Xin Cha tha nợ cho con. Xin Me tha nợ cho con. Xin mọi người tha tội
cho tôi. Tha cho tôi với. Tha cho tôi với. Vì tôi đánh mất một vật
thiêng liêng tổ tiên góp máu để lại cho mình. Tha cho tôi với. Tha cho
tôi với...
Với... một chữ Với thống thiết của một người lính đã bị gãy súng, đã sa cơ không thể làm trọn lời thề Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm. Với...
một lời xin tha tội thiết tha của một người mà tự bản án tù đày xuyên
thế kỷ của anh đã là sự hy sinh, đền ơn vô giá đối với tổ tiên và cha
me - những người đã góp máu để lại cho anh Tổ quốc thân yêu.
Khúc hát trên do anh Nguyễn Hữu Cầu sáng tác đã được anh và các chiến
hữu của anh hát trên một ngọn đồi tù vào mùa đông năm 1975.
39 năm. Thời gian quá nửa đời người. Mỗi chúng ta nhìn lại tưởng
rằng hoàn cảnh sống trong chặng đường nghiệt ngã của mình đã quá nhiều
oan khiên. Ngày đó, bạn bè còn nhỏ chúng tôi tụm nhau ở Suối Đốc Học -
Ban Mê Thuột lén lút hát Vĩnh Biệt Sài Gòn, ở căn gác nhỏ khu Bàn Cờ - Sài Gòn thì thầm với nhau Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên.
Tưởng cuộc đời như thế là đen như hố thẳm sâu nhất, biết đâu rằng đã có
những người lính đang lao đao kiếp tù ở chốn rừng thiêng nước độc,
cũng hát, nhưng không hát cho những nuối tiếc Sài Gòn hoa lệ, những con
đường tình ta đi, những Duy Tân cây dài bóng mát. Họ hát trong gió
buốt, trong sương căm lời tạ tội với núi sông - Một người lính mà để cho đất nước như vậy, sa vào cảnh như vậy thì mình phải chịu trách nhiệm: Xin mọi người tha tội cho tôi.
Những người lính ấy là Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu.
39 năm. Anh chỉ "được ăn mừng ngày chiến thắng" của các cai tù đỏ một
lần duy nhất vào năm 1981. 38 năm còn lại anh "ăn mừng chiến thắng" với
muỗi, rệp, muối và rắn độc màu đỏ trong tù - hết trại này đến trại kia.
39 năm sau anh được chủ tịch trại tù "khoan hồng" thả về nhà tù lớn
đang chứa 90 triệu người. Những ngày cuối tháng 4, anh khoác lại chinh y
người lính, cùng với các chiến hữu của anh sau 40 năm lưu lạc cùng
nhau làm lễ tưởng niệm cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam - người anh cả Tư
lệnh Quân đoàn IV đã tuẫn tiết vì đã không thể bảo vệ được "vật thiêng liêng tổ tiên góp máu để lại cho mình".
39 năm. Tù đày không làm anh chùn bước. Tuổi già không làm anh nhụt
khí. Lần đầu tiên trong lịch sử độc tài đỏ, hình ảnh những người lính
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hiên ngang xuất hiện tại Sài Gòn. Khắp nước,
khắp thế giới, nhiều người dân Việt nghe tiếng đàn violin truy điệu,
nhìn di ảnh của tướng Nguyễn Khoa Nam mà xúc động ứa nước mắt. Hơn thế
nữa, hành động việc làm của anh đã gửi một thông điệp hùng hồn, bất
khuất đến với mọi người: bất cứ việc gì có chính nghĩa, chúng ta đều làm
được - cho dù bởi một người tù ngày nay đã già, sức đã yếu.
39 năm. Tù đày không làm anh trở thành con người mang nhiều cay đắng và
hận thù. Nếu những gì anh làm ngay sau khi ra khỏi tù như hành động
tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam, như cầm đàn hát "khỏe re như con bò kéo xe"
đã nói lên tính dứt khoát của trên con đường anh đi trước mặt, thì bên
cạnh đó là nụ cười nhân ái và những lời nói hiền hòa lúc nào cũng đến
từ anh. Anh kể về những ngày tù lạnh giá bằng những nụ cười. Anh kể về
các quản giáo trại tù bằng những nụ cười. Anh nhìn về cuộc đấu tranh
gian nan trước mắt bằng những nụ cười.
39 năm. Nhìn anh - người tù xuyên thế kỷ, nhìn những chiến hữu của anh
với những phần thân thể đã mất, nhìn hình ảnh những người lính can
trường ngày xưa bây giờ lê lết đi bằng đôi tay và đôi ghế đẩu dã chiến
mới thấy tội ác 39 năm của tập đoàn "giải phóng". Và sôi sục căm hờn.
Nhưng anh khác. Anh gửi đến những đồng đội thương phế binh của anh lời
hát vươn lên với lúa vàng và thông ngàn, với giấc mơ đại bàng vỗ cánh:
Phần thân xác kia, anh bỏ quên,
anh bỏ quên trên quê hương tràn đầy đau thương
và đầy núi buồn.
Rồi giờ này,
từ phần thân xác bỏ quên,
có thể vươn lên thành đóa hoa hồng,
hay cùng lúa vàng,
hay gốc thông ngàn.
...
Muôn trái tim,
ngóng trông chờ những đêm nằm mơ,
mơ ngày nào đó,
hỏa châu đêm hoa đăng
sáng hạt mưa phùn.
Đời dạy mình, người nào cười cho, cười dai,
nuốt vào trong tim buồn tủi căm hờn,
nhưng rồi có ngày tan núi băng bùn.
Tràn đầy hồn thơ,
đại bàng ngồi mơ,
ngắm trăng và sao, ước mơ ngày nao,
mang lại chiến bào,
vỗ cánh bay cao,
vỗ cánh bay cao,
vỗ cánh bay cao...
Chúng ta nhìn thấy những giá trị đó từ một con người.
Từ Nguyễn Hữu Cầu - một người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Vũ Đông Hà
0 comments:
Post a Comment