Tuesday, December 30, 2014

Tình hình người Thượng ở Việt Nam vẫn vô vọng: luật sư nhân quyền

Việt Hà, phóng viên RFA2014-12-29



Liên Hiệp Quốc đang đàm phán đưa nhóm 13 người Thượng về thủ đô Phnom Penh để nộp hồ sơ xin tỵ nạn ngày 20/12/2014. (Photo Quốc Việt, RFA)
Những thông tin mới đây về nhóm 13 người Thượng ở Tây Nguyên trốn sang Campuchia và được Liên hiệp quốc bảo lãnh đã làm dấy lên mối quan tâm về tình hình người Thượng tại Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc nguyên nhân họ phải bỏ trốn và thời gian mà họ phải chờ đợi để có sự quan tâm của quốc tế đối với tình trạng của mình. Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn nhà hoạt động nhân quyền cho người Thượng, luật sư Scott Johnson ở Australia. Trước hết nói về thông tin những người Thượng bỏ trốn sang Campuchia gần đây, luật sư Scott Johnson cho biết:
Scott Johnson: đây là điển hình của những việc mà chính phủ Việt Nam và Campuchia đã làm trong nhiều năm qua kể từ năm 2001, khi xảy ra một vụ biểu tình lớn ở Việt Nam của người Thượng, và người Thượng phải bỏ trốn. Cho nên nếu nhìn lại lịch sử nhiều năm qua thì những gì đây là những gì đã diễn ra vẫn đang diễn ra, bao gồm sự đàn áp tôn giáo, các nhóm thờ phượng tại nhà, các nhóm đạo thiên chúa tại nhà bị đàn áp ngay ở Việt Nam, và những người dân ở đó cứ phải liên tục chạy sang Campuchia trong nhiều năm, và tình hình không hề thay đổi. Cho nên tôi có thể nói tình hình là rất xấu và điều này chỉ cho thấy sự vô vọng của tình hình người Thượng. Liên Hiệp Quốc, chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Campuchia và Việt Nam, cả liên minh châu Âu nữa, thực sự vẫn chưa giải quyết được cái gì.
Việt Hà: Theo thông tin mà đài Á châu Tự do có thì phía công an Việt Nam có trao cho Campuchia danh sách 16 người Thượng bỏ trốn và yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên đã có 13 người được Liên Hiệp Quốc bảo lãnh và chúng ta không biết chắc điều gì xảy ra với 3 người còn lại. Theo ông thì từ khi ông theo dõi tình hình người Thượng đến nay, số người bỏ trốn sang Campuchia và được định cư an toàn ở nước thứ 3 chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người bỏ trốn qua ngả này?
Scott Johnson: kể từ thời điểm của vụ biểu tình lớn ở Việt Nam do người Thượng thực hiện cho đến nay đã có hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn người Thượng tìm cách trốn khỏi Việt Nam. Trong thời gian đó, chúng tôi chứng kiến nhiều người bị bắt và bị trả về Việt Nam. Tôi nhớ là đã đến Campuchia, đến các trại tị nạn. Tôi trực tiếp có mặt tại các trung tâm người tị nạn ở Phnompenh nơi có hàng trăm người Thượng, tôi đã phỏng vấn nhiều người trong số họ. Tất cả đều nói về những truy bức, tra tấn, đe dọa bởi công an Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ đã phải bỏ trốn cùng gia đình mình. Liên Hiệp quốc có hàng trăm người như vậy trong quá khứ và giờ vẫn vậy. Chúng tôi cũng biết là cảnh sát Campuchia đã truy tìm những người Thượng và bắt giữ họ, bán họ để lấy tiền chuộc. Họ bán lại cho phía Việt Nam để lấy tiền. Tôi nhớ nói chuyện với một cảnh sát Campuchia lúc đó và biết được là mỗi người Thượng đưa trả về Việt Nam, Campuchia được nhận 60 đô la Mỹ, cho nên chúng tôi biết tình hình rất tồi tệ và thêm vào là tham nhũng. Ngoài ra Việt Nam cũng có ảnh hưởng rất mạnh lên Campuchia. Việt Nam muốn nhận lấy những người tù đó và tôi chắc chắn là họ sẽ đối xử rất tàn tệ với những người bị trả lại. Human rights Watch đã ghi nhận nhiều trường hợp bị chết khi đang bị giam giữ. Chúng tôi đã nói chuyện với những người chứng kiến, những người đã may mắn sống sót và biết được là công an Việt Nam thường xuyên đánh đập những người tù này và gây ra những thương tổn trong nội tạng rồi sau đó thả họ về, sau đó họ sẽ chết ở trong cộng đồng. Công an sau đó có thể phủi tay khỏi trách nhiệm.  Nhưng nhiều người vẫn chết khi bị giam giữ và chúng ta có thể thấy các bằng chứng trong báo cáo của Human Rights Watch.  Tôi không có một con số cụ thể nhưng tôi có thể biết là rất khó để có được con số cụ thể vì ngay cả trại tị nạn của UN cũng bị sức ép, họ đã từng bị cảnh sát Campuchia lục soát. Chỉ có một phần trăm rất nhỏ có thể chạy thoát theo con đường này vì có rất nhiều cảnh sát và lực lượng an ninh của Campuchia và Việt nam ở Campuchia. Campuchia hợp tác với Việt Nam để kiểm soát chặt đường biên giới cho nên rất khó cho người chạy thoát vì vậy người nào chạy vào rừng thì cũng khó và nếu họ bị bắt thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra với họ? cho nên tôi nghĩ là chỉ có một phần trăm rất nhỏ có thể thoát và theo tôi UN nên nỗ lực hơn nữa trong những gì họ đang làm.
Việt Hà: ông có nói là Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ đã không thể làm gì để giải quyết vấn đề người Thượng trong nhiều năm nhưng lần này trong số 16 người thì đã có 13 người được can thiệp, theo ông thì nguyên nhân nào khiến họ làm được điều này?
Scott Johnson: vấn đề này đã tồn tại từ năm 2001 và tôi nghĩ đã có hơn 1000 người Thượng đã chạy thoát và được định cư ở Mỹ trong quá khứ. Đột ngột bây giờ chúng ta thấy những gì vừa diễn ra thì tôi chỉ đoán là có ai đó đã gây sức ép nhưng đó chỉ là đoán mà thôi, tôi không biết nguyên nhân thực sự. Nhưng điều mà tôi biết khi tôi nghe tin này là thực sự chẳng có gì thay đổi ở Việt Nam hay ở Campuchia.
Việt Hà: ông cũng nói rằng Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, Liên Hiệp  Quốc đã không giải quyết thấu đáo vấn đề người Thượng trong nhiều năm qua, tại sao như vậy?
Scott Johnson: chúng ta hãy nhìn vào từng tổ chức một cách độc lập. Bộ ngoại giao Mỹ là một ví dụ. Chính sách của Mỹ là cố gắng làm việc với Việt Nam trong nhiều năm, cố gắng đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và lại gần Mỹ hơn. Đó là vấn đề về địa chính trị. Cho nên họ sẽ kiềm chế vấn đề nhân quyền. Họ sẽ không để nhân quyền lấn lướt các thỏa thuận thương mại hay cản trở các hiệp ước hay cản trở việc họ muốn kiềm chế Trung Quốc. Chúng ta có thể nhìn thấy bằng chứng rõ ràng là Ủy ban tự do Tôn giáo của Mỹ đã khuyến cáo hàng năm là Việt Nam nên được đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối…. Nếu so sánh báo cáo của Ủy ban tự do tôn giáo với báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chúng ta thấy có sự khác biệt. Một báo cáo tìm cách tẩy rửa những vấn đề nhân quyền để đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc trong khi báo cáo kia thì nói Việt Nam không có tự do tôn giáo và Mỹ cần phải có hành động. Điều này cũng tương tự như với Liên Minh châu Âu. EU cũng không có một chính sách ngoại giao thống nhất, và nó không hiệu quả. Họ cũng không để vấn để vấn đề này can thiệp vào các thỏa thuận thương mại. Còn với UN, họ chỉ quanh quẩn. Rất nhiều lần chúng tôi tiếp cận UN, đưa họ thông tin nhưng chúng tôi không nhận được phản hồi và họ chẳng làm gì. Tôi có thể nói là họ không quan tâm…. Vấn đề của người Thượng bị đẩy sang bên nhường chỗ cho các quyền lợi khác của các cường quốc.
Việt Hà: ông có hy vọng gì vào tình hình người Thượng ở Việt nam trong tương lai nhất là sau khi Việt nam được bầu vào hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc?
Scott Johnson: dựa vào lịch sử cách mà chính phủ Việt Nam đối xử với những người sắc tộc thiểu số, tôi có thể nói là người Thượng ở Việt Nam không có nhiều hy vọng. Dựa vào lịch sử của nhà nước cộng sản Việt Nam cho đến giờ tôi không có mấy hy vọng vào tự do thực sự. Nó không thể sớm xảy ra trừ khi có một sự thay đổi như loại bỏ những quan chức tham nhũng, mang lại dân chủ thực sự. Nhìn vào lịch sử 15 năm qua, tôi thấy không có gì thay đổi, người Thượng vẫn bị truy bức và phải trốn sang Campuchia và bị cảnh sát Campuchia bắt lại, bán cho phía Việt Nam. Nó vẫn diễn ra trong suốt hơn 10 năm qua và tôi không có hy vọng gì.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn

Tìm thấy các mảnh vỡ máy bay AirAsia và một số thi thể trên biển Java

Thanh Phương



Không quân Singapore tham gia tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia mất tích( ảnh chụp 29/12/2014)REUTERS
Nhà chức trách Indonesia loan báo đã tìm thấy trên vùng biển Java những mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia, bị mất tích hôm Chủ nhật vừa qua ở ngoài khơi Indonesia, sau khi cất cánh, chở theo 162 người. Một số thi thể đã được vớt lên.
Trong cuộc họp báo hôm nay, 30/12/2014, Tổng Giám đốc cơ quan tìm kiếm cứu hộ của Indonesia Bambang Soelistyo thông báo, vào lúc 12h50 giờ địa phương, một phi cơ của không quân Indonesia đã phát hiện một “bóng” có thể là của chiếc máy bay gặp nạn nằm chìm dưới đáy biển. Sau đó, vào lúc 13h25 giờ địa phương, các đội tìm kiếm cũng đã nhìn thấy một vật trôi trên mặt nước, dường như là thi thể một hành khách. Đài truyền hình Indonesia thì chiếu cận cảnh một xác người nổi trên nước. Theo tin mới nhất, chiến hạm Bung Tomo của Indonesia đã vớt được 3 thi thể ( con số được đưa ra ban đầu là 40 ).
Về phần mình, Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo xác nhận đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay trong vùng tìm kiếm. Trong một cuộc họp báo trước đó, một phát ngôn viên của quân đội Indonesia cũng đã nêu chi tiết những vật thể được tìm thấy, cụ thể đó là những mảnh vỡ giống như của một cửa máy bay và của một chiếc toboggan thoát hiểm.
Cuộc tìm kiếm hiện nay tập trung ở vùng biển Java, chung quanh các đảo Bangka và Belitung, nằm đối diện đảo Kalimantan. Hôm qua, nhà chức trách Indonesia nhìn nhận là máy bay AirAsia rất có thể đang nằm dưới đáy biển.
Hôm nay, hàng chục máy bay và tàu đã tham gia cuộc tìm kiếm được mở rộng thêm. Một chiến hạm của Mỹ sắp đến khu vực tìm kiếm, nơi mà các nước Úc, Singapore và Malaysia cũng đã gởi máy bay giám giám sát và chiến hạm đến. Trên nguyên tắc, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tìm kiếm.
Trong lúc đó, nội dung những liên lạc cuối cùng của phi công chiếc Airbus A-320 của hãng AirAsia đã được tiết lộ. Khi cất cánh, phi công đã xin phép được bay ở độ cao 10.400 mét, nhưng yêu cầu này không được chấp thuận do lúc đó đã có quá nhiều máy bay bay ở độ cao này để bay đến Singapore.
Trong lần liên lạc cuối cùng, phi công máy bay AirAsia đã yêu cầu đổi kế hoạch bay và nhắc lại là ông ta muốn bay cao hơn để tránh thời tiết xấu. Đó là lần liên lạc cuối cùng của máy bay. Vài phút sau đó, trạm không lưu bắt liên lạc để cho phép máy bay bay ở độ cao 10.400 mét, thì máy bay không trả lời nữa.
 
Tìm được ít nhất 40 thi thể nạn nhân máy bay AirAsia



Các bộ phận máy bay và một chiếc vali được tìm thấy trôi trên mặt nước gần khu vực tìm kiếm máy bay AirAsia tại căn cứ không quân Indonesia ở Pangkalan Bun, ngày 30/12/2014.
VOA - 30.12.2014

Các giới chức Indonesia đã thu hồi được ít nhất 40 thi thể ngoài khơi gần đống đổ nát của chiếc máy bay chở khách AirAsia bị rơi trong một cơn bão ngày Chủ nhật.
Truyền hình địa phương ngày thứ ba chiếu cảnh máy bay trực thăng cứu hộ kéo các thi thể ra khỏi biển Java, khoảng 160km ngoài khơi bờ biển của đảo Borneo.
Gia đình của 162 người trên chuyến bay AirAsia 8501 đã òa khóc và ôm lấy nhau sau khi nhìn thấy những hình ảnh của các thi thể trôi nổi không mặc áo phao, và đống đổ nát.
Đến đêm, lực lượng cứu hộ chỉ thu hồi được 1/4 thi thể những người trên khoang. Không tìm được ai sống sót trong số các phi hành đoàn hoặc hành khách.
Chuyến bay QZ 8501 chở 162 hành khách và phi hành đoàn bay được nửa chặng đường của tuyến bay từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore khi bị biến mất vào sáng Chủ nhật.
Trước đó phi công đã yêu cầu các nhân viên kiểm soát không lưu cho phép bay lên cao khoảng 1.800 mét để tránh bão. Một viên chức Bộ Giao thông Indonesia cho biết yêu cầu bị từ chối vì một chiếc máy bay khác đang bay trong vùng. Nhân viên kiểm soát không lưu sau đó đã mất liên lạc với máy bay.
Các hành khách trên chuyến bay gồm 149 người Indonesia, 3 người Nam Triều Tiên, 1 người Anh, một người Malaysia và 1 người Singapore. Phi hành đoàn gồm 6 người Indonesia và một phi công phụ người Pháp.



Gia đình của hành khách trên chuyến bay AirAsia 8501 òa khóc sau khi nhìn thấy những hình ảnh của các thi thể trôi nổi không mặc áo phao trên truyền hình, ngày 30/12/2014.



Lực lượng Cảnh sát biển Indonesia cầu nguyện trên một con tàu trước khi tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu hộ máy bay AirAsia tại đảo Sumatra, ngày 29/12/2014.



Thân nhân xem danh sách tên các hành khách trên chuyến bay QZ8501 tại Sân bay Juanda ở Surabaya, ĐôngJava, ngày 28/12/2014.



Gia đình của hành khách trên chuyến bay AirAsia QZ8501 ngồi tại một khu vực chờ đợi ở sân bay quốc tếJuanda, Surabaya, ngày 28/12/2014.
 

Tai nạn giao thông ở Indiana, gia đình 5 người Việt thiệt mạng

Người Việt Online, December 28, 2014
TIPTON COUNTY, India (NV) - Một gia đình năm người Việt vừa bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi xảy ra trên xa lộ 31 thuộc Tipton County, cách Indianapolis, Indiana, chừng 30 dặm về phía Bắc hôm Thứ Sáu, theo tin đài truyền hình WTHR 13, một chi nhánh địa phương của đài NBC.


(Hình minh họa: David Ryder/Getty Images)
Theo bản tin, chiếc xe Jaguar màu đỏ đời 2001 chở năm người chạy trên xa lộ 31 về Nam, khi gần đến Indianapolis, thì bị lạc tay lái về bên phải.
Ngay lập tức, ông Dennis Nguyễn, người lái xe, tìm cách bẻ lại bên trái, nhưng quá lố, và chiếc xe vượt qua vạch giữa đường, chạy về hướng ngược chiều giao thông, đụng vào một chiếc xe tải Peterbilt chở hàng đang chạy về hướng Bắc, theo cảnh sát cho biết.
Chiếc xe bị bẹp dúm, ông Dennis Nguyễn, 43 tuổi; người vợ Cao Thị Thu Hà, 44 tuổi; con trai Hùng Vinh Nguyễn, 9 tuổi; và con gái Lindsay Cao Vân Nguyễn, 7 tuổi, chết tại chỗ.
Riêng cô con gái Linda Hà Vy Nguyễn, 14 tuổi, bị thương nặng, được trực thăng đưa vào bệnh viện Eskenazi Health ở Indianapolis, nhưng sau đó qua đời.
Cảnh sát tin rằng, cả gia đình ông Dennis, cư ngụ ở tiểu bang Arkansas, đều có đeo dây an toàn khi ngồi trong xe.
“Chúng tôi đang điều tra nhiều tai nạn trong khu vực đang bị thời tiết lạnh đóng băng, nhưng tai nạn này có phải do đường trơn trượt gây ra hay không thì chưa biết,” cảnh sát viên Paul Daugherty trả lời phỏng vấn của đài truyền hình địa phương qua điện thoại cho biết. Tài xế xe tải cũng bị đau, được đưa vào bệnh viện, nhưng sau đó được về nhà.
Sau khi tai nạn xảy ra, cả hai hướng lưu thông của xa lộ 31 đều bị đóng để dọn dẹp và di chuyển thi hài người quá cố.
Cảnh sát tiểu bang Indiana vẫn đang điều tra nguyên nhân tai nạn. (Đ.D.)


Tin thêm về gia đình 5 người Việt tử nạn ở Indiana
Monday, December 29, 2014 5:
Ðỗ Dzũng/Người Việt

ROGERS, Arkansas (NV) - Sau khi bản tin “Tai nạn giao thông ở Indiana, gia đình 5 người Việt thiệt mạng” được đăng trên nhật báo Người Việt, số ra ngày Thứ Hai, 29 Tháng Mười Hai, nhiều độc giả gởi email vào chia sẻ nỗi mất mát này của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.


Gia đình ông Dennis Nguyễn, tất cả vừa bị thiệt mạng trong tai nạn giao thông ở Indiana. (Hình: Habitat for Humanity cung cấp)
Ngay trong ngày, phóng viên nhật báo Người Việt đã đưa bản tin lên trang Facebook của tờ báo, nhờ độc giả xa gần cung cấp thêm tin tức, nếu có, về gia đình bị nạn.
Ngoài ra, tòa soạn cũng tìm cách liên lạc những người biết chuyện và có thêm được một số thông tin.
Bị thiệt mạng trong tai nạn thảm khốc này là năm người, trong cùng gia đình, ông Dennis Nguyễn, 43 tuổi; vợ Cao Thị Thu Hà, 44 tuổi; con gái Linda Hà Vy Nguyễn, 14 tuổi; con trai David Hùng Vinh Nguyễn, 9 tuổi; và con gái Lindsay Cao Vân Nguyễn, 7 tuổi.
Cả gia đình nạn nhân đều cư ngụ ở Rogers, Arkansas, một thành phố nhỏ, có khoảng 60,000 dân, theo thống kê năm 2013, tọa lạc ở một vùng xa xôi, nằm phía Tây Bắc Arkansas, phía Tây giáp tiểu bang Oklahoma, và phía Bắc giáp tiểu bang Missouri.
Không ai ngờ, chuyến đi Michigan của gia đình ông Dennis Nguyễn lại là chuyến cuối cùng của ông, và gia đình.
Bà Thơ Liễu, chủ tiệm Regal Nails trong khu chợ Wal-Mart, Rogers, nơi ông Dennis Nguyễn làm việc, kể với nhật báo Người Việt như sau: “Anh Dennis mới làm việc ở tiệm tôi từ Tháng Tám, và chưa bao giờ xin nghỉ cả tuần lễ. Ðây là lần đầu tiên anh xin nghỉ lâu như vậy, mà lại báo vào giờ chót. Anh xin nghỉ Thứ Bảy, sang Chủ Nhật là đi liền. Anh nói đi lên Michigan mua đồ, đồng thời chở gia đình đi chơi luôn.”
“Tôi nghĩ, nếu không cho anh nghỉ thì ích kỷ quá, nên tôi nói anh cứ nghỉ đi, rồi sau Tết Tây trở lại làm việc. Không ngờ đây là chuyến đi cuối cùng của anh. Mấy ngày nay tôi cứ trằn trọc hoài, phải chi tôi đừng cho anh nghỉ, chắc là không bị. Nhưng rồi tôi nghĩ, đúng là số của anh và gia đình, vì Trời kêu ai nấy dạ. Tôi không còn khó chịu nữa, nhưng cảm thấy rất buồn,” bà Thơ nói tiếp.
Bà cho biết không biết nhiều về đời sống riêng tư của anh.
Bà kể: “Tôi nghe nói trước đây anh có mở trại gà, nhưng thất bại. Anh là một người chất phác, ít nói, rất thương vợ, không muốn vợ đi làm, chỉ một mình anh làm thôi. Nghe nói anh sang Mỹ có một mình. Còn gia đình vợ thì ở California. Anh thỉnh thoảng có đến nhà tôi chơi. Trước khi đi Michigan, anh có đến tiệm ăn tiệc cuối năm, nhưng đến trễ, nên không có chụp hình cùng chúng tôi.”
Trên trang Facebook của nhật báo Người Việt, khi đọc tin này, một người tên Jackie Phan cho biết, gia đình bà Cao Thị Thu Hà cư ngụ ở San Jose.


Nhân viên cứu hỏa tại chiếc xe Jaguar bị nạn, bên phải là chiếc xe tải Peterbilt. (Hình: Indiana State Police)
Một người khác, tên Phongchau Phan, viết: “Chị em tôi cũng đang rất muốn liên lạc với gia đình vợ anh Dennis Hùng Nguyễn để lo vấn đề hậu sự của gia đình anh... Anh đã làm việc chung với chị em tôi một thời gian, chúng tôi rất quý anh ấy.”
Qua email, bà Annette Burkes, một hàng xóm của ông Dennis, chia sẻ: "Gia đình ông rất tuyệt vời, và luôn giúp đỡ hàng xóm. Các con trai của tôi đi học chung trường với cả David và Lindsay. Hai đứa con trai nhỏ nhất của tôi học chung lớp với Lindsay. Con tôi và con của Dennis, cùng với các trẻ em trong khu phố thường chơi chung với nhau và luôn vui vẻ."
"Khu phố này tự nhiên vắng lặng mấy ngày nay, sau khi xảy ra tai nạn," bà viết tiếp. "Tôi biết gia đình Dennis khi gia đình tôi dọn đến đây hồi năm ngoái. Họ là một gia đình yên ắng, nhưng luôn giúp mọi người và rất thân thiện."
Theo phóng viên Tevin Wooten của đài truyền hình NWA ở Rogers, người làm phóng sự về tai nạn này, nói với nhật báo Người Việt qua điện thoại, gia đình ông Dennis Nguyễn hồi năm 2012 được tổ chức Habitat for Humanity giúp xây căn nhà gia đình ông cư ngụ ở Rogers.
Bà Debby Wieneke, giám đốc điều hành tổ chức này ở Brenton County, Arkansas, kể qua nước mắt: “Chúng tôi rất buồn khi hay tin. Ðây là một gia đình làm việc rất chăm chỉ, hiền lành. Ba đứa con của ông Dennis đều ngoan. Tất cả chúng tôi đều biết nhau trong thời gian làm nhà cho ông.”
Bà cho biết, cách đây hai năm, ông Dennis nộp đơn, sau khi thấy hội đủ điều kiện, Habitat for Humanity kiếm được nhà bảo trợ, và bắt đầu xây nhà cho ông.
“Tôi nhớ mãi, mỗi ngày, khi chúng tôi đến làm nhà, bà Hà luôn làm thức ăn đãi chúng tôi, khi thì ăn trưa, khi thì ăn dậm, và luôn dọn dẹp sạch sẽ sau khi chúng tôi làm việc. Phải nói rằng căn nhà của ông Dennis là nơi sạch sẽ nhất trong các căn nhà chúng tôi xây từ trước tới nay,” bà Wieneke kể tiếp.
Bà cho biết, hiện chưa có tin tức gì thêm về gia đình nạn nhân, nhưng dự trù sẽ tổ chức một buổi gây quỹ để giúp mai táng cho gia đình ông Dennis.
Về căn nhà, bà Wieneke nói sẽ được trả lại cho Habitat for Humanity và chuyển giao cho gia đình khác, theo quy định của tổ chức nhân đạo này. Riêng về chuyện an táng năm nạn nhân, bà Thơ Liễu cho biết: “Tôi nghe một người bạn của vợ anh Dennis nói là gia đình sẽ thiêu xác cả năm người, rồi đưa về California.” Theo NWA, vào sáng Thứ Sáu, 26 Tháng Mười Hai, ông Dennis Nguyễn lái chiếc xe Jaguar màu đỏ đời 2001 chở cả gia đình chạy trên xa lộ 31 về hướng Nam tiểu bang Indiana, khi gần đến Indianapolis, thì bị lạc tay lái về bên phải.
Ngay lập tức, ông tìm cách bẻ lại bên trái, nhưng quá lố, và chiếc xe vượt qua khoảng cỏ giữa đường, chạy về hướng ngược chiều giao thông, đụng vào chiếc xe tải Peterbilt đời 2011 đang chạy tới.
Tài xế xe tải, ông William Stump, 41 tuổi, cư dân Carmel, Indiana, đang lái xe chở 30,000 pounds dưa leo về Plymouth, Indiana, thấy vậy, tìm cách tránh, nhưng quá trễ.
Chiếc xe của ông Dennis va mạnh vào đầu xe tải, bị bẹp dúm, ông Dennis Nguyễn, vợ, và hai con nhỏ, chết tại chỗ. Cô con gái lớn bị thương nặng, được trực thăng đưa vào bệnh viện Eskenazi Health ở Indianapolis, nhưng sau đó qua đời.
Cảnh sát tin rằng, cả gia đình ông Dennis đều có đeo dây an toàn khi ngồi trong xe.
Chiếc xe tải bị hư phía trước, tài xế cũng bị đau, được đưa vào bệnh viện, nhưng sau đó được về nhà.

Dịch vụ Gmail bị chặn ở Trung Quốc


VOA_Sự kiểm soát đối với tự do Internet ở Trung Quốc lại thắt chặt hơn nữa khi dịch vụ thư điện tử Gmail của Google phần nhiều không thể truy cập được sang ngày thứ tư.
Trang mạng GreatFire.org theo dõi sự minh bạch trên Internet báo cáo dịch vụ email của Google bị chặn khoảng 81% ở Trung Quốc sau nhiều tháng gián đoạn.
Trung Quốc đã cấm những sản phẩm khác của Google (như Picasa và YouTube) trong nhiều năm, nhưng những vấn đề xảy ra với người dùng Gmail phần lớn bắt đầu vào tháng 6, là dịp kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn.
Kể từ đó, trang GreatFire báo cáo Gmail bị chặn ít nhất 15 ngày mỗi tháng.
Dữ liệu của Google cho thấy sự sụt giảm mạnh về lưu lượng truy cập Gmail ở Trung Quốc bắt đầu từ ngày 26 tháng 12.
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ Internet bằng tường lửa thường nhắm vào những website nước ngoài, gồm Facebook và Twitter.

Viện Khổng Tử, cơ quan tuyên truyền và tình báo Trung Cộng

Trần Trung Đạo
Các nước trên thế giới, dù nhỏ hay lớn đều muốn nhân loại biết đến những cái hay cái đẹp của nước mình. Viện Goethe (Goethe-Institut), đặt tên theo nhà văn và chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe, có 159 cơ sở hoạt động gần khắp thế giới để trao đổi văn hóa và ngôn ngữ. Viện Goethe tự trị về tài chánh và độc lập điều hành từ chính phủ Đức. Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) do một số trí thức Pháp trong đó có nhà khoa học Louis Paster, nhà văn JulesVerne, sáng lập từ 1883, có mặt trên 137 quốc gia với tổng số gồm 850 trung tâm cũng hoạt động độc lập với chính phủ Pháp.
Các nước Phi Châu tuy nghèo nàn, lạc hậu về kỹ thuật, bị thực dân xâm lược rồi nội chiến triền miên nhưng không phải vì thế mà họ không kiêu hãnh với nền văn hóa và cũng luôn tìm mọi cách để giới thiệu cùng nhân loại những nét đặc thù của dân tộc họ. Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn y ngày 24 tháng Giêng 2006 đã tạo điều kiện phục hưng các giá trị và giới thiệu văn hóa Phi Châu đến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày nay nhiều viện văn hóa Phi Châu do tư nhân tài trợ có mặt nhiều nơi trên thế giới.
Phát huy văn hóa là lẽ tự nhiên và đáng ca ngợi. Ngoài trừ những kẻ tự thu mình trong góc tối, sống trong ảo tưởng “quê hương mình là đẹp hơn cả” dù suốt đời không ra khỏi nhà để rồi trở nên ngày thêm u mê lạc hậu, phần lớn các lãnh đạo và con người trên thế giới đều biết trong cái riêng bao giờ cũng có cái chung, văn hóa của một dân tộc là một phần của văn minh nhân loại.
Thế nhưng, những khái niệm văn hóa, độc lập, tự trị, phi chính phủ của các trung tâm, các viện văn hóa nêu trên không áp dụng trong trường hợp các Viện Khổng Tử của Trung Cộng, bởi vì thực chất của các viện này chỉ là cơ quan tuyên truyền, tình báo và được đặt dưới sự lãnh đạo của Cục Tuyên Truyền Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuyên truyền là xương sống của chế độ CS. Từ khi thành lập đảng CSTQ năm 1921 đến nay, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quyết định trong việc thực thi các chính sách của đảng. Cục Tuyên Truyền Trung Ương do Lý Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị đứng hàng thứ năm làm Cục Trưởng.
Tại sao là Viện Khổng Tử mà không là Viện Mao Trạch Đông hay Viện Đặng Tiểu Bình?
Bản chất của CS từ Âu sang Á là giấu mặt và vận dụng ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử trong đó Khổng Tử là một trong những nạn nhân.
Trong thời kỳ sau 1949 đến 1966, lãnh đạo Trung Cộng dựa vào Khổng Tử như biểu tượng của quyền hạn gia đình bởi vì trong giai đoạn đó Mao chủ trương phân tán quyền sở hữu đất đai xuống các đơn vị gia đình qua trung gian các chính sách cải cách ruộng đất và Bước Tiến Nhảy Vọt đầy thảm họa.
Mao ca ngợi Khổng Tử “nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu các thành tựu lịch sử và đánh giá chúng với quan điểm Mác Lê. Trung Hoa có một lịch sử dài nhiều ngàn năm với đặc tính riêng và là những kho tàng quý báu… Chúng ta phải tổng hợp từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên và kế thừa các truyền thống giá trị này”. Lưu Thiếu Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng Khổng Tử có nhiều đặc điểm của một người CS tốt.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bao nhiêu thất bại, sai lầm của Mao đều được đổ lên đầu Khổng Tử khi chiến dịch Chống Bốn Cũ (nhận thức cũ, văn hóa cũ, truyền thống cũ, tập quán cũ) được phát động. Nội dung của Cách Mạng Văn Hóa được tóm tắt là “cái mới” chống “cái cũ” và trong đó Khổng Tử đại diện cho mọi “cái cũ” và biểu tượng của xã hội giai cấp. Không chỉ chống Khổng Tử về mặt tư tưởng mà cả đền thờ, di tích, sách vở đều bị đục bỏ hay đốt phá. Mao phát biểu “đọc sách nhiều quá sẽ làm tê liệt khả năng nhận thức”. Mục đích chống Khổng Tử của Mao là để đương đầu với sự thất bại kinh tế do chính y gây ra và chống lại những lãnh đạo thực tâm sùng bái Khổng Tử trong đó có Lưu Thiếu Kỳ. Kết quả, 60 phần trăm lãnh đạo CS các cấp bị thanh trừng qua nhiều hình thức.
Khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới thay đổi và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Sự toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lãnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Nhân vật lịch sử cần được đánh bóng không phải là hai hồn ma CS Mao hay Đặng mà chính là Khổng Tử. Lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi giới thiệu Khổng Tử đã ca ngợi ông ta chủ trương một “xã hội hài hòa”. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng in Luận Ngữ và là tác phẩm phát hành nhiều nhất ở Trung Quốc, và các ấn bản ngoại ngữ cũng được giới thiệu nhiều nơi trên thế giới.
Theo Giáo sư Gilbert Rozman thuộc khoa xã hội học, đại học Princeton, Trung Cộng “muốn thế giới nhìn vào lịch sử Trung Quốc và những vinh quang quá khứ để khuyến khích họ chấp nhận một Trung Quốc hiện nay nhiều hơn”. Phê bình quan điểm của Hồ Cẩm Đào, Giáo sư Perry Link, Ban Đông Á, đại học Princeton cho rằng có sự mâu thuẫn về căn bản là cái cách chính phủ Trung Cộng sử dụng Khổng Tử để đại diện cho văn hóa Trung Hoa hài hòa ở nước ngoài trong khi đó đảng áp dụng chính sách toàn trị hà khắc đối với người dân trong nước.
Lịch sử hình thành Viện Khổng Tử
Kế hoạch Viện Khổng Tử được chính thức ra đời vào tháng Sáu năm 2004. Sau vài lần thử nghiệm tại Uzbekistan, viện đầu tiên được khánh thành ngày 21 tháng 11 năm 2004 tại Seoul, Nam Hàn. Đến nay, 2014, đã có 480 Viện Khổng Tử rải rác khắp sáu lục địa. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố vào năm 2020 con số Viện Khổng Tử sẽ lên đến một ngàn viện.
So với Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) được thành lập 131 năm trước, con số một ngàn đầy tham vọng và cấp bách của Trung Cộng rõ ràng không phải chỉ thuần mục đích văn hóa. Tạp chí The Economist nhận xét Viện Khổng Tử chỉ là “cơ quan nhà nước” CS và do đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh các chủ trương của đảng. Với điều kiện thông tin ngày ngay, nhận xét của tạp chí The Economist có thể kiểm chứng một cách dễ dàng.
Các chức năng mặt nổi của Viện Khổng Tử
Theo tài liệu chính thức, Viện Khổng Tử là bộ phận của Hán Ban (汉办) “một cơ quan của Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, một tổ chức không lợi nhuận, phi chính phủ, liên kết với Bộ Giáo Dục Trung Quốc” Nhiệm vụ công khai của Viện Khổng Tử là “giảng dạy Hoa ngữ ” và “đóng góp vào sự thành hình một thế giới đa dạng và hài hòa”.
Hán Ban, về cơ cấu trực thuộc Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, trong thực tế chẳng phải phi lợi nhuận, tự trị gì mà do một lãnh đạo CS cấp trung ương điều hành. Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ là bà Chen Zhili. Bà Chen sinh tháng 11 năm 1942, nguyên Cố Vấn Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng. Bà gia nhập đảng CSTQ năm 1961. Nguyên là Bí Thư đảng bộ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải, sau đó được thăng cấp giữ chức Giám Đốc Ban Tuyên Truyền Thượng Hải kiêm Phó Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Thượng Hải. Từ năm 2008 bà Chen là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Trung Cộng. Về cấp bậc đảng, bà Chen là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ tại các đại hội 15, 16, 17 đảng CSTQ. Tổng giám đốc hiện nay của Hán Ban là bà Xu Lin, cấp thứ trưởng trong chính phủ, thành viên của Hội Đồng Nhà Nước và ủy viên Hội Đồng Tham Vấn Chính Trị. Điều đó cho thấy cả hai lãnh đạo Viện Khổng Tử đều là cán bộ tuyên truyền cao cấp chứ chẳng thuần túy văn hóa, ngôn ngữ gì.
Về tài chánh, theo Chinadigitaltimes, Viện Khổng Tử được sử dụng một ngân sách rất cao lên đến nhiều tỉ yuan và website của Viện Khổng Tử cũng được xếp vào một trong những website tốn kém nhất tại Trung Cộng. Bà Chen Zhili ra ngoại quốc được quyền sử dụng tiền bạc một cách rộng rãi so với các ngân sách giáo dục khác. Mặc dù rất ngạc nhiên trước thái độ yểm trợ tài chánh dồi dào của Trung Cộng, nhiều đại học quốc tế, kể cả Mỹ, cần tiền bảo trợ cho các chương trình Hoa Ngữ nên cũng không khó khăn lắm trong việc chấp nhận sự thành lập Viện Khổng Tử.
Các chức năng mặt chìm của Viện Khổng Tử
- Thực hiện chủ trương tuyên truyền “sức mạnh mềm”: Theo Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải tuân hành. Người viết đã phân tích chi tiết trong bài Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power).
Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.
Cũng theo Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Áp dụng chính sách sức mạnh mềm trong phạm vi thế giới đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tuyên truyền quốc tế của Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Trung Cộng hiện nay.
Trung Cộng có hai đường lối tuyền truyền tương đối độc lập gồm tuyên truyền đối nội nhằm kiểm soát nhận thức người dân và tuyên truyền đối ngoại tập trung vào việc ảnh hưởng dư luận quốc tế một cách phù hợp với chính sách đối ngoại của đảng CSTQ. Tạp chí Economist giải thích các Viện Khổng Tử được sử dụng nhằm giành được sự đồng thuận của dư luận thế giới.
Mục đích cụ thể của đường lối tuyên truyền đối ngoại gồm (1) trấn an dư luận thế giới về một Trung Cộng đe dọa, (2) bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nền kinh tế tăng nhanh nhưng lãnh phí, (3) xây dựng các liên minh quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới, và (4) phát huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ.
Khi Hồ Cẩm Đào công bố chủ trương áp dụng “sức mạnh mềm” trên thế giới đầu năm 2009, Lý Trường Xuân không giấu diếm khi cho rằng các Viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”.
Mặc dù luôn bào chữa là “khách quan”, “độc lập”, các vấn đề nhạy cảm như biến cố Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Tây Tạng v.v. đều bị gạch bỏ khỏi các chương trình giảng dạy tại các Viện Khổng Tử và các học viên không được phép bàn đến các vấn đề này. Do đó, khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính sách thực dân trước đây.
- Hang ổ tình báo: Trung Cộng hiện có 60 triệu Hoa Kiều sinh sống gần như tại hầu hết quốc gia trên thế giới và việc sử dụng nguồn lực của đạo quân thứ năm này để phục vụ một cách hữu hiệu đường lối đảng là một quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Cộng.
Tờ báo có uy tín của Mỹ Forbes, trong tháng 10 2014, tố cáo một trong những trường đại học rất uy tín tại Mỹ, đại học Stanford, đã hợp tác với Trung Cộng qua trung gian Viện Khổng Tử. Ngân sách của viện do Trung Cộng tài trợ. Tác giả bài viết trên Forbes trích lời phát biểu của Arthur Waldron khi nói rằng “Viện Khổng Tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng chính sách tình báo của Trung Cộng”.
Cũng trên Forbes, tác giả Eamonn Fingleton, chỉ trích các trường đại học Mỹ bán rẻ lương tâm trí thức qua việc im lặng trước sự kiện Thiên An Môn. Lý do, tiền của Bộ Giáo Dục Trung Cộng đổ vào các đại học này một cách ồ ạt qua cửa Viện Khổng Tử. Hiện nay có khoảng 220 ngàn sinh viên Mỹ theo học các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và nguy hiểm là các hợp đồng giữa Bộ Giáo Dục Trung Cộng và các đại học Mỹ đều phải được giữ kín.
Theo Abrice De Pierrebourg, một cựu chuyên viên ngành tình báo Pháp, nhiều “chuyên viên ngôn ngữ Trung Quốc” lại có lý lịch gốc an ninh tình báo. Chức năng của những người này không phải là giáo dục mà là kiểm soát sinh viên gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài và đồng thời tuyển dụng tình báo để làm việc cho Trung Cộng.
Phóng viên Omid Ghoreishi của báo The Epoch Times, trong điều tra Bắc Kinh Sử Dụng Viện Khổng Tử cho mục đích Gián Điệp (Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage) đã trích dẫn lời của Michel Juneau-Katsuya, cựu Trưởng Cơ Quan An Ninh Tình Báo đặc trách Á Châu Thái Bình Dương của chính phủ Canada rằng với kinh nghiệm nhiều chục năm của ông hoạt động trong khu vực, cho thấy Trung Cộng không ngừng nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Cũng theo lời ông Michel Juneau-Katsuya, đương kim chủ tịch chấp hành công ty an ninh Northgate SSI và một trong những chuyên viên an ninh được trích dẫn nhiều nhất tại Canada, Viện Khổng Tử là một đe dọa đối với chính phủ và nhân dân Canada. Ông khẳng định “Có những thông tin cho thấy rõ ràng các cơ quan tình báo Tây phương đã xác định Viện Khổng Tử như hình thức của cơ quan tình báo do Trung Cộng sử dụng và cũng do Trung Cộng tuyển dụng”.
Bài báo trên The Epoch Times cũng nhắc lại lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào như một bằng chứng cho thấy các Viện Khổng Tử thực chất là hang ổ gián điệp. Họ Hồ phát biểu “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã tìm ra cách để trồng cấy và chuẩn bị những người ủng hộ đảng chúng ta”. Dĩ nhiên các lãnh đạo Trung Cộng luôn bác bỏ những lời tố cáo của các chuyên viên tình báo quốc tế và uy tín như Michel Juneau-Katsuya.
Các lãnh đạo Trung Cộng hãnh diện khi nhắc đến Viện Khổng Tử như một phần của “mặt trận đoàn kết” chống kẻ thù. Nhưng kẻ thù của “mặt trận” này là ai? Không ai khác hơn là “năm nọc độc” gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs, Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, và “thế lực thù địch Tây Phương” đứng đầu là Mỹ.
Một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố sớm muộn cũng sẽ sụp đổ
Mặc dù phát triển kinh tế nhanh trong hai chục năm qua, Trung Cộng đang đương đầu với những khó khăn khách quan về lâu dài không thể vượt qua bao gồm yếu tố dân số thặng dư và mất cân đối, y tế công cộng thiếu hụt trầm trọng, môi sinh độc hại nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính trị độc tài toàn trị, bóp nghẹt hầu hết các quyền căn bản của con người và tham nhũng đã trở thành một đặc tính trong mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến địa phương.
Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tại bất chấp dư luận và thể diện của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa.
Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây ấn tượng cho Mao rằng mùa màng dư giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ.
Trần Trung Đạo
Tham khảo:
– Mao’s China, A history of the People ‘s Republic. The Free Press, NY 1977
– The New Chinese Empire, Ross Terrill, Basic Books, 2003
– Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu ( CHARTER FOR AFRICAN CULTURAL RENAISSANCE), Unesco, 2006
– Chen Zhili http://en.wikipedia.org/wiki/Chen_Zhili
– Viện Khổng Tử (http://en.wikipedia.org/wiki/Confucius_Institute)
– Confucius and the Cultural Revolution: A Study in Collective Memory, Tong Zhang và Barry Schwarz, International Journal of Politics, Culture and Society, Vol. 11, Nọ 2, 1997
– Propaganda in the People’s Republic of China, WikipediA
– List of all Confucius Institutes in the U.S. (http://confucius.gmu.edu/upload/Resources_Alphabetical-list-of-Confucius-Institutes-in-the-USA.pdf)
– Follow The (Chinese) Money: The Tiananmen Anniversary And A Scandalous Silence On U.S. Campuses (http://www.forbes.com/sites/eamonnfingleton/2014/06/01/follow-the-chinese-money-the-tienanmen-anniversary-and-a-strange-silence-on-u-s-campuses/)
– Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage (http://www.theepochtimes.com/n3/1018292-hosting-confucius-institute-a-bad-idea-says-intelligence-veteran/)
– Joseph S. Nye, Jr. Soft Power, Hard Power and Leadership,, Harvard University, 2006

2015 vùng lên cứu nước

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Góp lời cho bài viết: "Bước vào năm 2015" của Dân Làm Báo

Tôi viết bài thơ hôm nay cho một Quê Hương đã mất!
Tôi muốn nói những lời cho dân tôi nhận ra sự thật
Rằng đất nước ta đã mất từ lâu.

Từ "Cách Mạng Mùa Thu", Hồ Chí Minh đã ngầm theo lệnh của Tầu
Thực hiện ý đồ đen tối là làm chư hầu cho giặc.

80 năm cho miền Bắc
40 năm thắt chặt Việt Nam
Từ xa xưa, đã có Công Hàm (1)
Rồi sau đó là "Mật Nghị Thành Đô" (2) để giam dân Việt.

Người dân ơi
Có buồn?
Có thương?
Có tiếc?
Dãi hình cong chữ S, đâu còn xanh biếc ngàn xanh
Ngày hôm nay tất cả chúng ta đều thấu rõ ngọn ngành
Đảng cộng sản đã dâng đất nước cho đàn anh Hán phiệt.

Dân Tộc ơi
Nếu có còn chút lòng thương tiếc
Hãy mau vùng lên tiêu diệt cộng nô
Hãy mau xóa tan huyền thoại "Bác Hồ"
Một tên gián điệp đã bán trọn cơ đồ Tổ Quốc.

90 triệu dân Việt, hôm nay với nỗi đau chất ngất
Mất non sông... mất cả giấc mộng vàng...
Rồi đây Việt Nam sẽ chìm ngập trong khốn khó lầm than
Đời nô lệ dưới gót hung tàn bạo ngược.

4.000 năm tổ tiên dựng nước
Noi gương tiền nhân, vững bước tiến lên
Nợ non sông, nghĩa nước đáp đền
Và chấp nhận lằn tên mũi đạn.

2015, 90 triệu dân hay gọi nhau đứng lên chống ngoại xâm tặc Hán
Đạp đổ bầy đàn buôn bán non sông
90 triệu hãy mau dựng hội Diên Hồng
Hãy xứng đáng là con Lạc cháu Hồng nước Việt.




____________________________________ 

Chú thích:

1. Công hàm 1958 do Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ký. 
2. Hội Nghị Thành Đô ngày 3-4 tháng Chín, 1990.

Biếm họa Kuốc Kuốc

Không có dũng khí của ông cha, làm sao bảo vệ được giang sơn

Xem ra, cha ông ta xưa không bao giờ sợ hãi bọn thống trị phương Bắc, dám mắng vào mặt hoàng đế Trung Hoa như mắng một kẻ ăn mày ngay giữa thời thịnh trị nhà Minh, sau khi làm cỏ sạch quân xâm lược nhà Minh sau 10 năm Lam Sơn tụ nghĩa giành lại nước Đại Việt. Buồn thay cho kẻ cầm quyền thời nay “sĩ khí rụt rè gà phải cáo” mà sao không biết hổ thẹn với tiền nhân?

*

Nguyễn Trãi thay Lê Lợi mắng Hoàng đế nhà Minh: “thằng nhãi ranh Tuyên Đức”

Trích đoạn Nguyễn Trãi thay Lê Lợi mắng hoàng đế nhà Minh trong “Bình Ngô đại cáo”:

“Tưởng chúng biết lẽ ăn năn nên đã thay lòng đổi dạ
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.

Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá”...

Xin xem từ điển mạng để biết hoàng đế Tuyên Đức nhà Minh mà Nguyễn Trãi và Lê Lợi dám mắng là “Thằng nhãi ranh Tuyên Đức” là ai:

Minh Tuyên Tông (chữ Hán: 明宣宗, 25 tháng 2, 139831 tháng 1, 1435), tức Tuyên Đức hoàng đế (宣德皇帝), là vị hoàng đế thứ năm của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 1425 đến 1435. Ông kế vị Hồng Hi Đế, và ở ngôi trong một thời kỳ thịnh trị của Đại Minh.


Xem ra, cha ông ta xưa không bao giờ sợ hãi bọn thống trị phương Bắc, dám mắng vào mặt hoàng đế Trung Hoa như mắng một kẻ ăn mày ngay giữa thời thịnh trị nhà Minh, sau khi làm cỏ sạch quân xâm lược nhà Minh sau 10 năm Lam Sơn tụ nghĩa giành lại nước Đại Việt. Buồn thay cho kẻ cầm quyền thời nay “sĩ khí rụt rè gà phải cáo” mà sao không biết hổ thẹn với tiền nhân?

Sài Gòn ngày 30-12-2014


Và đây mới thật sự... láo lếu!!!

Ban Bí thư kỷ luật ông Trần Văn Truyền 
Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo từ Ban Bí thư vì vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở.

Ngày 30/12, Văn phòng Trung ương Đảng công bố Thông báo của Ban Bí thư về việc xem xét xử lý kỷ luật ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ về thực hiện chế độ, chính sách nhà, đất ở và Báo cáo của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ kết quả kiểm điểm ông Trần Văn Truyền về công tác cán bộ. 

Căn nhà công vụ tại Bến Tre được gia đình ông Truyền 
sử dụng làm đại lý cho một hãng bia. Ảnh: Thiện Nhân 

Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ; Yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban thường vụ Thành ủy TP HCM chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền. 

Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để việc khắc phục và xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại phiên họp ngày 16/6. 

Ban Bí thư cũng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát việc sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, kiên quyết thu hồi ngay những trường hợp nhà công vụ sử dụng không đúng quy định của Đảng và Nhà nước. 



*

Mời đọc lại vài bài về con chuột tổng thanh tra Trần Văn Truyền:



Powered By Blogger