Nhìn qua lịch sử nước Tàu đã trên 2000 năm (tính từ năm 221 TCN, nhà
Tần gồm thâu lục quốc thống nhất nước Tàu). Thời gian qua mấy nghìn năm,
thế mà người dân Tàu nói riêng, nhân dân thế giới nói chung còn kinh
hãi về hành động tàn ác của bạo chúa Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN) tức
Doanh Chính, vua Tần đã cho “đốt sách chôn nho” (chôn sống 460 nho sinh
thành Hàm Dương). Hành động ác độc này đã thôi thúc: Kinh Kha, Tần Vũ
Dương, Cao Tiệm Ly tìm cách hành thích vua Tần, dù biết hành thích dẫu
thành công hay thất bại bản thân mình cũng bị giết sau đó. Hành động ác
độc của bạo chúa Tần Thủy Hoàng, hậu thế muôn đời không thể nào tha thứ.
Ngày nay, Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước (bắt đầu từ ngày 14-3-2013),
ông cai trị trên 1,35 tỷ người với vùng đất rộng lớn, gồm: 22 tỉnh, 5
khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc, và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng
Kông và Ma Cao. Ông Tập đã đưa ra chính sách “đả hổ diệt ruồi”, ngày
16-3-2014, BBC News đã đưa tin: “Cho đến nay, có 40.000 quan chức
chính quyền đã bị kỷ luật, 10.000 quan chức khác đã bị cách chức và
chính quyền thu hồi được 65 tỷ Mỹ kim”. Thu hồi được 65 tỷ Mỹ kim
cho nhà nước và nhân dân Tàu hay cho ai?! Có giống như vào ngày
30-4-1975, 16 tấn vàng (1.234 thoi, trị giá 220 triệu đô la Mỹ thời đó)
là tài sản của quốc dân Miền Nam bị hàng thần (phó thủ tướng miền Nam)
Nguyễn Văn Hảo cố lấy công với CSVN, Hảo cố giữ số vàng này để giao lại
cho các giới chức cao cấp CSVN, oái oăm thay số vàng này lại bị họ tẩu
tán tiêu tùng hết!.
Ỷ mạnh hiếp yếu:
Trong máu xâm lược sẵn có của người Tàu, đến khi Tập Cận Bình làm Chủ
tịch nước Tàu, thì mưu mô xâm lược càng ngày càng lộ liễu hơn. Thế mà,
vào ngày 15-5-2014, chính Tập Cận Bình phát biểu lời lẽ trơ tráo: “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”?!
Ngày 23-11-2013, Bộ quốc phòng của Tàu cộng đã tự ý xác lập “Vùng nhận dạng phòng không”
(Air Defense Identification Zone: ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông bao
trùm lên cả quần đảo Senkaku là vùng tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản
và đá ngầm Socotra mà Tàu cộng đang tranh chấp với Hàn Quốc.
Bãi cạn Scaborough nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và
cách nước Tàu hơn 800 km về phía bắc. Philippines khẳng định bãi cạn nằm
gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, đúng theo
Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tàu cộng lại cho rằng đây là
một phần lãnh thổ của Tàu kể từ thế kỷ 13, còn đưa ra cái gọi là bản đồ
cổ làm bằng chứng.
Đối với Việt Nam, quân Tàu xâm chiếm đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974, và đảo
Gạc Ma (trong quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988, thế mà chưa thỏa mãn
lòng tham của chúng, vào ngày 2-5-2014, Tàu cộng đưa giàn khoan HD-981
vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tại Biển Đông. Nhật
báo Le Monde của Pháp, số ra ngày 8-2-2014, trong bài “Xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh ở các đảo tranh chấp tại Biển Đông”, phóng viên Bruno Philip đã viết: “Việc
tàu Trung Quốc tấn công tàu Cảnh sát biển của Việt Nam ra bảo vệ chủ
quyền khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam, một lần nữa làm tăng thêm căng thẳng tại khu vực bất ổn
nơi mà thái độ hung hăng của Trung Quốc làm các nước khu vực lo ngại”.
Từ các mưu mô xâm lấn biển đảo của quân Tàu, mới đưa đến cuộc tập trận
diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2014 ở biển Đông (ngoài
khơi Philippines). Cuộc tập trận bao gồm thông tin liên lạc, luyện tập
đội hình và tác xạ đạn thật, nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác
chiến. Cuộc tập trận đã phối hợp tàu khu trục BRP Gregorio del Pilar của
Philippines, tàu sân bay USS George Washington của Mỹ và Tàu khu trục
JS Sazanami của Nhật Bản.
Trong khi đấy, người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân cương, người Tây Tạng,
tín đồ Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ... luôn bất khuất chống
lại chính quyền độc tài Tàu cộng không ngưng nghỉ.
Ngoài ra, trước khi Hồng Kông được Anh quốc giao lại cho Tàu cộng vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia hai chế độ”
chính quyền Bắc Kinh đã cam kết và ký kết quyền tự trị và tự do chính
trị tại Hồng Kông. Nhưng Bắc Kinh không tôn trọng điều đã cam kết, nên
sinh viên và nhân dân Hồng Kông mới biểu tình rầm rộ từ tối thứ Sáu ngày
26-9-2014, được gọi là “Phong trào ô dù” đòi hỏi quyền dân chủ
đích thực là được quyền đề cử Đặc khu trưởng Hồng Kông mà không phải
thông qua quyết định của ủy ban bầu cử bởi chính quyền độc tài Bắc Kinh.
Cái hạt giống tự do này không phải chỉ ngừng ở đấy mà sẽ ảnh hưởng mạnh
mẽ đến tất cả dân chúng nước Tàu kể cả khu tự trị Tân Cương, Tây
Tạng... và sẽ bùng phát thời gian tới không xa, khi đấy chế độ Cộng sản
phải tiêu tan thôi.
Vong ân bội nghĩa:
Nước Tàu là một đất nước tự đề cao: nhân, lễ, nghĩa... nhưng khi hành động thì ngược lại.
Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) kết thúc chiến tranh phần lớn là nhờ Hoa
Kỳ, theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman, ngày 6-8-1945, thả quả bom
nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima, đến
ngày 9-8-1945, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” đã cho phát nổ trên
bầu trời thành phố Nagasaki. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Khối Đồng
minh vô điều kiện và ký vào văn kiện đầu hàng ngày 2-9-1945, chính thức
chấm dứt Thế chiến thứ hai. Tại nước Tàu trong 8 năm chiến tranh chống
Nhật (1937-1945), cả Quốc Dân đảng và Cộng sản Tàu đã hợp tác chống
Nhật, được quân đội Mỹ tận tình giúp đỡ tại Hoa lục về việc cung cấp vũ
khí, huấn luyện và cứu thương. Do Mỹ mà Nhật đầu hàng, người Tàu nhờ đấy
mà khỏi bị Nhật đô hộ, nên người Tàu dù muốn hay không cũng đã mang ơn
rất lớn với Mỹ.
Ngày 17-2-1972, Tổng thống Nixon đến Hawaii ở lại hai ngày, rồi tới
Thượng Hải. Mỹ trong vị thế một siêu cường số một, còn Tàu trong thân
phận một cường quốc đông dân số nhưng yếu kém về kinh tế. Tổng thống
Nixon đã ký kết thông cáo chung Thượng Hải đánh dấu bước khởi đầu bình
thường hóa quan hệ giữa 2 nước. Từ đấy, Mỹ bắt đầu giúp Hoa lục. Tôi xin
nêu các điều căn bản:
- Ngày 1-1-1979, Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa lục. Bộ Ngoại
giao Mỹ chính thức thông báo với chính quyền Đài Loan rằng: “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Đài (US-Taiwan Mutual Defense Treaty) sẽ chấm dứt vào ngày 1-1-1980”.
- Ngày 26-5-1994, Tổng thống Mỹ là Bill Clinton tuyên bố công nhận quy chế “Đãi ngộ Tối huệ quốc (Most Favoured Nation: MFN) cho Tàu cộng”
là nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO (World Trade
Organization: WTO). Và cũng từ đấy các hãng xưởng của Mỹ mở ra tại Hoa
lục ào ạt, nhờ đấy nền kinh tế ở Tàu cộng bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
- Ngày 19-5-1997, Tổng thống Mỹ là Clinton quyết định gia hạn quy chế
Tối huệ quốc cho Tàu cộng thêm một năm nữa. Mùa thu năm 1998, Tổng thống
Mỹ là Bill Clinton công du Tàu cộng đã tạo ra mốc lịch sử trên lộ trình
đối tác chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh trong thế kỷ 21.
- Tháng 12-2001, Chính quyền George W. Bush, công nhận Trung cộng chính
thức là hội viên thứ 143 của WTO, lúc ấy WTO có 155 thành viên (Việt Nam
vào WTO năm 2007). Tàu cộng được Mỹ hỗ trợ nên phát triển vượt qua cả
Nam Hàn và Nhật Bản, trở thành nước có nền kinh tế rất mạnh và lại bắt
đầu cạnh tranh với đất nước đã giúp mình (Tàu) là Hoa Kỳ.
Người Tàu lại một lần nữa mang ơn to lớn từ Mỹ. Đáng tiếc, sự trỗi dậy
của Tàu cộng không tạo ra hòa bình cho các nước láng giềng, mà họ khư
khư ôm lấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dùng sức mạnh để o ép các nước
yếu hơn và mưu mô trong việc bang giao quốc tế đầy thủ đoạn và lừa lọc!.
Điều này lộ rõ mưu mô bành trướng bá quyền của đại Hán, vì virus (mầm
độc) đã đặc sệt trong dòng máu Hán từ tổ tiên đến con cháu của họ?!
Ngày nay, Tàu cộng đã thành thế lực cạnh tranh với Mỹ về sản xuất và bán
ra các mặt hàng công nghiệp có trình độ công nghệ cao, như các máy điện
toán, thiết bị của nhà máy... Tàu cộng, chẳng những cạnh tranh với Mỹ
trên các thị trường khác trên thế giới mà còn xâm nhập mạnh vào thị
trường Mỹ, đã gây cho các xí nghiệp và doanh nghiệp Mỹ gặp phải khó
khăn?!
Ngoài ra, theo Đài BBC, ngày 29-5-2013, đã loan tải: “Máy bay chiến
đấu F-35 cũng nằm trong danh sách bị Trung Quốc trộm bí mật thiết kế,
Hacker Trung Quốc đã tiếp cận được mẫu thiết kế của hơn hai chục loại vũ
khí của Mỹ, một tờ báo Mỹ đưa tin: Các mẫu thiết kế chiến cơ, chiến hạm
và hệ thống phòng thủ tên lửa nằm trong số bị lộ, Washington Post dẫn
báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết”?!.
Có thể “tức nước vỡ bờ”:
Từ khi Tập Cận Bình nắm được quyền lực tối cao tại nước Tàu: Tổng Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy
Trung ương (quân đội). Ông Tập đã cho các hệ thống truyền thông trong
nước loan tin tuyên truyền “đả hổ diệt ruồi” với mục đích đánh
bóng chính sách của mình, đấy là cả một sách lược đầy mưu mô và tính
toán, nhằm củng cố quyền lực cá nhân ông Tập. Từ đấy, dư luận quần chúng
gọi ông Tập là: “Tân hoàng đế”.
Bản tin RFI vào ngày 2-10-2014, đã nêu rõ: “Thời kỳ cởi mở tương đối,
sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã chấm dứt. Tự do phát biểu và nhân
quyền bị chà đạp không nương tay. Hàng loạt văn nhân, trí thức, luật
sư, nghệ sĩ, tu sĩ bị tống giam vì can đảm chỉ trích chế độ. Chiến dịch
chống tham nhũng lộ nguyên hình là thủ đoạn sát kê dọa hầu, giết gà nhát
khỉ, của tân hoàng đế Trung Quốc, theo như giới phân tích độc lập tại
Bắc Kinh.
Sau các phiên tòa trừng trị vợ chồng cựu lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh,
ông Bạc Hy Lai bị án tù chung thân còn bà vợ Cốc Khai Khai lãnh bản án
“tử hình treo”, hàng loạt quan chức cao cấp khác của Trung Quốc như Chu
Vĩnh Khang và các đàn em, không kể Bạc Hy Lai, người đã vào tù kẻ nằm
chờ lãnh án với tội danh tham nhũng. Chiến dịch đánh tham nhũng cũng
không tha hàng tướng lãnh quân đội như Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Dương
Kim Sơn”.
Mới đây, vào ngày 17-11-2014, nhật báo Cali Today đăng tin: “Chính
phủ Trung Quốc đã bắt 288 kẻ đào thoát ra ngoại quốc với tài sản bị nghi
ngờ là do tham nhũng mà có, trong chiến dịch có tên “Săn Chồn”, theo
tin của Tân Hoa Xã loan báo hôm thứ hai 17/11. Tân Hoa Xã, trích bản tin
từ Bộ Công An của Trung Quốc cũng cho biết trong số bị bắt có 126 nghi
can đã tình nguyện đầu thú. Ông Tập Cận Bình từng xem chuyện chống tham
nhũng là chương trình hành động chủ lực của ông khi lên nắm quyền. Có
tất cả 56 quốc gia đã được Trung Quốc tiến hành lục soát để tìm nghi can
người Hoa bỏ trốn, kể cả Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Hàn và Nam
Phi, theo lời Thứ Trưởng Bộ Công An Liu Jinguo cho biết... Trung Quốc
không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ, Canada và Úc vốn được xem là các
quốc gia nhắm đến nhiều nhất của các tay đào tẩu Trung Quốc, nhưng cảnh
sát Úc đã bằng lòng hợp tác và giúp ngành an ninh TQ lùng bắt các nghi
can”.
Vậy Tập cận Bình là ai, mà hung hăng như thế?! Tập Cận Bình (Xí Jìnpíng)
sinh năm 1953 tại Bắc Kinh, Bình là con trai của cựu Phó Thủ tướng Tàu
cộng là Tập Trọng Huân, Khi Bình được 10 tuổi, thì cha bị thanh trừng và
đưa đi làm việc tại một hãng xưởng ở Lạc Dương, Hà Nam. Vào năm 1968,
tức 5 năm sau đấy, Tập Trọng Huân bị bắt vào tù trong thời kỳ gọi là
“Cách mạng Văn hóa”. Phu nhân của Tập cận Bình là ca sĩ Bành Lệ Viện,
lại mang quân hàm thiếu tướng của lực lượng văn công. Hai người chỉ có
một đứa con gái là Tập Minh Trạch sinh năm 1992, hiện đang theo học tại
Đại học Harvard ở Massachusetts, Mỹ. Cô được một đội vệ sĩ Tàu luôn bí
mật bảo vệ và các nhân viên FBI cũng quan tâm đến cô.
Tôi đang viết về “Tân hoàng đế” nước Tàu, lại nhớ đến một vài nhân vật thời xưa của Tàu:
- Ngô Khởi (440-381 TCN) là người nước Vệ, sống trong thời Chiến Quốc,
từng làm tướng nước Lỗ. Ông là một nhà chính trị và quân sự nổi tiếng.
Cuốn Binh pháp của Ngô Khởi rất có giá trị, là một trong Võ kinh thất
thư (bảy bộ binh pháp kinh điển của Tàu) thường được giới thiệu cùng với
Tôn Tử binh pháp, gọi chung là “Tôn-Ngô binh pháp”. Khi Ngô Khởi đến
nước Ngụy, với tài năng của ông, được Ngụy Vũ hầu phong làm Tây Hà thú.
Đến khi Công Thúc làm tể tướng, lại ganh tài năng và muốn hãm hại ông,
nên ông phải bỏ đi nơi khác. Sở Điệu Vương nghe tiếng Ngô Khởi là một
nhân tài, nên triệu ông đến phong làm tể tướng, ông tâu với vua Sở tiến
hành cải cách: “Bỏ những chức quan không cần thiết, bỏ không chu cấp
cho những người họ nhà vua đã xa đời để hậu đãi nuôi dưỡng những người
chiến đấu, cốt làm cho quân ngũ hùng mạnh”. Ngô Khởi giúp nước Sở,
phía nam xâm chiếm Bách Việt, phía bắc tiêu diệt nước Trần, phía tây
đánh Tần. Chư hầu lo lắng vì nước Sở đang thế mạnh. Trong khi đó các
người quý tộc Sở bị đụng chạm quyền lợi, họ muốn trừ Ngô Khởi. Năm 381
(TCN), Sở Điệu Vương mất, nhân đấy các đại thần, tôn thất nổi lên vây
đánh Ngô Khởi để trả thù, họ dùng tên bắn và giáo đâm Ngô Khởi chết thê
thảm!.
- Thời Tề Hoàn công, công tử Khương Thương Nhân có tranh đất phong với
đại phu Bính Nguyên, tể tướng Quản Trọng phân xử Bính Nguyên thắng,
Thương Nhân căm hận. Sau khi Tề Hoàn công mất, thế tử Khương Xá lên
ngôi, Thương Nhân lập vây cánh rồi giết Khương Xá (613 TCN) lên ngôi lấy
hiệu là Tề Ý công. Tề Ý công tịch thu gia sản của Bính Nguyên và Quản
Trọng. Bính Nguyên đã chết, Tề Ý công cho người đào mả và chặt chân trị
tội. Con của Bính Nguyên là Bính Súc theo hầu Tề Ý công luôn tỏ ra tận
tụy, trung thành. Vào một dịp tết, Tề Ý công ra lệnh các phu nhân của
các quan triều đình phải vào triều kiến và dự yến tiệc. Vợ của Diêm Chức
duyên dáng là một quốc sắc thiên hương, nên Tề Ý công nhìn say đắm, rồi
cho người giữ vợ của Diêm Chức lại và bảo Diêm Chức: “Ngươi đi tìm vợ khác, nhường giai nhân cho ta”.
Diêm Chức vừa nhục vừa hận, gắng gỏi giữ tươi tỉnh ra về. Một hôm, Tề Ý
công ra Thân Trì hóng mát, sai Bính Súc và Diêm Chức theo hầu. Sau khi
Tề Ý công tắm mát và uốn nhiều rượu thì cảm thấy mệt mỏi, bảo Bính Súc
trải giường gấm cho vua ngủ. Khi vua ngủ, Bính Súc và Diêm Chức muốn
nhân dịp báo thù, nhưng người này lại ngại người kia. Bính Súc nghĩ ra
một kế dùng cành cây nhỏ gõ nhẹ vào đầu Diêm Chức. Diêm Chức nổi giận
mắng Bính Súc, thì Bính Súc mỉm cười nói: “Bị người ta cướp vợ không giận, chỉ gõ nhẹ sao lại nổi giận?!” Diêm Chức mắng lại: “Mất vợ nhục nhã thật, nhưng bị người ta hành hạ thi thể của cha thì việc nào nhục hơn?!” Do
đấy, hiểu được lòng nhau, Diêm Chức giữ chặt Tề Ý công còn Bính Súc cắt
lấy thủ cấp vứt xuống Thân Trì. Khi Cao Huynh hay tin toan đem quân đi
bắt Bính Súc và Diêm Chức để trị tội giết vua; nhưng Quốc Quí Phủ
khuyên: “Chúng ta cũng muốn trừ kẻ hôn quân mà chưa có dịp, bây giờ có người ra tay hộ thì bắt tội chúng làm gì”. Do
vậy, triều đình không bắt tội Bính Súc và Diêm Chức. Mưu kế mà giết
được Tề Ý công gọi là “Tiếu lý tàng đao” (Trong nụ cười có chứa gươm
đao) là một mưu kế thâm độc của người Tàu.
Từ những mẩu chuyện xưa và nay, ngẫm nghĩ đến Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của
ông Tập do hệ thống tư pháp gồm có tòa án và an ninh quyết định mục
tiêu và hành động do ông Tập chủ trương, và có nguồn tin còn cho biết
ông Tập đang tìm cách giảm quyền hành của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong
khi đó tại nước tàu, tịch thu tài sản các quan chức tham nhũng có bị
ảnh hưởng đến đời sống của người dân hay không?. Các vấn đề phúc lợi xã
hội, cải cách y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, vật giá leo thang... vẫn
còn khó khăn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Như thế, mục tiêu và hành động “săn bắt hổ”, ông Tập có bị “hổ cắn lại”
hay không? Liệu rằng ông Tập có tránh được hàng trăm đối thủ của ông sẽ
sử dụng “Tiếu lý tàng đao” hay không?! Có bị người ta bắn, đâm chết như
Ngô Khởi hay không?! Có bị các quốc gia khác bao vây con khủng long hung
hãn Tàu cộng hay không?! Hãy chờ xem!.
Song song với những thiết nghĩ trên, trong cuốn sách “The Coming Collapse of China”
(Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) do học giả Gordon G. Chang viết và
có đăng trên The National Interest tại Hoa Kỳ, có một câu cần ngẫm nghĩ:
“cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang “cưỡi trên lưng hổ”, ngã xuống là bị hổ ăn thịt”.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết rằng tệ nạn tham nhũng có ở nhiều quốc
gia chứ không phải chỉ có ở nước Tàu và Việt Nam, nhưng Tàu và Việt Nam
hay các nước Cộng sản thì tham nhũng nhiều hơn gấp trăm gấp ngàn lần so
với các quốc gia khác, là do “độc đảng cai trị, tập thể lãnh đạo” ở đấy
không có phân lập quyền hạn, do đấy tạo sự dễ dàng cho việc tham nhũng.
Cho nên muốn trừ khử tham nhũng thì trước nhất phải trừ khử: “độc đảng
cai trị, tập thể lãnh đạo” mà thôi.
Ngày 20-11-2014
0 comments:
Post a Comment