Thursday, May 29, 2014

Bước thứ hai của con chốt qua sông

Nguyễn An Dângiankhoan-acb71
Hôm nay một số cơ quan truyền thông trong và ngoài nước loan tin con chốt giàn khoan HY-981 đã thực hiện xong bước đi thứ nhất của nó và đã bắt đầu đi bước thứ hai, dời khỏi vị trí cũ 23 hải lý và xích lại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hơn. Theo tuyên bố của Tổng Công Ty Dầu Khí Trung Quốc thì nó đã khoan thăm dò xong mũi thứ nhất, giờ di chuyển để khoan mũi thứ hai. Tôi cũng đồng ý trên góc độ chính trị, “mũi khoan thăm dò chính trị” thứ nhất vào Việt Nam nói riêng, Mỹ và quốc tế nói chung, cũng đã xong và tất cả đang bắt đầu vào nước đi thứ 2 trong vàn cờ Việt-Trung. Chúng ta cùng nhìn lại các diễn biến của các bên xoay quanh bàn cờ trong nước đi thứ nhất và dự đoán các khả năng sẽ xảy ra cho bước đi thứ hai và hơn nữa
Tổng kết bước đi thứ nhất
Sau khi con chốt giàn khoan qua sông thì phía Trung Quốc nhận thấy mình sa lầy từ các phản ứng của phía Việt Nam, mà cụ thể là các bước đi ứng phó của tay cầm cờ Ba Dũng và sự nhanh nhạy vào cuộc của Mỹ. Nếu xét trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Việt thì các phản ứng cấp thời và cần thiết của tay cờ Mỹ trong giai đoạn một theo tôi nhận xét là nhanh hơn so với chiều sâu quan hệ mà Mỹ-Việt có trước khi giàn khoan triển khai. Hàng loạt các động thái ngoại giao như trợ lý ngoại trưởng Mỹ qua Việt Nam, rồi giao lưu của hạm đội 7 Mỹ, ngoại trưởng Việt Nam được mời qua Mỹ (nghe đâu Phạm Bình Minh đang “soạn hành lý”), phái bộ nghị sĩ của Mỹ được mời qua Việt Nam để khảo sát về các bước tiến triển sắp đến của Việt Nam về vấn đề nhân quyền (một tiêu chí quan trọng trong việc Mỹ có cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không, điều mà Việt Nam lúc này đang cần, ít nhất như một dấu hiệu tượng trưng trong quan hệ Mỹ-Việt). Việc xuất hiện giàn khoa của Trung Quốc dường như đẩy nhanh hơn quá trình gần Mỹ “thoát Trung” của nhóm Ba Dũng, và hai bên Việt-Mỹ đang thúc đẩy các bước đi nhanh hơn theo chiều hướng này. Cùng lúc đó, các quốc gia đồng minh với Mỹ như Nhật, Philipin, Hàn Quốc cũng chìa bàn tay mình ra với Việt Nam nhằm mục đích hình thành một liên minh “kháng Trung”.
Song song với phía Mỹ, sau khi thấy Mỹ và các đồng minh khu vực thực hiện các bước đi tích cực để hậu thuẫn cho tay cờ Ba Dũng có “thế” vừa áp đảo vừa thuyết phục nhằm loại bỏ sự đối kháng bên trong đảng của nhóm thân Trung Quốc, và có “lực” để đề kháng trên biển Đông (và cả trên đất liền, nếu cần thiết). Sau khi đặt giàn khoan, Trung Quốc đã triển khai việc gây hấn trở lại với Philipin, Nhật Bản. Cùng lúc đó là giật dây 1 đồng minh khác, Bắc Triều Tiên, quốc gia lâu nay ai cũng biết “vừa là Chí Phèo vừa là đàn em” của Trung Quốc trong khu vực Đông Á. Thế là “anh Chí Phèo” Bắc Triều Tiên nhảy ra múa dao trong mấy ngày vừa qua nhằm “chia lửa” với ông anh Trung Quốc của mình trong bàn cờ khu vực. “Chí Phèo Đông Á” tiếp tục gây hấn và mạnh mẽ hô hào chống đối Mỹ và anh hàng xóm anh em Nam Hàn mấy ngày gần đây.
Tất cả những động thái đó cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chia sẻ sức lực và sự tập trung của Mỹ và đồng minh. Việc này có mục đích gì nếu không ngoài phân tán sức mạnh liên kết của liên minh “kháng Trung” đang manh nha và sự tập trung của Mỹ vào môt khu vực (biển Đông) hầu chuẩn bị “dứt điểm” phe thân Mỹ trong Việt Nam trong giai đoạn thứ hai này ?
Trong một động thái khác, giới quan sát chú ý đến việc Trung Quốc mời Malaysia qua thăm. Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch trung hạn sắp đến là tranh thủ vị trí chủ tịch Asean năm 2015 của nước này. Có nhiều khả năng là nếu Malaysia đồng ý, Trung Quốc sẽ tiếp tục các nước cờ chia rẽ Asean, và có một nguồn tin khác cho biết, Trung quốc còn thuyết phục Malaysia hỗ trợ cho quá trình rút chạy khỏi Thái Lan của chính phủ Thái Lan Yingluck Shiwanatra. Nguồn tin này còn cho biết, nhóm anh em nhà Shiwanatra dự định nếu chạy được sẽ thành lập chính phủ lưu vong ? Nếu quả vậy thì một công hai việc. Vừa thuyết phục Malaysia vừa thu xếp bàn cờ Thái Lan để còn “thế” mà tranh giành tiếp dự án kênh đào Kra với Mỹ
Song song với các hoạt động của Mỹ và Trung Quốc, các phản ứng của chính phủ Việt Nam trong suốt giai đoạn một được đánh giá khá phức tạp. Một luồng dư luận của các nhà quan sát chính trị có xu hướng thân Mỹ (giới chuyên gia trí thức ngoài nước và những người vận động dân chủ trong nước) thì đánh giá là “chậm chạp một cách chán nản tuy có khá hơn quá khứ một chút”. Một luồng quan sát chính trị của trí thức trong nước thì đánh giá là “tàm tạm nhưng cần bổ sung thêm”. Và một luồng đánh giá thứ ba của các quan chức đương nhiệm lẫn cựu thần từ to đến nhỏ thuộc nội bộ đảng thì cho thấy thế là ổn. Không kể một luồng nhỏ bé vẫn còn xu hướng nên giữ “16 vàng 4 tốt” mà một nhà trí thức trong nước vừa cảnh báo “Ông Z hãy im đi”.
Nhưng bất kể như thế nào, có lẽ các luồng dư luận cùng gặp nhau ở một quan điểm là các bước đi của tay cờ Ba Dũng có vẻ sốt sắng ồn ào hơn các lãnh đạo tiền nhiệm và cả các lãnh đạo ngang hàng hiện nay. Các bước đi này nếu chưa có hiệu quả nhiều trong thực tế thì cũng có giá trị vực dậy “sĩ khí” qua những lời phát ngôn và các bước đi ngoại giao tương đối nhanh nhẹn với “các đồng minh tiềm năng” là Mỹ, Philipin, Nhật. Trái ngược với hình ảnh năng động của tay cầm cờ Ba Dũng dù sao cũng gây ra một chút hào hứng, thì hình ành của tay cờ Nguyễn Phú Trọng gây ra một sự nghi ngờ khó hiểu. Cũng đã gần một tháng nay chưa nghe có một phát ngôn chính thức hay hành lang nào của tay cờ chủ chốt này, thậm chí trong báo cáo tổng kết hội nghị Trung Ương 9 vừa rồi mà tay cờ này đọc cũng không hề có hai từ “Trung Quốc”. Điều này làm tôi nhớ đến thời phong kiến, người ta rất sợ “phạm húy”. Hay là với tay cờ Nguyễn Phú Trọng, hai tiếng “Trung Quốc” lúc này là “phạm húy” nên không thể nói ra.
Đứng giữa hai thái cực của hai tay cờ có ảnh hưởng nhất trong bàn cờ Việt Nam hiện nay, hai vị trí còn lại là Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang có vẻ trung dung chi đạo, mỗi tay nói ra một ít mà dường như tôi nhận thấy những phát biểu này mang tính “không mất lòng ai”, từ lòng dân, lòng Mỹ cho đến…lòng Trung Quốc, dù ông Trương Tấn Sang có vẻ hơn một chút trong khẩu khí khi đi gặp bà con cử tri giữa tháng 5 vừa qua
Dự kiến các bước đi giai đoạn hai
Về phía Mỹ, nếu tính từ mốc ngày hôm nay là giai đoạn hai, đang có vài bước đi ngoại giao mở ra cho Việt Nam, cùng với việc bật đèn xanh cho Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương “hé ra” cho phía Việt Nam thấy khả năng “đối tác chiến lược”. Qua sự “sốt sắng có động cơ” đó, tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ba Dũng mạnh hơn để kế hoạch “thoát Trung” của Việt Nam thành công. Bất kể chiến thuật thế nào, tôi tin rằng Mỹ luôn hiểu cái khó của tay cờ Ba Dũng để giữ tinh thần hợp tác và ủng hộ ông ta. Tay cờ này đang xoay trở trong một hệ thống lâu nay bị Trung Quốc chi phối sâu sắc. Việc thực hiện các bước đi cải cách không phải dễ dàng như mong muốn chủ quan. Việc thành công hay thất bại trong vấn đề Việt Nam và trong chính sách “xoay trục” của Mỹ chính là ở lúc này. Trung quốc vừa gây biến động vùa tạo cơ hội cho Mỹ –cũng như cho Việt Nam. Mỹ không thắt chặt được quan hệ với Việt Nam lúc này thì khó có cơ hội khác. Còn Việt Nam không dứt khoát thoát Trung lúc này thì chỉ còn đợi khi Trung quốc rối loạn và tan vỡ như Liên Xô trước đây –mà lúc đó thì không biết chính Việt Nam sẽ ở trong tình trạng nào. Cả Mỹ và Việt Nam đều đang có chung một nguy cơ và một cơ hội. Nhưng quả banh nằm trong chân Việt Nam, đá hay không là ở ban lãnh đạo Hà Nội. Câu hỏi then chốt là Ba Dũng có thoát được “gọng kìm” của phe thân Tầu trong ban lãnh đạo của chính đảng CS của ông ta, và “gọng kìm” giàn khoan của Trung quốc hay không. Nhất là trước kế hoạch bỏ phiếu tín nhiệm vào Hội Nghị TW 10 cuối năm nay của phe NP Trọng. Và ông phải dựa vào đâu để thoát khi mà quan hệ với Mỹ chưa có bược đột phá rõ rệt?
Về phía Trung Quốc, bên cạnh các hành động gây hấn ngoài biển đông và “khẩu chiến” trên mặt trận ngoại giao, đã lẳng lặng chuyển quân bộ vào khu vực biên giới trên đất liền khiến Việt Nam cũng phải chuyển quân. Việt Nam chuyển quân để phòng thủ thì có thể hiểu được, nhưng Trung Quốc chuyển quân để làm gì? Tôi nghĩ đến các kịch bản có thể xảy ra trong giai đoạn hai này
Dĩ nhiên Trung Quốc không bao giờ điên rồ mà xua quân tràn qua biên giới Việt Nam như năm 1979. Tình hình quốc tế bây giờ đã khác, nếu lặp lại lịch sử thì dù cho mục đích xâm lược Việt Nam bằng quân sự chính quy có đạt được, thì cũng gây ra sự đề phòng và bất mãn thật sự của 200 quốc gia còn lại trên thế giới. Do đó tôi thiên về khả năng Trung Quốc dùng quân đội gây áp lực để 4 tay cầm cờ “Sang Trọng Hùng Dũng” của Việt Nam “chùn tay và cản phá nhau” trên con đường thóat Trung ngả về phía Mỹ. Va chạm vũ trang cao nhất nếu có cũng chỉ đến mức va chạm cục bộ, phá hoại một vài mục tiêu chiến thuật để “khủng bố tinh thần Việt Nam” rồi lui binh. Khả năng thứ hai là dự phòng trong trường hợp “nội bộ Việt Nam có biến động” thì đội quân sát vùng biên này có thể hỗ trợ một phần trong việc đảm bảo chiến thắng toàn cục cho phe thân Trung Quốc tại Hà Nội. Khả năng nào đi nữa thì mục tiêu trung hạn sau cùng vẫn là cản phá kế hoạch “thoát Trung” mà Ba Dũng đang đi. Bằng cách này hay cách khác đội quân Trung Quốc này, với thế “ỷ giốc” mà nó đang đóng quân sẽ “can thiệp trong một mức độ nhất định” khi cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm Ủy Viên Bộ Chính Trị của phía Việt Nam ở HNTW 10 vào cuối năm nay không đạt được mục đích là loại bỏ tay cờ Ba Dũng ra khỏi cuộc chơi.
Mỹ thật sự không muốn lùi bước khi thấy một tiền đồn quan trọng bảo vệ kênh đào Kra cho chiến lược “xoay trục” có thể mất. Còn Trung Quốc thì đã bày binh bố trận dàn hàng ngang từ đất liền đến trên biển nhằm cản phá Việt Nam, cho thấy họ cũng kiên quyết không lùi. Hay là người dân Việt Nam có thể nghĩ đến việc “fasten seatbelt” trong giai đoạn hai và ba của nước cờ giàn khoan này nếu cuộc đấu đá nội bộ giữa 2 phe trong đảng cầm quyền Việt Nam đi đến bước xấu nhất ?
Nghe đâu hôm nay cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn đã đóng cửa vì quân đội Việt-Trung xúc phạm ném đá thóa mạ nhau mà phía chủ động gây hấn là Trung Quốc. Suốt từ lúc hai bên căng thẳng đến nay Trung Quốc chưa đóng cửa khẩu để gây áp lực kinh tế cho phía Việt Nam vì họ dùng công hàm 1958 như một bằng chứng khi tuyên bố Hoàng Sa là của họ. Họ chưa muốn quốc tế chỉ trích nhiều hơn nữa khi biết mình còn cầm cái bằng chứng pháp lý “nặng ký” trong tay về vấn đề Hoàng Sa. Trong giai đoạn hai này một sự khiêu khích quân đội Việt Nam nổ súng trước sẽ có lợi cho hình ảnh của Trung Quốc hơn trước dư luận quốc tế rồi sau đó mới đóng cửa khẩu là logic. Nhưng Việt Nam cần dự trù một khả năng nữa là dù bộ đội Việt Nam tránh va chạm nhưng vụ lúa hè thu sắp đến, nguồn sống chính của hàng triệu hộ nông dân cả nước, lúa gạo, sẽ bán đi đâu nếu một tháng sau thu hoạch xong thì TQ đóng cửa biên giới. Coi chừng TQ dồn sức lại để đánh một đòn nặng về thu mua lúa gạo vào thời điểm đó thì nông dân Việt Nam ăn cơm không thịt cá bên cạnh một đống lúa mốc meo trong kho.
Trái ngược với các bước đi mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc như trên, ngược lại phía Việt Nam đã gây không ít sự thất vọng ức chế cho dân chúng và sự hoài nghi của giới quan sát quốc tế về việc thực thi một kịch bản “thoát Trung” đến tận cùng. Tới nay dường như vẫn chỉ là một vở diễn nữa mùa của tay cờ Ba Dũng. Sự lần chần chậm trễ loanh quanh biện giải xung quanh kế hoạch kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc Tế đã làm quần chúng thất vọng, cùng với động thái ngăn cản các cuộc “mít tinh-biểu tình-tuần hành” đã làm nguội đi lòng yêu nước và gia tăng…lòng chán nản. Sau những phát ngôn táo bạo bên ngoài thì tay cờ Ba Dũng lại có vẻ lùi về và xa cách với nhân dân, trong khi ai cũng hiểu là chỉ có quần chúng nhân dân mới là lực lượng duy nhất có thể bảo vệ ông ta lúc này trước những đòn dưới thắt lưng của các tay cờ thân Trung Quốc. Trước các hành động đầy thiện chí của Mỹ và sự gia tăng áp lực của Trung Quốc thì các động thái gần đây của tay cờ Ba Dũng làm quần chúng thấy ông “có vẻ chưa xứng tầm trong các ván cờ mang tính quyết định bước ngoặt tình thế”.
Làm sao để thoát Trung?
Để thoát Trung không thể chỉ bằng lời nói hay kêu gọi suông. Phải có hành động để tạo sự cảm thông và ủng hộ từ mọi phía, để thoát khỏi “gọng kìm” của chính những tay cờ thân TQ trước hết, rồi để có thế, có lực mà thoát khỏi vòng “kim cô” 16 vàng 4 tốt, đã thòng vào cổ từ sau Thành Đô. Hành động gì đây? Cũng không khó biết lắm, chỉ cần nhận rõ ai là bạn ai là thù trong cuộc cờ gay go hiện nay.
Thù thì dễ thấy rồi, nhưng bạn thì có khi ở rất gần dễ thấy lại chưa muốn thấy hay không dám thấy. Bạn xa có khi dễ thấy và dễ muốn có hơn bạn gần xát bên mình. Nói kiểu bình dân miền Tây thì bởi xưa nay không muốn bạn gần vì ở gần dễ thấy dễ biết tẩy nhau, tốt xấu gì cũng thấy cả. Tới nay đối xử với người gần không tốt vì người gần thật lòng thấy xấu chê xấu, kể cả với dồng chí, anh em, hễ không khen ta, nghe theo ta đều là “phản động” cả, đều là “thế lực thù địch” cả, đều âm mưu “diễn biến hòa bình”. Đàn áp, bắt bớ, giam cầm cả những người muốn cùng mình thoát Trung. Nay muốn thoát Trung mà vẫn chưa buông tha họ, chưa chấp nhận họ, dù nghe có nghịch nhĩ, thì lấy sức nào, thế nào để thoát Trung. Đấy là việc đầu tiên cần làm.
Rồi quần chúng, thanh niên, tri thức muốn biểu tình để chống bành trướng, tỏ lòng yêu nước, lại ngăn cản, đàn áp, thậm chí đánh đập. Luật biểu tình mấy kỳ họp QH đều chưa đưa ra được tới kỳ này nhiều giới vận động mạnh mà tới nay vẫn chưa dứt khoát và nhanh chóng đưa vào chương trình làm luật. Thiệt là không hiểu nổi, tự chặt tay chân mình để kẻ thù bành trướng thong dong tự do đi lại trên vùng biển của mình mà nhân dân mình không thể phản đối được. Đó là việc thứ hai phải nhanh chóng chấm dứt để có thể thoát Trung.
Một nửa đất nước còn chịu dư âm của chế độ cộng hòa đã một thời quyết chết theo với biển đảo. Một nửa dân số đó sẽ không thể hết lòng ủng hộ thoát Trung nếu bao oan trái chưa được giải tỏa, nếu những chiến sĩ chết cho tổ quốc chưa được vinh danh như Ngụy Văn Thà…, và nghĩa trang của họ chưa được chính thức công nhận. Nếu nền kinh tế thị trường tự do của miền Nam trước đây nay đã trở thành mẫu mực cho phát triển kinh tế cả nước thì tại sao không dám công nhận các lý tưởng tự do dân chủ của nền cộng hòa là lý tường chung của mọi người Việt yêu nước chống bành trướng Bắc kinh? Không có dân chủ tự do thì sao có lòng dân, thì lấy thế và lực nào để thoát Trung thật sự được.
Đó là những việc phải làm ngay nếu tay cờ Ba Dũng và nhóm của ông muốn thật sự thoát Trung. Chỉ có thể thoát Trung nếu các ông công khai công bố và thực hiện một lộ trình dân chủ và hòa giải dân tộc chân chính và thực tiễn. Trái banh đã ở trong chân của các ông. Thời gian của các ông không còn nhiều nữa, ván cờ đã đến lúc “được ăn cả ngã về không” rồi.

0 comments:

Powered By Blogger