Friday, April 25, 2014

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Vị Anh Hùng Tuẫn Tiết Ngày Quốc Hận 30-4-1975


Tưởng nhớ Tướng Hai, đồng bào tị nạn CS dựng tên đường mang tên Trần Văn Hai ở khu Eden Center, Virginia, Hoa Kỳ (Ảnh chụp 2008 - HLTL)


Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh (1926-1975)
 "Cám ơn em đã ở bên cạnh tôi trong giờ phút cuối cùng này. Vận nước đã đến hồi như vậy, không thể làm gì hơn được." - Cố Chuẩn Tướng Trần Văn Hai
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai
Đất nước Việt Nam địa linh, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có, đã viết nên những trang sử chiến đấu chống xâm lược chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại. Lịch sử chiến đấu của quân dân Việt Nam Cộng Hòa và muôn đời sau sẽ ghi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng những vị anh hùng dân tộc đã hiến dâng xương máu cho nền tự do của tổ quốc và cho hạnh phúc trường tồn của dân tộc. Xin được vinh danh các anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn. Và tất cả những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai sinh năm 1926, nguyên quán Cần Thơ, tuổi Bính Dần. Khi đến tuổi nhập ngũ, ông đã tình nguyện đăng vào học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, khóa 7. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, vị sĩ quan trẻ 26 tuổi trong năm 1952 đã lần nữa tình nguyện ra chiến đấu ngoài chiến trường miền Bắc. Thiếu Úy Trần Văn Hai được điều động ra phục vụ trong Tiểu Đoàn 4 Việt Nam, lúc đó do Thiếu Tá Đặng Văn Sơn làm Tiểu Đoàn Trưởng. Khi được vinh thăng, Đại Tá Đặng Văn Sơn được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, rồi sau đó Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân. Thiếu Úy Trần Văn Hai chỉ chiến đấu vỏn vẹn ngoài Bắc có hai năm, năm 1954 Hiệp Định Đình Chiến Geneva được ký kết, đất nước chia đôi, các lực lượng thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam rút về phía Nam vĩ tuyến 17 và làm nỗ lực chính chống đỡ cho nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ, dưới quyền lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong thời gian phôi thai này, Trung Úy tân thăng Trần Văn Hai được điều lên Quân Khu 4 Cao Nguyên.
Về trình diện Quân Khu 4, Trung Úy Hai có dịp công tác chung với Đại Úy Đặng Hữu Hồng, một chuyên viên tình báo cũng vừa mới được bổ nhiệm lên cao nguyên giữ chức Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4. Đại Úy Hồng nhận xét thấy vị Trung Úy trẻ rất tích cực trong nhiệm vụ được giao phó và có nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị xin cho rút ông về làm việc trong Ban Binh Địa thuộc Phòng 2, QK 4. Điều đó chứng minh về sau, Đại Tá Hai đã được cụ Trần Văn Hương, lúc ấy đang làm Thủ Tướng, tín nhiệm đề cử lên Tổng Thống Nguyễn Vãn Thiệu về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia sau Tết Mậu Thân 1968. Một thời gian sau, sự làm việc mẫn cán cùng khả năng chỉ huy của Trung Úy Hai đã chứng minh là ông xứng đáng được vinh thăng Đại Úy và được điều về làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Địa Phương Quân (Bảo An) đồn trú tại Phan Thiết. Tuy nhiên con đường thăng tiến binh nghiệp của ông đã bị giật lùi trong thời gian này, khi Đại Úy Hai được thuyên chuyển về làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy và Công Vụ của Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Những tưởng số mệnh đã để cho Đại Úy Hai chìm vào quên lãng với những công việc hành chánh và hậu cứ nhàm chán không xứng với tầm vóc và tài năng , thì ông lại nhận được giấy cho đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ trong năm 1961. Khi tốt nghiệp trở về, Đại Úy Hai nhận được lệnh về trình diện Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời binh nghiệp của người từ đây gắn bó với binh chủng trẻ trung Mũ Nâu vừa mới được thành lập và có nhiều hứa hẹn. Định mệnh đã chỉ định một vị tướng tài của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về phụ giúp phát triển trung tâm huấn luyện này thành một trong những trung tâm mà đã cống hiến cho quân đội những sĩ quan và chiến sĩ ưu tú nhất.
Lịch sử thành lập binh chủng Mũ Nâu và Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân gắn liền với tên tuổi của Đại Úy Trần Văn Hai. Ông là một trong những vị sĩ quan có nhiều đóng góp lớn lao trong tiến trình thành lập Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ vào ngày 1.8.1961. Chính Đại Úy Hai đã nghiền ngẫm, sáng tạo, đề nghị lên Chỉ Huy Trưởng và được chấp thuận cho ông được phụ trách lớp Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy. Chính khóa học độc đáo này đã cung hiến cho đất nước không biết bao nhiêu là chiến binh thiện chiến và sĩ quan chỉ huy tài năng trên chiến trường, đóng góp những chiến thắng lừng lẫy trong quân sử QLVNCH.
Đại Úy Trần Văn Hai không những cống hiến trí não xuất chúng của người cho Trung Tâm Dục Mỹ, mà người còn tận tụy đóng góp sức lực lao động cho bộ mặt của trung tâm. Lúc ấy trung tâm còn trong thời kỳ phôi thai, cơ sở trường ốc, đường sá, bãi tập ngổn ngang trăm mối. Đại Úy Hai đã góp công lớn lao dựng nên khuôn mặt khang trang của trung tâm. Không biết bao nhiêu là mồ hôi và tâm sức của người đã đổ vào công việc xây dựng trung tâm huấn luyện lừng danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Người làm việc cật lực ngày đêm, trên những bãi đất ngổn ngang cây gỗ, tôn thiếc, trong tiếng ầm ì của những chiếc xe ủi đất, mà trên đó Đại Úy Hai mặc độc một chiếc áo thun quân đội màu ô liu, lúc nào cũng đẫm ướt mồ hôi. Giữa cái nắng cháy da và gió rát của vùng rừng đang khai phá, giữa những đám bụi mù bốc cuồn cuộn trên những nẻo đường ngang lối dọc trần trụi đất đá, Đại Úy Hai làm việc hùng hục đến nỗi cả những người cố vấn Hoa Kỳ phụ giúp xây dựng trung tâm cũng phải chào thua và tặng cho ông mỹ danh "Hai Highway" để tỏ lòng kính phục tấm lòng tận tụy và khả năng hiếm có của người. Mặc dù chỉ với những phương tiện kém cỏi và thô sơ, chỉ trong một thời gian kỷ lục, Đại Úy Hai đã cùng với chiến sĩ Công Binh Việt Nam Cộng Hòa dựng xây lên được một trung tâm huấn luyện khang trang hoàn hảo, xứng đáng với tầm vóc quốc gia và cả vùng Đông Nam Á.
Trung Tâm Huấn Luyện đã được hoàn thành, giờ đây Đại Úy Hai có thể an tâm theo các toán huấn luyện viên và khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy ra tận các bãi tập, cùng ăn cùng ngủ cùng chịu gian khổ trên những cánh đồng lầy hay trong những khu rừng Trường Sơn âm u. Không thể nào có thể diễn tả hết được những nỗi cực nhọc thân xác của những người chiến binh trải qua 42 ngày Rừng Núi Sình Lầy, nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào lớn. Phải là một con người thép, có ý chí thép mới có thể làm được nhiều chuyện lớn lao cho đất nước như vậy. Cái cá tính cao cả của Chuẩn Tướng Hai là một khi nhận nhiệm vụ nào, dù có khó khăn gian khổ đến mấy, người cũng quyết tâm hoàn thành cho đến thật hoàn hảo mới thôi. Vẫn thấy còn thiếu kém nhiều mặt, trên tay Đại Úy Hai lúc nào đồng đội và khóa sinh cũng thấy có nhiều loại sách tự học khác nhau. Người tâm sự với các chiến hữu và thuộc cấp: "Con đường binh nghiệp của chúng ta hãy còn dài, cấp bậc chúng ta hiện giữ tuy còn nhỏ, nhưng lần lần sẽ được nâng cao hơn. Nếu bây giờ chúng ta tự mãn với hiện tại, không biết cầu tiến, không lo học hỏi trau dồi thêm sinh ngữ, đọc nhiều binh thư binh thuyết, một mai cấp trên giao vào tay ta cả đại đơn vị, thì làm sao chu toàn được nhiệm vụ".
Tài năng của Đại Úy Hai đã được xác định bằng chiếc lon Thiếu Tá và ông được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên. Một kỷ niệm mà quân dân Phú Yên không bao giờ quên được, là sự ra đi đột ngột trong sự luyến tiếc bàng hoàng của tất cả giới Quân-Cán-Chính và quần chúng trong tỉnh. Một sĩ quan cấp Tá như Trung Tá Hai đã dám cưỡng lệnh cấp chỉ huy hàng Tướng vì một câu chuyện nhỏ không nằm trong phạm trù quân sự. Ông Tướng bay tới khiển trách Trung Tá Hai nặng nề từ việc cộng sản gia tăng hoạt động, công cuộc bình định phát triển trì trệ, báo cáo chậm trễ, không làm tròn trách nhiệm, ông buộc phải cách chức Tỉnh Trưởng của Trung Tá Hai và sẽ cho người ra thay.
Trung Tá Hai đứng nghiêm chào khiêm tốn nói: "Xin tuân lệnh. Nếu ai cũng có lòng lo cho dân như Thiếu Tướng thì đất nước ta rồi đây sẽ khá". Từ khi người ra đi rồi, các bô lão và quân dân Phú Yên vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện chính khí "đất nước ta rồi đây sẽ khá", như là một trong những huyền thoại còn lưu truyền cho mãi đến ngày nay. Khi được đông đảo giới chức Quân-Cán-Chính tiễn ra trực thăng từ giã Phú Yên, Trung Tá Hai với chiếc túi vải hành trang nhỏ đơn sơ đã cảm xúc nhắn nhủ: "Tôi cảm ơn các ông đã tận tình làm việc với tôi trong mấy tháng vừa qua. Có thể người ta cho rằng tụi mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng".
Rời Phú Yên về trình diện Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vừa đúng lúc chiếc ghế Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang cần một khuôn mặt tài năng. Các giới chức quân sự BTTM từng nghe biết tiếng tốt của Trung Tá Biệt Động Quân Trần Văn Hai ngoài Trung nên đã nhanh chóng bổ nhiệm ông vào chức vụ này và được vinh thăng Đại Tá. Trong thời gian hai năm làm Tư Lệnh binh chủng Mũ Nâu 1967-1968, Đại Tá Hai đã tỏ rõ tư cách, năng lực và sự dũng cảm của một người chỉ huy một đại đơn vị khét tiếng của QLVNCH. Trên thực tế, trách nhiệm của Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân rất khác biệt với các vị tư lệnh sư đoàn bộ binh. Người Chỉ Huy Trưởng BĐQ chỉ làm công tác gần như thuần túy hành chánh, quản trị quân số, đào tạo và tuyển mộ, vị Tư Lệnh Mũ Nâu không có thực quyền điều động và trực tiếp chỉ huy hành quân. Câu chuyện cảm động về một vị Tư Lệnh Mũ Nâu có mặt trên chiến hào tiền tuyến ở Khe Sanh lại là một huyền thoại khác nữa của người.
Cuối năm 1967, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân được lệnh gởi Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân và một đại đội của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân ra Khe Sanh phối hợp chiến đấu với hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Thiếu Tá Hoàng Phổ dẫn quân ra Khe Sanh và nhận thiết lập chiến tuyến phía Đông dài một cây số của căn cứ. Đặc biệt, tuy với vũ khí cũ kỹ và trang bị thiếu kém so với đối phương, nhưng Mũ Nâu của ta đã được cho trấn đóng một khu vực quan trọng nằm bao ngoài cùng căn cứ, phía bên trong là chiến hào của TQLC Mỹ và Bộ Chỉ Huy Căn Cứ. Báo chí thế giới đã gọi chiến tuyến trấn giữ của BĐQ là "tiền đồn của tiền đồn". Với một vị trí khó khăn và hung hiểm như vậy, vũ khí lạc hậu yếu kém, chiến sĩ Mũ Nâu của đã chứng tỏ tinh thần quyết chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và nhận được sự nể trọng của lính Mỹ. Tuy nhiên vị Tư Lệnh Mũ Nâu đã hết sức băn khoăn ăn ngủ không yên, lo lắng cho những đứa con cô đơn của mình, ông quyết định phải ra Khe Sanh nhìn tận mắt cảnh ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của lính, ông mới an lòng. Đại Tá Hai cùng với hai sĩ quan tham mưu là Đại Úy Trần Đình Đàng, thuộc Phòng 1 và Thiếu Tá Ngô Minh Hồng, thuộc Phòng 3 tháp tùng theo một chiếc vận tải cơ C123 ra Khe Sanh. Thiếu Tá Ngô Minh Hồng sau vinh thăng Trung Tá và về làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân.
Chiếc phi cơ đáp xuống chạy trên phi đạo dã chiến , bụi đất cuốn mù mịt. Khi chiếc C123 vừa chạm đất thì pháo địch đủ loại từ bốn phía đã dồn dập dội xuống, tiếng nổ ùng oàng buốt óc. Chiếc C123 không dám ngừng bánh, nó vẫn tiếp tục chạy chầm chậm trên phi đạo cho đến cuối đường. Trong thời gian đó, mọi người trên tàu đều phải nhảy xuống lăn mình vào những cái rãnh hai bên phi đạo để tránh đạn pháo, những kiện tiếp liệu được hối hả tuôn xuống. Khi đến cuối phi đạo, vận tốc phi cơ có chậm lại vì phải quày đầu chuẩn bị tăng tốc độ để cất cánh, những giây phút cực ngắn ngủi nhưng quí giá đó dành cho các thương bệnh binh. Các chiến sĩ Quân Y và những người lính Mũ Nâu phải thật nhanh chóng đẩy thương binh lên càng nhiều càng tốt, trước khi con tàu gầm rú chuyển bánh và tăng tốc độ. Báo chí thế giới đã ví von hoạt cảnh ấy như là những cuộc chạy đua 100 mét với thần chết. Có nhiều chiếc C123 hay C130 vừa cất cánh lên đã trúng pháo địch vào đuôi và nổ vỡ rơi xuống tan tành.
Trong bối cảnh hỗn loạn, căng thẳng và chết chóc ấy, nhóm ba người của Đại Tá Hai không biết làm cách nào mà đã nhảy xuống được phi cơ và một vài giây phút sau, họ đã có mặt trong những dãy chiến hào tiền tuyến của Tiểu Đoàn 37 và 21 Biệt Động Quân. Những chiến sĩ Liên Đoàn 1 Mũ Nâu chỉ có thể rưng rưng nước mắt xúc động không nói nên lời, nhận những lời khích lệ và thăm hỏi chân tình của người anh cả binh chủng. Người hỏi han tỉ mỉ từng chiến sĩ một, xem những thằng em của ông ăn làm sao, ngủ làm sao. Ông cảm xúc nhìn những chiến binh mặt mũi đen nhẻm vì nắng gió biên giới, những bộ quân phục nhàu rách và hỏi thăm họ có được cấp phát thay thế hay chưa. Và nhiều điều thăm hỏi chứa chan tình chiến hữu khác nữa. Không ít những sĩ quan và chiến sĩ Mũ Nâu của Liên Đoàn 1 BĐQ đã từng một thời cùng Đại Úy Hai mài miệt học tập trên những căn cứ rừng núi sình lầy của Trung Tâm Dục Mỹ ngày xưa. Sự hiện diện của vị Tư Lệnh binh chủng và là người thầy xưa trong vòng hai ngày đêm, cùng ăn cùng ngủ cùng chia xẻ gian nguy chết chóc ở chiến hào tiền tuyến của các sĩ quan Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân đã thổi bùng lên hùng khí chiến đấu của quân ta lên đến mức cao nhất. Vì vậy khi nổ ra cuộc tấn công lớn nhất của cộng quân trong toàn chiến dịch Khe Sanh, với một trung đoàn của sư đoàn thiện chiến 304 Điện Biên Phủ CSBV lúc 9 giờ tối ngày 29.2.1968, thì Tiểu Đoàn 37 và 21 BĐQ tuy với vũ khí yếu kém hơn của đối phương, đã đánh một trận long trời lở đất tiêu diệt hai tiểu đoàn địch. Từ sau cơn thảm bại đó, binh đội BV đang bao vây uy hiếp Khe Sanh lần lượt nhận lệnh rút khỏi khu vực, đánh dấu chấm hết cơn mộng đẹp chiến thắng một "Điện Biên Phủ Thứ Hai" của Võ Nguyên Giáp.
Trước đó chừng một tháng, tức ngày 31.1.1968 Việt Cộng tấn công 44 tỉnh thành Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt chiến sự nổ lớn và kéo dài ở Huế và khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Đại Tá Hai đã có dịp tỏ rõ tài năng quân sự, khi ông chỉ huy Biệt Động Quân giải tỏa áp lực địch trong khu vực trách nhiệm. Quân ta thắng lớn trên khắp mặt trận. Trong đợt tổng tấn công Mậu Thân 2 khởi diễn ngày 22.5.1968, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân của Trung Tá Đào Bá Phước chịu trách nhiệm mặt trận Chợ Lớn. Bộ chỉ huy Liên Đoàn đóng trong Trường Tiểu Học Phước Đức nằm trên đường Khổng Tử. Chiều ngày 2.6.1968, Trung Tá Phước cùng những sĩ quan cao cấp của Cảnh Sát Đô Thành và Biệt Khu Thủ Đô đang họp hành quân trong trường, thì đột nhiên có một chiếc trực thăng võ trang của quân đội Hoa Kỳ xuất hiện từ phía trái đường Khổng Tử bay đến. Quân ta chưa kịp nắm vững tình hình về chiếc phi cơ lạ thì chiếc trực thăng đã chúi mũi xuống phụt một trái hỏa tiễn bắn thủng bức tường lầu nhì xuyên xuống tầng dưới. Chiến sĩ Biệt Động Quân vội tung khói màu ra hiệu quân bạn, nhưng chiếc trực thăng đã quay trở lại quạt đại liên xuống dữ dội. Quả rocket và tràng đại liên oan nghiệt đã phụt trúng bộ chỉ huy hành quân hỗn hợp và gây tử thương cho sáu vị sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa. Những vị hy sinh gồm có :
1./ Trung Tá Đào Bá Phước, Liên Đoàn Trưởng LĐ5BĐQ. 2./ Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Đô Thành. 3./ Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Trung Tá Luận. 4./ Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty CSQG Quận 5. 5./ Trung Tá Phó Quốc Trụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn. 6./ Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô Thành, ông là bào đệ của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Ngoài ra còn có những vị sĩ quan sau bị thương nặng nhẹ:
1./ Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Sài Gòn, bị thương nặng. 2./ Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, bị thương nhẹ. 3./ Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Đốc CSQG, bị cưa chân.
Trong lúc xảy ra tai nạn, Đại Tá Trần Văn Hai đang ngồi trên xe Jeep trực chỉ về hướng Chợ Lớn để dự buổi họp hành quân với Trung Tá Phước. Xe của ông bị kẹt giữa khối đám đông dân chúng đang ùn ùn đổ ra Sài Gòn, cho nên khi ông đến được Trường Phước Đức thì thảm kịch đã xảy ra và kết thúc từ lâu. Có lẽ định mệnh đã dành cho người một cái chết khác bảy năm sau. Cao cả hơn và bi tráng hơn. Đó là cái ngày 30.4.1975.
Thủ Tướng lúc đó là cụ Trần Văn Hương chú ý đến cung cách chỉ huy và lòng trung trực thẳng thắn của Đại Tá Hai trong hai kỳ Mậu Thân. Đại Tá Hai đã cùng lên chiến tuyến với các Tiểu Đoàn Mũ Nâu để khích lệ tinh thần binh sĩ. Đặc biệt, để bảo toàn danh dự quân đội, ông nghiêm cấm binh sĩ không được phá quấy và cướp giật tài sản người dân. Thậm chí ông còn hạ lệnh sau mỗi lần diệt xong một ổ kháng cự của VC, ba lô của sĩ quan và binh sĩ đều phải được lục soát kỹ, không cho phép chiến sĩ lợi dụng cảnh hỗn loạn và nhà vắng chủ để lấy của cải dân chúng. Hành động đạo đức này đã được thuộc cấp nể trọng, đến quỉ thần cũng phải cúi đầu. Thủ Tướng Hương đề nghị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Đại Tá Hai về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị thương chân giải ngũ. Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia sau thời điểm Mậu Thân điêu tàn, lòng người rúng động, cần hình ảnh một vị chỉ huy cảnh sát có thành tích chiến đấu vì dân, có đạo đức, thanh liêm trong sạch và lòng mẫn cán để thu hút lòng dân, đưa dân đến gần hơn với những đường lối của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Đại Tá Hai chính là con người hội đủ điều kiện đó. Trong lĩnh vực quân sự, cụ Hương cũng đã đề cử Trung Tướng Đỗ Cao Trí về nắm Tư Lệnh Quân Đoàn III. Hai nhân vật được đề cử đã tạo nên nhiều chiến công lớn , giúp cải thiện tình hình trị an và quân sự được ổn định một thời gian dài.
Nhận một chức vụ cực quan trọng, là cánh tay mặt đắc lực của chính quyền, Đại Tá Hai đã hết lòng chu toàn nhiệm vụ. Cũng vì tính trong sạch thẳng thắn quá mà ông lại làm phiền lòng ông Bộ Trưởng Nội Vụ thời đó, vì ông không chịu sa thải một luật sư phụ tá mẫn cán để thay thế đàn em của ông Bộ Trưởng vào. Vì vậy mật phí dành cho Cảnh Sát Quốc Gia bị thẳng tay cắt giảm quá nửa, gây khó khăn rất nhiều cho ông, nhưng người vẫn quyết làm những gì theo lương tâm và ông nghĩ đó là lẽ phải. Với chức vụ cao tột bậc như vậy mà trong thời gian hơn một năm, ông cũng không xun xoe vào gặp cấp lãnh đạo cao nhất để cầu cạnh lợi lộc, vì điều đó trái với tính cách con người ông. Đại Tá Hai chỉ đến gặp Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Hương rồi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, sau khi Thủ Tướng Hương rời khỏi chức vụ, khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày. Chưa bao giờ người ta thấy ông dùng công xa lộng lẫy với còi hụ dẫn đường để khoe khoang, mỗi lần di chuyển công tác, người vẫn sử dụng chiếc Jeep BĐQ cùng với mấy người cận vệ ngồi phía sau. Đại Tá Hai chỉ huy CSQG rất tốt và không cho phép nó đi lệch hướng, nhưng những thế lực muốn chi phối lực lượng Cảnh Sát vào những mục tiêu riêng lại không thích ông, vì ông không thuộc phe phái nào cả. Người chỉ có một phe phái lớn nhất, đó là tổ quốc. Khi được nghe phàn nàn về những bê bối trong ngành Cảnh Sát, người đã trầm ngâm trả lời: "Tôi biết, nhưng vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp khá nhiều khó khăn. Mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình thấy cần phải làm".
Công việc sửa chữa làm sạch ngành Cảnh Sát còn đang dang dở thì Thủ Tướng Trần Văn Hương rời khỏi chức vụ, Đại Tá Hai liền nhận sự vụ lệnh trở ra Vùng II Chiến Thuật làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II dưới quyền Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn. Từ vị trí Tư Lệnh Phó, một lần nữa người sĩ quân mẫn cán ấy lại vướng phải một ông Tướng vùng nóng nảy và đầy tai tiếng tham nhũng, ăn chơi xa hoa trụy lạc, ông bằng lòng trở về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, coi như một sự đi xuống trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Thời gian này người thường tịnh khẩu, hướng về thiền định, ông ăn uống rất đơn giản, trong bữa cơm thường có nhiều rau trái.
Cuộc đời lên xuống thăng trầm vì những thế lực đè nén của người thật giống với cuộc đời của người anh hùng Nguyễn Công Trứ. Cũng giống như cụ Nguyễn Công Trứ, trong bất kỳ tình cảnh nào, vị trí nào, Đại Tá Hai đều chu toàn hoàn hảo và hãnh diện với nhiệm vụ phục vụ đất nước của mình. Cụ Trứ đã chẳng từng nói: "Lúc làm đại tướng tôi chẳng lấy làm vinh, thì lúc làm lính thú tôi cũng chẳng lấy làm nhục". Có lần trong năm 1974, một vị sĩ quan Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Thanh Vân dẫn Tiểu Đoàn 95 Biệt Động Quân từ căn cứ Ben Het về Dục Mỹ tái trang bị và huấn luyện đã đến thăm người anh cả, người thầy cũ đáng kính của mình. Chuẩn Tướng Hai đã chân tình tâm sự với người chiến hữu cũ, mãi về sau này nghiệm ra, Thiếu Tá Vân mới nghĩ đó chính là lời nhắn nhủ và là trăn trối cuối cùng mà người để lại cho hậu thế: "Bây giờ "Toi" cũng là Tá, cũng là Tiểu Đoàn Trưởng rồi, và "Moi" bây giờ cũng mang sao. Nhưng mình hãy xét mình và làm sao cho xứng đáng với cái lon của mình. "Moi" đã già rồi, tóc cũng đã bạc nhiều, rồi mai kia cũng phải ra đi. "Toi" hãy còn trẻ, tre tàn măng mọc mà "Toi", thời gian là như vậy. "Moi" mong "Toi" sống cho đáng sống, đừng để binh sĩ dưới tay mình khổ sở vì sự kém tài bất đức của mình. Cũng như "Moi" đây, bây giờ được về đây dưỡng già, nhưng nhà binh mà "Toi", lúc lên voi xuống chó là chuyện thường tình, chỉ cần ta sống không thẹn với mình là đủ...".
Đất nước trong cơn nghiêng ngửa rất cần những vị chỉ huy tài năng đứng ra chống đỡ. Một lần nữa, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai được Tổng Thống Thiệu tín nhiệm trong chức vụ cực kỳ quan trọng ở Miền Tây, ông được vời về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV & Quân Khu IV kể từ tháng 11.1974. Chuẩn Tướng Hai về nắm Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong thời điểm đã khá muộn màng, ông không còn có được bao nhiêu thời gian để cùng chiến binh Miền Tây làm tròn trách nhiệm bảo quốc an dân. Từ phía Bắc, binh đội cộng sản đã ùn ùn tràn xuống như thác lũ, lần lượt đánh bứt các tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, rồi toàn Quân Khu II, đến Quân Khu I, và sau cùng, trong những ngày tháng 4.1975 hầu như Quân Khu III cũng rơi vào tay giặc.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai trong ngày cuối cùng 30.4.1975 vẫn tươm tất uy nghi trong bộ quân phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngồi trong văn phòng tư lệnh bình tĩnh chờ quân địch đến. Trước đó, sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh đọc hàng lệnh trên đài phát thanh, người đã ôn tồn khuyên bảo sĩ quan và chiến sĩ thuộc cấp, cho phép họ được buông súng trở về gia đình, nhưng có một số vẫn nhất quyết ở lại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho và bố trí chiến đấu. Vì họ biết Chuẩn Tướng Hai sẽ không bàn giao Đồng Tâm cho giặc, hoặc nếu người có bàn giao thì cái phương thức ông làm sẽ không phải là phương thức kiểu đầu hàng. Một con người đã từng chiến đấu bảo vệ những mảnh đất của tổ quốc hơn hai mươi năm, không lý do gì người giao lại cho giặc một cách dễ dàng. Chúng muốn lấy thì chúng phải trả một cái giá nào đó. Chuẩn Tướng Hai cảm xúc nhìn những đôi mắt u sầu của thuộc cấp đang cố giương súng để bảo vệ ông. Người trao lại cho một sĩ quan thuộc cấp một gói nhỏ, trong đó đựng một vài vật dụng cá nhân và tiền hai tháng lương Chuẩn Tướng là 70.000 đồng nhờ trao lại cho bà mẹ già ở Gò Vấp, Sài Gòn. Người sĩ quan rùn mình, mặc dù không biết những vật gì chứa trong gói vải đó, nhưng ông biết giờ phút chia tay với Chuẩn Tướng Hai sắp điểm.
Khoảng xế trưa, một lực lượng của Việt Cộng thận trọng tiến vào Đồng Tâm và cho người đến yêu cầu Chuẩn Tướng Hai bàn giao căn cứ. Chuẩn Tướng Hai ngồi ngay ngắn sau chiếc bàn bên trên có hai cái đế gắn lá cờ vàng Việt Nam và lá cờ Tướng một sao, bình tĩnh và nghiêm nghị ra điều kiện. Ông chỉ bàn giao căn cứ khi nào có một người chỉ huy trưởng sư đoàn của đối phương đến văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Ngoài điều kiện đó, ông không muốn bàn chuyện nào khác. Tình hình rất căng thẳng và làm những người lính cộng bối rối, chúng rút trở ra bàn tính. Mãi một lúc sau khá lâu, bọn chúng gọi đâu được một người tự xưng là sư đoàn trưởng xin vào gặp Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa để làm thủ tục bàn giao. Người thủ trưởng sư đoàn rụt rè tiến vào văn phòng Tư Lệnh SĐ7BB, Chuẩn Tướng Hai bất thần rút súng lục ra nổ mấy phát vào tên sư trưởng địch. Với khoảng cách rất gần đó, người có thể giết chết gã dễ dàng, nhưng người chỉ bắn gã bị thương nhẹ. Người sư trưởng địch cùng mấy cận vệ lần nữa rút chạy ra ngoài. Lính Sư Đoàn 7 Bộ Binh giương súng lên sẵn sàng tử chiến và bảo vệ Tư Lệnh của mình.

Viên đạn cuối cùng của vị Tướng Việt Nam Cộng Hòa và lòng vị tha dành cho người sư trưởng địch đã nói lên được hai điều. Thứ nhất, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là một quân đội khiếp nhược. Thứ hai, người lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ căm thù những người đồng bào cùng sinh ra trên mảnh đất Việt Nam, khi cuộc chiến tàn, tất cả chỉ còn lại thuần túy là người Việt Nam.

Tối ngày 30.4.1975, Chuẩn Tướng Hai ngồi trong văn phòng đóng kín cửa và đã uống thuốc độc tử tiết. Sáng hôm sau người Trung Úy thuộc cấp đã tìm được bà cụ thân sinh của Chuẩn Tướng Hai trao lại di vật và hướng dẫn bà trở xuống Mỹ Tho. Bản thân vị Trung Úy cũng chưa trở về gặp lại vợ con của ông ở Sài Gòn. Người mẹ già tấm lưng đã còm cõi với thời gian đã mưu trí gạt được người lính VC gác cổng và đưa được thi hài Chuẩn Tướng Hai về Gò Vấp an táng. Hiện nay bà phu nhân Thiếu Tướng Hai vẫn còn ở Việt Nam, các chiến hữu Biệt Động Quân nhớ về người tướng quân tư lệnh binh chủng và người thầy cũ, đã có gửi tiền về cho bà ít nhiều để gọi là trân trọng tưởng nhớ đến ông.
Người anh hùng dân tộc, vị thần tướng nước Nam Trần Văn Hai đã đi vào cõi thiên thu, nhưng tấm gương chiến đấu anh dũng, tấm lòng tận tụy phục vụ tổ quốc đến giây phút cuối cùng của người sẽ mãi mãi được những người còn sống và người đời sau truyền tụng và vinh danh.
Phạm Phong Dinh
------------------------
Những Giờ Phút Cuối Cùng Của Tướng Trần Văn Hai

Trịnh Văn Ngạn và Huỳnh Văn Hoa
Trung Úy Huỳnh Văn Hoa,
nguyên Tùy Viên của Tướng Trần Văn Hai trong thời điểm 1975.


Căn cứ Đồng Tâm, một căn cứ quân sự quan trọng nằm ngay yết hầu trên cửa ngõ từ miền Tây về Sài Gòn. Mọi ngày nhộn nhịp xe cộ, kẻ ra người vào, hôm nay vắng lạnh như tờ. Lúc bấy giờ là 14 giờ 30 ngày 30-4-1975.

Sau khi theo vị Tư Lệnh họp mặt với các sĩ quan thuộc quyền ông lần cuối tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Sư Đoàn, tôi trở về phòng riêng trong dãy cư xá sĩ quan độc thân để thu xếp đồ đạc cá nhân và chờ lịnh. Mới đây cách mấy tiếng đồng hồ, sau khi nhận được lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh và chờ “phía bên kia” đến bàn giao, Chuẩn Tướng Tư Lệnh đã triệu tập tất cả sĩ quan và ông đã ngỏ lời cám ơn cùng chào từ giã các sĩ quan thuộc cấp của mình, đồng thời ông ra lịnh cho tất cả mọi người trở về gia đình thu xếp cho vợ con, tránh đụng độ với quân địch, đổ máu vô ích.

Đúng 15 giờ, điện thoại Tư Lệnh gọi tôi lên phòng của ông. Sau nghi thức chào kính như thường lệ, tôi đứng nghiêm chờ lệnh. Khác với mọi ngày, Chuẩn Tướng Tư Lệnh không ngước nhìn tôi, ông ngồi im như pho tượng gỗ, dường như ông đang suy tư một điều gì. Một lúc sau ông ra dấu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế tiếp khách, trước bàn làm việc của ông. Khi tôi đã ngồi xuống, ông mới bắt đầu lên tiếng một cách từ tốn:

- Cám ơn em đã ở bên cạnh tôi trong giờ phút cuối cùng này. Vận nước đã đến hồi như vậy, không thể làm gì hơn được. Là quân nhân, chúng ta phải tuyệt đối chấp hành lệnh thượng cấp.

Sau đó ông hỏi thăm gia cảnh tôi. Cuối cùng, ông mở ngăn kéo làm việc, lôi ra một món đồ gói bằng giấy báo, ông đưa cho tôi và nói rằng:

- Sáng sớm ngày mai, em có thể trở về với gia đình. Tôi nhờ em đưa gói đồ này cho mẹ tôi và nói với bà rằng đây là quà tôi gởi cho bà và bảo bà đừng lo lắng gì cho tôi cả. Bây giờ em có thể trở về doanh trại thu xếp đồ đạc giờ đến tối lúc nào cần tôi sẽ gọi.

(Sau này, tôi được biết trong gói quà ấy có 70,000 đồng cũng như có một số vật dụng cá nhân hàng ngày của Chuẩn Tướng Tư Lệnh).

Đứng dậy chào vị Tư Lệnh xong tôi trở về doanh trại, lòng thật bất ổn. Tôi linh cảm như sắp có điều gì ghê gớm xảy ra cho ông. Chờ mãi đến hơn 6 giờ chiều, không thấy điện thoại Tư Lệnh gọi, lòng tôi hết sức bồn chồn, đứng ngồi không yên. Cuối cùng, tôi quyết định chạy bộ lên văn phòng Tư Lệnh.

Căn cứ Đồng Tâm chìm trong hoang vắng. Càng đến gần văn phòng Tư Lệnh tôi càng hồi hộp. Và rồi tôi cũng đến nơi. Đèn đuốc trong văn phòng vẫn sáng như mọi ngày, nhưng một bầu không khí lạnh lẽo bao trùm. Tôi rón rén bước lại cửa văn phòng, nghe ngóng động tình. Vẫn hoàn toàn yên lặng! Sau cùng, tôi liều đẩy mạnh cánh cửa phòng làm việc của Tư Lệnh bước vào, một khung cảnh hiện ra trước mắt làm tôi hết sức ngỡ ngàng.

Chuẩn Tướng Tư Lệnh ngồi gục đầu mê man trên bàn làm việc. Một ly rượu lớn đã cạn còn ở trên bàn. Tôi biết điều gì đã xảy ra. Tôi cấp tốc liên lạc với Tiểu Đoàn Quân Y và Bệnh Xá Sư Đoàn. Lúc đó còn một vị thiếu tá bác sĩ ở bệnh xá. Tôi liền trình bày nhanh qua điện thoại tình trạng của Chuẩn Tướng Tư Lệnh. Chờ một lúc sau, ông thiếu tá bác sĩ lái chiếc xe Jeep cứu thương đến văn phòng Tư Lệnh. Chúng tôi đặt Chuẩn Tướng Tư Lệnh nằm trên băng ca và chở xuống Bệnh Xá Sư Đoàn ngay. Lúc này ông đã mê man bất tỉnh. Tại bệnh xá, sau một hồi tận lực cấp cứu, vị thiếu tá bác sĩ buồn rầu báo cho tôi biết, vì thuốc độc đã ngấm vào máu khá lâu, Chuẩn Tướng Tư Lệnh không qua được cơn nguy kịch.

Chúng tôi lặng lẽ lau mặt cho ông, đặt ông nằm ngay ngắn trên băng ca và đứng nghiêm chào vị Tư Lệnh đáng kính lần cuối. Sau khi lấy chăn đắp thi hài ông lại, tôi trở về doanh trại thu xếp đồ đạc và quyết định khuya nay sẽ về Sài Gòn báo tin cho gia đình Chuẩn Tướng biết. Khi về tới Sài Gòn, tôi được biết gia đình ông gồm vợ, con và mẹ đã chạy vào lánh nạn ở Nhà Thương Grall. Sau khi gặp được gia đình ông, gia đình ông quyết định bằng mọi cách phải mang xác ông về Sài Gòn.

Sáng 1-5-1975, mẹ ông và tôi, một già một trẻ, bao luôn chiếc xe lambretta loại ba bánh, xuống căn cứ Đồng Tâm. Chúng tôi đến nơi vào khoảng 10 giờ sáng. Khác với hôm qua, hôm nay căn cứ tràn ngập người ra vào. Kẻ đi tìm con, người tìm chồng, kẻ đi hôi của v.v... Xe Honda chạy loạn xạ trong căn cứ. Khi xe lam chúng tôi chạy đến cổng thì gặp một bộ đội Cộng Sản địa phương chặn lại. Như đã sắp đặt trước, mẹ của Tư Lệnh xuống xe mếu máo:

- Con ơi, má có thằng con bị bắt đi quân dịch,nghe nói đâu nó chết hôm qua, cho má vào nhận xác nó đi con! Tội nghiệp má quá, hòa bình rồi con ai cũng về nhà, riêng con má không về nữa.

Nói xong, không đợi cho tên bộ đội trả lời, bà giục tôi lên xe và hối tài xế xe lam chạy lẹ vào căn cứ. Tên bộ đội trẻ cứ đứng há hốc miệng ra nhìn, chẳng hiểu ra sao cả. Tôi hướng dẫn tài xế xuống Bệnh Xá Sư Đoàn. Sau đó cùng khiêng thi hài Chuẩn Tướng Tư Lệnh lên xe và đưa về Sài Gòn. Về đến Nhà Thương Grall thì trời đã tối hẳn. Người ta sầm xì báo cho nhau biết chiều nay, ở đây, vừa cử hành đám tang Tướng Phạm Văn Phú. Phần tôi lúc này quá mệt mỏi, đầu óc vô cùng căng thẳng, không biết vợ con hiện giờ ở đâu.

Sau khi tẩm liệm xác Tư Lệnh xong, tôi đứng yên lặng nhìn ông lần cuối, không dám chào theo nghi thức quân đội vì sợ bị lộ tung tích, gia đình ông sẽ gặp nhiều phiền toái. Cuối cùng, tôi cũng phải từ giã vị Tư Lệnh đáng kính với hai hàng nước mắt đầm đìa để về tìm vợ con.

Trịnh Văn Ngạn, viết theo lời kể của Trung Úy Huỳnh Văn Hoa

___________________________________________
Chuẩn Tướng Trần văn Hai
Nguyên Phạm
 
Chuẩn tướng Trần Văn Hai sanh năm 1929 tại Cần Thơ. Ông tốt nghiệp Khoá 7 Sĩ Quan Hiện Dịch, tình nguyện về binh chủng Nhảy Dù và phục vụ tại chiến trường miền Bắc cho tới khi đất nước chia đôi.

Sau khi trở về miền Nam, ông phục vụ tại nhiều đơn vị khác nhau tại miền Trung cho tới khi được gởi sang thụ huấn khóa Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ năm 1960. Lúc đó ông mang cấp bậc đại uý.

Trở về nước, ông tình nguyện sang phục vụ tại binh chủng Biệt Động Quân vừa mới được thành lập và đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng trung tâm huấn luyện Dục Mỹ của binh chủng này. Cho tới ngày nay, các cố vấn Hoa Kỳ vẫn còn dùng tên gọi Hai Highway khi nhắc tới ông bởi vì trong thời gian này, ông thường lái chiếc xe ủi đất để làm nền cho các cấu trúc sau này. Sau khi trung tâm huấn luyện đã hoàn thành, ông là người đề xướng ra Khoa Huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy, đào tạo biết bao cán bộ cho tất cả các đại đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Đến cuối năm 1963, ông được vinh thăng Thiếu tá và giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Cho tới năm 1965 thì được bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên. Trong thời gian tại chức, ông đã chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính trong tỉnh bẻ gẫy những cuộc tấn công của Việt Cộng xuất phát từ mật khu Vũng Rô của chúng. Quân đội ta nhiều khi còn tổ chức những cuộc hành quân vào tận sào huyệt này. Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 là nữ ca sĩ Minh Hiếu tới Phú Yên có việc riêng và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là phải đón tiếp chu đáo. Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung tá, quyết định dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón thay vì dùng công xa. Vì chuyện này mà Trung tá Hai mất chức tỉnh trưởng với lý do 'không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ'. Ngày ông ra phi trường đi đáo nhậm đơn vị mới, quân dân cán chính ra tiễn đưa rất đông. Không ít người đã nhỏ lệ. Năm 1969, Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên để xem xét việc thực thi một số kế hoạch trong Chiến dịch Phượng Hoàng, đã đem theo rất nhiều quà để tặng dân chúng. Ông được quân dân tiếp đón như một người ruột thịt khiến cho một trong những người tháp tùng ông lúc đó là Trung tá Lê Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đặc Biệt Khu 2 đã ngạc nhiên. Và sau này có thuật lại trong cuốn hồi ký 'Cảnh Sát Hoá, Quốc Sách Yểu Tử Của Việt Nam Cộng Hoà' rằng chắc hẳn là trong thời gian làm tỉnh trưởng Phú Yên, tướng Hai đã đối xử với dân chúng tốt hết mực nên mới được quí trọng làm vậy.

Sau khi mất chức tỉnh trưởng Phú Yên, Trung tá Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Chỉ huy Trưởng Biệt Động Quân. Và trong biến cố Tết Mậu Thân, ông đã chứng tỏ tài chỉ huycủa mình. Liên đoàn 5 Biệt Động Quân là đơn vị đã phản công tiêu diệt địch ngay trong những giờ giao tranh đầu tiên tại Thị Nghè - Hàng Xanh và sau đó, phụ trách mặt trận Chợ Lớn và Phú Thọ. Ông đã nhiều lần có mặt ngay tại tuyến đầu, chỉ cách nơi giao tranh khoảng 50 thước đặng thị sát mặt trận, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp.

Tháng 5 năm 1968, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc Gia là Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan bị trọng thương tại mặt trận Thị Nghè. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký đã sắc lệnh bổ nhiệm Đại tá Trần Văn Hai thay thế. Cho tới nay, nhiều người vẫn còn ngộ nhận rằng bởi Thủ tướng Trần Văn Hương là một người trong thân tộc đề nghị nên Đại tá Hai mới có được chức vụ này. Kỳ trung, cụ Trần Văn Hương quê quán Vĩnh Long trong khi Đại tá Hai quê quán Cần Thơ. Hơn nữa, Thủ tướng Chánh Phủ lúc đó là Luật sư Nguyễn Văn Lộc. Cụ Trần Văn Hương tới cuối năm đó mới làm thủ tướng.

Trong thời gian giữ chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Đại tá Hai đã điều hợp tất cả các đơn vị một cách rất xuất sắc trong chiến dịch Phượng Hoàng khiến cho các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng bị thiệt hại nặng nề và tê liệt. Tuy vậy, giới truyền thông Tây phương đã xuyên tạc nhiều về chiến dịch này gây nhiều bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà. Quí bạn đọc nào muốn biết thêm về chiến dịch Phượng Hoàng, xin tìm đọc cuốn 'Vietnam: the Conflict and Controversy' của Paul Elliot xuất bản tại Luân Đôn năm 1996 hoặc cuốn 'The Team' của Ian McNeil do University of Queensland Press xuất bản năm 1984.

Tướng Trần Văn Hai tuẫn tiết đã đúng 30 năm và khi nhắc tới ông, chúng ta không quên những thiệt thòi mà ông đã cam chịu trong những ngày phục vụ đất nước. Tuy vậy, cũng phải công tâm mà nói, ông không phải là một cấp chỉ huy có tài dùng người. Khi về chỉ huy ngành cảnh sát, ông có đem theo một số thuộc cấp mà ông một lòng tin tưởng. Một số sĩ quan khi sang làm việc với tướng Hai trong ngành cảnh sát, thấy không thích hợp trong vai trò mới đã xin trở về binh chủng Biệt Động Quân. Cũng cần nói thêm ở đây là tuy giữ chức vụ cao cấp nhứt trong ngành cảnh sát, tướng Hai vẫn thường xuyên ghé thăm các thuộc cấp cũ, một điều mà những ai ở vào vị trí của ông rất ít khi làm.

Năm 1970, tướng Hai rời ngành cảnh sát với cấp bậc Chuẩn tướng để giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu 44. Năm 1971, ông trở về binh chủng Biệt Động Quân để một lần nữa giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng nhưng chỉ được một năm thì Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt tung ra chiến dịch Xuân - Hè 1972 mà người Mỹ gọi là The Easter Offensive và chúng ta thường gọi là Muà Hè Đỏ Lửa với ba mặt trận chánh là Trị Thiên, Kontum và An Lộc.

Tại mặt trận Kontum, địch tạm chiếm ưu thế trong những ngày đầu. Bộ Tư lịnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh bị chúng tràn ngập, Đại tá Tư lịnh Lê Đức Đạt bị mất tích. Tại phía Bắc Kontum, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù chịu trách nhiệm ngăn chặn Cộng quân tại Tân Cảnh. Sau khi Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù rút khỏi Charlie (Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh ngày 12 tháng 4 tại đây) thì áp lực địch nặng hơn, nên Liên đoàn 6 Biệt Động Quân từ vùng 3 được gởi ra tăng cường cho trận tuyến này. Tại thị xã Kontum, Đại tá Lý Tòng Bá chỉ huy Sư đoàn 23 Bộ Binh cùng các lực lượng tại đây chống lại vòng vây của địch ngày càng xiết chặt. Trong tình thế đó, Tư lịnh Phó Quân Đoàn I và Quân khu 1 là Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn được bổ nhiệm làm Tư lịnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 thay thế Thiếu tướng Ngô Dzu. Đồng thời Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lịnh Phó Hành Quân của Quân đoàn. T ướng Hai đã đích thân có mặt tại chiến trường để chỉ huy 10 tiểu đoàn Biệt Động Quân tái chiếm đèo Chu Pao, khai thông Quốc lộ 14 lên tiếp tay cho các lực lượng bạn giải toả Kontum. Chính trong thời gian này đã xảy ra mấy chuyện đáng tiếc.

Quí bạn đọc nào thuộc binh chủng Nhảy Dù có tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 đều còn nhớ Đại tá Kỵ binh Nguyễn Trọng Luật và Trung tá Kỵ binh Nguyễn Đức Dung. Sau này, Đại tá Nguyễn Trọng Luật giữ chức vụ Tỉnh trưởng Kiêm Tiểu khu Trưởng Darlac và bị địch bắt sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975. Tại mặt trận Kontum nói trên, những báo cáo của Trung tá Dung về tình hình mặt trận lại được tướng Toàn một mực tin tưởng gây nhiều tai hại. Sau trận này, Trung tá Dung vinh thăng Đại tá, giữ chức vụ Tư lịnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh và ít lâu sau, giữ chức vụ Tỉnh trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Pleiku thay thế Đại tá Trương Sơn Ba tức Yaba đắc cử vào Thượng Nghị Viện. Tuy nhiên, khi giữ chức vụ Tỉnh trưởng, Đại tá Dung được tiếng là làm việc khá đàng hoàng. Nhưng bây giờ xin mời bạn đọc trở lại mặt trận Kontum.

Sau khi các lực lượng Biệt Động Quân đã đẩy lui được Cộng Quân, khai thông Quốc lộ 14 lên Kontum thì Chuẩn tướng Hai cho một số đơn vị Biệt Động Quân tiếp tục khai thông quốc lộ đồng thời một số truy kích tàn quân Việt Cộng. Mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp thì Thiếu tướng Toàn gọi máy xuống mạt sát tướng Hai mà theo lời các nhơn chứng thì Quế Tướng công có chửi thề trong lúc điện đàm.

Lệnh của tướng Toàn lúc đó là bằng mọi cách mọi tiến về Kontum trong thời gian ngắn nhứt để giải vây cho Đại tá Kỵ binh Lý Tòng Bá cùng Bộ Tư lịnh và Bộ chỉ huy Tiểu khu Kontum và do đó, bỏ mặc cho đám tàn quân Việt Cộng đang tháo chạy vô rừng. Chính điều này đã cho phép đám tàn quân đó lấy thêm quân đặng tái tổ chức đội hình rồi tấn công quấy nhiễu gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng bạn sau đó. Sau khi Kontum được giải vây, Đại tá Lý Tòng Bá được vinh thăng Chuẩn tướng trong lúc Chuẩn tướng Hai bị Thiếu tướng Toàn khiển phạt 40 ngày trọng cấm xin gia tăng đồng thời cách chức và gởi trả về Bộ Tổng Tham mưu.

Trở lại Sài Gòn, Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Chỉ huy Trưởng Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Lam Sơn Kiêm Chỉ huy Trưởng Huấn khu Lam Sơn. Xin nói rõ hơn là Huấn khu Lam Sơn nằm trong quận Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà. Huấn khu này gồm có Trường Pháo Binh, Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ và Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Lam Sơn là nơi tổ chức các khoá huấn luyện cho Hạ sĩ quan Trừ bị và Tân binh quân dịch.

Mãi tới đầu năm 1974, khi Tư lịnh Sư đoàn 7 Bộ Binh là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lịnh Quân đoàn IV và Quân khu 4 thì Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm thay thế tướng Nguyễn Khoa Nam, chỉ huy Sư đoàn 7 Bộ Binh đặt căn cứ tại Đồng Tâm trong tỉnh Định Tường.



-----------------------------------------
Viết Về Tướng Trần Văn Hai
Người Lính Già



Tiểu Sử

Có lẽ ít ai để ý và biết tới tân Thiếu Úy Trần Văn Hai tốt nghiệp khóa 7 trường Võ Bị Đà Lạt tình nguyện ra chiến đấu tại chiến trường Bắc Việt năm 1952 được bổ nhiệm về phục vụ Tiểu Đoàn 4 Việt Nam (Thiếu Tá Đặng Văn Sơn, Tiểu Đoàn Trưởng, sau này là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 rồi Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Dục Mỹ). Sau khi đất nước bị chia đôi và người Pháp lần lượt trao trả quyền quản trị, điều khiển các quân khu lại cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam ( đặc biệt là Quân Khu 4 trên cao nguyên từ trước vẫn hoàn toàn do các sĩ quan Pháp nắm giữ) và do một cơ duyên nào đó ông Hai gặp Đại Úy Đặng Hữu Hồng. Đại Úy Hồng là một chuyên viên tình báo mới bổ nhiệm lên cao nguyên làm Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4 đã nhận thấy ông Hai rất có thiện chí với nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị rút về phụ trách ban binh địa của phòng 2 Quân Khu. Sau đó Trung Úy Hai được vinh thăng Đại Úy đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Địa Phương đồn trú tại Phan Thiết rồi về làm Đại Đội Trưởng chỉ huy công vụ Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khóa bộ binh cao cấp tại Hoa Kỳ thì Đại Úy Trần Văn Hai đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến trong tình thân thương cũng có mà thù ghét cũng không phải là ít. Khi Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ được thành lập để huấn luyện các đơn vị Biệt Động Quân về rừng núi sình lầy, mưu sinh thoát hiểm cho sĩ quan của các đơn vị và sinh viên sĩ quan của Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đại Úy Hai là một trong số huấn luyện viên tận tụy làm việc hết mình theo đúng quan niệm: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu,” và mồ hôi của ông luôn luôn ướt sũng bộ đồ tác chiến như mọi người đã nhìn thấy.

Năm 1964, Đại Úy Trần Văn Hai được vinh thăng Thiếu Tá sau khi mang lon Đại Úy liên tiếp 9 năm và được bổ làm Tỉnh Trưởng khiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên và cũng chính từ ở chức vụ nầy ông đã có dịp bộc lộ các cá tính và con người thực. Dưới đây là phần trích dẫn của Lôi Tam viết lại cuộc đối thoại của nhóm quân nhân và công chức trẻ mà chính anh là một:

- Tụi bây bỏ hết công việc ra đây mai mốt anh Mũ Nâu lại gọi vào chửi cho cả đám.

Anh Mũ Nâu là biệt danh chúng tôi dùng để gọi Trung Tá Hai, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng vốn xuất thân là Biệt Động Quân.

- Ối ăn nhằm gì, chửi bới là nghề của anh ấy, không có chuyện cho anh ấy chửi anh ấy bệnh ngay. Dưới mắt anh ấy chỉ có mình anh ấy là khá, kỳ dư còn lại là lũ ăn hại, đái rát.

- Tụi bây chửi anh ấy cũng tội nghiệp, phải công nhận là anh ấy có thiện chí. Nếu nước mình mà có vài mươi mạng như anh ấy thì cũng đỡ khổ.

- Đỡ quá chứ cũng đỡ gì... chỉ riêng cái việc anh ấy không ăn bẩn là tao sợ anh ấy rồi...

Chúng tôi kính phục Trung Tá Hai vì sự trong sạch, thái độ ngay thẳng và lòng yêu mến dân chúng thật tình của ông. Trong thời gian phục vụ dưới quyền của ông, chúng tôi phải làm việc hai ba lần mệt hơn khi làm việc với các ông Tỉnh Trưởng khác nhưng cũng là thời gian chúng tôi thích thú nhất...

Ông không bao giờ cười, họa hoằn lắm mới có một cái nhếch mép nhưng lại có máu khôi hài lạnh. Tôi nhớ sau cuộc hành quân tại Vũng Rô, một phái đoàn tướng tá Việt-Mỹ đến Phú Yên tham dự cuộc thuyết trình về thành quả. Trong khi ông Hai đang thuyết trình thì một ông Đại Tá Mỹ đứng dậy đặt câu hỏi là trong số thương vong của địch có bao nhiêu phần trăm do hỏa lực bộ binh?

Trung Tá Hai không trả lời ngay, ông có vẻ suy nghĩ, một lát sau ông nói:

- Tôi rất tiếc không trả lời câu hỏi của Đại Tá lúc này được.

Mọi người có vẽ ngạc nhiên, viên Đại Tá Mỹ cau mày hỏi:

- Tại sao vậy Trung Tá?

Ông Hai hơi nhếch mép, tôi biết ông đang cố gắng nén cái cười ngạo mạn:

- Tại vì tôi chưa kịp viết thư cho viên tướng Cộng Sản ở vùng nầy. Lẽ ra tôi phải viết thư trước và yêu cầu hắn chỉ thị cho binh sĩ của hắn khi bị sát hại bằng hỏa lực phi pháo thì phải nằm riêng ra một chỗ và khi bị bộ binh bắn thì phải nằm riêng ra một chỗ để chúng ta dễ đếm và thống kê, lần nầy thì chịu, theo nhận định của Bộ Chỉ Huy hỗn hợp thì đây là một cuộc hành quân phối hợp hoàn hảo của Hải, Lục, Không Quân, thương vong của địch rải rác lẫn lộn, tình thế cũng không cho phép binh sĩ của ta ở lại lâu tại vị trí giao tranh để làm thống kê tỉ mỉ, vì vậy tôi không thể trả lời được câu hỏi của Đại Tá.

Trung Tá Hai có thể nén cười được nhưng chúng tôi thì không...

Trung Tá Hai rời chức vụ Tỉnh Trưởng vì một chuyện rất nhỏ... Ông tướng Tư Lệnh vùng đang say mê một cô ca sĩ; biết rõ như thế nên một số các ông Tỉnh Trưởng trong vùng thi nhau làm vui lòng ông Tướng mỗi khi cô ca sĩ này đến trình diễn tại địa phương.

Ông Hai không cần biết điều này và ông cũng không cần biết làm gì vì bản chất của ông: thanh liêm, chánh trực. Sau một lần không làm vừa lòng tướng Tư Lệnh về những chuyện công vụ, một tháng sau ông Hai bị thay thế, chúng tôi tiễn ông ra máy bay trực thăng... và hành trang của ông là một túi vải nhỏ, loại mà các phi công sử dụng mỗi khi đi bay...

- Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong những tháng vừa qua; có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin rằng mình đã làm đúng...

Thảo luận với ông về những khó khăn trở ngại ông thường nói:

- Tôi biết, tôi biết, tôi đã đi qua chiếc cầu đó rồi, đừng nản, sớm muộn gì đất nước mình cũng có ngày sáng sủa...

Ông về làm Chỉ Huy Trưởng BĐQ và được vinh thăng Đại Tá... Sau Tết Mậu Thân, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, vinh thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Biệt Khu 44, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ và cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.

Khi ông vừa rời Phú Yên về trình diện Bộ Quốc Phòng thì cũng đúng lúc chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang trống và ông Hai được bổ nhiệm điền khuyết trở lại nơi ông đã xuất thân với những tình cảm thân thương. Vừa nhận chức với buổi họp tham mưu đầu tiên tại Bộ Chỉ Huy, ông đã dành tối đa thời giờ để lên lớp đúng theo danh từ mà Lôi Tam dùng để diễn tả các chỉ thị Tham Mưu chính yếu nhằm quét dọn rác rưới trong việc điều hành, thuyên chuyển nhân viên, sử dụng quỹ xã hội cách rất đúng đắn và những ngày sau đó đi thăm các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị trú đóng tại những căn cứ hẻo lánh, các trại gia binh và các thương bệnh binh đang nằm điều trị tại các quân y viện. Quyết định đầu tiên của ông là xuất quỹ xã hội trao tặng cho mỗi đơn vị 5,000 đồng để tổ chức Cây Mùa Xuân, ông quan niệm đây là tiền của anh em đóng góp vào thì họ phải được hưởng, và hơn nữa ông là một người trong sạch nên ông coi giá trị đồng tiền khá cao, tại mỗi đơn vị ông giơ cao bao thơ đựng tiền lập đi lập lại nhiều lần khiến mọi người phải cười thầm.

Đặc điểm của ông là luôn luôn lắng nghe những khó khăn của các đơn vị trưởng và dù với cấp bậc khiêm nhường ông không ngần ngại đến gõ cửa chính các vị Tư Lệnh Vùng để trực tiếp can thiệp giải quyết vấn đề chứ không qua các vị Tham Mưu Trưởng. Ở đâu có đụng chạm, có khó khăn là có sự hiện diện của ông và đặc biệt là nhiều khi mùi khét của thuốc súng giao tranh chưa tan ông cũng không ngần ngại đáp trực thăng xuống để cùng chia sẻ ngay tại chỗ với đơn vị và đặc biệt với các cấp chỉ huy về những nỗi khó khăn gặp phải mặc dù đó không phải là nhiệm vụ chính yếu được ấn định cho chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng của ông là quản trị.

Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, chính ông đã trực tiếp điều khiển các Liên Đoàn BĐQ hành quân giải tỏa vùng ven đô gây tổn thất nặng nề cho địch quân cũng như giảm thiểu thiệt hại cho dân chúng.

Khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc CSQG, ông có đem theo một số sĩ quan và hạ sĩ quan để cùng tiếp tay với ông điều hành công vụ và ông cũng tỏ ra rất cứng rắn đối với những người này. Trường hợp Đại Úy H. cùng quê và được ông coi như một người em đỡ đầu được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 10 nhưng có những hành động lợi dụng chức vụ, tức khắc bị ông áp dụng biện pháp trừng phạt và trả về quân đội, trong đó có luôn cả chánh văn phòng của ông. Khi một đại diện của Giám Sát Viện phàn nàn với ông về những bê bối trong ngành cảnh sát, ông trầm ngâm trả lời:

- Tôi biết, nhưng vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp nhiều khó khăn, mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình cần thấy làm.

Tướng Hai là một quân nhân thuần túy, không biết hay nói đúng hơn là không bao giờ chịu luồn cúi. Khi mới nhận chức CHT/BĐQ và lúc đó uy quyền của Tân Sơn Nhất hay nói đúng hơn là Tướng Kỳ đang ở thế thượng phong nên có người đặt vấn đề là nếu ông muốn tiến thân vững thì cần phải tìm cách móc nối để lọt vào vòng ảnh hưởng, nhưng ông làm ngơ. Với ông, bè phái là một từ ngữ xa lạ.

Theo tiết lộ của cụ Trần Văn Hương khi cụ được chỉ định làm Thủ Tướng thay thế Luật Sư Lộc, cụ đề nghị với Tổng Thống bổ nhiệm một tướng lãnh có khả năng chỉ huy chiến trường là Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn III và Đại Tá Trần Văn Hai, một sĩ quan trong sạch làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Nhưng có lẽ đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm trong kế hoạch loại bỏ ảnh hưởng của Tướng Kỳ.

Khi vừa nhận chức được ít lâu thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ muốn đưa đàn em về coi Cảnh Sát Tư Pháp thay Luật Sư Đinh Thành Châu, nhưng ông Hai thẳng thắn trả lời:

- Nếu ông Bộ Trưởng muốn thay xin cứ ban hành nghị định, tôi sẽ thi hành nhưng tôi không thấy Luật Sư Châu có lỗi lầm gì hết.

Để dằn mặt và trả đũa sự cứng đầu của ông, phụ phí của cảnh sát bị cắt giảm quá một nửa, ông biết như vậy sẽ gặp nhiều trở ngại cho sự thi hành nhiệm vụ nhưng vẫn làm những gì mà lương tâm ông nghĩ và coi đó là lẽ phải. Với thời gian hơn một năm làm TGĐ, ông Hai chỉ đến gặp Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Thủ Tướng khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày, ngoài ra không bao giờ mon men cầu cạnh và chưa bao giờ người ta thấy ông mặc thường phục đi xe hơi mang số ẩn tế hoặc công xa lộng lẫy với xe hộ tống võ trang cùng mình chạy trước, chạy sau dẹp đường mà chỉ xử dụng chiếc xe Jeep cũ của BĐQ mang theo với vài người cận vệ ngồi phía sau. Người ta cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy ông bị thay thế trở về Quân Đội vì cụ Hương đã rời phủ Thủ Tướng và hơn thế nữa, các thế lực sẽ không thể chi phối các hoạt động của Cảnh Sát nếu còn để ông tiếp tục nắm quyền điều khiển cơ quan này.

Mùa Hè Đỏ Lửa 72, Cộng Quân đẩy mạnh các nỗ lực tấn công có tính cách trận địa chiến cắt đứt các trục giao thông chiến lược, đặc biệt là đoạn Quốc Lộ 14 nối liền hai thị xã Komtum, Pleiku và Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II-Quân Khu 2 cũng vừa mới nhận chức muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy của ông cũng như tạo một tiếng vang nên ra lệnh cho lực lượng BĐQ phải hành quân giải tỏa đoạn Quốc Lộ nêu trên với sự tăng cường của một Chi Đoàn Thiết Kỵ giao tiếp với một thành phần của Sư Đoàn 23 nhưng liên tiếp bị chận đánh không tiến lên được như ý muốn của ông nên trong một buổi họp tham mưu, tướng Tư Lệnh đã trút giận dữ cho là BĐQ không chịu đánh, ra lệnh thay thế các cấp chỉ huy liên hệ bằng những sĩ quan khác đồng thời còn hướng về Tướng Hai lúc này đã được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn và nói:

- Biệt Động Quân của anh đó.

Bị miệt thị và nhất là tự ái binh chủng của ông nên ông đã thẳng thắn đáp lễ là ông sẽ đứng ra trực tiếp điều khiển cuộc hành quân và ngay sau chấm dứt ông sẽ rời khỏi Quân Đoàn II vì ông không thể cộng tác với một ông Tư Lệnh làm việc tùy hứng. Hai ngày sau đó lực lượng Biệt Động Quân giao tiếp được thành phần tiếp đón từ Kontum tiến ra, tướng Tư Lệnh đã bay tới nơi với phái đoàn báo chí để ngợi khen cái bắt tay có tính cách quyết định này. Tuy nhiên, để giữ lời hứa, Tướng Hai yêu cầu được rời Quân Đoàn II, sau đó về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, nơi mà trước đây ông đã phục vụ với tính cách một huấn luyện viên nhỏ bé; nhưng ông chưa ngồi ở chức vụ này được bao lâu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV nên ông Hai được bổ nhiệm thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7, một đại đơn vị nổi danh với những vị Tư Lệnh tiền nhiệm yêu nước, trong sạch gồm cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Một đơn vị đã hoạt động một cách hữu hiệu trong nhiệm vụ chận đứng sự xâm nhập của các đơn vị Cộng Quân trong mưu toan cắt đứt đường liên lạc tiếp tế từ miền Tây về thủ đô và đó cũng là đơn vị đã chứng kiến hành động phi thường nhất của ông với niềm tin sắt đá: “sớm muộn gì đất nước mình rồi sẽ có ngày sáng sủa.”

Cùng các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Tướng Hai đã ghi đậm một nét son cho trang cuối của quân sử Việt Nam Cộng Hòa. Nhân ngày Quân Lực, xin đốt nén nhang cho những trang trung liệt, những người đời đời là nỗi tiếc thương và niềm hãnh diện cho Quân Dân Miền Nam, cho mọi thế hệ, cho mọi thời đại của giòng sử đấu tranh Việt.

Trích trong “Nguyệt San Đoàn Kết”

0 comments:

Powered By Blogger