Monday, November 24, 2014

Hà Nội Chạy Khắp Nơi Mong Cứu Kinh Tế

Tháng trước, khi mục này vắng mặt trên diễn đàn, thì cũng lắm chuyện "trái khoáy" trong kinh tế diễn ra ngay tại Hanoi: Ông Thủ Tướng Dũng thì khoe khoang"8 tháng qua, kinh tế tiếp tục có những biến chuyển tích cực, dự kiến có đến 85,7% đạt chỉ têu". Hai tuần sau, Ủy Ban Giám sát Tài Chánh Quốc Gia tạt vào mặt ông Dũng một "mẻ bùn" được chuyên gia trong ngành "vỗ tay tán thưởng", khiến ông Thủ Tướng "im re", chưa đưa ra phản ứng gì. Trước đó, Tổng Cục Thống Kê cũng cho biết từ đầu năm đến nay, có gần 46 ngàn doanh nghiệp giải thể. Vào lúc "rốn rắm tứ bề", Hanoi chia nhau chạy sang phía Tây phương, qua chuyến đi của chính người cầm đầu chính phủ, ông Nguyễn tấn Dũng, theo ngay sau chuyến "về Mỹ" (*) của ông Phạm bình Minh, Ngoại Trưởng. Hai chuyến đi đều nhằm cứu kinh tế. Thỏa thuận thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA)) đươc ông Dũng nói là sẽ tăng cường đàm phán để ký kết trong vài tháng nữa; còn cánh cửa TPP Hanoi cố đẩy để lọt được vào thì đang từ từ khép lại. Cuộc thương thảo vào TPP đúng ra kết thúc cuối năm ngoái, nhưng tính kiêu căng cố hữu của Hanoi đã chặn "miếng mồi"Hanoi hết sức thèm thuồng tới thời điểm khác, mà hậu quả lại chưa biết ra sao. Trừ phi còn vài tháng nữa, Hanoi đưa ra các quyết định "xuống nước"thì cánh cửa TPP sẽ mở toang (?)
Nội thù . . . nhiều mặt
Báo cáo tình hình kinh tế trong 8 tháng đầu năm của Ủy Ban Tài Chánh Quốc Gia, được truyền thông trong nước dẫn lại cho thấy tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho chỉ tiêu tăng trưởng 5,8%; trong năm nay sẽ chỉ đạt 5,6%. Hậu quả kinh tế này do vụ giàn khoan HD-981 gây ra. Cho đến nay Hanoi mới nhận ra "thủ phạm" chính là "đồng chí đối tác chiến lược" lớn nhất - là thằng "giặc bên Ngô", vẫn tiếp tục thao túng kinh tế và chính trị Việt Nam. Từ lâu Bắc Kinh đã đặt người vào mọi lãnh vực ngay trong Việt Nam, khiến Hanoi không tự mình cựa quậy được. Hanoi vội quay sang phía Tây phương, nhưng trong hàng ngũ chóp bu nội bộ Cộng đảng, một phần vẫn bị Bắc Kinh khống chế.
Trong một bản nghiên cứu công bố hôm 13/10/2014, ngân hàng Úc-New Zealand ANZ (Australia & New Zealand Banking Group) đã tỏ ý hoài nghi về các số liệu chính thức mà chính quyền Việt Nam vừa công bố liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức tăng trưởng trong quý III cao khác thường trong lúc đa phần các chỉ số kinh tế đều cho thấy đà đi xuống.
Số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được công bố chỉ vài tuần sau khi báo cáo của Tổng Cục Thống kê hồi cuối tháng Tám cho biết 44.500 doanh nghiệp Việt Nam đã phá sản, giải thể từ đầu năm nay, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 8, khoảng 6.700 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tăng 35% so với tháng trước đó. Hai năm qua, có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phá sản. Điều này đương nhiên dẫn tới tín dụng ở mức thấp là 3.7%; năm ngoái ở mức 4.7%. Còn vài tháng nữa là hết năm, Hanoi có "độ đá vá trời" cũng không cách gì nâng mức tín dụng đạt chỉ tiêu 12 % cho năm nay. Ngoại trừ lại cho các dự án ma vay bừa bãi như từng làm trong các năm 2004 đến 2011; có năm tín dụng được cấp đến 33%. Kết qủa là ngày nay nợ xấu tăng cao hơn 106%. Trong một báo cáo mới nhất về khu vực tài chính của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã bày tỏ quan ngại về "chất lượng thống kê tài chính" và cho rằng cách đánh giá nợ xấu của VN hiện này là "không đáng tin cậy"
Hanoi lỡ nhiều dịp
Nhà báo Phạm chí Dũng nêu ra nhiều cơ hội để Việt Nam xích lại gần hơn với Hoaky, đồng thời giảm áp lưc chính trị và lệ thuộc kinh tế từ phương Bắc, nhưng Hanoi đã không làm chỉ vì kiêu căng, khiến dẫn đến cánh cửa TPP phải khép lại… Tháng 12-2013, ngoại trưởng Hoa kỳ, TNS John Kerry thăm Hanoi , tháng 3-2014 nữ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đến VN trong cùng mục đích mở thêm cánh cửa cho TPP . Sau đó, cơ hội lớn không kém là Ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị sang Mỹ để "trút bầu tâm sự", ngay sau đó là Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain lẫn Chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đều lập tức có mặt tại Hà Nội để "đáp lễ". Chưa kể, Việt Nam còn có đến hai dịp để bày tỏ thiện tâm ở Genève, Thụy Sĩ vào tháng 2 và tháng 6 năm 2014. Nhưng bi kịch cho Nhà nước Việt Nam chính là ở chỗ họ luôn muốn nhận quá nhiều nhưng lại chẳng cho đi bao nhiêu.
Chúng ta nên để ý là cùng thời gian với cuộc đàm phán cấp cao về TPP tại Hà Nội vào đầu tháng 9/2014, đã không có bất kỳ tù nhân chính trị nào được Nhà nước Việt Nam đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9. Sau đó đến cuối tháng 10/2014, dường như chịu một sự thúc ép ngày càng căng từ quốc tế lẫn trong nội bộ, Bộ Công an mới chịu thả 5 tù nhân lương tâm, nhưng nói xin lỗi, toàn những người "sắp chết" và gần như đã mất "sức lao động dân chủ", có nghĩa là hầu như không còn "nguy hiểm" gì đối với sự tồn tại của chính quyền. Mà thả như vậy thì chỉ mới là nhỏ giọt và chẳng thể đủ thành tâm trước sự đòi hỏi rốt ráo của cộng đồng quốc tế, do đó vẫn làm cho Quốc hội Hoa Kỳ trở nên quá khó nghĩ trước khi đưa ra một quyết định về Việt Nam có được tham gia vào TPP hay không.
Trong khi đó, càng về sau này, quyền lực càng chuyển dần sang lưỡng viện Hoa Kỳ, trong đó có cơ chế thông qua quyền đàm phán nhanh TPP (fast track). Có nghĩa là vào lúc này, ngay cả Tổng thống Obama cũng không còn được toàn quyền quyết định về TPP, mà phải chờ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11/2014 và sau đó đợi cơ quan này thông qua quyền đàm phán nhanh TPP trong sớm nhất vào đầu năm 2015.
Cải tổ vô "thùng không đáy"
Đầu tháng 10, trước chuyến đi Âu Châu của ông Dũng, Hanoi loan báo sẽ cải tổ hệ thống ngân hàng thương mại. Việc này Hanoi đã đưa ra từ năm 2011, khi đó nói là, sẽ giảm số lượng các ngân hàng trong nước từ 40 xuống còn 15 hay 17 trước năm 2016, mặc dù giới quan sát cho rằng mục tiêu khả thi hơn là giảm xuống còn 20 ngân hàng vào trước năm 2020. Nay thì Hanoi đã lập lại tin này.
Theo dự liệu, 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất vẫn được cho là sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, cùng với 8 ngân hàng tư nhân quy mô vừa hiện nay được cho là các định chế tài chính với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn.
Giới chuyên gia tài chánh vạch ra rằng, 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam - Agribank, ViettinBank, BIDV và VietcomBank, chiếm khoảng 50% nợ và 38% tổng số vốn điều lệ (theo khảo sát của KPMG). Những ngân hàng này đa phần mang nợ xấu.
Theo luật lệ tài chánh hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa là 30% cổ phần trong ngân hàng. Thí dụ BIDV, đang thương lượng, để đến cuối năm 2015, nhà nước chỉ còn sở hữu khoảng 65% cổ phần tại đây.
Theo cách cải tổ được Hanoi tính toán, thì Cộng đang vẫn giữ quyền kiểm soát trong kinh tế, tài chánh. Như thế giới lãnh đạo Hà Nội vẫn có cơ sở để nắm chắc rằng"bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình" - như một câu sắt đá trong Cộng Sản Quốc Tế Ca. Rốt cuộc các sai lầm làm mất hàng trăm ngàn tỷ, không ai chịu trách nhiệm. Tiền cứ bị cuốn hút vào những thùng không đáy như vụ Vinashin, Vinalines.
Bao lâu nay, Hanoi chỉ nói khi cần; còn làm thì lại khác rất xa. Đây là một thí dụ cụ thể : Tháng Bảy năm 2013, Hanoi cho phép lập công ty quản lý tài sản VAMC, với khoản vốn ban đầu là 24 triệu đôla, nhằm giúp mua lại nợ xấu từ các ngân hàng để đổi lại trái phiếu chính phủ. Chỉ trong 7 tháng đầu tiên, VAMC đã mua lại khoảng 2,5 triệu Đôla nợ xấu, nhưng sau đó hoạt động của công ty này đã chậm lại. Nhiều chuyên gia tố giác, Hanoi đã cho làm các thủ tục để "đảo nợ"; nợ cũ thành mới, giúp các món nợ được "đảo" trở thanh nợ vừa mới vay, còn lâu lắm mới "đáo hạn" để phải trả; vòng đảo nợ cứ quay thì nợ xấu sẽ rất thấp.
Khi VAMC thành hình, công luận la lên, vốn có 24 triệu Đôla thì làm ăn gì với núi nợ xấu. Nhưng bản chất của Hanoi là lừa công chúng. Thành ra vốn 24 triệu Đôla là quá dư rồi! Đúng như lời Giảng Viên Kinh tế, Tiến sỹ Kinh tế Phạm thế Anh : Về bản chất, VAMC không phải là công cụ xử lý nợ xấu mà chỉ kéo dài thời gian giúp các ngân hàng thương mại tự giải quyết nợ xấu thông qua tái cấp vốn."(BBC Oct 14)
Hanoi mất khả năng trả nợ
Cũng trước khi ông Dũng sang Châu Âu, Hanoi tung ra kế hoạch sẽ vay thêm 1 tỷ Đôla vào năm 2015, nói là để khai thác tỷ giá hay lãi suất vay nợ thấp trên thị trường quốc tế hiện nay, tái cơ cấu nợ công, giảm lãi suất của các món nợ cũ, qua đó giảm áp lực trả nợ lên Chính phủ hiện nay mà không làm tăng nợ quốc gia.. Lối giải thích này của Hanoi bị truyền thông mọi phía tố giác là, "cách nói dối trơ trẽn để che dấu thực trạng mất khả năng trả nợ đến hạn, nợ công đã vượt mức nguy hiểm từ lâu…"
Hanoi luôn khoe là, quĩ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng mạnh và đã đạt con số đến xấp xỉ 30 tỷ Đô la. Vậy tại sao Hanoi không dùng chỉ dưới 5% của 30 tỷ Đôla đó cho việc tái cơ cấu giảm áp lực trả nợ công quốc tế của quốc gia? Còn lý do nào để sử dụng quĩ dự trữ ngoại tệ quốc gia hợp lý hơn? Nếu phải đi vay thêm 1 tỷ Đôla thì điều đó chỉ có thể giải thích rằng, quĩ dự trữ ngoại tệ quốc gia là rỗng tuếch, chỉ là cái bánh vẽ nên không ai "cắn" được… dù chủ nhân của nó là Cộng đảng cũng đành chịu!
Các Tập đoàn doanh nghiệp quốc doanh lớn của Hanoi không có khả năng trả nợ cũ đã vay mà còn không có chút uy tín nào để đi vay thêm nữa, như họ đã từng vay nợ vào giữa những năm 2000-2010. Nền kinh tế vẫn tăng mỗi năm trên 5%, tại sao không có đủ tiền điều hành mà luôn vay nợ. Theo Tiến sỹ Kinh Tế Phạm đăng Doanh nợ công Việt Nam nay đã ở mức xấp xỉ 105%. Điều này nói lên rằng các số liệu do Hanoi công bố đều không đúng. Các đinh chế kinh tế, tài chánh quốc tế vẫn luôn hoài nghi về những gì Hanoi công bố!
Đây sẽ là đợt vay nợ để tái có cấu nợ công của chính phủ lần thứ tư, kể từ khi nó có định hướng kỳ lạ là chuyên "đi vay để giảm nợ"? Và, cứ xung quanh mỗi lần "đi vay có chu kỳ" đó là một lần kinh tế VN mấp mé khủng hoảng, các năm 1990, 2000 (chu kỳ 10 năm); 2005, 2010 và … 2015 (chu kỳ còn 5 năm)
Chu kỳ vay nợ gần nhau hơn cho thấy nền kinh tế tài chánh của Việt Nam xuống cấp nhanh hơn. Đây là lỗi lầm tài chánh hết sức nguy hại cho thế hệ mai sau, vì toàn dân Việt sẽ phải nai lưng mà trả nợ.



(*) Ông Phạm Bình Minh là Công sứ, từng làm Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hoa Kỳ từ 2001 đến 2003, và là con trai của cựu Ngoại Trương Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương).
 

0 comments:

Powered By Blogger