Tôi sinh ra đời là đứa bé tàn tật trong một gia đình nghèo đông con ở
Việt Nam. Buồn thay, tôi cũng sinh ra đời để vội vã lớn lên trong hoàn
cảnh của một trong những cuộc nội chiến tàn nhẫn và đẫm máu nhất trong
thế kỷ hai mươi, “thế kỷ đau thương”.
Không lạ gì khi tuổi thơ nhạy cảm và non dại của tôi bị ám ảnh từng cơn
bởi nỗi sợ chiến tranh. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần rất nhỏ những gì tôi
trải qua. Chiến tranh thực sự đã cướp đi ở tôi sự ngây thơ cần thiết và
quý giá cũng như sự bình an bình thường trong tâm hồn. Tựa như tấm vải
liệm vô hình của số phận, chiến tranh đã phủ kín những năm đầu đời của
tôi dưới bầu trời này. Tôi thấy những xác chết đáng thương hình hài
không nguyên vẹn, nỗi lo sợ dường như lúc nào cũng phảng phất trên khuôn
mặt của ba má, và nghe những tin tức cùng những tin đồn đáng sợ hàng
ngày về cuộc chiến truyền lan khắp nơi trong thành phố và đôi lúc được
nhắc đến bên bữa cơm tối gia đình. Thỉnh thoảng giữa khuya khi có pháo
kích, má tôi thường đánh thức tôi dậy và giục tôi chạy thật nhanh ra
khỏi nhà. Chúng tôi thường ngồi núp trong cái hầm trú ẩn đắp bằng những
bao cát ở ngoài sân. Rồi sáng hôm sau tôi đi học và lại nghe bạn bè kể
những chuyện tương tự. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi sớm đủ chín chắn để
nhận thức rằng sống được là điều đáng quan tâm nhất còn mọi thứ khác, từ
chuyện cổ tích đến những giấc mơ, dần dần đều phai nhạt thành những gì
xa xỉ gần như đã không còn nữa.
Mỉa mai thay, kết thúc bất ngờ của chiến tranh chỉ tạo ra những bi kịch
liên tiếp. Ba tôi bị tống vào những trại cưỡng bức lao động ở các vùng
miền bắc xa xôi. Chị đầu tôi quá tuyệt vọng nên đã trốn khỏi Việt Nam.
Người mẹ nhẫn nại và can đảm của tôi đã vất vả vô cùng để nuôi gia đình
còn lại với đàn con mười đứa. Năm ấy tôi chưa đầy mười ba tuổi.
Hòa bình, trong trường hợp tôi, còn tệ hơn chiến tranh. Tôi không thể
theo học các trường cao đẳng hay đại học sau khi tôi học xong trung học.
Tôi học lên được nhưng tôi không có đủ tư cách chính trị để được học
tiếp. Dù sao, chế độ hầu như đã phân loại gia đình tôi là những công dân
hạng hai lạc hậu về mặt chính trị, là tầng lớp bị hất hủi nhất trong
bậc thang giai cấp đương thời.
Mười năm sau, ba tôi trở về nhưng ông đã khô héo cả tinh thần lẫn thể
chất. Chẳng bao lâu tôi được theo học đại học sau khi tôi thi đậu một kỳ
thi đại học khó. Niềm vui đi học tiếp của tôi song lại quá ngắn ngủi.
Sau ngay tháng đầu tiên ở trường đại học, tôi cay đắng nhận ra rằng
trường chỉ còn là bộ máy tuyên truyền thô bạo của chế độ hà khắc. Ở đấy
kiến thức và các chân lý phổ quát sẵn sàng bị bóp méo để cho ra lò những
cán bộ trung thành về chính trị nhưng trống vắng phần nào về tâm hồn
thay vì tạo ra nhưng con người say mê và có ích. Ví dụ, ngành học của
tôi là tiếng Anh, nhưng trên thực tế, tôi phải học một thứ tiếng Anh bị
chính trị hóa quá nặng và chỉ những môn học về chủ nghĩa cộng sản. Tôi
không bao giờ có cơ hội học những môn cần thiết cho việc giáo dục bình
thường như các môn về nhân văn, nghệ thuật, và xã hội.
Tôi đã bảo vệ được tâm hồn của mình trước tất cả những nỗ lực cải tạo ý
thức hệ của chế độ. Nhưng, tựa như một ốc đảo hoàn toàn khép kín, tôi
ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, cô đơn hơn, và rỉ sét hơn về tinh thần
trong khi các làn sóng thông tin và tinh thần dân chủ đang chảy qua khắp
thế giới bên ngoài. Sau khi ra trường, tôi không thể nào tìm được việc
làm do “vết nhơ” chính trị trong quá khứ của ba tôi. Trong thời gian lạc
lõng về lòng tin này, tôi viết một vài tiểu phẩm kín đáo chỉ trích
những bất bình đẳng trong xã hội và cũng bắt đầu mơ về Abraham Lincoln
và về Tượng Nữ Thần Tự Do ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Gia đình tôi di dân đến Hoa Kỳ vào năm 1992. Giống như bao di dân khác
đến Mỹ, chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới của mình với nhiều hy vọng và lạc
quan. Hơn nữa, tôi cố gắng quên đi quá khứ trĩu nặng những đau buồn của
mình ở Việt Nam, một quê hương rất nghèo và bất hạnh mà tôi mãi mãi
thương yêu. Tuy nhiên, tôi hiểu tôi nên sống cho hiện tại và tương lai ở
Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Rõ ràng quên đi một phần đời mình hoàn
toàn không dễ dàng. Giống như những giọt nước mắt bỗng dưng chợt đến,
quá khứ thỉnh thoảng lẻn vào tôi trong giấc ngủ.
Hiện nay, tôi đang cần cù học những môn yêu cầu cho chuyên ngành thương
mại, và đồng thời tôi say sưa lấp đầy những lỗ hổng lớn trong kiến thúc
của mình. Không có gì ngạc nhiên khi những trải nghiệm cay đắng trong
quá khứ giúp tôi tìm thấy con đường đi đúng trong hiện tại. Tôi trở
thành người dạy kèm tự nguyện môn toán và tiếng Anh cho những học sinh
mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như học sinh người
Việt, người Mễ, người Đại Hàn vân vân. Kỳ diệu là qua lắng nghe những
câu chuyện họ kể tôi cũng nhận thức ra đôi điều. Điều đầu tiên là ngôi
làng toàn cầu của chúng ta không hẳn là hạnh phúc như có nhiều người
trong chúng ta tưởng. Điều thứ hai là câu chuyện về cuộc đời quá khứ của
tôi không hẳn là câu chuyện rất không bình thường chừng nào vẫn còn
nghèo đói, chiến tranh và thất học.
Đối với tôi, giấc mơ Mỹ là một nền học vấn tốt. Khi mơ ước ấy thành sự
thật, nó sẽ giúp tôi làm được gì đó tích cực hơn trong cuộc đời còn lại
của mình. Trường đại học của các bạn là nơi kế tiếp tôi muốn tiếp tục
nuôi tiếp giấc mơ suốt đời ấy.
0 comments:
Post a Comment