Sunday, April 27, 2014

30 Tháng 04 - Đập cổ kính ra tìm lấy bóng...

Nguoiduatin (Bạn đọc Danlambao) - Kính gởi các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, những người Việt Nam tử tế, cùng tất cả những ai quan tâm đến ngày đau buồn 30 tháng tư, con xin một nén hương lòng tưởng niệm những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân và một chút tâm tình của tên du đảng hoàn lương gửi đến quý bác, cô chú và các anh chị.

Người Miền Nam VN tôn vinh Tổng thống của họ vì họ tận mắt chứng kiến và trực tiếp hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội trong chính thể VNCH, không phân biệt Quân hay Dân. Và chính phủ không bắt buộc bất kỳ công dân nào phải tôn vinh Tổng thống. Thế mà người dân vẫn nhớ ơn, tự nguyện suy tôn các Tổng thống Đệ nhất và Đệ nhị VNCH, bất chấp những biến cố xảy ra, cho đến ngày mất nước 30.04.1975. Điều đó cho thấy người dân Miền Nam bằng lòng với chính phủ do chính họ lựa chọn, qua các kỳ phổ thông đầu phiếu công bằng và minh bạch. (1

Sự phát triển về kinh tế trong thời chiến, luôn có giá trị nhiều lần hơn trong thời bình. Lịch sử chứng minh từ cổ chí kim, bất kỳ nước nào có xảy ra chiến tranh, thường kéo theo nghèo đói và loạn lạc. Ngay như nước Nga (Liên Xô cũ) cường quốc cộng sản, trong thời chiến, dù là chiến tranh lạnh, chạy đua vũ khí với Mỹ, trong khi người dân Mỹ vẫn no đủ thì người dân LX thì phải gặm bánh mì đen, kết cục là LX tan rã vì không hợp lòng dân. Và điều đáng ghi nhận là nước Mỹ không có Trại Súc Vật (2). Người dân Mỹ đoàn kết chống lại sự bành trướng của CNCS. Người dân Mỹ không tiếp tay cho cộng sản Nga đánh phá quê hương của họ dù Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc.

Chính thể VNCH thì không may mắn như vậy. Họ vừa phải chống giặc ngoài CsBV tay sai QTcs (3) vừa phải chống chọi với thù trong VC nằm vùng (4). Nhưng có bói cũng không ra "Chính sách xóa đói giảm nghèo" mà đảng csVN vẫn liên tục áp dụng trong thời bình, dù rằng cuộc chiến tranh bom đạn đã chấm dứt 39 năm qua. (5) Tưởng cũng cần nhắc lại rằng cùng thời điểm VN rơi vào cuộc chiến tranh ý thức hệ (6) do CsBV vâng lệnh quan thày QTcs gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam VN (7), người dân Miền Nam cũng không đến nỗi phải để dành... cứt đổi gạo (8). Người dân Miền Nam trong chính thể Đệ nhất và Đệ nhị VNCH đã được hưởng một đời sống sung túc no ấm, mà người dân Miền Bắc XHCN cùng thời có nằm mơ cũng không thấy (9). Và công dân trong chính thể VNCH được hưởng một nền giáo dục chẳng thể nào quên (10). Đó là lý do vì sao không riêng gì các cựu quân nhân QLVNCH mà đồng bào Miền Nam cũng phải "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi"(11) đối với chánh thể VNCH và những người đã bỏ mình để bảo vệ một Miền Nam Tự do No ấm và Dân chủ đích thực. 

Chính thể VNCH đã thua và mất nước vào tay CsBV và QTcs, điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng họ thua với tinh thần chiến đấu đến giờ phút cuối cùng như thế nào, mới là điều đáng nói/viết lại cho đúng với sự thật lịch sử, để các thế hệ tiếp nối nhìn đúng bản chất cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn có nguồn gốc từ đâu, rút ra bài học xương máu để đừng bao giờ xảy ra cảnh người Việt bắn giết người Việt chỉ vì phục vụ thứ chủ thuyết hoang tưởng như chính Lê Duẫn thú nhận (12). Hãy để lòng yêu nước của người Việt Nam, sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc trước kẻ thù truyền kiếp phương bắc đã và đang gặm nhấm bờ cõi giang sơn do các bậc tiền nhân để lại, không thể nhân danh bất kỳ chủ thuyết ngoại bang nào để gây ra cảnh nồi da xáo thịt, và sẽ là tội ác khó thể tha thứ khi xua trẻ em vào cuộc chiến tranh phi nghĩa (13).

Điều đáng buồn là vào mỗi dịp 30.04, người cộng sản lại tự hào về thành tích khủng bố, giết người của họ. Có gì đáng tự hào khi người Việt tàn sát chính người Việt chỉ để thỏa mãn tính khát máu của CNCS. Mọi người hẳn chưa quên Giáo sư Nguyễn văn Bông, người Việt Nam đầu tiên có bằng Công Pháp Quốc tế, sắp làm Thủ tướng chính thể VNCH đã chết thảm thế nào dưới tay tên VC nằm vùng Vũ quang Hùng (14). Và tấm lòng vị tha của phu nhân Nguyễn Văn Bông đối với tên sát nhân Vũ quang Hùng thể hiện cho nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Với người cộng sản hãy nhớ rằng: Giết một giáo sư đại học không phải là một hành động anh hùng (15). Tệ hại hơn nữa các em học sinh Trường tiểu học Cai Lậy có tội tình gì đâu, sao cộng sản lại nỡ giết các em ở tuổi chưa kịp trường thành? (16). Sao lại tự hào khi giết chính đồng bào ruột thịt, có gì để đáng tự hào với hành động khủng bố Nhà Hàng nổi Mỹ Cảnh? (17) Và người cộng sản có vui không khi ném lựu đạn vào sân vận động Quy Nhơn, chỉ để giết các em học sinh là chính? Xin hãy nghe người có mặt tại sân vận động Quy Nhơn thuật lại: Trích "Tôi là cựu học sinh Cường Để Quy Nhơn. Câu hỏi “Ai ném lựu đạn vào lửa trại?” Câu trả lời bà con sống ở Quy Nhơn ai cũng biết, chính là Vũ Hoàng Hà, ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản VN, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định. Thầy Tâm Hoàng khi còn sống đã khẳng định, vì sau khi ném lựu đạn ở sân vận động Quy Nhơn, Hà leo qua chùa Long Khánh ẩn rồi được cơ sở Cộng Sản đưa vào mật khu. Việc này được một số anh em cựu học sinh Cường Để ở Quy Nhơn biết. Mong việc này sớm sáng tỏ sau 35 năm tội ác xảy ra.” (Trang Nhân) (18).

Liệu những kẻ thù ác kể trên, và Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh v.v... trong thảm sát tại Huế có bao giờ nhỏ giọt nước mắt cuối đời cho những nạn nhân cộng sản, mà các ông là thủ phạm? (19).

Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân 

Miền Nam VNCH một quốc gia có chủ quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận (20). Song song với Miền Bắc XHCN không được như vậy, và hoàn toàn phụ thuộc vào QTcs. Sau khi xâm lược "thành công" Miền Nam VNCH. VNDCCH vẫn là kẻ xâm lược tồn tại ngoài vòng Công Pháp Quốc tế. Mãi đến 9 giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 1977 VNDCCH mới được LHQ thừa nhận cách miễn cưỡng (21). Gọi là miễn cưỡng bởi không ai muốn so sánh một Quốc Gia có chủ quyền độc lập với một thể chế xâm lược do QTcs dựng nên, cụ thể là Nga -Tàu thời CNCS còn tồn tại. 

Sơ lược về Lịch sử hình thành QLVNCH. Thời kỳ thành lập (1950-1952)

Trích: "Ngày 11 tháng 5 năm 1950, thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống Cộng, gia tăng quân số lên 60,000 người, do ngân sách quốc gia đài thọ 40%, phần còn lại do Pháp gánh chịu. Viện trợ Mỹ cũng bắt đầu giao thẳng cho các đơn vị Việt Nam, chứ không qua trung gian quân đội Pháp theo chương trình Viện Trợ Hỗ Tương Quốc Phòng MDAP (Mutual Defense Assistance Program). Trưởng phái bộ viện trợ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam là đại tướng O'Daniel. Các quân trường lớn được bắt đầu thành lập trong thời kỳ này gồm có: Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Thủ Ðức và Nam Ðịnh. Trường Sĩ Quan Trừ Bị sau này được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Các trung tâm nhập ngũ dùng để huấn luyện binh sĩ quân dịch cũng được thành lập tại Quang Trung (Nam Việt), Phú Bài (Trung Việt) và Quảng Yên (Bắc Việt). 

Ðến năm 1951, sau khi bị thất bại nặng tại vùng Cao-Bắc-Lạng, Pháp muốn tăng cường Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam để nhận lãnh trách nhiệm bình định và an ninh lãnh thổ. Do đó, tướng De Lattre de Tassigny đã đề nghị thành lập nhiều tiểu đoàn hoàn toàn Việt Nam do các sĩ quan người Việt chỉ huy. 

Ngày 5 tháng 5 năm 1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới thật sự thành hình, với những cơ cấu tổ chức đầu não như Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Quân Pháp, Nha Thanh Tra, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v... (22) Ngưng trích. 

Muốn trở thành một sĩ quan trong QLVNCH, nhất thiết phải qua trường lớp đào tạo chánh quy. Đối với quân nhân "rớt Tú Tài" đi lính thì có dành cả đời trong quân ngũ, có khi vẫn là hình ảnh ông Thượng sĩ già với thương tích đầy mình, dạn dày kinh nghiệm trận mạc. Những điều luật nghiêm khắc dựa trên nền tảng Quân Pháp Bất Vị Thân trong quân đội VNCH đã tạo nên những Anh Hùng đi vào huyền sử. 

Thà chết không đầu hàng - Những lời nói để đời... ghi nhớ mãi. 

1. Tướng Lê Văn Hưng: "Tôi không bỏ các anh để đưa vợ con ra ngoại quốc. Tôi cũng không thể chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc các anh lầm lỗi tôi có rầy la. Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm nếu có." 

Những người lính ôm lấy lá cờ vàng và cây súng thân thương vào lòng khóc nức nở. Họ biết giây phút vĩnh biệt người chủ tướng đã điểm. Chuẩn Tướng Hưng cố xô đẩy đuổi mọi người ra ngoài, bình thản đóng kín cửa văn phòng lại. Có tiếng súng nổ chát chúa từ bên trong vọng ra. Bà Hưng và các chiến hữu phá cửa xông vào. Chuẩn Tướng Hưng nằm ngã người tựa vào giường nửa trên nửa dưới, hai cánh tay dang ra và giật mạnh, toàn thân run rẩy từng cơn, đôi mắt còn mở to uất hờn. Người đã bắn vào tim để tỏ rõ tiết tháo một người Tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Máu từ trong tim người thấm ướt mảng áo ngực và loang ra đỏ thắm tấm drap trắng. Thời điểm người anh hùng thăng thiên đúng 8 giờ 45 tối ngày 30.04.1975. Khoảng 11 giờ khuya, Thiếu Tướng Nam gọi điện qua chia buồn. Bà Thiếu Tướng Hưng nghe rõ tiếng thở dài của người Tư Lệnh phía bên kia đầu dây (23).

2. Tướng Nguyễn Khoa Nam: "Chiến tranh đem lại chết chóc và đau thương, hàng trăm xác Việt Cộng 15, 16 tuổi phơi thây trên núi Tròn, bên đơn vị mình có mười mấy bạn phải hy sinh, tội quá. Vợ con họ ở nhà chắc đau khổ lắm. Kỳ này về phải lo cho gia đình tử sĩ." 

Thiếu Tướng tự sát vào khoảng nửa đêm 30-4-75 rạng 1-5-75. Ông ngồi trên chiếc ghế bành, mặc quân phục đại lễ với đầy đủ huân chương. Ông dùng tay mặt cầm khẩu Colt 45 bắn vào màng tang bên phải, máu thấm đầy quân phục, đầu ngã sang bên trái. Trên bàn giấy, chiếc cặp của Thiếu Tướng có một số giấy tờ và khoảng 40.000 đồng tiền Việt Nam. Bác sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng và một số chiến hữu lo tẩm liệm và đưa ra an táng tại Nghĩa Trang Quân Ðội Cần Thơ ngày 1 tháng 5 năm 1975 (24).

3. Những Ngày Cuối Cùng của Tướng Phạm Văn Phú: "Anh Chung, anh từng hành quân với tôi đã lâu..." Nói đến đây Thiếu Tướng Phú ôm tôi và khóc tiếp với giọng nghẹn ngào, tức tối: ...mà đêm qua, Tổng Thống Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút... có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục". 

Tôi (Đại Tá Chung) không khỏi ngậm ngùi thương xót chia xẻ nỗi oan ức của một vị đàn anh đáng kính như Thiếu Tướng Phú, nên tôi hết lời an ủi và khuyên Thiếu Tướng hãy bình tỉnh và nên tĩnh dưỡng. 

- Đó là lần cuối cùng Đại Tá Chung gặp Tướng Phú. Sáng ngày 29 tháng 4/1975, tại căn nhà riêng ở đường Gia Long, chờ khi vợ và các con rời nhà để đi về phía Trường Đua Phú Thọ tìm cách di tản, Tướng Phú đã uống một liều thuốc cực mạnh tự tử. 

- Tướng Dương Văn Minh ra lệnh Quân đội bỏ súng đầu hàng, và Cộng sản đã vào tới Sài Gòn! Nghe xong Tướng Phú nhắm mắt lại và "ra đi". (25

4. Tướng Trần Văn Hai: Trong ngày cuối cùng 30.4.1975 vẫn tươm tất uy nghi trong bộ quân phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngồi trong văn phòng tư lệnh bình tĩnh chờ quân địch đến. Trước đó, sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh đọc hàng lệnh trên đài phát thanh, người đã ôn tồn khuyên bảo sĩ quan và chiến sĩ thuộc cấp, cho phép họ được buông súng trở về gia đình, nhưng có một số vẫn nhất quyết ở lại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho và bố trí chiến đấu. Vì họ biết Chuẩn Tướng Hai sẽ không bàn giao Đồng Tâm cho giặc, hoặc nếu người có bàn giao thì cái phương thức ông làm sẽ không phải là phương thức kiểu đầu hàng. Một con người đã từng chiến đấu bảo vệ những mảnh đất của tổ quốc hơn hai mươi năm, không lý do gì người giao lại cho giặc một cách dễ dàng. Chúng muốn lấy thì chúng phải trả một cái giá nào đó. 

Chuẩn tướng Hai bất thần rút súng lục ra nổ mấy phát vào tên sư trưởng địch. Với khoảng cách rất gần đó, người có thể giết chết gã dễ dàng, nhưng người chỉ bắn gã bị thương nhẹ. Người sư trưởng địch cùng mấy cận vệ lần nữa rút chạy ra ngoài. Lính Sư Đoàn 7 Bộ Binh giương súng lên sẵn sàng tử chiến và bảo vệ Tư Lệnh của mình. 

Viên đạn cuối cùng của vị Tướng Việt Nam Cộng Hòa và lòng vị tha dành cho người sư trưởng địch đã nói lên được hai điều. Thứ nhất, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là một quân đội khiếp nhược. Thứ hai, người lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ căm thù những người đồng bào cùng sinh ra trên mảnh đất Việt Nam, khi cuộc chiến tàn, tất cả chỉ còn lại thuần túy là người Việt Nam (26).

5. Tướng Lê Nguyên Vỹ lưu tiếng ngàn thu: Sáng ngày 30.4.1975 họp Tham Mưu Sư Ðoàn xong. Chuẩn Tướng Vỹ và toàn Ban Sĩ Quan ngồi bên chiếc Radio chờ nghe Tướng Dương Văn Minh đọc diễn văn quan trọng. Ðúng 10 giờ, có tiếng của Tướng Minh. Tưởng là diễn văn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hay tổ chức di tản về miền Tây tiếp tục cố thủ. Thực chất chỉ là một bản nhật lệnh ngắn ngủi, khô khan và nhục nhã kêu gọi Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa các cấp buông súng, ai ở đâu ở đó và chờ binh đội cộng quân đến bàn giao. Tiếp theo là lời kêu gọi buông súng của Tướng Nguyễn hữu Hạnh, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vận nước đã đến hồi cáo chung, Chuẩn Tướng Vỹ, một Chiến Sĩ tuân thủ nghiêm nhặt Kỷ Luật Quân Ðội, u buồn bảo các thuộc cấp: "Từ nay tôi không còn là người chỉ huy nữa, vậy các anh hãy tự lo liệu lấy". Nhưng trước khi chia tay, Chuẩn Tướng Vỹ đã mời các Sĩ Quan cùng ăn một bữa cơm cuối cùng với ông. Sau đó... ông bình tĩnh bước ra sân nghiêm trang đứng dưới cột cờ của Bộ Tư Lệnh, tự sát bằng chính khẩu súng chỉ huy của mình (27).

Những vị Tướng Anh Hùng của QLVNCH đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ, bảo toàn danh dự cho toàn thể QN QLVNCH. Họ đã đền xong nợ nước, dù nước mất nhà tan. Nhưng với họ, tin rằng họ đang mĩm cười mãn nguyện vì "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo".

Saigon ngày 26 tháng 04 Năm 2014. 39 Năm Quốc Hận của QLVNCH.



_____________________________


Tài liệu tham khảo:

(1) Hình ảnh xưa: Bầu cử VNCH. Nam Ròm sưu tầm. 

(2) Trại Súc Vật, Tác giả George Orwell. 

(3) Hồ Chí Minh Tự Thú: Tôi Là Nhân Viên Lãnh Lương Của Quốc Tế Cộng Sản. (HCM Toàn Tập. Tập II. Sách do Cs ấn hành) Có thể đọc tại đây:


(5) Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo.

(6) Cuộc Chiến Tranh Ý Thức Hệ: 1946-1954. Tác giả bút Sử.

(7) Hồ Chí Minh Gây Nội Chiến Và Chủ Trương Chiến Tranh Trường Kỳ. Tác giả Cố Giáo sư HỨA HOÀNH. 

(8) NỢ CỨT. Tác giả Phạm Thế Việt. 

(9) Thời nào dân Việt sướng nhất. Tác giả Nguyễn Hội.

(10) Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến.

(11) Vua Tự Đức Khóc Bằng Phi. 

(12) Đảng CSVN thừa nhận đánh Mỹ là đánh cho TQ. 

(13) Những sự thật cần phải biết (phần 10) - Cộng sản Việt Nam: Trẻ em là một con bài trong chiến tranh. Tác giả Đặng Chí Hùng. 








(21) Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc: Những kỷ niệm sâu sắc.

(22) Lịch sử thành lập Quân Ðội VNCH. Tài liệu biên khảo của Trần Hội và Trần Đỗ Cẩm. 





0 comments:

Powered By Blogger