|
Tác Giả Trần Vũ
|
Năm 1284 khi vó ngựa quân Mông Cổ giẫm lên đất
Đại Việt tiến về bến Vạn Kiếp, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc kẻ thù
mạnh đến như vậy. Phía bắc, Trần Bình Trọng thảm bại trước kỵ binh của Ô
Mã Nhi, bị bắt sống, tuyến phòng ngự Thăng Long tan vỡ. Phía nam, thủy
quân của Toa Đô chiếm Nghệ An lập thế gọng kềm, vua Trần phải bỏ kinh sư
chạy về phủ Thiên Trường. Định mệnh của dân tộc đã có thể chấm dứt ở
cuối thế kỷ 13.
Nhưng chưa bao giờ trong những ngày nguy khốn
cùng cực này, quyết tâm giữ đất của dân tộc cao đến vậy; tất cả nam nữ
cùng thích lên tay hai chữ “Sát Đát”.
“Sát
Đát” đã được xâm lên da thịt của người Việt, để thấm vào máu Việt, để
di truyền cho con cháu đời sau. Di truyền hào khí lẫm liệt của cả một
dân tộc quyết không chịu nhục mà hôm nay, chúng ta, hãy còn tìm thấy
trên trang sử cũ: “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”.
Bảy thế kỷ sau, dân tộc này hãy còn mang trong mình khí phách của “Đoạt sáo Chương Dương độ”:
Chương Dương đoạt giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
Bảy thế kỷ sau, di duệ của Trần Quang Khải bị
Bắc Kinh chiếm biển, với đầy miệt thị khiêu khích. Bảy thế kỷ sau, Tập
Cận Bình thực hiện di chúc của Hốt Tất Liệt, Mã Viện, Trương Phụ, Liễu
Thăng, Tôn Sĩ Nghị, một cách dễ dàng không kèn trống. Chưa có đế quốc
nào đi chiếm đất lân bang dễ dàng sung sướng như đế quốc Trung Hoa đầu
thế kỷ 21. Vừa chiếm, vừa khinh, vừa được Chế Mân ôm hôn thắm thiết.
Bảy thế kỷ sau, tình thế đã khác. Nếu bối cảnh
khác, lòng can đảm của dân tộc này không khác. Lòng can đảm mà môn võ
thuật truyền thống của dân tộc còn lưu trữ: thế đánh ngoạn mục của Việt
Võ Đạo tung người quặp đối thủ quật xuống đã phát xuất trong những ngày
kỵ binh Mông Cổ tràn xuống Thái Nguyên, càn xuống Vĩnh Phú. Ít ngựa,
thiếu phiêu kỵ, tổ tiên đã dùng đôi chân nông dân chạy thật nhanh, áp
sát lườn ngựa, hất tung mình lấy chân quặp cổ kỵ mã Mông Cổ giựt chúi
xuống đất rồi kết liễu bằng dao găm. Đôi chân của dân Việt bất chấp gươm
giáo, lao đến để chặn địch với ý chí: Một đổi Một. Chết không nề. Vì
chết để bảo vệ đất của cha.
Bảy thế kỷ sau, mới hôm qua, lòng can đảm hãy
còn đó. Chính sự hy sinh can đảm của dân tộc đã đánh tan Bán Lữ đoàn Lê
dương 13, đơn vị lừng lẫy nhất của quân đội Pháp, đơn vị đã tử thủ tại
Bir Hakeim trước Xa đoàn Châu Phi Đức Quốc Xã của Thống chế Erwin
Rommel. Chỉ trong 5 tiếng đồng hồ, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối của
ngày 13 tháng 3-1954, Tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn Lê dương 13 cáo chung
trên đồi Béatrice. Nếu Toa Đô chết ở Tây Kết, Sầm Nghi Đống treo cổ tự
vẫn trong trận đồn Ngọc Hồi, tư lệnh pháo binh Charles Piroth tự sát sau
trận đồi Gabrielle.
Bảy thế kỷ sau Thoát Hoan, tổ tiên Nguyên Mông của Tập Cận Bình, lòng ái quốc của dân tộc Việt vẫn nguyên vẹn.
Đầu thế kỷ 21, tình thế đã khác. Nếu Trung Hoa
vĩ đại của Tập Cận Bình chưa thực sự hùng mạnh như đế chế Mông Cổ, Đại
Việt đã suy yếu. Quốc gia Việt Nam hôm nay thiếu sự đồng thuận dân tộc
trong mọi lĩnh vực. Khác với triều Trần vô cùng hợp nhất từ lòng dân đến
quốc giáo, từ làng mạc vào đến tận trong cung điện; vương quốc hậu Đại
Việt ngày nay bị phân hoá. Nguyên nhân tìm thấy trong hai nội chiến đẫm
máu Trịnh-Nguyễn và Nam-Bắc, còn tìm thấy trong cả định hướng Xã hội Chủ
nghĩa không hợp lòng dân. Bên cạnh sự phân hoá, phát lộ một yếu kém bản
năng: Khả năng suy nghĩ đại dương không được hệ thống hoá, trống vắng,
hay chưa hề có.
Chưa bao giờ như hôm nay, chứng kiến Tập Cận
Bình ung dung cắm Giàn khoan - Trụ đồng xuống biển sâu, dân Việt nhận
thức sự bất lực rõ rệt của mình trước đại dương. Nỗi bất hạnh to lớn
ngang bằng sự bất lực vĩ đại trường kỳ trước dinh thái thú Tô Định trên
đường Minh Khai. Khoảng cách vài trăm thước dài bằng khoảng cách từ đảo
Lý Sơn đến Giàn khoan - Trụ đồng HD-981. Sẽ không bao giờ dân Việt bơi
đến. Sẽ không thể nào dân Việt đấm vào mặt lính Trung Quốc với hai chữ
“Sát Đát” xăm chín đỏ da thịt mình. Đại dương đã chiến thắng lòng can
đảm.
Hậu quả của 40 thế kỷ văn hiến u tối không suy
nghĩ biển? Hậu quả của sợ hãi phiêu lưu đến chân trời góc bễ? Sợ hãi
thủy quái? Sợ hãi những điều chưa ghi chép trong sách Thánh Hiền? Khó
phản biện, chỉ có thể thông cảm, với một dân tộc sinh sống bằng nghề
trồng lúa, tình yêu đất cát, quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, đã
mãnh liệt hơn mặt biển không cho lúa. Chính tình cảm gắn bó quê mẹ đã
khiến Đại Việt không có hạm đội viễn chinh, không phát triển ngành hàng
hải. Nhưng nếu chưa biết cách chế ngự đại dương, chính tình yêu đất cát
dữ dằn này đã giúp dân Việt bảo tồn lãnh thổ trước khối lượng người
khủng khiếp của tộc Hán. Có thể viết, cũng chính Trung Quốc khiến dân
tộc Việt trước thế kỷ 19 với xã hội làng mạc không thể có ngành hàng
hải. Vượt trùng dương lấy ai cày cấy, lấy ai giữ ruộng vườn khi kẻ thù
phương Bắc rình rập từng quý, khi kinh nghiệm máu xương khắc ghi: để
chiến thắng Trung Hoa trong mỗi trận chiến, tổ quốc phải dốc toàn lực,
toàn sức, với những mất mát hy sinh tận gốc rễ mà sau mỗi chiến thắng,
nếu chiến thắng, còn phải triều cống. Đi biển sáu tháng, một năm, hai
năm, như các tiểu quốc Bồ Đào Nha, Hoà Lan, Na Uy vượt khỏi tầm tay với
của những nông phu nghèo, vượt khỏi ước mơ của những làng chài mong
ngóng chồng con đem về một lưới cá.
Dân tộc này nghèo, nhưng sẵn sàng chết để giữ
đất. Trung Hoa với tất cả những triết lý nhân sinh của Khổng, Lão, Trang
đã không muốn hiểu. Riêng một mình Tập Cận Bình thấu hiểu: “tình hữu
nghị Việt - Trung đời đời bền vững”.
Hôm nay không ai trách cứ các triều Lý, Trần,
Lê, Nguyễn đã không xây dựng một hạm đội Thái Bình Dương, như Minh trị
Thiên hoàng đã hiểu ra thủy chiến quyết định sinh mệnh của Nhật Bản.
Không ai trách tổ tiên, trong những ngày chiến thắng rực rỡ của Ngô
Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, đã không chiếm lấy đảo
Hải Nam mà vị trí chiến lược khống chế toàn vịnh Bắc Bộ. Hôm nay, những
thanh niên biểu tình trước dinh thái thú Tô Định, trong ngày phẫn nộ,
đã trách: Vì sao quốc gia phải dâng hai châu Ô, châu Lý? Mà dâng khuất
tất? Chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, Tập Cận Bình khống chế vịnh Cam Ranh.
Cánh cửa mở ra Thái Bình Dương đã bị khóa.
Có phải vì vậy hay không mà đại diện Robert Lucius của hải quân Hoa Kỳ tại Hà Nội, từng trả lời BBC lạt lẽo: “Hoa
Kỳ chưa hề tiếp cận Việt Nam về vấn đề cảng Cam Ranh từ sau 1975, và
cũng có đủ các cơ sở trong vùng nên không có nhu cầu sử dụng hải cảng
này”.
Trong câu nói, có vị chua ở đầu lưỡi. Có phải vì
sự hiện diện của không hải lục Trung Hoa trên Hoàng Sa và Trường Sa đã
triệt tiêu vị thế của Cam Ranh? Ở chính giữa thời điểm căng thẳng
Việt-Trung, từ chối khéo của Robert Lucius mang ý nghĩa trầm trọng gần
như có thỏa thuận ngấm ngầm giữa các đế quốc.
Đến một buổi sáng dân tộc thức giấc đau đớn khắp
mình mẩy, nỗi đau tím bầm da thịt mất đất, mất biển. Đến một buổi sáng
dân tộc thức giấc vụt khám phá mình đơn thương độc mã, trơ trọi trước
một tỷ người Hán. Khác chiến tranh biên giới 1979, Lê Duẩn ngay phát
súng lệnh đầu tiên đã có thể ký hiệp ước quân sự hỗ tương Nga-Việt làm
giảm áp lực phương Bắc. Hôm nay, chính phủ Cộng Sản Việt Nam khó khăn
tìm ra một hiệp ước quân sự để ký kết. Mà không thể ký kết, khi chính
sách đối ngoại “Làm bạn với tất cả thế giới” không cho phép những liên
minh quân sự với phía này hay phía khác. Đã đến buổi sáng, dân chúng
thức giấc, kinh hoảng khám phá “Làm bạn với tất cả thế giới” là một thực
tế trống rỗng, thiếu hậu thuẫn. Kẻ thù đã xuất hiện trùng trùng trên
mặt biển. Giàn khoan-Trụ đồng đã cắm xuống. Trước hình ảnh Trương Phụ
kéo lê thanh long đao đứng trên đỉnh Hoá Châu chỉ xuống thung lũng mưa
gió sấm sét, quát: “Đất này là của Mã Viện!”; trợ lý ngoại giao Daniel
Russel, ngay giữa lòng thủ đô Thăng Long, đã nhã nhặn từ chối: Hoa Kỳ
không cần bạn, chỉ cần đồng minh.
Trong buổi sáng tím tái, ướt đầm vì sóng biển,
sinh viên Việt Nam muốn theo gương Trần Quốc Toản, giương lá cờ “Phá
cường địch báo hoàng ân”, thậm chí sẵn sàng “Phá cường địch báo Hồng
ân”, nhưng các cấm vệ lại cấm ngặt không cho phép, rồi bắt giải tán. Vì
sao Đoàn Thanh niên Cộng sản Tuổi trẻ Hồ Chí Minh lại thiếu ý chí, thua
kém cả Đoàn Thanh niên Quốc xã Tuổi trẻ Adolf Hitler đã chiến đấu trên
từng đường phố Bá Linh, cho đến phút cuối cùng, cho đến viên đạn chót
cùng trước Hồng quân Sô-viết, ngay cả khi không có chính nghĩa? Chúng ta
tràn đầy muôn triệu lý do phải kháng cự, nhưng triều đình Thăng Long đã
không động đậy. Trong buổi sáng có những lượn sóng sắc như lam, nhởn
nhơ chảy về từ từ Giàn khoan - Trụ đồng làm chảy máu trái tim Việt, tất
cả đã tuyệt vọng trông chờ một ánh mắt. Cái quắc mắt của Trần Thủ Độ khi
trả lời vua Trần: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.” Cái
quắc mắt đã cứu sống sinh mệnh Đại Việt, đã khiến vua Trần phải hiểu,
không phải đầu Thái sư, mà chính là đầu Thiên tử sẽ rơi xuống đất trước
tiên nếu quy hàng. Trần Thủ Độ với lý lịch hai lần phế đế, đã đặt tay
lên đốc kiếm.
Nhưng tất cả các quan triều Cộng sản đều đeo kính mát, khiến không ai có thể trông thấy ánh mắt của những Điện tiền Chỉ huy sứ.
Đơn thương độc mã và triều đình đớn hèn, nên dân
chúng phải tự đi tìm kế sách giữ nước. Karl von Clausewitz, ở chương
thứ 4, tập 8, của cẩm nang Chiến tranh, phân tích:
“… Đứng trước trường hợp hai quốc gia tranh
giành đất, hai bên lâm chiến đều cần thời gian. Câu hỏi đặt ra, ai trong
hai phía, với tình trạng quốc gia riêng biệt, về lâu dài, sẽ thuận lợi?
Cân nhắc tính chất của từng bên, kết luận luôn đưa đến kẻ yếu nhất sẽ
thắng thế. Không phải sức mạnh, mà yếu tố tâm lý. Chính lòng tham, sự
quan ngại, tranh chấp, tính toán, lẫn sự hỗ trợ trái ngược của những
quốc gia đứng ngoài sẽ làm rạn nứt liên minh giữa chính họ với kẻ đang
thắng thế. Càng dài lâu, kẻ thua thiệt càng nhiều cơ hội. Mặt khác, để
khai thác thành quả của chiến thắng đầu tiên, phe đang chiếm ưu thế phải
tổn hao rất nhiều sức lực. Không chỉ để chiếm đóng mà để duy trì sự
chiếm đóng. Nếu tài nguyên của tỉnh lỵ tóm thâu, không đủ trang trải phí
tổn, sẽ trở thành một sức nặng không thể gánh. Yếu tố thời gian, như
vậy, có thể giúp lật ngược tình thế.
… Ngược lại, nếu những tỉnh lỵ vừa chiếm đoạt đủ quan trọng, và bao gộp những vùng chiến lược sống còn, cho lục địa hay những vùng không thể đụng đến, sự chiếm đóng sẽ lan nhanh như chứng ung thư. Kẻ lấn chiếm sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn thất thu. Nếu không có một sự tiếp ứng nào đến từ bên ngoài, thời gian sẽ hoàn tất chiến quả đã khai mào, và những vùng đất khác sẽ tự rụng vào trong hầu bao giắt lưng của kẻ xâm lược. Thời gian trở thành yếu tố hỗ trợ kẻ đi xâm chiếm, tiếp tay cho đến chừng nào kẻ lấn chiếm không bị phản công. Trường hợp này, một đảo ngược tình thế khó khả thi; vì đến mức này, sự đảo ngược khó có giá trị, vì cốt lõi của chiến tranh đã được thực hiện, những hiểm nguy cao nhất kẻ xâm chiếm đã vượt qua. Trong một câu, đối phương đã quỵ gối.” [De la guerre, Karl Von Clausewitz, tập VIII, chương IV]
… Ngược lại, nếu những tỉnh lỵ vừa chiếm đoạt đủ quan trọng, và bao gộp những vùng chiến lược sống còn, cho lục địa hay những vùng không thể đụng đến, sự chiếm đóng sẽ lan nhanh như chứng ung thư. Kẻ lấn chiếm sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn thất thu. Nếu không có một sự tiếp ứng nào đến từ bên ngoài, thời gian sẽ hoàn tất chiến quả đã khai mào, và những vùng đất khác sẽ tự rụng vào trong hầu bao giắt lưng của kẻ xâm lược. Thời gian trở thành yếu tố hỗ trợ kẻ đi xâm chiếm, tiếp tay cho đến chừng nào kẻ lấn chiếm không bị phản công. Trường hợp này, một đảo ngược tình thế khó khả thi; vì đến mức này, sự đảo ngược khó có giá trị, vì cốt lõi của chiến tranh đã được thực hiện, những hiểm nguy cao nhất kẻ xâm chiếm đã vượt qua. Trong một câu, đối phương đã quỵ gối.” [De la guerre, Karl Von Clausewitz, tập VIII, chương IV]
Phân tích của Clausewitz năm 1830 làm dân Việt thêm tuyệt vọng, vì quốc gia Việt Nam đang rơi vào tình trạng “Nếu
không có một sự tiếp ứng nào đến từ bên ngoài, thời gian sẽ hoàn tất
chiến quả đã khai mào, và những vùng đất khác sẽ tự rụng vào trong hầu
bao giắt lưng của kẻ xâm lược” .
Trong cẩm nang Chiến tranh, Clausewitz còn đòi hỏi một yếu tố tiên quyết khác: “Tính hợp nhất chính trị. Thiếu sự hợp nhất này, mọi chiến thuật, chiến lược đều vô vọng”. Chính
đây là nhược điểm lớn nhất của đất nước. Vừa làm bạn với kẻ thù, vừa
chia sẻ ý thức hệ, vừa phải phòng chống, khiến tất cả các sách lược
không thể nhất quán.
Sau Ngày Phẫn Uất, dân Việt ra đường ngỡ ngàng
trông thấy trên các sạp báo, bản tin của các báo quốc doanh: Phát hiện
âm mưu kích động tuần hành, biểu tình… Những hậu duệ của Trần Hưng Đạo
lặng lẽ trở về nhà, lặng lẽ đội mũ bảo hiểm theo quy định, vì đây là
biện pháp phòng chống bá quyền Trung Quốc duy nhất của đất nước.
24 giờ sau kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ được tổ
chức rầm rộ, “Quân đội Nhân dân” im lìm trốn vào trong quá khứ, không
dám đối mặt thực tế Bắc Kinh vừa cắm Trụ đồng xuống biển Đông. Tự nhận
và trang bị “Tinh thần Điện Biên Phủ” nhưng “Quân đội Nhân dân” thiếu
dũng lược yêu sách triều đình chấm dứt tình hữu nghị Việt-Trung ngu
muội.
Sẽ như Clausewitz tiên đoán, quốc gia rồi quỵ
gối trở lại làm An Nam Giao Chỉ Quận? Toàn dân tộc trông cậy vào những
cuộc tuần hành của tuổi trẻ giữ cho vết xăm hai chữ “Sát Đát” của tổ
tiên không biến mất. Toàn dân tộc ý thức: Đảng cầm quyền đã mất đi tính
chính danh vì không bảo vệ lãnh thổ.
Trần Vũ
0 comments:
Post a Comment