Vĩnh Phú, Nam Việt Nam, 19/4/1975- Người thiếu phụ trẻ bước đến chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ và bắt đầu khóc nấc.
Chị cúi đầu và chắp tay lặng lẽ cầu nguyện.
Chị 21 tuổi, mặc áo bà ba trắng vải hoa giản dị và chiếc quần đen quá rộng.
Chỉ mới cách đây hai giờ, chị chợt biết mình đã trở thành góa phụ.
Trước mặt chị là chiếc quan tài của chồng, trung úy Trần Văn Đại, tử
trận cách đây 10 ngày khi chiến đấu cùng Sư đoàn 18 Bộ binh trong trận
đánh bảo vệ Xuân Lộc, cách Sài Gòn 34 cây số về hướng đông bắc.
Hôm nay, quan tài của trung úy Đại sẽ được chôn cất ở Nghĩa trang Quân
đội Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, cách Sài Gòn 16 cây số về hướng bắc. Anh
sẽ an nghỉ ở đây cùng với 16.000 chiến hữu khác.
Và hôm nay anh sẽ được an táng cùng với binh nhì Lê Tết, binh nhì Bát
Thiên, hạ sĩ Trần Duy Tân, thượng sĩ Phạm Văn Sửu, hạ sĩ Nguyễn Văn
Sanh, trung sĩ Thanh Sưu Thiên và hai chục người lính khác, hầu hết họ
đều tử trận ở khu vực Xuân Lộc trong 10 ngày qua.
Được khởi công vào năm 1968, Nghĩa trang Quân đội Quốc gia này là nơi an
nghỉ cuối cùng bên cạnh nhau của sĩ quan và lính, theo Phật giáo và
Công giáo, gần giống như nghĩa trang Arlington.
Nơi an nghỉ vĩnh hằng này đúng là ốc đảo thanh bình nằm giữa bao cảnh
sinh hoạt tất bật ở nơi nào khác bên ngoài trong miền quê xung quanh,
với những chiếc xe tải chạy ầm ầm trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa sát bên,
và những tiếng đại bác từ xa dội về.
Ở góc nghĩa trang, những người thợ làm quan tài đóng những chiếc hòm gỗ.
Những người thợ khác đúc những tấm bia mộ bằng xi măng. Đài tưởng niệm
trên đỉnh đồi vẫn đang được xây dựng nhưng với tình hình chiến sự ngày
càng xấu đi ta không biết liệu công trình ấy có hoàn tất được không.
Ở góc khác của nghĩa trang, sự tĩnh lặng bị phá tan bởi những tiếng gào
khóc ai oán vọng đến từ những phụ nữ bi thương khi họ được cho phép nhận
diện người thân gần gũi nhất đã khuất của họ, hay chỉ những đồ vật cá
nhân.
Và chính ở đây những quan tài mới đóng xong được phủ lá cờ vàng ba sọc
đỏ tươi của Nam Việt, rồi được sắp đặt để thực hiện tang lễ theo nghi
thức Phật giáo và Công giáo. Và tại đây những người thân khóc thương tập
trung lại để thắp hương hay đặt hoa trên quan tài, dưới cây Thánh giá
hay dưới tranh Đức Phật.
"Tôi biết anh ấy sẽ chết," người góa phụ trẻ của người trung úy quá cố
nói." Tôi đi coi bói và biết chồng tôi sẽ tử trận vào tháng Tư, 1975.
"Anh ấy mới 30 tuổi và chúng tôi cưới nhau cách đây ba năm. Anh ấy rất
hạnh phúc, sung sướng. Tôi đã sống với anh trong khu gia binh ở Xuân
Lộc, nhưng cách đây ba tuần khi chiến sự bắt đầu anh khăng khăng bắt tôi
phải về lại Sài Gòn. Anh cho địa chỉ báo tử ở nhà cha mẹ anh ở Đà Lạt,
và vì thế họ chỉ mới tìm được tôi vào sáng hôm nay để báo tin.
"Anh thường viết thư kể tôi nghe đơn vị của anh đã chiến đấu anh dũng và
cuối thư anh luôn luôn hứa sẽ kể cho tôi nghe nhiều hơn về cuộc chiến.
Trong lá thư cuối cùng, anh chẳng nói gì về những hiểm nguy anh đang
đương đầu.
"Trong những lần duy nhất anh nhắc đến cái chết với tôi, anh thường nói
anh ước gì có con. Có lần anh nói nếu anh có con anh sẽ chết hạnh phúc.
"Nhưng chúng tôi không bao giờ có con nữa."
Trong số hàng trăm ngàn người Việt chết trong cuộc chiến tranh này chỉ
một số ít người được an táng ở Nghĩa trang Quân đội Quốc gia, phần do
nghĩa trang này mới có và phần vì nhiều người thân của những người lính
tử trận thích chôn cất người thân gần quê quán.
Tuy sĩ quan và lính nằm an nghỉ cuối cùng bên cạnh nhau, nhưng có sự sắp
đặt đặc biệt cho năm vị tướng cầm quân đã tử trận và trước đấy đã yêu
cầu được an táng cùng với binh lính của họ.
Ngoài những người thân gần gũi nhất đến nhận diện người thân của mình và
dự tang lễ, chẳng có nhiều người đến nghĩa trang, đặc biệt lúc trưa vào
ngày nóng như thiêu đốt này.
Nguồn:
Báo Los Angeles Times ngày 19 tháng 4, 1975. Tựa đề của người dịch.
Nguyên tác tiếng Anh "Vietnam's 'Arlington'-an Oasis of Sorrow".
0 comments:
Post a Comment