*
Vấn đề làm sao mà người Việt Nam có thể quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù do chiến tranh gây ra để đoàn kết xây dựng đất nước đã được viết trong “Hiệp định chấm dứt Chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Từ đó đến nay (2014) đã 41 năm mà người Việt Nam ở hai bờ chiến tuyến
vẫn còn xa cách như khi chiến tranh chưa kết thúc ngày 30/04/1975 phải
có nguyên nhân.
Lỗi này, trước hết và duy nhất phải quy kết vào trách nhiệm của đảng và
nhà nước Cộng sản mang danh Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ở miền Bắc và
những người Việt miền Nam đi theo Cộng sản được đại diện bởi Chính phủ
Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, hay Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam.
Tại sao?
Bởi vì Hiệp định Paris đã nói rõ trong Chương IV về “VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM” gồm những Điều rất rõ như sau:
Điều 9:
Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng Hòa cam kết tôn
trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam
Việt Nam dưới đây:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của
miền Nam Việt Nam thông quan tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có
giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Điều 10:
Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa
bình ở miền Nam Việt Nam; giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương
lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
Điều 11:
Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành
động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp
tác với bên này hoặc bên kia;
- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động
chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn
sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Điều 12:
a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên
tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn
tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau
(các bên ký kết hiểu với nhau gồm có: Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Lực
lượng thứ ba - hay phe Dương Văn Minh -, Chính phủ Cộng Hòa miền Nam
Việt Nam). Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội
đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam
Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền
Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt
Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này
trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với
nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân
chủ.
b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai
bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa
hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa
hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong
Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này.
Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên
miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia
hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển
cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Điều 13:
Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên
miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc,
bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài,
phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên
miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục
viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó
càng sớm càng tốt.
Điều 14:
Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập. Miền
Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân
biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền
của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không
kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho
miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau
tổng tuyển cử ở miền Nam nói trong Điều 9(b).
Sự thật phũ phàng
Trên giấy trắng mực đen là như thế với chữ ký cam kết của 4 bên gồm: Bộ
trưởng Ngoại giao William P. Rogers (Hoa Kỳ), Trần Văn Lắm (Việt Nam
Cộng Hòa), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ Cộng
Hòa) và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng Lâm
thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam).
Nhưng trong thực tế trên chiến trường vào thời điểm này, ngót 300,000
quân đội miền Bắc vẫn hành quân trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong
khi Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam.
Từ đó Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải tiếp tục chiến đấu một mình với sự
viện trợ rất hạn chế về vũ khí và lương thực của Hoa Kỳ.
Theo các tài liệu của Quốc tế phổ biến trên Internet thì vào năm 1973,
Việt Nam Cộng Hòa có 450.000 quân chủ lực và hơn 700.000 quân địa phương
và dân vệ. Quân Đội Cộng sản Nhân Dân Việt Nam có 525.000 quân (Hoa Kỳ
ước đoán 500.000-600.000), kể cả lối 220.000 trong số đó đang có mặt ở
miền Nam.
Tuy nhiên về hỏa lực thì quân đội Cộng sản có số lượng gấp 3 lần hơn vũ
khí và đạn được của quân đội miền Nam vì Liên bang Sô viết do Nga cầm
đầu và Trung Cộng vẫn tiếp tục đổ súng đạn và lương thực vào miến Bắc để
vượt Trường Sơn vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Ngược lại vì ràng buộc bởi Hiệp định Paris 1973, chính phủ Hoa Kỳ đã bị
Quốc hội hạn chế viện trợ cho miền Nam Việt Nam từ 2 tỷ mỗi năm xuống
còn 600 triệu, sau ngày ký Hiệp định Paris 1973.
Sau đó số tiền này bị chận lại ở Quốc hội khi phía Mỹ thấy tình hình mất
Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân đội miền Bắc không còn cứu vãn được
nữa, sau cuộc tấn công của lực lượng miền Bắc vào thành phổ Ban Mê Thuột
ngày 10 tháng 3/1975, mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên mang “mật danh
Chiến dịch 275”.
Hành động tiếp tục chiến tranh xâm lăng miền Nam ngay trong lúc đàm phán
để sau này miền Bắc chà đạp lên quyền tự quyết của nhân dân hai bên
miền Nam ghi trong Hiệp định Paris 1973, đã được Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà
thuộc Viện Lịch sử Đảng xác nhận trong bài viết “Hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam 1968-1973”
vào dịp Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam của Tạp chí
Thế giới-Việt Nam (The World & Vietnam report) thuộc Bộ Ngoại giao
Hà Nội ngày 31/01/2013.
Ông viết: "Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị thông qua phương án của Quân
ủy Trung ương, quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lấy Trị
Thiên làm hướng tiến công chủ yếu. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hướng
phối hợp.
Ngày 30/3/1972, quân ta nổ súng ở Trị Thiên, mở màn cho cuộc tiến
công chiến lược 1972. Ngày 2/5/1972, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Đây
là thắng lợi quân sự rất quan trọng, có ý nghĩa trong năm bản lề 1972 có
nhiều sự kiện quân sự, ngoại giao lớn đan xen. Đó là hai chuyến thăm
Trung Quốc (2/1972), Liên Xô (5/1972) của Tổng thống Mỹ Nixon gây chia
rẽ và bất lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đó là việc Mỹ tiến
hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, thả
mìn, thủy lôi phong tỏa các cảng, cửa sông, cửa biển của miền Bắc từ
6/4/1972 với quy mô và cường độ ác liệt hơn trước, gây khó khăn cho vận
chuyển tiếp tế cho miền Nam cả đường bộ và đường thủy.
Cuộc tiến công chiến lược ở Trị Thiên và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã
giành được những thắng lợi rất quan trọng song cũng chịu nhiều tổn thất
hy sinh (đặc biệt là trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày
đêm, từ 25/6 đến 16/9/1972), đã tạo điều kiện cho đấu tranh ngoại giao
thu được kết quả. Đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Pari đã chủ động
có bước đột phá, đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh,
lập lại hòa bình ở Việt Nam (10/1972), đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng
túng, phải đi vào đàm phán thực chất.
Đặc biệt, quân và dân miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, đã đánh
bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày
đêm cuối năm 1972 của Mỹ, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không". Đây
là thắng lợi quân sự lớn nhất, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp
định Pari ngày 27/1/1973, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ về
nước, mở ra thời cơ chiến lược để quân và dân ta tiến lên "đánh cho ngụy
nhào" vào mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất
đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại
của dân tộc.”
Hệ lụy của chiến thắng
Nhưng nhóm chữ “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” đã nói lên được điều gì?
Thứ nhất, đó là hành động tự nhổ bọt vào chữ ký của hai Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Bình.
Thứ hai, nó đã gây ra tình trạng chia rẽ và hận thù dân tộc do đảng CSVN gây ra cho nhân dân miền Nam Việt Nam.
Hàng loạt những chủ trương trả thù quân nhân Việt Nam Cộng hòa, công
chức, các chính đảng Quốc gia và Văn nghệ sĩ miền Nam đã được thi hành
để đem hàng trăm ngàn con người vào các trại tập trung tù đầy khổ cực
được mệnh danh “Cảo tạo” giả đạo đức. Nhiều ngàn người đã chết mất xác
tại các trại tập trung lao động khổ sai này.
Thứ ba, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói vào năm 2005 rằng: "Chiến
thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho
chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều
gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này,
vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự
kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà
cũng có hàng triệu người buồn” thì ông đã nghỉ hưu, không còn tác động gì đến lớp người cầm quyền nữa.
Bởi vì lời nói, tuy tâm huyết, có suy tư của một người Lãnh đạo gốc miền
Nam đã từng mất vợ và con trong cuộc oanh kích của máy bay trên một
nhánh sông gần Bình Dương đã quá muộn, không sao hàn gắn được vết
thương chiến tranh mà người miền Nam là nạn nhân.
Thứ bốn, danh từ “giải phóng” miền Nam của bộ đội Cộng sản
miền Bắc Cộng sản, vì vậy sẽ không bao giờ có thế trả hết nợ đối với
hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam đã bị Hải tặc cưỡng hiếp rồi quăng xác
xuống biển hay bắt đi bán cho các động Mãi Dâm trong vùng Đông Nam Á.
Ngàn người dân bình thường khác, trong đó có vô số trẻ em, người già
cũng đã chết chìm trên Biển Đông trên đường trốn Cộng sản tìm tự do sau
ngày ngày 30/04/1975.
Tuy nhiên người dân ở miền Bắc và ngay cả trong các vùng được gọi là
“giải phóng” trong Nam khi còn chiến tranh cũng chẳng may mắn gì hơn
đồng bào miền Nam. Họ cũng đã phải gánh chịu những mất mát khôn lường
trong cuộc chiến 20 năm huynh đệ tương tàn bi thảm này.
Có ai biết được đã có bao nhiêu triệu bà mẹ mất con, người vợ mất chồng,
hay thanh niên-thiếu nữ tuấn tú đã bỏ xác tại các chiến trường hay dọc
đường Trường Sơn trên đường vào Nam?
Những nấm mồ hoang hay nắm xương khô của người dân Việt Nam-Bắc đã tan
nát vào lòng đất Việt Nam đã nói lên được điều gì đối với những người
còn sống hôm nay?
Vì vậy, ta không ngạc nhiên khi thấy ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói vào năm 2005 rằng: “Đó
là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp
tục làm nó thêm rỉ máu. Cho nên tinh thần hòa hợp dân tộc phải được coi
trọng. Chúng ta còn nhớ, sau ngày 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào
Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng
đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai!”
Nhưng trong suốt 40 năm qua những người lãnh đạo CSVN từ thời Trường
Chinh Đặng Xuân Khu đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là 6 người, thử hỏi
họ đã làm gì để hàn gắn vết thương dân tộc, cải thiện đời sống cho dân
hay vẫn tạo ra những bất công trong đời sống hàng ngày, kỳ thị kẻ thắng
người thua và nuôi dưỡng hận thù để bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho đàng
CSVN?
Bằng chứng trong đời sống hiện nay, sau gần 30 năm được gọi là “đổi mới”
(1986-2014), hai tầng lớp công nhân và nông dân là thành trì của “cách
mạng vô sản” đã hy sinh xương máu giúp cho đảng CSVN tồn tại và độc
quyền cai trị đất nước lại vẫn là tầng lớp phải chịu thiệt thòi và kém
may mắn nhất trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Tương lai ở đâu?
Vậy tương lai của con cháu họ sẽ đi về đâu trong vũng bùn đói, nghèo,
lạc hậu, chậm tiến và kéo dài xung đột địa phương trong khi Việt Nam
đang mất dần biển đảo vào tay Trung cộng ở Biển Đông?
Tình hình bế tắc này chỉ có thể mở ra bằng con đường duy nhất là Việt Nam phải có dân chủ và tự do và đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc để xây dựng đất nước.
Những hành động bóp nghẹt tự do dân chủ, không cho dân được quyền nói
lên suy nghĩ của mình và hạn chế những quyền cơ bản con người chỉ làm
kiệt quệ sinh lực dân tộc và làm mồi cho ngoại bang cai trị bằng cách
này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp qua tay sai và bởi những lãnh
đạo nhu nhược.
Lãnh đạo CSVN cần phải chui ra khỏi “vỏ sò của trí tuệ” lạc hậu chủ
nghĩa để thấy đất nước và nhân dân đang đòi hỏi một cuộc Cách mạng xã
hội để tự chủ, tự cường và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và tài nguyên của
đất nước.
Nhà nước phải biết lắng nghe tiếng nói thiện chí và chấp nhận những đóng
góp của mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng đất nước. Đảng CSVN không thế
cứ nói “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân”
mà lại tước đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân như đã diễn ra
trong quá khứ và đang xảy ra trên mọi lĩnh vực trong hiện tại.
Lãnh đạo đảng CSVN cũng phải biết không có gì trên cõi đời này tồn tại
mãi mãi. Cuộc đời có sinh thì phải có tử như đã xẩy đến cho Thế giới
Cộng sản do Nga lãnh đạo trong thời gian từ 1989 đến 1991 ở Mạc Tư Khoa
và tại các nước theo Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản Đông Âu.
Hai văn kiện “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lện Xã hội Chủ nghĩa”
(bổ sung và phát triển năm 2011) và Hiến pháp sửa đồi năm 2013 vẫn kiên
định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng (Cộng sản) của Hồ Chí Minh làm
nền tảng xây dựng đất nước đang kéo đất nước lùi lại và ngăn chặn bước
tiến của dân tộc.
Lãnh đạo đảng và nhà nước chắc phải biết rõ tại sao nhân dân Nga và hàng
triệu người dân khác ở Đông Âu đã vùng lên lật đổ bạo quyền, phi dân
chủ và độc tài để tự cởi trói và dân chủ hóa đất nước?
Bằng chứng của tư duy lạc hậu, tiếp tục cù nhầy để “cố đấm ăn xôi Trung
cộng” và tự trói mình chỉ tiếp tục tác hại đến tiền đồ của Tổ quốc mà
thôi.
Đó chính là lý do mà mấy năm gần đây, các Tổ chức dân sự tự nguyện thành
lập của nhiều tầng lớp nhân dân đã ra đời ở Việt Nam để dành lại quyền
làm chủ đất nước.
Nếu năm 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói ngày 30/4/1975 là “thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”
thì có lẽ không ai nghĩ ông đã nói dối vì sau đó cũng chính ông và Bộ
Chính trị đã đưa ra quyết định đày đọa dân-quân Việt Nam Cộng hòa xuống
tận bùn đen để cho “vượn nhảy lên bàn thờ”, xóa bỏ hệ thống kinh tế phồn
thịnh của miền Nam và phá sạch nếp văn hóa nhân bản của 25 triệu người
dân miền Nam.
Những nỗi đau oan nghiệt của đại đa số người dân hai miền Nam-Bắc nói
mãi cũng không hết, nhưng làm gì để thay đổi mới là vấn đề của tất cả
con dân Việt Nam trong và ngoài nước bây giờ.
Bởi lẽ nếu mọi người cứ ngồi nguyền rủa bóng tối mà mỗi người không đốt
lên một ngọn nến hay ngọn đèn dầu thì biết đến bao giờ mới tìm ra ánh
sáng ở cuối đường hầm?
Thông điệp đòi tự do và một chế độ dân chủ từ mấy năm qua đã bung ra ở
Việt Nam bởi các Nhà báo độc lập, các nhà trí thức, cựu đảng viên, và
một số tướng lĩnh trong Quân đội CSVN hoạt động Dân chủ, đấu tranh đòi
quyền sống con người và bảo vệ nhân quyền.
Tuy kết quả vẫn còn hạn chế nhưng những người can đảm thành lập các tổ
chức dân sự xã hội vẫn không nản chí và tiếp tục dấn thân, bất chấp bị
công an, côn đồ khống chế, tấn công, xuyên tạc hay bị phạt tù bất công
trong nhiều năm.
Họ rất cần sự tiếp tay của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước để tạo
thành một phong trào quần chúng đòi lại quyền làm chủ đất nước và xóa
bỏ độc tài Cộng sản.
Trường hợp Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Một trong những người tù lương tâm này là Nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải. Ông mới bị trục xuất ra khỏi Việt Nam ngày 20/10/2014 sau 6
năm 6 tháng bị hành hạ, đày đọa qua 11 nhà tù từ Nam ra Bắc.
Một số đông đồng hương người Việt đã tự ý ra phi trường Los Angeles tối
21/10/2014 đón ông trong không khí nồng ấm đầy tình người với nhiều Cờ
Vàng 3 Sọc đỏ mang theo. Nhưng chỉ ít ngày sau, một làn sóng dữ của dư
luận đã cáo buộc ông đã từ chối nhận lá cờ Vàng 3 Sọc Đỏ của Việt Nam
Cộng hòa, và coi ông đã “không muốn đứng vào hàng ngũ những người đã đấu tranh cho ông và những người tù lương tâm khác.”
Tuy nhiên, câu chuyện đã không được nói đúng như những gì đã xảy ra
khiến cho vấn đề “hòa hợp, hòa giải dân tộc” giữa người Việt ở 2 bờ
chiến tuyến gặp nhiều khó khăn.
Trong cuộc phỏng vấn của Thông tín viên Mặc Lâm đài Á Châu Tự do (RFA)
ngày 29/10/20134, Ông Ngô Chí Thiềng, người chứng kiến sự việc ngay từ
đầu cho biết những gì ông thấy:
“Hôm đó tôi cũng có mặt ở đó để đi đón anh Điếu Cày. Nói thực ra là
đồng bào rất háo hức rất nhiều người mang theo cờ. Cá nhân tôi không
biết là có nên mang cờ theo hay không vả lại mình cũng nghĩ nhiều khi tế
nhị nhưng khi tới nơi thì tôi thấy rất nhiều cờ. Trước khi anh Điếu Cày
xuất hiện thì chúng tôi nói chuyện gặp gỡ nhau, đi tới đi lui vòng
vòng.
Đùng một cái ông Điếu Cày và hai người Hoa Kỳ trong Bộ ngoại giao đi
theo với ông Điều Cày đi ra bằng một cổng khác, đi bọc hậu đàng sau lưng
mình. Tất cả mọi người bu vô rất đông, người thì sờ anh Điếu Cày, người
thì cầm bao thư đưa tiền, tôi biết chắc là anh Điếu Cày khi đó mệt mỏi
lắm mà bà con người thì muốn sờ tay người thì muốn sờ lưng ổng, đập đập
ổng muốn giúi cho ổng bao thư.
Người thì cầm cờ Mỹ người thì cầm cờ vàng... Người cầm cờ vàng thì
đưa lên thôi chứ không thấy người nào đưa vào mặt bảo ảnh cầm cả. Tôi
chỉ đứng cách anh Điếu Cày chừng 4 người thôi. Lúc đó anh Điếu Cày quay
sang bên trái của tôi còn anh Truật đưng ngay bên phải của anh Điếu Cày
mới đưa lá cờ lên. Anh Điếu Cày lúc ấy chưa nhìn thấy. Trước khi giơ lá
cờ thì anh Truật vỗ vai anh Điếu Cày nhưng anh ấy vẫn không quay lại anh
Truật lại đưa lá cờ lên nhưng ngay khi ấy anh chàng Mỹ đi theo bảo vệ
anh Điếu Cày rất vất vả đề đẩy những cánh tay ra ngoài tại vì họ sợ nhỡ
có ai làm gì bậy bạ thì sao? Tôi thấy anh ta đẩy lá cờ qua tay phải của
anh Điếu Cày thì anh Truật ảnh thấy vậy ảnh chỉ rút là cờ lại và ảnh
cười.”
Mặc Lâm viết tiếp: “Ông Đinh Quang Truật, người cầm lá cờ đưa cho ông
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thuật lại sự việc cũng giống với những gì mà
nhân chứng kể, ông Truật nói:
Tên tôi là Đinh Quang Truật nguyên là cựu sĩ quan hải quân Quân lực
VNCH. Tôi và một số anh em có mang theo một số cờ quốc gia và một ít cờ
Mỹ, mục đích là tới có hình thức chào đón anh Điếu Cày cho nó được long
trọng.
Chính tôi cầm một số cờ đó tôi phân phát cho đồng hương tới đón anh
Điếu Cày. Khi anh xuất hiện có một số bà con bảo tôi anh cố gắng anh đưa
lá cờ cho anh ấy... thành ra tôi cũng cố gắng len lỏi đám đông đang vây
anh Điếu Cày. Ngoài bà con vây anh Điếu Cày còn một số phóng viên của
các đài và lúc đó anh đang tập trung trả lời phỏng vấn. Tôi vỗ vai anh
ấy để anh chú ý và anh ấy hơi quay ngang về phía tôi một chút. Lúc ấy
người nhân viên Bộ Ngoại giao bảo vệ cho anh ấy gạt tay tôi ra.
Trong lòng tôi nghĩ rất thành thật như thế này thái độ của anh Điếu
Cày cũng như động tác của anh nhân viên Bộ ngoại giao thì tôi không coi
đó là sự khước từ việc cầm lá cờ vì tôi nghĩ rằng lúc đó anh Điếu Cày
được đồng bào vây kín như là nêm cối. Anh Điếu Cày có đưa tay lên để lấy
lá cờ cũng khó vì lúc ấy anh đang tập trung trả lời phỏng vấn của các
phóng viên.”
Câu chuyện giản dị chỉ có thế thôi, nhưng tiếng lành thì ít là tiếng dữ
lại bay xa khiến cho có nhiều người Việt Nam ở Hoa Kỳ và một số nơi khác
đã “tam quốc chí diễn nghĩa” với nhiều thêu vẽ làm cho vấn để nghiêm
trọng và gây tranh cãi mất nhiều công sức của người tham gia.
Thậm chí có người còn đặt cả điều kiện tiên quyết “nếu không đứng chào cờ nghiêm chỉnh, không nhận lá cờ Vàng 3 Sọc Đỏ” thì sẽ không được tiếp xúc, dù anh Điếu Cày chỉ muốn đến để cảm ơn!
Và tại cuộc gặp gỡ đồng hương tại Washington D.C, tối ngày 23/11/2014,
có một số người đã chất vấn anh Hải như “tra khảo” quyết liệt không kém
như anh bị lấy cung tại các nhà giam Việt Nam!
Tôi ngồi nghe mà trong lòng nghẹn ngào để nhớ lại 4 trường hợp lịch sử đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam cũng liên quan đến “là cờ và lòng con người”.
- Trường hợp thứ nhất ở ngay trong Dinh Độc Lập thời Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu, khi người Phụ tá Chính trị của Tổng thống là Vũ Ngọc Nhạ bị
phát giác là “điệp viên của Cộng sản” gài vào Dinh để thu góp tin tức
cho Hà Nội.
Chắc hẳn đã nhiều lần trong đời ở miền Nam thì Vũ Ngọc Nhạ, sau 1975 lên
chức Thiếu tướng tình báo Cộng sản, đã đứng nghiêm chào lá Quốc kỳ Việt
Nam Cộng Hòa!
- Trường hợp thứ hai là Nhà “siêu tình báo chiến lược” đội lốt Nhà báo
Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn cũng từng là Sĩ quan Quân đội Quốc gia Việt Nam rồi
Việt Nam Cộng Hòa đã được gửi đi học tham mưu và báo chí ở Hoa Kỳ bằng
tiền thuế của người dân miền Nam.
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn làm cho nhiều báo ngoại quốc, nhưng lâu năm và được
tín nhiệm nhất khi ông làm cho Tạp chí Times vì ông Ẩn có mối giao
thiệp rộng rãi với Chính quyền VNCH và các Tòa Đại sứ ngoại quốc, quan
trọng nhất là Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Cũng như trường hợp Vũ Ngọc Nhạ, ông Ẩn được phong hàm Thiếu tướng Tình báo CSVN sau 1975!
- Trường hợp thứ ba là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sinh năm 1923 là phụ
tá Tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sau
khi Đại tướng Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống từ tay Cụ Trần Văn
Hương ngày 28/4/1975. Ông mang bí danh S7 hay Sao Mai là cơ sở của Ban
binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Chính tướng Hạnh là người đã thúc đẩy Tổng thống Dương Văn Minh quyết
định kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí đầu hàng quân Cộng
sản ngày 30/04/1975, khi lá Quốc kỳ Nền Vàng 3 Sọc Đỏ của VNCH vẫn còn
bay trên Dinh Độc Lập.
- Người thứ bốn liên quan đến Thượng tá Tám Hà của Quân đội CSVN đã bỏ
hàng ngũ ra hồi chánh với Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước Cuộc tấn
công miền Nam Tết Mậu Thân của Cộng sản.
Tài liệu của CSVN sau 30/4/1975 tiết lộ, những bí mật hành quân và tấn
công vào đô thị miền Nam năm 1968 bị ông Tám Hà báo cáo với chính phủ
VNCH đã gây thiệt hại to lớn cho quân CSVN trong thời kỳ ấy.
Hiển nhiên Thượng tá Tám Hà cũng đã rất nhiều lần đứng chào cả 2 lá cớ Mặt trận Giải phóng miền Nam và cờ Đỏ Sao Vàng.
Như vậy, thiết tưởng chuyện “trung thành với lý tưởng của lá cờ” của
người cầm cờ hay chào cờ cũng chưa chắc ai đã trung thành hơn ai trong
mặt trận đấu tranh tư tưởng.
Chỉ khi nào người ta phải đối diện với thực tế thì lương tâm mới hiện ra chăng, hay cũng có thể thay đổi tùy hoàn cảnh?
Tuy nhiên, sự hoài nghi về lòng trung thành khi chưa “có lửa để thử
vàng” thì cũng có thể sai lầm. Vì vậy, nếu vấn đề hòa hợp và hòa giải
dân tộc không được nghiêm chỉnh thảo luận giữa những người, tuy từng cầm
súng bắn nhau trong chiến tranh nhưng biết tôn trọng giá trị của nhau
thì dân tộc sẽ mãi mãi mắc mưu chia rẽ của Cộng sản.
Do đó vấn đề khẩn trương và quan trọng của đất nước hiện nay là làm thế
nào đoàn kết được trong- ngoài giữa người Việt Nam cùng lý tưởng để đấu
tranh loại đảng CSVN ra khỏi độc quyền lãnh đạo, để Việt Nam có dân chủ
tự do và để cứu được dân tộc ra khỏi đói nghèo, chậm tiến và lạc hậu
chứ không phải là lúc tranh luận về lòng yêu nước ai hơn ai.
(11/014)
0 comments:
Post a Comment