Hồ Chí Minh (HCM) được chế độ cộng sản (CS) xem là một nhà thơ lớn.
Các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học CS thi nhau bốc thơm. Trong các
kỳ thi trung học dưới mái trường CS, thơ HCM thường được đưa ra làm đề
tài cho các em học sinh bình giải.
Theo viện Văn học Hà Nội, thi phẩm vĩ đại nhất của HCM là quyển Ngục trung nhật ký
viết bằng chữ Hán, xuất bản tại Hà Nội năm 1960, gồm 132 bài thơ, đại
đa số là tứ tuyệt (thơ 4 câu 7 chữ). Viện nầy cho biết HCM “đã viết trong cảnh lao tù từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943” (1).
Ngục trung nhật ký đã được dịch qua chữ Việt, phát hành hàng trăm ngàn
bản ở trong nước và cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở hải ngoại.
Nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục, nguyên là giáo sư văn chương Việt Nam tại Đại
học Văn khoa Huế và Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau năm 1975 định cư tại
Montreal, Canada, đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng tập thơ nầy và chứng minh
rằng đa số các bài thơ trong Ngục trung nhật ký do một người Trung Hoa tên là “Già Lý” sáng tác, và chỉ có khoảng trên dưới 10 bài tứ tuyệt là của HCM. (2)
Giáo sư Lê Hữu Mục đã phân tách tỉ mỉ tác phẩm nầy và đưa ra nhận xét như sau: "Phần
phân tích ở trên chứng thực già Lý là chủ nhân của những bài thơ xây
dựng theo kĩ thuật thơ Đường; những bài thơ nầy chiếm hết ba phần tư tác
phẩm. Phần còn lại có thể coi là của Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nói là có thể
vì tôi không khẳng định được rõ ràng bài thơ nào đích thực là của Hồ
Chí Minh, bài thơ nào thuộc về các tác giả khác." (3)
Chỉ cần nhìn sơ qua hình bìa nguyên bản quyển Ngục trung nhật ký cũng đã thấy mâu thuẫn ngay từ đầu. Tấm bìa nguyên thủy của sách nầy ghi rõ ngày, tháng và năm sáng tác là 29-8-1932 / 10-9-1933, trong khi Viện Văn học cho rằng HCM sáng tác tập thơ nầy trong hai năm 1942 và 1943.
Ngoài những nghiên cứu của giáo sư Lê Hữu Mục, còn có những phát hiện
khá thú vị khác về tài cóp thơ hoặc là trộm thơ của người khác của HCM.
Ví dụ trong tuyển tập Quốc Học, trường tôi do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tại Huế năm 1996, có đăng bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” của HCM.
Tuyển tập nầy chú giải rằng bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” là của HCM gởi cho Võ Nguyên Giáp năm 1954, và "mới được phát hiện". Giáo sư Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ, trong bài "Ai là tác giả bài Tầm hữu vị ngộ?" (4),
cho rằng nếu bài thơ nầy của một lãnh tụ (HCM) tặng cho một viên tướng
(Võ Nguyên Giáp), được sáng tác năm 1954, cả hai đang cầm quyền và cầm
quân, mà sao đến năm 1990 mới được phát hiện? Hai người nầy đều là những
nhân vật quan trọng đầu não của chế độ CS, mà sao bài thơ có thể thất
lạc một thời gian dài (1954-1990)? Giáo sư Tuệ Quang đi sâu vào chi tiết
bài thơ và nhận xét: "Tóm lại, bài thơ "Tầm hữu vị ngộ", xét về hình thức lẫn nội dung, không phù hợp với thi cách và khuynh hướng của ông Hồ".
Hai câu chuyện trên đây còn đang được tranh cãi, nhưng qua đến câu chuyện bài thơ dưới đây thì có lẽ khó cãi. Số là trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6,
(5), đăng bản phiên âm bài thơ bằng chữ Hán của HCM gởi cho trung tướng
Trần Canh (sau lên đại tướng). Bài thơ nầy còn được in trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (6). Nguyên văn bản phiên âm bài thơ như sau:
Tặng Trần Canh Đồng Chí
Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
Bản dịch nghĩa của sách nầy:
Tặng Đồng Chí Trần Canh
Rượu ngọt “sâm banh” trong chén ngọc dạ quang
Sắp uống, tỳ bà trên ngựa đã giục giã
Say sưa nằm lăn nơi sa trường, anh đừng cười nhé!
Chớ để một tên địch nào trở về.
(Theo đúng nguyên văn trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 tr. 101.)
Hồ Chí Minh và Trần Canh |
Trần Canh (Chen Geng) lúc đó là một viên trung tướng thân cận của Mao
Trạch Đông, đang là ủy viên dự khuyết ban Chấp hành Trung ương đảng
CSTQ, tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số 4, chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh Vân Nam. Hồ Chí Minh trực tiếp xin Mao Trạch Đông gởi
Trần Canh qua làm cố vấn quân sự cho Việt Minh (VM).
Theo lệnh Mao Trạch Đông, Trần Canh đến Thái Nguyên gặp HCM vào cuối
tháng 7-1950. Trong chiến dịch biên giới, Võ Nguyên Giáp dự tính tấn
công Cao Bằng, nhưng Trần Canh chủ trương đánh Đông Khê. Theo Trần Canh,
địa thế Cao Bằng hiểm trở, công sự phòng thủ kiên cố và quân Pháp ở đây
đông, nên khó tấn công. Trong khi đó, Đông Khê tuy nhỏ, nhưng giữ một
vị trí chiến lược quan trọng trên phòng tuyến giữa Cao Bằng và Lạng Sơn;
quân Pháp ở đây ít, dễ tấn công hơn. Cuối cùng, VM vâng theo ý kiến của
Trần Canh.
Ngày 16-9-1950, VM dùng chiến thuật biển người theo kiểu Trung Cộng,
tung khoảng 10,000 quân tấn công Đông Khê, một cứ điểm nhỏ do 260 quân
Pháp trấn giữ. Đông Khê ở phía đông nam Cao Bằng, phía bắc Thất Khê.
(Thất Khê ở phía tây bắc Lạng Sơn). Sau ba đêm và hai ngày kịch chiến
(16 đến 18-9-1950), VM chiếm Đông Khê.
Trận Đông Khê là trận thắng đầu tiên của VM, cô lập Cao Bằng và cắt đứt
tỉnh lộ số 4, nối Cao Bằng với Lạng Sơn. Sau trận nầy, Trần Canh còn cố
vấn cho Võ Nguyên Giáp thi hành kế hoạch “công đồn đả viện”, chận đánh
riêng biệt hai cánh quân do hai trung tá Pháp chỉ huy. Cánh quân của
trung tá Marcel Lepage rời Thất Khê tiến lên Đông Khê, bị VM phục kích ở
Cốc Xá (nam Đồng Khê) ngày 8-10-1950. Trong khi đó, đơn vị của trung tá
Pierre Charton rút khỏi Cao Bằng ngày 3-10-1950, cũng bị VM phục kích
ngày 10-10-1950 tại đồi 477, tây nam Đông Khê.
Trong hai trận nầy, số quân Pháp vừa tử trận, vừa bị bắt làm tù binh lên
đến 4,000 binh sĩ, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan, trong đó có hai sĩ
quan cấp trung tá. Đây là trận thất bại nặng nề đầu tiên của Pháp kể từ
khi chiến tranh bắt đầu năm 1946. Ngoài số thương vong và thất thoát võ
khí trên đất, lần đầu tiên 15 chiến đấu cơ của Pháp bị súng cao xạ của
VM do Trung Cộng viện trợ, bắn hạ. Ngược lại, hai cuộc phục kích nầy là
chiến thắng lớn lao nhất của VM từ năm 1946, hoàn toàn do quyết định của
tướng TC.
Theo ghi chú dưới bài thơ HCM tặng Trần Canh trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6,
tr. 101, thì HCM gởi bài thơ nầy cho Trần Canh trước ngày 9-10-1950,
nghĩa là HCM chúc mừng Trần Canh sau trận thắng Đông Khê ngày 18-9-1950,
nhưng trước hai trận VM phục kích ở phía nam Đông Khê tháng 10-1950.
Đọc bài thơ nầy, ai cũng cảm thấy phảng phát âm hưởng bài thơ rất nổi
tiếng của Vương Hàn đời Đường bên Trung Hoa là bài “Lương Châu từ”, được
phiên âm như sau:
Lương Châu Từ
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Trần Trọng San dịch:
Bài Hát Lương Châu
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?
So sánh hai bài thơ tứ tuyệt “Tặng đồng chí Trần Canh” của HCM và “Bài
hát Lương Châu” của Vương Hàn, cách nhau cả hơn một ngàn năm, mỗi bài
thơ chỉ có 28 chữ, mà hai bài thơ chỉ khác nhau có bảy chữ. Đó là hai
chữ đầu bài thơ (“bồ đào” thay bằng “hương tân” tức rượu champagne; và
năm chữ câu cuối). Còn hai câu giữa hoàn toàn giống nhau, nghĩa là hết
ba phần tư (3/4) bài thơ nguyên là của bài “Lương Châu từ” của Vương
Hàn.
Câu kết bài thơ HCM tặng Trần Canh trong tổng thể cả bốn câu của bài
thơ, thật là vô duyên và lại lạc đề, vì ý nghĩa câu nầy chẳng ăn nhập gì
đến ý nghĩa ba câu trên của bài thơ. Ba câu trên đang nói chuyện uống
rượu trong một cái chén dạ quang sang trọng, phải vội vàng ra đi theo
tiếng nhạc xuất quân, dù có say sưa ngoài chiến trường thi xin mọi người
đừng cười... Bài thơ đang đến hồi sảng khoái, hào hùng thì HCM lại kết
luận trật chìa một cách vô duyên, chẳng có hồn thơ, làm mất hứng thơ: “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. (Chớ để một tên địch nào trở về). Đang nói chuyện xin đừng cười kẻ lỡ say ngoài chiến trường sao mà “chớ để một tên địch nào trở về”, thì thật là lãng nhách.
Trong khi đó, câu kết của Vương Hàn “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Từ xưa chinh chiến mấy người về),
vừa hào hùng phù hợp với ý tưởng ba câu thơ trên, vừa là tâm trạng của
những chiến binh xông pha trận mạc, biết rằng chiến tranh có những rủi
ro không sao đoán trước được, nên từ xưa đến nay, những người ra đi xông
pha chiến trận, thì mấy người trở về? Vì vậy mới xin đừng cười kẻ lỡ
say trên đường ra trận. Lời thơ trong câu kết của Vương Hàn vang lên như
là một điệu nhạc vừa hùng tráng và cũng vừa bi ai. (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.)
Trừ trường hợp Trần Canh là người dốt nát, không biết đọc chữ thì Trần
Canh mới không phát hiện được HCM chép lại thơ Vương Hàn. Tuy nhiên,
Trần Canh là người đã từng đủ điều kiện để theo học khóa 1 trường võ bị
Hoàng Phố (Quảng Châu) tháng 5-1924, nổi tiếng học giỏi và được mệnh
danh là một trong ba nhân tài của Hoàng Phố (Hoàng Phố tam kiệt), đã
từng là hiệu trưởng trường Lục quân Bành Dương, đã lên tới cấp trung
tướng, đang giữ chức tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số
4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vân Nam. Chắc chắn Trần Canh có một
trình độ học vấn căn bản và vốn là một quân nhân, Trần Canh phải biết
bài thơ trứ danh về chiến tranh của Vương Hàn, nhất là hai câu chót: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, hầu như là hai câu nằm lòng của giới nhà binh. Nay HCM lại “múa rìu qua mắt thợ”, lấy nguyên văn hai câu thơ của Vương Hàn làm quà tặng cho đồng hương con cháu của Vương Hàn. Trần Canh nghĩ sao về việc nầy?
Phải chăng đây là thơ “tập cổ” theo lối người xưa? Nếu tập cổ thì mượn
một câu chứ không mượn 3/4 bài, và ít nhất khi in lại cũng ghi là thơ
tập cổ từ thơ của ai? Hay đây là lối đánh lận con đen trí trá cố hửu của
HCM? Nếu ai biết thì chối là thơ tập cổ, nếu ai không biết thì khoe là
thơ của HCM và đăng vào sách, lưu truyền về sau. Ngày nay, chỉ cần chép
nguyên văn một câu của người khác mà không đề xuất xứ, thì bị ghép vào
tội đạo văn, ăn cắp thơ. Trong bài thơ nầy, HCM ăn cắp những ba phần tư
(3/4) bài thơ của Vương Hàn.
Đúng là HCM, chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức nhà nước cộng sản
Bắc Việt Nam, xứng đáng là chủ tịch trộm thơ liều lĩnh. Thế mà đảng CSVN
luôn luôn kêu gọi học tập đạo đức HCM tức là học luôn cách trộm thơ hay
trộm công trình sáng tác của người khác. Có thể do nhờ học tập đạo đức
kiểu đó nên viên hiệu phó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã đạo văn
luận án tiến sĩ của người khác. Chỉ khác một điều là vào đầu năm nay
(2014) có người tố cáo viên hiệu phó ăn cắp sở hữu trí tuệ của người
khác, mà chẳng ai chịu tố cáo HCM đã trộm thơ của người khác. Nếu viên
hiệu phó Đại Học Bách Khoa Hà Nội công khai thừa nhận đã trộm luận văn
của người khác vì đã học theo gương đạo đức HCM, thì hy vọng có thể khỏi
bị truy tố.
Chẳng những trộm thơ, mà HCM còn trộm tư tưởng của người khác. Ví dụ rõ
nét nhất còn được các trường học ở Việt Nam hiện nay truyền tụng như là
tư tưởng HCM, là câu mà HCM đã phát biểu trong cuộc học tập chính trị
khoảng hơn 3,000 giáo viên ngày 13-9-1958 tại Hà Nội: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” (7). Câu nầy, HCM ăn cắp nguyên ý của Quản Trọng, tể tướng ngước Tề thời Xuân Thu (722-479 trước CN). Quản Trọng nói: “Nhất niên chi kế mạc ư thụ cốc; thập niên chi kế mạc ư thụ mộc; bách niên chi kế mạc ư thụ nhân.”
(Kế một năm trồng lúa; kế mười năm trồng cây; kế trăm năm trồng người.)
Nếu kể chuyện HCM đạo văn thì còn nhiều chuyện nữa, kể cả bản Tuyên
ngôn ngày 2-9-1945 của HCM...
Lãnh tụ số một của CSVN còn như thế, thì trách chi hiệu phó Đại Học Bách
Khoa Hà Nội trộm luận án và trách chi nền văn hóa giáo dục CSVN suy sụp
và xuống cấp.
Toronto, 26-11-2014
______________________________________
Chú thích:
(1) Lê Hữu Mục trích dẫn, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Toronto: Văn Bút Hải Ngoại, 1990, tt. 12-13.)
(2) Lê Hữu Mục, sđd. tr. 112. ("Ông già họ Lý" là người bị giam chung
với HCM vào đầu thập niên 30 tại khám lớn Victoria ở Hồng Kông.)
(3) Lê Hữu Mục, sđd. tr. 94.
(4) Tạp chí Hương Văn, California, số 5, tháng 2-1999, tt. 91-96.
(5) Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội in lần thứ hai, năm 2000, trang 101.
(6) Hà Nội: Nxb. Văn Học, 1990, tt. 39-40.
(7) Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958.
0 comments:
Post a Comment