Tuesday, April 29, 2014

Đại Bàng Gãy Cánh Tháng Tư

Nhảy DùĐại Bàng Gãy Cánh Tháng Tư

Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập
(Để kính dâng anh hồn đồng đội tôi đã nằm xuống để bảo vệ Thủ đô Saigon)
Ngựa đang sải vó lưng đồi
Súng gươm bỏ lại cuộc chơi nửa chừng
Một thời ngang dọc kiêu hùng
Tháng tư gảy súng đếm từng nỗi đau…
*
Ta đứng bên nầy, trông núi sông
Một trời thương nhớ ở phương đông
Đường hoa theo dấu chân luân lạc
Một gánh giang san khóc hộ chồng Một ngày tan nát bao thân phận
Nửa kiếp lưu vong tối mặt mày
Cũng thử đưa cay bằng chiến trận
Ói toàn uất hận lúc xuôi tay Bạn bè còn lại bao nhiêu đứa
Đứa còn, đứa mất chẳng ai hay
Chí lớn cùng đường, tài bỏ xó
Anh hùng bạt mạng, vợ con lo Nhớ quê chửi nát mồ ma đỏ
Một nắm xương khô đẫm máu đào
Nhìn nhau bổng thấy quê hương củ
Nghìn trùng rực rở núi sông xưa
Vết đau ngày tháng còn mưng mủ
Giọt lệ bên đường mặc gió mưa
Ví thử xuân xanh còn rực lửa
Cũng đành dâng hiến trọn non sông
Và em, sẽ một đời tựa cửa
Nhìn qua lục địa để ngóng trông.
Nhảy dù TTSC
Sau trận Khánh Dương, Ban Mê Thuột, Tiểu đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù về hậu cứ Nguyễn Huệ, Long Bình để tái bổ xung, và được tái trang bị 18 khẩu đại bác 105 ly kiểu củ M2A1 từ thời đệ nhị thế chiến. Tôi được chỉ định thành lập lại pháo đội B2 với quân số gần 100 người trong đó khoảng 20 người từ pháo đội chỉ huy đưa sang, còn lại bổ xung toàn là lao công đào binh và quân phạm đủ gốc lính từ quân lao Gò Vấp đưa về.
Lệnh trên đưa ra phải huấn luyện tác xạ cấp tốc tại đơn vị và không bắn đạn thật, vì tình thế sôi động có thể hành quân bất cứ lúc nào, không có sĩ quan huấn luyện, một mình tôi làm tất cả mọi chuyện cho pháo đội. Một tuần sau, ngày 29 tháng 4 năm 1975, lệnh hành quân đưa ra, về Saigon bảo vệ thủ đô. Thông thường một pháo đội Dù đóng quân thì có một đại đội Dù tác chiến bảo vệ, lần này thì không. Lệnh trên cho biết phải tự bảo vệ. Cho thấy tình hình quân số trừ bị của Nhảy Dù coi như cạn.
Nhảy Dù 15
Từ Long Bình theo xa lộ Đại Hàn, pháo đội tôi chiếm đóng sân vận động Cộng Hòa ở đường Nguyễn Kim vào xế trưa. Người quản nhiệm sân vận động ngơ ngác khi thấy pháo đội tôi kéo vào sân. Sau khi hướng bắn đã sẵn sàng một vòng cung về phía Sư Đoàn Nhảy Dù, Bộ Tổng Tham Mưu, và Dinh Độc Lập, tôi cho lệnh đóng cửa sân lại. Người quản nhiệm năn nỉ cần phải ra vào làm nhiệm vụ nên xin giữ chìa khóa, và tôi bằng lòng. Thượng sĩ Thọ, thường vụ pháo đội nói đùa với tôi: “Trung úy định tử thủ”. Tôi trả lời không vào câu hỏi: "Tình thế lộn xộn, coi chừng địch trà trộn xin vào sân, nên phải đóng cửa. Anh cho con cái lên hết trên khán đài, dàn súng cá nhân và lựu đạn sẵn sàng, còn các các khẩu thì trực tại chổ, sẳn sàng tác xạ.”
Pháo binh Dù 2
Hơn 2,000 quả đạn pháo tôi cho tháo ra khỏi thùng và gắn đầu nổ. Lúc này tôi cũng hơi lo. Phát pháo đầu tiên của pháo đội để bảo vệ Thủ đô sẽ do những pháo thủ trời gầm đất lỡ mới vào nghề như thế này bắn, thiệt đã. Ngoài các khẩu trưởng và ngắm viên là có kinh nghiệm còn lại toàn tay mơ. Pháo đội tôi toàn là thứ dữ từ quân lao xá tội vào giờ chót đưa về. Tôi cũng không có thì giờ để mà hỏi han, chỉ cho một số anh em mới về đi phép hai ngày với lời dặn dò nếu các anh cảm thấy có bổn phận của một người lính trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này thì về lại đơn vị đúng ngày giờ, nếu không thì đào ngũ luôn chứ về trể thì đừng trách. Đòn tâm lý có hiệu quả, không có một người nào trể phép. Tôi mừng lắm. Ít ra giờ chót tôi còn cả trăm tay súng sẵn sàng sống chết với mình. Họ có biết về Dù là đeo tử bài trước ngực hay không tôi không rõ. Chứ biết rõ họ đã thấm kỷ luật của Nhảy Dù. Gần trưa ngoài cổng có một người xin vào. Vị này là Trung úy Nam của Trường Quân Báo Cây Mai. Ông dẫn đứa con trai là Trung sĩ nhất Liêng đi phép trễ không dám về trình diện đơn vị nên nhờ bố dẫn vào. Tôi bằng lòng cho Liêng về lại pháo đội làm khẩu trưởng khẩu 3 tức là khẩu chuẩn, đồng thời nhờ Trung Úy Nam giới thiệu và chở xe Honda đến một tiệm tạp hóa gần đó để mua chịu thực phẩm, vì một khi đụng lớn có thể không tiếp tế được. Người chủ tiệm bằng lòng và nói lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ Nhảy Dù. Đến trưa thì có một pháo đội Biệt Động Quân Biên Phòng do một vị Thiếu Tá chỉ huy kéo vào xin đóng quân. Tôi gọi Tiểu đoàn tôi báo cho biết rồi mời vào. Tôi cũng xin lỗi vị chỉ huy này rồi nói thẳng nếu có gì lộn xộn xin đừng chạy về hướng pháo đội tôi vì tôi sẽ trực xạ nếu Việt cộng đánh vào. Để tránh bị Việt cộng trà trộn, coi như hai vị trí pháo biệt lập, cũng không liên lạc hàng ngang bằng tần số truyền tin.
Đến lúc này thì sân Cộng Hòa đã trở thành một địa điểm tìm đơn vị bị thất lạc. Hàng ngàn nếu không nói là hàng mấy ngàn binh lính, sĩ quan của nhiều quân binh chủng mà nhiều nhất là lính Biệt Khu Thủ Đô bị lạc đơn vị nghe tin Nhảy Dù về sân Cộng Hòa nên họ tự động tìm đến. Họ đến tìm đơn vị không thấy rồi lại đi. Không hiểu sao họ biết có chúng tôi ở đây mà tìm đến. Có người còn súng, có người không. Đa số là tay không lặng lẽ đi ngang pháo đội tôi nhìn vào. Còn các pháo thủ của tôi thì súng cá nhân đã lên đạn đề phòng Việt cộng giả dạng đánh úp. Lúc này mà tôi yêu cầu những anh em còn súng và thất lạc đơn vị này hãy ở lại bảo vệ cho chúng tôi bắn, chắc chắn họ sẽ bằng lòng. Nhưng tình thế hết sức phức tạp hiện nay nên không tiện yêu cầu điều này. Đến xế trưa, một chiếc trực thăng UH1B bị lạc đơn vị đáp xuống giữa sân hỏi han tin tức rồi lại bay lên (Sau này đi tù chung gặp mặt kể lại mới biết tên là Đại úy Trần Văn Phước ở gần nhà chúng tôi). Lúc này trên bầu trời bỗng có nhiều chiếc trực thăng khác bay từ biển vào hướng tòa đại sứ Hoa Kỳ rồi lại bay ra. Tôi biết họ đang di tản, bỏ của chạy lấy người.
Nhảy dù 27
Đến tối tôi cho đóng cửa sân lại rồi leo lên khán đài chính nhìn về phía Saigon, lòng buồn vô hạn. Tôi sinh ra và lớn lên giữa lòng Thủ đô. Cuộc đời tôi gắn liền với Saigon. Từng hàng cây góc phố, từng con đường nhỏ thân quen tiếng gọi mì ban đêm, con đường Lê Thánh Tôn ngập lá me bay buổi sáng vẫn còn đây. Dòng sông tuổi thơ của tôi trôi thật êm đềm trên hè phố sau giờ tan học vẫn còn đó. Gần hơn chút nữa là ngôi trường trung học Chu Văn An thân yêu, nơi tuổi trẻ tôi ươm biết bao nhiêu mộng mơ, rốt cục cũng chìm vào cơn lốc chiến tranh. Saigon máu thịt quê hương tôi đang hấp hối. Saigon của tôi đang bị bức tử. Giờ này tôi không còn nghe tiếng đại bác ru đêm. Tất cả các ngõ vào Saigon đã bị phong kín. Cơn hấp hối này sẽ có tôi tham dự như một chứng nhân nếu còn sống sau chinh chiến, hay sẽ nằm xuống tức tưởi nghẹn ngào. Dòng suy nghĩ miên man đưa tôi trở về với gia đình, hai đứa con nhỏ và Thụy Trang yêu dấu của tôi đang ở cách đây chỉ khoảng mười phút xe. Em giờ này chắc đang lo sợ và có thao thức như anh không? Chắc em cũng hiểu tại sao đến giờ phút này anh vẫn còn cầm súng. Con người ta ai cũng có số phận, và những người lính quốc gia cầm súng đang bảo vệ Thủ đô đã chọn cho mình một số phận, hiên ngang đi nốt con đường khổ nạn của dân tộc. Nếu anh có bề gì thì ráng nuôi con. Sau này bảo bố nó là lính Nhảy Dù, chết để bảo vệ thủ đô Saigon.
Những tràng súng lẻ tẻ từ các nơi dội về. Tôi leo xuống khán đài trở về đài tác xạ, giở xấp bản đồ miền Tây ra nhìn không biết bao nhiêu lần, cả Quân khu 4 vẫn còn nguyên, cùng lắm là Tiểu đoàn tôi sẽ rút về đây. Nhưng chuyện này đã không xảy ra, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử. Có nhiều điều đã báo trước sự phản bội của Hoa Kỳ, khi Kissinger thả những quả bóng bàn ngoại giao lăn lốc cốc tại Bắc Kinh năm 1971, sửa soạn cho Tổng Thống Nixon bay qua Thượng Hải ký thông cáo chung bình thường hóa ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung cộng thì mọi chuyện đã an bài. Cộng sản xưa nay ký thông cáo chung bao giờ cũng phải có điều kiện, phải có món quà ra mắt. Đó là lý do Hoàng Sa của Việt Nam lọt vào tay của Trung cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trong khi hải quân Hoa Kỳ nằm bất động tại biển Đông, mặc dù có lời cầu cứu từ hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, chúng tôi biết miền nam Việt Nam sẽ bị bỏ rơi, và Saigon không thể không mất trừ khi có phép lạ. Anh em Nhảy Dù chúng tôi đều biết sẽ có ngày về bảo vệ Thủ đô và đánh một trận cuối đời thật oanh liệt, có chết cũng cam lòng, nhưng không bao giờ dự trù bị buông súng tại đây, và ngày đó hôm nay, đã đến...
Nhảy dù tại xuân lộc
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều tiếng nổ lớn như là hỏa tiễn 122 ly về hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Bầu trời bổng nhiên thấp xuống thật u ám như sắp để tang cho một chế độ. Những người lính lạc đơn vị lại kéo về sân Cộng Hòa rồi lại lủi thủi ra đi. Những giờ phút cuối đời lính, họ như những con đại bàng bị tiển thương, đang cố gắng vỗ đôi cánh gãy lần chót tìm về cái tổ ấm quân đội khét mùi thuốc súng. Vì quân đội là ngôi nhà thứ hai của họ, ở đó họ mới có thể cầm súng để bảo vệ tổ quốc. Họ cũng chính là tôi, là lính. Gần 10 giờ sáng, những tràng đại bác đầu tiên của Pháo Đội A và Pháo đội B của Tiểu đoàn tôi ở Trường đua Phú Thọ bắt đầu bắn. Điện văn xin tác xạ từ các nơi gọi về Tiểu đoàn tới tấp. Các đơn vị của Lữ đoàn 4 Dù, của Biệt Động Quân đang đụng địch. 6 khẩu đại bác 105 ly của Pháo đội Biệt Động Quân nằm kế bên cũng đã tác xạ, khói bay ngược về phía chúng tôi. Tôi cho cả pháo đội quay nòng về hướng bắn sẵn sàng tác xạ và khẩu chuẩn đặt giữa cột gôn nạp một quả đạn khói. Một lúc sau Thiếu Tá Nguyễn Kim Việt, Trưởng ban 3 cho điểm tác xạ bắn theo yêu cầu. Lúc này đạn lớn đạn nhỏ nổ ran về phía Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, hướng Bà Điểm và nhiều nhất là khu Ngã Ba Hàng Xanh, còn Dinh Độc Lập vẫn yên tĩnh. Những chiếc trực thăng Mỹ từ đệ thất hạm đội vẫn còn tiếp tục bay về hướng Tòa đại sứ cùng với những chiếc Cobra bay bảo vệ nhưng không nghe tiếng bắn từ phi cơ.
Mặc dầu tôi chưa bắn, nhưng Tiểu đoàn bỗng ra lệnh “check fire” (ngưng bắn). Một lúc sau, tôi gọi về Tiểu đoàn nói bằng bạch văn “Hướng bắn của tôi đâu có gần mấy con chuồn chuồn. Tôi thấy rõ bằng mắt thường, bảo đảm bắn không rớt tụi nó đâu, đích thân cho tác xạ đi”. Thiếu Tá Việt bảo “Đợi”. Tôi buông ống liên hợp xuống, ngao ngán. Đến giờ phút này, chính phủ hai ngày lộ mặt phản quốc, sợ pháo binh Nhảy Dù bắn rơi máy bay Mỹ nên ra lệnh check fire, tiện thể là check fire luôn không cho bắn vào Việt cộng đang đánh vào các đơn vị phòng thủ Saigon. Tôi nhìn vào xạ bảng, những điểm cận phòng mà tôi đã chấm chung quanh Dinh Độc Lập, đã làm yếu tố tác xạ sẳn sàng như đang nhảy múa trước mắt tôi. Tôi ra lệnh cho 5 khẩu còn lại nạp đạn nổ mạnh và chờ đợi, đồng đội tôi đang ngả xuống oanh liệt để bảo vệ thủ đô, còn chúng tôi thì bị khóa họng, không yểm trợ cho họ được, giống hệt như trận Charlie năm tháng 4/1972. Đợi một lúc nữa, tôi bước ra đài tác xạ tiến về pháo đội, các khẩu trưởng hỏi nạp đạn lâu quá sao chưa bắn vậy Trung úy, tôi chỉ tay lên trời chỉ mấy chiếc trực thăng nói tại tụi nó đó.
Vừa lúc đó Hạ sĩ nhất Thạch truyền tin chạy ra gọi tôi: “Trung Úy, ông Minh đầu hàng rồi”. Tôi vội chạy vào đài tác xạ, qua radio, tiếng Tổng Thống hai ngày, Dương Văn Minh kêu gọi buông súng như một nhát dao đâm vào tim mọi người. Tôi gọi máy về Tiểu đoàn hỏi có bắn tiếp không, hay tan hàng, hoặc bàn giao? Chừng nào có lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn tôi mới thi hành chứ không hạ nòng đâu. Thiếu Tá Việt bảo đợi đấy. Độ 5 phút sau, tôi bước ra cửa đài tác xạ nhìn ra ngoài, các quân nhân đơn vị bạn trong sân Cộng Hòa tự động tan hàng. Sáu khẩu đại bác của Biệt Động Quân vẫn còn cất cao nòng, nhưng toàn thể đã lục tục rời vị trí. Những người lính anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa hai tay không còn vũ khí đi ngang qua chúng tôi hết sức buồn bã. Những con đại bàng một thời oanh liệt nam chinh bắc chiến đã thật sự gãy cánh tháng tư. Phát súng phát ra không phải từ Hà Nội mà từ Washington DC đã bức tử cả một quân đội anh hùng. Hai mươi mốt năm nay, Việt cộng đâu có làm gì được chúng tôi. Chỉ một phản bội của đồng minh thôi đã làm tan nát cả một quốc gia. Từ năm mùa hè đỏ lửa 1972 đến nay, tại Bình Long, Kontum, Trị Thiên, một mình quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chống lại cả một khối cộng sản tế hung hãn. Đánh tan tành bọn chúng, không anh hùng sao được.
Lúc này, tại đây, chỉ còn pháo đội tôi, những người lính của giờ thứ 25 của cuộc chiến vẫn không chịu rời đơn vị, trừ hai người xin phép về thăm gia đình rồi kẹt luôn, còn thì hiện diện đầy đủ. Hai hôm nay, họ chỉ cần bước ra khỏi sân vận động là về với gia đình, và ngay bây giờ họ cũng đã có quyền này, tại sao lại còn đứng đây? Họ là Nhảy Dù, cũng như tôi, họ đang đợi lệnh. Không ai có thể ra lệnh cho tôi buông súng trừ cấp chỉ huy trực tiếp. Ngay lúc đó, Thiếu Tá Tiểu đoàn phó, Đỗ Tiến Hóa, chạy xe Jeep đến ra lệnh cho tôi tan hàng. Tôi trở vào đài tác xạ, chấm điểm cho pháo đội quay nòng về trại Hoàng Hoa Thám để chào tạm biệt, rồi gọi Liêng vào ra lệnh: "Anh cho tất cả pháo đội, quần áo chỉnh tề, ba lô xếp thẳng hàng như ở quân trường. Khi tôi ra, bồng súng chào trình diện quân số, đợi lệnh”.
Khi tôi ra trước hàng quân, pháo đội đã sẵn sàng tư thế chào kính. 6 khẩu đại bác vẫn giương cao nòng. Những người lính bồng súng chào thật nghiêm trang. Nét mặt họ không điểm một chút hốt hoảng hay lo sợ. Họ tuân lệnh cấp chỉ huy một cách tuyệt đối. Tôi nhìn anh em và tiếc nếu có lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ lúc này, tôi đã cho cử hành lễ chào quốc kỳ ngay lập tức. Tôi cắn chặt đôi hàm răng để khỏi bật ra tiếng khóc vì trong lòng hết sức thương cảm. Những người lính của tôi, có người mới về đơn vị chưa đầy hai tuần, vẫn tuân lệnh cấp chỉ huy dầu cho đứng trước hoàn cảnh tuyệt vọng như thế này. Tôi cho anh em nghỉ và nói: "Tôi thi hành lệnh cấp trên cho pháo đội tan hàng. Tôi biết việc này sẽ làm cho anh em rất đau lòng, nhưng là quân đội chúng ta phải thi hành lệnh. Sau này chắc chắn là anh em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Là chiến sĩ Nhảy Dù, anh em hãy noi theo truyền thống binh chủng. Cố gắng mà sống”. Sau đó tôi cho pháo đội hạ nòng đại bác xuống và tháo đạn ra. Súng cá nhân thì xếp thẳng hàng trên ba lô như thể đang nghỉ ngơi sau những giờ huấn luyện tác xạ. Các khẩu trưởng hỏi tôi có dùng lựu đạn lân tinh phá nòng đại bác hay không, tôi lắc đầu. Thạch lại hỏi tôi còn đài tác xạ thì sao, tôi cũng lắc đầu nói để nguyên.
Pháo đội tôi đâu có đầu hàng hay bị tràn ngập, bị địch tràn ngập mới phải phá súng, phá đài tác xạ, chúng tôi đã chiến đấu và đang giờ nghỉ mà, pháo đội tôi chỉ tạm nghỉ cuộc chơi. Lính quốc gia không bao giờ đầu hàng cộng sản. Họ chỉ bị bức tử phải buông súng và tạm nghỉ cuộc chơi.
Từng anh em binh sĩ hạ sĩ quan chào từ giã tôi. Một đệ tử ruột đòi đi theo tôi trở về nhà. Tôi không cho và nói đi theo tôi rất nguy hiểm. Trong khoảnh khắc, sân Cộng Hòa không còn một bóng người. Chỉ còn mình tôi trở vào nhà viên quản thủ sân xin một bộ đồ civil, vào đài tác xạ thay đồ trận, xong, tôi trở ra vị trí đứng nghiêm chào. Những khẩu đại bác gióng thẳng hàng bên cạnh súng cá nhân M16 và quân trang của đơn vị tôi còn đó như bật lên một sức sống mãnh liệt. Một phần đời tôi ở trong đó đang thức dậy nỗi căm phẫn. Quê hương tôi rồi đây phải gánh chịu nỗi đau mất nước về tay cộng sản khát máu. Niềm uất hận này không bao giờ tan. Tôi buồn bã quay gót trở về nhà, không dám quay lại nhìn pháo đội một lần chót, vì nhìn nữa tôi sẽ khóc. Anh em quân đội chúng tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận của mình trong giai đoạn đau thương của đất nước, nay đành bó tay, nhưng là lính không thể khóc vào lúc này, vì tôi còn phải cố gắng để sống, để viết sau này, và nhớ đó, trong bộ đồ dân sự, tôi vẫn còn là một người lính nguyên thủy.
Nhảy Dù 11
Ba mươi chín năm qua, mỗi năm đến ngày này, nước mắt của người lính vẫn lưng tròng. Không phải giọt nước mắt của những con đại bàng gãy cánh tháng tư, vì những người lính quốc gia đã tận lực làm tròn bổn phận đối với tổ quốc, được toàn dân ngưỡng mộ, và không có việc gì phải hối hận phải khóc vì không giữ được nước, vì cuộc chiến này là do quốc tế cộng sản và bàn tay lông lá đạo diễn, dân tộc ta chỉ là con cờ trên một bàn cờ đã xếp sẵn nước đi. Những giọt nước mắt của người lính quốc gia rơi xuống để khóc thương cho đất nước từ nay thống khổ dưới gông cùm cộng sản, chứ không phải than khóc cho số phận của mình, vì một khi vào quân đội dâng hiến đời mình cho tổ quốc, là chấp nhận mọi hy sinh mất mát cho bản thân mình, do đó mới bảo vệ được miền nam tự do cho đến ngày bị bức tử.
Cộng sản Bắc Việt được quốc tế dàn xếp để Dương Văn Minh ra lệnh buông súng ngày 30/4/1975, chứ đâu có tài cán gì chiếm được miền nam. 21 năm nhận lệnh của cộng sản quốc tế xâm lược miền nam, lính cộng sản chết gấp chục lần so với lính cộng hòa, còn tù binh bị bắt gấp 6 lần. Nếu tiếp tục cuộc chiến thì tất cả thanh niên miền bắc sẽ chết hết, sẽ đời đời “sinh Bắc tử Nam”. Năm 1972, sau những đợt Mỹ không kích miền bắc thật ác liệt, hồ sơ giải mật cho thấy Hà Nội đã gửi điện văn đầu hàng, nhưng Mỹ lờ đi vì nhu cầu giải quyết chiến tranh lạnh toàn cục. Mỹ bắt tay với Trung cộng để ly gián Liên Xô, và đã thành công. Cộng sản quốc tế bị tan rã sau khi Nga Sô sụp đổ năm 1989 và khối cộng sản Đông Âu cũng tan tành theo sau đó.
Nếu năm 1972 Mỹ chấp nhận cộng sản Bắc Việt đầu hàng, Mỹ tất phải gánh vác cuộc chiến trầm trọng hơn nữa vì Nga Tàu sẽ đoàn kết lại, viện trợ mạnh hơn nữa để thúc đẩy cộng sản Bắc Việt tiếp tục cuộc chiến sau đó, và chiến tranh lạnh sẽ tiếp tục. Trung cộng biết được nước cờ của Mỹ và ngăn cản Hà Nội không được chiếm Saigon, nhưng Hà Nội ngã theo Nga quyết đánh đến cùng. Mỹ phụ họa Hà Nội bằng cách ngưng viện trợ cho Saigon, làm Tổng Thống Thiệu trúng kế phải bỏ miền Trung, Mỹ có lý do rõ ràng đổ tội rằng quân đội Cộng Hòa không chịu chiến đấu, và kết quả đúng như bàn cờ Mỹ đã đi. Miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản và khối cộng sản quốc tế bị tan rã sau đó. Đồng bào cả nước ta bị bưng bít nên không nhìn thấy rõ điều này.
Sau chiến tranh, Việt cộng đã trả thù đồng bào miền nam Việt Nam hết sức khốc liệt vì đã không theo chúng. Hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi, Việt cộng đã dìm cả một dân tộc vào nghèo nàn, lạc hậu, và mất tự do. Gái thì đi làm mãi dâm, trai thì đi làm cu li khắp thế giới. Cái tự xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người đang ngồi tại Hà Nội đã hèn hạ bán đất dâng biển cho Tàu cộng, quỳ gối làm tôi mọi cho chúng, bảo gì cũng phải nghe. Tàu cộng bắt tàu đánh cá của ta đòi tiền chuộc, đảng bảo dân đóng tiền chuộc. Còn tàu của thiên triều bị ta bắt, đảng vội vàng thả ra vô điều kiện. Rõ ràng là “hèn với giặc, ác với dân”. Câu này nay đã trở nên một thành ngữ. Cuộc chiến vừa qua đã không mang lại chiến thắng cho ai. Chỉ có dân tộc Việt Nam là thua. 
Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập (TrẻĐẹpOnline) 
LTS*  Có bạn đọc trước đây hỏi chúng tôi rằng sau khi nghe ông Dương văn Minh đầu hàng, sao Pháo Binh Nhảy Dù không bắn nát Dinh Độc Lập là nơi xuất phát cái lệnh quái ác này đi. Xin được trả lời chung rằng Nhảy Dù rất phẩn uất khi được lệnh buông súng, vì anh em Nhảy Dù về Saigon tử thủ để bảo vệ thủ đô. Lúc đó, nếu có một đơn vị Nhảy Dù nào mà đánh vào Dinh Độc Lập để bắt cái chính phủ chủ hàng này, và đương nhiên sẽ xin tác xạ vào đấy, chúng tôi sẽ không ngần ngại bắn nát ngay. Nhảy Dù chỉ tuân lệnh cấp chỉ huy trực tiếp, bảo nhảy vào lửa để cứu dân, chúng tôi sẽ nhảy vào. Trong quá khứ chúng tôi đã làm, và không có lệnh thì không làm. Còn tác hại của pháo binh trong thành phố rất lớn, cho nên khi bắn thường có Tiền sát viên (Forward Observer) hay Sĩ quan liên lạc ( Liaison Officer) xin bắn và điều chỉnh cho trúng mục tiêu, và bắn đâu là trúng đó. Bắn bừa không có điều chỉnh, đạn dễ lạc vào nhà dân, thêm trọng tội. 
Quốc hận 30 tháng 4 đen
-- www.tredeponline.com

0 comments:

Powered By Blogger