Thursday, November 27, 2014

Khế ước xã hội và chuyên chính Việt Nam

Việt Nam hiện nay đang đối diện với hai vấn đề lớn, sự suy yếu về mặt luật pháp và khả năng lãnh đạo yếu kém của nhà cầm quyền trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội lẫn chính trị. Ở một mặt nào đó, xã hội đang trở về trạng thái tự nhiên (tha hóa, dã man).

Nó cho thấy một bài học về việc trao quyền lực và thực thi quyền lực. Điều mà Jean-Jacques Rousseau, một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã từng đề cập đến trong tác phẩm “Khế ước xã hội”. Tác phẩm đưa con người trở nên thật tính với nhu cầu tự do đó và buộc con người càng phải trả lời được hai mệnh đề:

Có quyền lực chính trị hợp pháp không, hay thẩm quyền chính trị của chính quyền có được bắt nguồn từ đâu? 

Muốn đảm bảo được tự do và bình đẳng giữa người với người thì thẩm quyền chính trị của chính quyền phải được trao vào tay ai, một ông vua chuyên chế, tầng lớp có của (tư sản), một bộ phận của dân chúng hay là toàn thể nhân dân?

Cả hai mệnh đề đó trở nên hữu dụng trong bối cảnh của Việt Nam ngày hôm nay. Khi mà tính chính danh của chính trị và thẩm quyền chính trị vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tự do trở thành tiền đề mở đầu cho cái trăn trở tìm trật tự chính trị của chính bản thân Rousseau và những con người tìm kiếm tính hợp pháp chính trị, dự hiến tự do về sau này. Chính vì vậy, ngay lời mở đầu của chương thứ nhất, Rousseau viết: “Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích”. Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Chính vì vậy, nền tảng tư tưởng chính trị của Rousseau thể hiện trong Khế ước Xã hội là nhà nước được thiết lập bởi một khế ước xã hội - trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và quyền lực chính trị thuộc về toàn dân. Nhân dân trao quyền lực chính trị cho chính quyền để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí toàn dân. Quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào, nếu chính quyền không làm đúng chức năng được nhân dân ủy quyền.

“Khế ước xã hội” cũng chính là cái mà cụ Phan Châu Trinh đã diễn giải qua tác phẩm “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa” (1925), trong đó, cụ cho rằng: “Trong nước đã hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau.”

Tư tưởng tiến bộ này đã tấn công thẳng vào chế độ chính trị đương thời, khiến cho tác phẩm này bị liệt vào hàng các Tư tưởng Nguy hiểm, bị đốt tại Paris và Genève và triết gia thậm chí phải sống lưu vong tại Anh. Nhưng nó trở thành niềm cảm hứng và mục đích theo đuổi của cách mạng dân chủ nhân quyền Pháp 1789 cũng như các cuộc cách mạng tự do, dân chủ về sau này.

Tại Việt Nam, tư tưởng này vẫn đang là một chủ đề “nhạy cảm” đối với chính quyền, bởi yếu tố tự do và ủy thác quyền lực chính trị vẫn đang nằm trong diện “gượng ép, bắt buộc” trên cơ sở một đảng phái. Nhiều người còn chưa tìm thấy ở tác phẩm một giá trị mà đáng ra, nó phải được truyền tải, khiến cho tinh thần của tác phẩm bị “ứ đọng”.

Chính vì vậy, một hội thảo mang tên “JEAN JACQUES ROUSSEAU- KHẾ ƯỚC XÃ HỘI” sẽ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Tri Thức phối hợp cùng Nhóm Tinh Thần Khai Minh tổ chức vào ngày 28/11 tới đây nhằm “khai thông” những gì cần khai thông, và truyền tải những gì đáng truyền tải trong tác phẩm đến mọi người.

Thời gian: 14h00 đến 16h30 ngày 28 tháng 11 năm 2014

Địa điểm: Hội trường tầng 3,
Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam,
53 Nguyễn Du, Hà Nội
Chủ trì: Giáo sư Chu Hảo
Điều phối & diễn giả: Nhóm Tinh thần Khai Minh
Phản biện: Nhóm Tinh thần Khai Minh
Khách mời: TS Phạm Văn Chung: Hiện là giảng viên Khoa Triết, Đại học khoa họ xã hội và nhân văn 
Vào cửa: Tự do
Đăng ký tại: http://bit.ly/1tWSBA5

0 comments:

Powered By Blogger