây mục ruỗng, sâu bệnh?

‘Một bộ phận không lớn’ cổ thụ đốn từ con đường đẹp nhất VN Nguyễn Chí Thanh (có 382 cây) được tập trung tại bãi Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm! Ruột gan thế này mà người ta đoạn lòng bức tử! Ảnh Nhị Tiến.

Nguyễn Như Phong – Đại tá Tổng biên tập báo Petrotimes: Các đồng chí [đã chặt phăng 2.000 cây cổ thụ xanh, khoẻ! Còn như cái ông quan chức nào vừa mở miệng ra bảo “chính quyền làm không cần phải hỏi dân”, thì cũng nên cho ông ta đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy? Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức!].

Nguyễn Lân Dũng: [Tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến những gốc cây to bằng cả vòng tay bị chặt phẳng lì trên nhiều con phố ở Hà Nội những ngày qua. Lãnh đạo Hà Nội nói đây không phải là chiến dịch chặt cây, nhưng rõ ràng đây là chiến dịch được thực hiện rất cấp tập, làm nhanh hơn cả lâm tặc. Nếu chặt đi 6.700 cây của Hà Nội thì sẽ chặt 1/7 lượng cây của thành phố này. Một cái đầu mà rụng mất 1/7 lượng tóc thì bộ mặt sẽ thay đổi rất nhiều. Tôi nghĩ cái đầu tôi giờ mất 1/7 tóc thì như hói.].

Nhà báo A: Thảo nào Nhân dân thủ đô chẳng đã kháo nhau “Bây giờ cái gì cũng phải cảnh giác. Lâm tặc đã về tới Hà Nội”.

Nguyễn Lân Hùng – Gs, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam, em trai Nguyễn Lân Dũng: [Chặt thay thế cây xanh ở Hà Nội là bình thường. Tôi tin Hà Nội làm đúng, chủ trương là đúng. Nhưng có vẻ cách làm của các cấp, Sở ngành chưa thấu đáo.].

Nhà báo E: Hai anh em giáo sư có 2 nhận định bất đồng, cũng là thường tình. Xuân xưa, bác Hồ của đảng ta nêu gương diễn trồng từng gốc cây con con. Xuân qua, các đời lãnh đạo đảng và chính quyền ta noi gương bác diễn trồng từng gốc cây xồn xồn. Xuân nay, nội trong vài ngày các đồng chí đã vẻ vang cấp tập trảm đồng loạt 2.000 cây, đại đa số là cổ lai hy tráng kiện - chứng nhân lịch sử của ‘Thủ đô văn vật anh hùng’. Vậy từ nay, mỗi độ xuân về, nên chăng tiếp tục kích động phong trào Tết trồng cây? (2).

Trần Tuấn Việt – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng VPBank, một trong những nhà tài trợ: [Tôi xin nhấn mạnh là VPBank tài trợ trồng cây chứ không tài trợ chặt cây. Nếu bảo doanh nghiệp tài trợ chặt cây chắc chắn là chúng tôi không tham gia!].

Phan Đăng Long: Đồng chí Như Phong à. Tôi tên Long, Phan Đăng Long. Đồng chí nên nhớ [đây là cải tạo, thay thế, không phải chặt hạ!].

Nguyễn Sỹ Cương – Đại biểu đảng hội: [Việc Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép chặt hạ một loạt các cây xanh hiện nay là biểu hiện vi phạm Luật Thủ đô.].

Phan Đăng Long: Tôi lưu ý quí ông quí bà, [đây là cải tạo, thay thế, không phải chặt hạ!]. Và chúng tôi mới cải tạo, thay thế được chừng 500 cây.

Nguyễn Quốc Hùng: [Tuy nhiên, sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình…].

Phạm Ngọc Đăng – Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường: [Hà Nội đưa ra số lượng 6.700 cây phải chặt vừa không có cơ sở khoa học vừa vi phạm pháp luật. Nghị định 64/2010 của Thủ tướng Chính phủ chuyên biệt về quản lý cây xanh đô thị quy định chỉ có 3 loại cây có thể chặt mà không cần phải xin phép là cây đổ, cây chết hay cây có nguy cơ đổ và cây nằm trong dự án phát triển. Cách làm của lãnh đạo Hà Nội thế này thì môi trường Hà Nội còn bị ô nhiễm và dân còn khổ sở.].

Trần Vũ Hải – Luật sư, đoàn Luật sư Hà Nội: [2.000 cây bị chặt theo tôi là có cơ sở. Tôi đếm sơ qua là đường Nguyễn Chí Thanh chặt chừng 400 cây, Nguyễn Trãi 500 cây và các phố Giải Phóng, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng, Kim Mã, Cầu Giấy… đều có gốc cây bị chặt.].

[Tôi nghĩ rằng đây là một phát hiện rất hay của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bởi vì đại biểu Cương là người trực tiếp tham gia vào việc thẩm tra luật đó. Luật Thủ đô là một đạo luật do chính lãnh đạo thành phố Hà Nội tìm mọi cách lobby, tuy nhiên luật này cũng đã được thông qua và sau đó lãnh đạo Hà Nội đang phải tuân theo luật này để làm cho Hà Nội tốt hơn theo như chính họ nói.].

[Luật Thủ đô nói về những điều cấm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Điều 14 quản lý và bảo vệ môi trường có nói rằng trên địa bàn thủ đô, thậm chí là cả ngoại thành nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm gây ô nhiễm trong sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa công cộng. Chặt phá rừng, cây xanh, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, công viên vườn hoa sai mục đích chức năng. Việc cải tạo sông hồ bị ô nhiễm phải theo quy định của kiến trúc cảnh quan môi trường của thủ đô. Như vậy nguyên cái điều khoản này là một điều khoản khá nghiêm khắc.].

[Liên quan điều này còn có điều 14, khoản 1 của nghị định 64 ban hành năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị thì chính phủ cho phép ba trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cây ngã hay đổ rồi có khả năng gây nguy hiểm. Thứ hai là cây già, bị mục ruỗng…Thứ ba trong trường hợp có dự án xây dựng. Nhưng ngay trong trường hợp thứ ba thì cũng ghi rằng cũng không được chặt. Nếu có nhu cầu xây dựng thì phải bốc toàn bộ cây ấy lên, chuyển ra một khu vực khác.].

Phạm Quang Nghị – Tiến $ĩ, Uỷ viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội: [Những thiếu sót của cơ quan liên quan trong việc cải tạo, thay thế cây xanh khiến dư luận bức xúc thời gian qua được phân tích kỹ, chỉ rõ từng vấn đề. Dư luận bức xúc là có lý do chính đáng. Cần kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan. Việc xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu ‘hòa cả làng’!]. 

*

Nhà báo B: Loạt cây lêu nghêu, không cành, không lá mới trồng thay thế là cây gì?

Nguyễn Đức Chung – Thạc $ĩ Luật học, Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội: Là cây Vàng tâm!

Lê Văn Dục – Giám đốc Sở xây dựng thành phố Hà Nội: [Sở đã đề xuất thay thế toàn bộ cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây Vàng tâm và được thành phố chấp thuận.]. 

Từ trái: Nguyễn Đức Chung giới thiệu với Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình & Giám đốc Sở xây dựng Lê Văn Dục về hoa của cây Vàng tâm - Ảnh: An Ninh Thủ Đô (ảnh này đã bị bóc xuống, lẽ nào ngài thiếu tướng lại chuẩn bị một ca phủ nhận kế tiếp!).

Lê Đình Khả – Gs-Ts, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp: [Tôi đã trực tiếp xuống tận nơi để khảo sát, tôi khẳng định loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ, không thể là cây Vàng tâm.].

Vũ Quang Nam – Ts, Trưởng bộ môn Tài nguyên thực vật rừng, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, chuyên gia đầu ngành về các loại cây thuộc họ Mộc Lan (Giổi, Mỡ, Vàng tâm…): [Căn cứ vào lá cây được cho là cây Vàng tâm thu nhận được ở đường Nguyễn Chí Thanh, tôi khẳng định chắc chắn 100% đây là cành và lá của cây Mỡ, không phải cây Vàng tâm trong Sách đỏ và cũng không có loại cây nào là Mỡ vàng tâm”.].

Ts Vũ Quang Nam

Vũ Văn Dũng – nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn): [Sau khi xem thực địa các cây trồng thay thế tại đường Nguyễn Chí Thanh, tôi khẳng định đây là cây Mỡ. Gỗ loại cây này mềm, thường dùng làm bút chì, vỏ bao diêm, không phải cây gỗ quý Vàng tâm.].

Lê Huy Cường – Chuyên gia lâm nghiệp Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: [Tên chính xác của loại cây trồng trên Nguyễn Chí Thanh phải là cây Mỡ chứ không thể là Vàng tâm.].

Nhà báo A: Bốn cây 'lạ' xum xuê vừa được thay thế trước khách sạn Bảo Sơn trên đường Nguyễn Chí Thanh vào đêm 22 rạng ngày 23/03/2015 là cây gì?

Đỗ Ngọc Hoàng – Tổng giám đốc Công ty cây xanh Hà Nội: [4 cây thay thế lần hai này là cây Vàng tâm, trưởng thành có tán rộng, lá xanh tốt, có nụ hoa, được nhà tài trợ trồng làm mẫu. Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về.]. 

Nguyễn Tiến Hiệp – Ts, Trung tâm bảo tồn Thực vật Việt Nam: [Tôi đã đến tận đường Nguyễn Chí Thanh và xem xét kỹ 4 cây mới trồng lại ở trước cửa khách sạn Bảo Sơn trên đường Nguyễn Chí Thanh thì đây không phải là cây Vàng tâm mà là cây Mỡ bình thường. Gỗ không tốt và xốp. Đường kính cây khoảng 20 cm và được dùng làm nguyên liệu giấy. Với loại cây Mỡ này thì ban đầu hoa thoang thoảng thơm nhưng sau 15 ngày hoa rụng, mùi rất dở. Cây này trồng, khả năng chết rất cao và nếu sống được cũng không nên trồng loại này.].

Nguyễn Lân Dũng: [Anh (Nguyễn Tiến) Hiệp là chuyên gia trong lĩnh vực này thì nói chính xác rồi. Tôi thì cho rằng 10 năm nữa nó cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi.].

Nhà báo trang Nông nghiệp VN: [Theo anh Phan Nhật Quang – kỹ sư lâm nghiệp tại Lào Cai, thì cây Mỡ có rất nhiều sâu và giá trị kinh tế không cao, anh Quang cho biết gia đình anh đang có hơn 10ha trồng loại cây này từ năm 2003 nhưng hiện chưa thể thu hoạch vì nó quá nhiều sâu, loài sâu này nếu chạm vào sẽ rất ngứa ngáy, cực kỳ khó chịu. Anh Quang cho biết thêm, cây này nếu trồng tập trung thì rất khó tránh được sự xuất hiện của loài sâu kinh khủng đó.]. 

Kỹ sư Quang cho biết, cây Mỡ mà bị sâu sẽ xơ xác như thế này nếu vô tình bị sâu rơi trúng chân, tay sẽ vô cùng ngứa ngáy khó chịu. Ảnh: PNQ

Vương Thị Mai Hương – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh, một trong những nhà tài trợ: [Thông tin công ty đã tham gia chiến dịch xã hội hóa trồng cây xanh theo lời kêu gọi của chính quyền Thủ đô từ tháng 9/2014. Đến nay, doanh nghiệp đã ủng hộ cho Hà Nội khoảng 150 cây xanh mà chủ yếu là sấu. Tuyến phố mà đơn vị này tham gia trồng cây nhiều nhất là dọc đường Xã Đàn mới. Việc tham gia này là hoàn toàn tự nguyện và với tinh thần ủng hộ thành phố chứ không đi kèm quyền lợi gì như việc tận thu với những cây cũ. Chúng tôi không hề tham gia chặt cây mà chỉ đem cây tới trồng tại những vị trí đã được thành phố chấp thuận.].

Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, một trong những nhà tài trợ: [Việc tham gia vào dự án xã hội hóa cây xanh đều xuất phát từ sự kêu gọi của thành phố vì lợi ích cộng đồng. Ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác. Tổng kinh phí tài trợ của Vingroup là 841 triệu đồng, và đó là để thay thế cây trên tuyến phố Huế và phố Hàng Bài. Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án. Chúng tôi cũng không có thông tin gì về việc thực thi lúc nào và như thế nào.].

Lê Văn Dục: [Sở xây dựng Hà Nội đã có văn bản trả lời 21 câu hỏi mà báo chí đặt ra từ cuộc họp báo hôm 20/3. Với câu hỏi liên quan đến loại cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, văn bản trả lời nêu rõ: “Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây Vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong Sách đỏ, cần bảo tồn và phát triển.] (3).

Mi An – Nhà báo trên trang Đất Việt: [Cứ tưởng 4 cây mới thay một cách ‘bí hiểm’ ở vị trí trước cửa khách sạn Bảo Sơn là các cây Vàng tâm ‘xịn’, hóa ra lại cũng không phải, vẫn chỉ là Mỡ mà thôi. Là cây Mỡ tuy được khoác áo “Vàng tâm” nhưng muôn đời muôn kiếp chỉ là Mỡ, cái tâm thì không thể khoác cho nó áo gì được. Xưa em là Mận là Na / Từ khi ra phố em là Linda / Xưa em là Mỡ nuột nà / Từ khi ra phố em là Vàng Tâm.].

Trương Quốc Hòe – Luật sư: [Giống như việc chặt hạ cây, việc xác định trồng cây gì và trồng như thế nào cũng cần tuân thủ những quy định của pháp luật. Trong trường hợp cây Vàng tâm là cây được phê duyệt thay thế những cây bị chặt hạ mà việc trồng cây thay thế là một cây khác thì đơn vị trực tiếp tiến hành việc trồng cây thay thế cũng phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Sở xây dựng là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra và theo dõi việc chặt hạ cây và trồng cây thay thế nên đơn vị này cũng có trách nhiệm trong việc này.].

Đỗ Ngọc Hoàng: [Việc trồng cây Mỡ hay cây Vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh do quyết định của nhà tài trợ mua trực tiếp chứ không phải của phía công ty. Chúng tôi chỉ thực hiện chặt hạ, di chuyển cây xanh tại các tuyến đường theo kế hoạch.].

Trần Tuấn Việt – một trong những nhà tài trợ: [Ngân hàng VPBank chỉ là nhà tài trợ chứ không biết gì về việc trồng cây. Nói VPBank thuê một đơn vị để trồng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn không chính xác. Phía ngân hàng không có ý kiến trong việc yêu cầu thành phố trồng loại cây gì, đó là việc của các cơ quan chuyên môn của thành phố, vì nhà tài trợ không đủ chuyên môn, cũng không có thẩm quyền quyết định.]

Nguyễn Đức Hạnh – Tiến $ĩ Khoa học kinh tế; Kỹ $ư xây dựng, Cử nhân Luật, Cử nhân chính trị, Phó tổng Thanh tra Chính phủ: [Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, làm rõ về chủ trương, trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt dự án và xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định pháp luật. Thành phố cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc đốn hạ cây xanh có thể xảy ra; thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ cây trên địa bàn theo quy định Luật Thủ đô và quy định pháp luật khác có liên quan. Đề nghị Thành phố Hà Nội báo cáo kết quả xử lý trước ngày 15/04/2015.].

Phan Đăng Long: Xin nhấn mạnh với đồng chí Phó tổng thanh tra, [đây là cải tạo, thay thế, không phải chặt hạ!]. 

Phạm Quang Nghị (31/03/2015): [Lãnh đạo thành phố cần tự phê bình, tự kiểm điểm và khẩn trương khắc phục những việc làm nóng vội gây ảnh hưởng xấu đến uy tín Thủ đô. Điều đó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, nghiêm túc của chúng ta. Cái cây chưa trồng là của dự án, cây đã trồng là của xã hội, của đường phố, của Thủ đô; phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai minh bạch cho nhân dân được biết (3). Tuy nhiên, cần thận trọng, khách quan bởi việc thay thế cây xanh đã nóng vội, nếu xử lý cũng nóng vội lại thành 2 cái sai. Thành phố sẽ xử lý đúng mức, khách quan trong phạm vi thẩm quyền của mình, không làm oan sai và cũng không quanh co né tránh. Vấn đề ở đây là ngoài báo chí, các cơ quan thành phố còn quản lý được. Còn các trang mạng lợi dụng nói vống lên, kích động nhân dân xuống đường biểu tình. Nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp. Tôi nói đây là cái kích động từ bên ngoài chứ không nhầm lẫn với cái bức xúc của người dân phê bình chúng ta chính đáng (?!)].

Nguyễn Văn Nên – Tiến $ĩ Luật, Bộ trưởng, người phát ngôn Chính phủ, 01/04/2015: [Thủ tướng yêu cầu Hà Nội khẩn trương thanh tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong vụ chặt hạ cây xanh, đúng theo quy định tại Nghị định số 64/2010 của Chính phủ.]. 

Hoàng Trung Hải – Kỹ $ư, đại biểu đảng hội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế, 01/04/2015: [Yêu cầu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội.].

Nguyễn Lân Dũng: [Cần phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này chứ không chỉ kiểm điểm, tự phê bình rút kinh nghiệm. Bởi nếu chỉ rút kinh nghiệm thì lần sau vẫn thế.].

Nhà báo F: Nhân dân có câu: “Đảng ta có cái biệt tài, làm sai thì sửa, sửa hoài… cứ sai”. Cái dây kinh nghiệm made in VN xã nghĩa chúng ta vốn dài dễ sợ, có thể hồn nhiên liên tu rút xuống tận mũi Cà Mau, đảo Phú Quốc, chứ mai tê lỡ phải rút đến Huế thì chỉ là chuyện nhỏ, có chi mô mà ‘tâm tư’! (5). Còn điệp khúc “xử lý nghiêm minh” thì…

Tạm kết

Trước tình trạng lùm xùm chằng chịt này, [ngày 20/3, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở xây dựng, Uỷ ban Nhân dân các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay và phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.].

Cho tới hôm nay (03/04/2015), ông Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã [yêu cầu Giám đốc Sở xây dựng Lê Văn Dục kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo Thông báo kết luận ngày 20/03/2015, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp Hoàng Nam Sơn, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.]. [Giám đốc Sở xây dựng đã tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Trần Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Trịnh Văn Lý, Cán bộ công chức Lê Trung Ngọc liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên để phục vụ công tác thanh tra.]. “Đành rằng các ông Hiếu, Lý, Ngọc là có lỗi. Nhưng chả lẽ chỉ có họ có lỗi thôi ư? Liệu ông Lê Văn Dục có gan làm cái việc động trời, là tàn phá môi trường và tiêu diệt lá phổi xanh của Thủ đô, nếu không có sự cho phép của những người đứng đầu chính quyền thành phố? Vậy vấn đề là trách nhiệm của ông Chủ tịch thành phố đến đâu? Và ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng – người giúp việc cho Chủ tịch thế nào?” (6). 

Nếu nhìn sâu vào mức độ điên khùng và hệ lụy chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều năm từ cuộc thảm sát cây xanh đầu xuân 2015, thì theo người biên tập buổi ‘mê luận’ này, động thái xử lý vụ việc của ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ở bước đầu cũng chỉ là thí tốt cứu pháo – bước hai có thể thí pháo cứu xe, và qua đó làm người ta tắp lự nhớ lại thế cờ bí thí Ngựa Quí, thí Thánh Ba… cách nay không lâu. Còn zíc zắc bộ nhớ thêm tí nữa thì là thí Hoàng Sa để cưỡng chiếm nước VNCH, thí “một bộ phận không nhỏ” Trường Sa, thác Bản Giốc, thí Ải Nam Quan, thí Bô Xít Tây Nguyên, v.v, để cứu… cái bình cổ lỗ sĩ!

Dù sao chăng nữa cũng phải kiên nhẫn chờ đến ngày 15/04/2015, ngày mà Thành phố Hà Nội đã long trọng hứa từ 27/03/2015 là sẽ báo cáo kết quả xử lý nghiêm minh (lại nghiêm minh) theo Luật Thủ đô đối với “cuộc thảm sát Mậu Thân về cây xanh” ở Hà Nội mà ông Phó trưởng tuyên giáo ‘có văn hoá cướp’ Phan Đăng Long khăng khăng cho “đây là cải tạo, thay thế, không phải chặt hạ!”. Chỉ mong rằng, việc xử lý nghiêm minh lần này sẽ khác với vô số lần xử lý nghiêm minh đã qua, diễn nôm ra là đừng diễn lại vở hài kịch xử lý nội bộ, “việc con voi cuối cùng xử phạt một con muỗi” (6). Hứa như hùm như sứa, làm thì như mèo mữa. 

Nếu đồng ý rằng mạng cây không khác mạng người thì không thể như xưa kia Người ta nhẫn tâm giết oan 172.008 mạng người mà chỉ cần vỏn vẹn dăm lời xin lỗi, vài giọt nước mắt… cá sấu, thế là phủi tay, là ‘hòa cả làng’. Hoặc giả, bởi với ý chí kiên định [hiến pháp là văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của đảng]; [quốc hội là thể chế hóa các nghị quyết và quyết định của Trung ương và Bộ Chính trị] (Tiến $ĩ chuyên ngành xây dựng đảng, đương kim đảng trưởng đcs VN Nguyễn Phú Trọng, HN 28/09/2013 và 06/12/2014), cho nên ở ta trong thực tế từ 40 năm qua, rừng luật pháp chỉ để đặc cách du di đối với dân đen, nghĩa là “luật pháp là những mạng nhện nơi mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con nhỏ thì bị mắc lưới / les lois sont des toiles d’araignées à travers lesquelles passent les grosses mouches et où restent les petites.” (H. de Balzac). 

Đọc hồi sau ắt rõ oan hồn hàng ngàn cổ thụ ở Hà Nội sẽ báo hận hay ôm hận, dân là gốc của nước hay dân chỉ là gốc…cây của giuộc đấy tớ thừa ác tâm, “thiếu trí tuệ” (7).



____________________________________________

Tái bút: Trong USB của tôi có lưu giữ thông tin: 

1-. [Tám người mang án tù vì chặt 12 cây keo lai. Chiều 15/12/2014, Toà án Nhân dân Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên phạt năm bị cáo 5 tháng 4 ngày tù và trả tự do ngay tại tòa vì bằng thời gian tạm giam. Ba người còn lại bị phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo cùng tội danh Hủy hoại tài sản.].

Vụ việc là [ngày 13/10/2013, 8 bị cáo gồm Thu, Thúc, Chí, Tuyên, Huyền, Le, Anh và Hường đến cưa 12 cây keo lai có độ tuổi trên 12 năm để dọn đất thì bị Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa phát hiện, lập biên bản chuyển công an TP Biên Hòa xử lý. Sau khi xác định 12 cây keo lai có giá 10,6 triệu đồng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can. Trong đó bắt tạm giam 5 người, còn lại cho tại ngoại.]

[Nhận định các bị cáo là lao động nghèo, hiểu biết pháp luật kém đồng thời đã phần nào thừa nhận hành vi phạm tội nên tòa tuyên 5 bị cáo bị bắt tạm giam (Thúc, Thu, Tuyên, Huyền, Hường) 5 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam và được thả tự do tại tòa, 3 bị cáo còn lại bị 6 tháng tù treo.]. (VNExpress 15/12/2014).

2-. Chi ra hơn Mười hai ngàn ơ rô (12.250€) chỉ để cứu mạng một cây Giẻ! Quí vị có tin không? Chuyện không tưởng về cây xanh ở Đức!

_____________

(1) Trần Đĩnh, Đèn Cù 2 trang 91.


(3) Toàn văn bản Sở xây dựng Hà Nội trả lời 21 câu hỏi của báo giới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quy-hoach/746107/so-xay-dung-hn-co-van-ban-tra-loi-bao-chi-ve-viec-chat-ha-cay-xanh

(4) Văn bản ‘quản lý phát ngôn’ về vụ Thảm sát Mậu Thân 2015 về cây xanh: Có quốc hiệu kèm khẩu hiệu; có tên bộ, tên trường kèm mã số tiêu đề (en-tête); có con dấu của nhà trường và chữ ký của Hiệu trưởng sờ sờ nhưng rốt lại vẫn là do lỗi của ‘thằng… bàn phím’! Chủ tịch quốc hội (chính xác là đảng hội) Nguyễn Sinh Hùng đã từng thành thật nói rõ ràng “quốc hội là dân, dân quyết sai dân chịu, chứ kỷ luật ai? Bộ trường y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không kém thành thật "lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”, chứ xử ai? Vậy trong vụ ‘quản lý phát ngôn’ này, đương nhiên phải trảm ‘thằng bàn phím’!


(6) Theo Trần Đăng Khoa & Ngọc Quang: Chả lẽ ông Chủ tịch thành phố Hà Nội không có lỗi gì trong vụ chặt cây? http://laokhoa.blogtiengviet.net/2015/03/23/ch_l_ong_ch_t_ch_ha_n_i_khong_co_n_i_gi_

(7) Lời của Gs Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Đại biểu đảng hội, trong Toạ đàm cuối tuần (Hangout) 22/03/2015. Gs Thuyết còn nói tới “thiếu dân chủ”, nhưng đã độc tài thì đời thuở nào có dân chủ! http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/03/150322_hangout_weekend_hanoi_cayxanh


Một số nguồn thông tin tham khảo và trích dẫn: 















0 comments:

Powered By Blogger