Trọng Nghĩa
Tàu Trung Quốc lại vào Senkaku sau khi Nhật đề nghị lập cơ chế quản lý khủng hoảng nhằm tránh xung đột - REUTERS
Theo
một kịch bản thường thấy, tàu tuần tra Trung Quốc vào hôm nay,
29/11/2014 lại xâm nhập vùng biển do Nhật Bản quản lý chung quanh quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Hành động này được cho là mang
tính chất khiêu khích trong bối cảnh lãnh đạo lực lượng võ trang Nhật
Bản vừa tung ra lời kêu gọi thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng
nhằm tránh xung đột bùng lên trong khu vực.
Theo
hãng tin Nhật Bản Kyodo, trích dẫn cơ quan chỉ huy lực lượng Tuần duyên
Nhật Bản tại Naha, tỉnh Okinawa, vào sáng nay, ba chiếc tàu Hải cảnh
Trung Quốc mang số hiệu 2102, 2151 và 2337, đã lại xâm nhập vùng biển
Nhật Bản tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nguồn
tin trên cho biết là một chiếc tàu tuần duyên Nhật Bản đã phát tín hiệu
cảnh cáo, yêu cầu tàu Trung Quốc phải rời khỏi khu vực. Một trong những
chiếc tàu Trung Quốc đã đáp trả bằng câu khẳng định rằng quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư là « vùng lãnh thổ vốn có của Trung Quốc ».
Bắc
Kinh đã cho tàu thâm nhập vùng biển tranh chấp chỉ một hôm sau khi lãnh
đạo quân sự cao cấp nhất của Nhật Bản lên tiếng kêu gọi sớm khởi động
cơ chế quản lý khủng hoảng với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng tham mưu trưởng lực lượng võ trang Nhật Bản cho là cơ chế đó « sẽ cho phép hai bên liên lạc trực tiếp ngay trên hiện trường (và) điều đó mang ý nghĩa đáng kể ».
Cơ
chế thông tin liên lạc đó không chỉ bao hàm một đường dây nóng giữa
hai chính phủ, mà còn nối liền lực lượng hải quân và không quân hai
nước. Theo đô đốc Kawano : « Việc khởi động cơ chế liên lạc như vậy sẽ là một bước tiến lớn trong việc tránh các tình huống bất ngờ. »
Vào
thượng tuần tháng 11 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí là hai nước sẽ khởi sự
việc cùng nhau quản lý khủng hoảng trên biển. Các cuộc đàm
phán tương tự đã bị đình hoãn kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa
ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku vào tháng 09/2012.
Vào
hôm qua, lãnh đạo lực lượng võ trang Nhật Bản tuy nhiên không tránh
khỏi bi quan khi cho rằng vẫn còn quá sớm để biết là khi nào cơ
chế này trở thành hiện thực. Theo ông : « Chỉ khi nào quan hệ chính trị được xây dựng lại, thì giao lưu giữa quân đội hai nước mới có thể diễn ra ».
0 comments:
Post a Comment