Tuesday, May 27, 2014

Trung Quốc, Việt Nam đổ lỗi cho nhau trong vụ chìm tàu cá

VOA Tiếng Việt
27.05.2014


Tàu Trung Quốc thường xuyên tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam gần giàn khoan.
• • Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều lên tiếng cáo buộc nhau gây ra vụ chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam gần giàn khoan dầu gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam nói nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Việt Nam nói rằng khoảng 40 tàu cá của Trung Quốc đã bao vây rồi đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng khiến 10 ngư dân rơi xuống biển nhưng sau đó đã được cứu sống.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay, 27/5, đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đến để phản đối các hành động đe dọa, tấn công tàu cá, xâm hại tính mạng ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh hôm nay cho rằng tàu cá của Việt Nam đã tự ý đi vào vùng biển quanh giàn khoan dầu và đâm vào một tàu cá của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Tần Cương nói rằng ‘sự việc xảy ra cho thấy sự quấy rối và phá hoại trái phép và bất hợp pháp của Việt Nam nhắm vào các hoạt động bình thường của Trung Quốc là điều vô ích và sẽ chỉ làm tổn hại tới các lợi ích’ của Hà Nội.

VOA Việt Ngữ đã liên lạc với ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để hỏi thêm thông tin và được ông cho biết như sau.

Ông Nguyễn Việt Thắng: Anh em bên Đà Nẵng báo cáo lại rằng anh em đang đánh cá ở chỗ có cái giàn khoan 981 của Trung Quốc, tàu cá Việt Nam đang đánh cá tại các vùng đánh cá bình thường của chúng tôi từ trước tới nay thì các tàu của Trung Quốc ủi, đâm bể và chìm tàu. Các tàu cá Việt Nam đi cùng đoàn thì cũng đã cứu được và đem về nhà là 10 người.

VOA: Phía Trung Quốc hôm nay họ cũng đã lên tiếng nói rằng tàu của Việt Nam bị lật sau khi gây hấn và đâm vào tàu cá của Trung Quốc.
Không hiểu là bên phía Hội Nghề cá phản ứng ra sao trước tuyên bố này của Trung Quốc?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Cái đó là cái của Trung Quốc nói thôi còn về phía chúng tôi, chúng tôi vẫn tin tưởng các ngư dân. Tàu cá Việt Nam báo cáo lại bằng văn bản đàng hoàng, cụ thể. Tôi tin tưởng rằng phía bên Việt Nam chúng tôi nói lên sự thật, còn phía Trung Quốc thì từ trước tới nay, nhiều lần nói không đúng sự thật, toàn là dựng chuyện và vu cáo lại. Chúng tôi biết từ lâu rồi cho nên chúng tôi không thể tin tưởng được cái đấy [lời Trung Quốc].

VOA: Thưa ông, vì sao Hội Nghề cá lại kêu gọi ngư dân tiếp tục bám biển trong bối cảnh xảy ra tình trạng đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi kêu gọi bám biển vì đây là vùng biển truyền thống của chúng tôi từ trước tới nay. Trong bất cứ điều kiện gì thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho bà con sinh sống bình thường bằng nghề cá của mình. Tất nhiên trong điều kiện hiện thời thì không phải bất cứ vùng nào thì tàu đánh cá Việt Nam cũng vào đánh cá mà chúng tôi chỉ đánh cá ở các vùng biển mà chúng tôi cho rằng đó là vùng biển của chúng tôi. Thì đó là cái việc thứ nhất.
Việc thứ hai, đấy cũng là hành động để chứng tỏ rằng không ai có thể xâm phạm vùng đánh cá truyền thống của chúng tôi từ trước tới nay.

VOA: Nhưng mà thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng việc kêu gọi ngư dân tiếp tục ra bám biển thì nó cũng đẩy họ vào tình trạng nguy hiểm. Ông nghĩ sao về phản ứng này?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi thì cho rằng chúng tôi không đẩy bà con vào vùng nguy hiểm. Đấy là cái thứ nhất. Chúng tôi từ trước tới nay vẫn vậy thôi. Khi có bão táp, sau khi dứt bão táp thì bà con vẫn tiếp tục ra khơi đánh cá. Đó là cái chuyện bình thường từ trước tới nay. Nhưng mà trong điều kiện tình hình như thế này thì chúng tôi vẫn kêu gọi bà con rằng thứ nhất phải có tổ chức, có đoàn có đội và thứ hai là phải có trao đổi thông tin để có những vùng đánh cá tương đối an toàn nhưng mà vẫn bảo đảm được là đánh cá có hiệu quả. Thì hai thì cũng phải khẳng định được cái chủ quyền chứ không ai có thể xâm phạm được trên vùng biển của chúng ta. Chứ còn chúng tôi cũng không kêu gọi bà con vào những vùng biển nguy hiểm.

VOA: Thưa ông, Hội Nghề cá sẽ làm gì để bảo vệ ngư dân?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Trước hết, chúng tôi kêu gọi nhà nước, các cơ quan hữu quan, các cơ quan chấp pháp của Việt Nam phải tăng cường hiện diện để mà bảo vệ ngư dân chúng tôi. Và thứ hai, về kiểm ngư, chúng tôi vừa bảo vệ ngư dân, vừa bảo vệ ngư trường vừa bảo vệ quyền lợi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ tăng cường lực lượng đó. Về phía Hội nghề cá chúng tôi, trước hết, chúng tôi kêu gọi các tỉnh hội, bà con ngư dân rằng trước khi ra biển thì phải tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế cũng như tổ chức lại đoàn đội cho chặt chẽ với nhau để vừa khai thác hiệu quả vừa đảm bảo được kinh tế nhưng đồng thời cũng góp phần vào khẳng định chủ quyền của mình trên biển.

0 comments:

Powered By Blogger