Tháng 3 năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ là Le Myre De Vilers hạ lệnh cho
Capitaine de Frégate – tức Hải quân Trung tá – Henri Rivière từ Sàigòn
mang quan ra đất Bắc Kỳ với dã tâm xâm lược.
Được tin chiến thuyền Pháp đến Bắc Kỳ, Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu
một mặt sai Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng ra tiếp đón, một mặt ra lệnh tu sửa
thành trì.
Hoàng Diệu tự là Quang Viễn, người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước,
tỉnh Quảng Nam. Năm Mậu Thân 1848 đổ Cử nhân, năm Quí Sửu 1853 thi Hội
đỗ Phó bảng, làm quan đến Binh bộ Tham tri. Năm 1880 được bổ Tổng đốc Hà
Ninh, tức Hà Nội – Bắc Ninh.
Tháng 2 năm Nhâm Ngọ 1882, thấy quân Pháp tới, quan Tổng đốc ra lệnh
đề phòng. Quả nhiên 5 giờ sáng ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ tức ngày
25-4-1882, Henri Rivière gởi tối hậu thư cho quan Tổng đốc, hẹn đến 8
giờ phải giải binh, còn Tổng đốc cùng các quan phải đến trình diện tại
Đồn Thủy, là nơi đóng quân của Henri Rivière. Nhận được thư, Tổng đốc
Hoàng Diệu liền sai Án sát Tôn Thất Bá dùng thang trèo ra ngoài thành để
điều đình. Án sát Tôn Thất Bá vừa xuống thang thì các chiến hạm “La
Fanfare”, “La Massue” và “La Carabine” đã khai hỏa vào thành. Thủy quân
Lục chiến Pháp làm ba cánh đánh vào cửa Đông, cửa Bắc và cửa Tây Nam
thành Hà Nội. Quan Tổng đốc Hoàng Diệu cùng Phó Lãnh binh Hồ Văn Phong
thân lên cửa Bắc đốc quân kháng cự. Đến hơn 11 giờ trưa, thành vỡ.
Quan Tổng đốc cùng mười viên Cử nhân võ lui về phía Hành cung. Ngài
ra lệnh: “Ai muốn về kinh thì về, ai muốn đánh thì lên Sơn Tây hợp với
quan Thống đốc Quân vụ Hoàng Kế Viêm”. Quan Tổng đốc cắn ngón tay viết
tờ biểu tạ tội với triều đình, hướng về Kinh bái vọng rồi lấy khăn chít
đầu treo cổ trước võ miếu.
Bố chánh Phan Văn Tuyển, Đề đốc Lê Trinh trụt thành bỏ chạy. Tuần phủ
Hoàng Hữu Xứng trốn vào hành cung ba ngày sau mới ra. Án sát Tôn Thất
Bá thừa lúc ra ngoài thành, nghe súng nổ bỏ trốn.
*
Theo lời truyền, sau khi thành Hà Nội mất và quan Tổng đốc tuẫn tiết
theo thành, một nhà thơ đất Bắc Kỳ là Nguyễn Văn Giai tục gọi là Ba
Giai, đã làm hai bài ca, là bài “Hà thành thất thủ ca” và bài “Chính khí
ca”.
Trong bài “Chính khí ca”, đọc lên sẽ thấy cái tiết liệt ngàn năm của
Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết theo thành. Bốn câu mở đầu của
bài “Chính khí ca”:
Một vùng chính khí lưu hành,
Khoảng trong trời đất nhật tinh sơn hà.
Hiệu nhiên ở tại lòng ta,
Tấc vuông son sắt hiện ra khí cùng…
Tác giả đã lấy ý trong bài “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường. Văn
Thiên Tuờng là một trung thần đời Nam Tống bên Trung Hoa, khi Nam Tống
bị nhà Nguyên diệt, ông bị bắt, có làm bài “Chính khí ca” được lưu
truyền đến bây giờ.
“Thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình. Hạ tắc vi hà nhạc,
thượng đắc vi nhật tinh. Ư nhân viết hiệu nhiên, bái hồ tắc thương minh.
Hoàng lộ đương thanh di, hàm hòa thổ minh đình. Thời cùng tất nãi hiện,
nhất nhất thùy đan thành…”
Tháng Tư năm Nhâm Ngọ 1882 ấy là giờ phút đen tối của đất Bắc Kỳ. Hà
Nội thất thủ, tiếp thêm một trang sử bi thảm của dân tộc trước gót giày
Bạch quỷ.
… Một cơ gió thảm mưa sầu,
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son.
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây…
(Chính khí ca).
Trong cái giờ phút đen tối thành mất, quân tan đó, Tổng đốc Hoàng
Diệu đã bình tĩnh nhận lấy trách nhiệm của mình. Là Tổng đốc, thay mặt
triều đình trọng nhậm một tỉnh thành quan trọng nhất của đất Bắc Kỳ, nay
thành mất vào tay giặc, quan Tổng đốc đã cắn tay lấy máu viết sớ tạ tội
với triều đình và sau đó ông đã “Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây”.
Không phải ai cũng làm được như quan Tổng đốc. Tuần phủ Hoàng Hữu
Xứng, Đề đốc Lê Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá bị
vua Tự Đức bắt đeo gông giải về Kinh luận tội.
Bố chánh Phan Văn Tuyển bị lột chức đuổi về làm dân, Lê Trinh cũng bị
lột chức, cho đi tiền quân hiệu lực để đái công chuộc tội… Mà thôi, nói
đến những vị quan viên ấy làm gì. Người đời sau chỉ nhớ tới quan Tổng
đốc Hoàng Diệu thành mất chết theo thành mà thôi.
*
Gần một trăm năm sau, ở miền Nam cũng gặp “một cơn gió thảm mưa sầu”
khác. Tháng Tư năm 1975, Cộng sản tràn ngập miền Nam. Và trong những giờ
phút đen tối nhất của quân dân miền Nam, người ta thấy xuất hiện những
Nguyễn Tri Phương, những Hoàng Diệu khác.
Hồ Ngọc Cẩn, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ…và
còn rất nhiều những Hoàng Diệu của miền Nam đã chiến đấu tới giờ phút
cuối cùng hoặc đã anh dũng chết theo vận nước. Những tên tuổi ấy sẽ sống
mãi với sử xanh.
Nhưng không biết vì sao, một trong những tên tuổi ấy, gần đây đã bị
một số người đem ra bôi xấu. Đó là Thiếu tướng Phạm Văn Phú, nguyên Tư
lệnh Quân Đoàn II & Quân khu II.
Có một vị Đại tá, trước ngày đảo chánh 11-1963 từng là cấp chỉ huy
của Thiếu tướng Phú, sau đó trở lại là cấp dưới trực tiếp của Tướng Phú,
đã viết mấy loạt bài, dụng ý chê bai Tướng Phú. Một vị Đại tá khác,
từng là Tham mưu trưởng dưới quyền Thiếu tướng Phú, khi được phỏng vấn,
đã kể lại cuộc triệt thoái cao nguyên với những lời kể không mấy tốt đẹp
về Thiếu tướng Phú, đã được giáo sư Larry Engelmann đăng lại trong
quyển Tears Before The Rain. Một vị khác, từng là Thẩm phán dưới chế độ
Việt Nam Cộng Hoà, cũng đã có một loạt bài qui trách nhiệm để mất miền
Nam cho những ai, những ai… trong đó có Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Vị ấy
cho rằng nếu miền Nam còn, Thiếu tướng Phú sẽ phải ra Tòa án Quân sự để
chịu trách nhiệm của mình…
Người viết không có đủ những kiến thức quân sự, hoặc những dữ kiện
thuộc loại “thâm cung bí sử” như các vị kia nên không dám phán đoán
những chi tiết mà các vị ấy đưa ra nó đáng tin tới mức nào. Người viết
cũng chỉ nghe kể lại là Thiếu tuớng Phạm Văn Phú đã từ chối lời mời di
tản của người Mỹ, ở lại và tự tử bằng 32 viên Chloroquine.
Có một điều mà người viết chắc chắn là: Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã chết, và chính ông đã chọn cho ông cái chết ấy.
*
Nhân vô thập toàn! Có ai mà khi sống lại không có những lúc sai trái,
lầm lẫn điều này, điều nọ. Nếu Thiếu tướng Phạm Văn Phú trong những
ngày miền Nam hấp hối, ung dung bước lên phi cơ di tản; thì giờ đây
chúng ta có quyền nói với ông điều mà chúng ta không có đủ tư cách để
nói với anh linh của người anh hùng Phạm Văn Phú.
Nếu sau khi để mất thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu cũng bỏ thành
chạy trốn như Hoàng Hữu Xứng, Lê Trinh… thì chắc chắn ông cũng sẽ bị
triều đình ra lệnh đóng gông và giải về Kinh nghị án, rồi có thể sẽ bị
giáng xuống làm một người lính trơn, phải đi “Tiền quân hiệu lực” để
chuộc tội đã mất thành trì. Và sử sách cũng sẽ không trân trọng ghi tên
ông vào như hơn một trăm năm qua.
Nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu đã chọn cho mình một cái chết, để nhận
trách nhiệm với triều đình và với dân tộc. Chính thái độ chọn lựa ấy mà
lịch sử mới khắc tên Hoàng Diệu bằng hai chữ vàng: “Tuẫn Quốc”.
Nếu miền Nam còn, và Thiếu tướng Phạm Văn Phú còn; có thể ông sẽ bị
buộc cho một số trách nhiệm của một vị Tư lệnh. Nhưng cuối cùng, trước
Quân Đội, trước Tổ Quốc, vì Danh Dự và Trách Nhiệm, Thiếu tướng Phạm Văn
Phú đã chọn mức trách nhiệm cao nhất: Cái Chết!
Thế thì còn gì nặng hơn nữa để chúng ta có thể trút lên vai Thiếu tướng Phạm Văn Phú?
Những Hoàng Hữu Xứng, Tôn Thất Bá, Phan Văn Tuyển… chắc chắn sẽ không
có một tư cách gì để phê phán người chủ tướng của họ là quan Tổng đốc
họ Hoàng. Chắc chắn là như thế!
Ai trong số những người còn sống, đã sinh ra và đã sống, sẽ sinh ra
và sẽ sống sau cái chết của Tổng đốc Hoàng Diệu có đủ tư cách để bôi nhọ
ông? Chắc chắn là không!
Thế
thì ai trong số chúng ta hiện giờ sẽ có đủ tư cách để bôi nhọ Thiếu
tướng Phạm Văn Phú? Phê phán thì có thể, nhưng chỉ có lịch sử mới có cái
quyền ấy! Hay là các vị Đại tá, Thẩm phán ấy tự cho mình có quyền phê
phán, và hơn nữa, quyền được bôi nhọ cái tên Phạm Văn Phú? Các vị ấy
muốn qua mặt lịch sử, muốn ngồi trên lịch sử và đặt ra lịch sử theo ý
riêng của mình hay sao?
Cái tên Phạm Văn Phú bây giờ không còn là của riêng cá nhân Thiếu
tướng Phạm Văn Phú, cũng không còn là của riêng gia đình Thiếu Tướng
Phạm Văn Phú; mà cái tên ấy hiện giờ là của chung tất cả chúng ta. Cũng
như những cái tên Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn
Hai, Hồ Ngọc Cẩn…, cái tên Phạm Văn Phú đã trở thành những biểu tượng,
là những cái tên được khắc bằng chữ vàng vào lịch sử. Không một ai có
quyền bôi bẩn những cái tên ấy, dù bằng bất cứ hình thức nào, hoặc vì
bất cứ lý do gì!
*
Những cái tên ấy, những con người ấy, những cái chết ấy đã làm sáng
lên danh dự của một Quân đội kiêu hùng đã chống đỡ cho sự tồn vong của
miền Nam trong hai mươi mốt năm. Những con người ấy đã thay cho hết thảy
chúng ta để gánh vác cái phần nặng nề, gai góc nhất của gánh nặng trách
nhiệm để mất miền Nam. Nếu có ai tự hào là cá nhân mình đã vượt qua
những gì mà các con người ấy, các tên tuổi ấy, các cái chết ấy đã vượt
qua thì mới có quyền bôi bẩn tên tuổi của các vị anh hùng đã tuẫn quốc
đó.
Ai mà trong cuộc đời lại chẳng có kẻ yêu, người ghét. Thiếu tướng
Phạm Văn Phú chắc cũng không ra ngoài cái quy luật ấy. Nhưng những thù
hằn, những tỵ hiềm cá nhân của các vị ấy đến đâu chắc cũng không thể nào
nặng hơn những gì mà Thiếu ướng Phú đã thay chúng ta để làm trong những
giờ phút cuối cùng của miền Nam.
Nếu có một chút lý trí và lòng tự trọng tối thiểu, các vị ấy có lẽ sẽ
không bao giờ đi làm một việc mà Cộng sản Hà Nội bao nhiêu năm qua rất
muốn làm nhưng chưa có cách gì làm được: nói xấu và bôi bẩn các biểu
tượng anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa!
Đừng bao giờ nên để cho những tỵ hiềm cá nhân làm mờ lý trí. Huống chi những tỵ hiềm riêng ấy cũng không lấy gì là chính đáng!
*
Trước khi muốn phán xét người, chúng ta hãy tự phán xét mình. Liệu
chúng ta có đủ lý trí, lòng khách quan và sự can đảm nhìn vào sự thực để
tự phán xét mình chưa?
Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu. Nói xấu người khác tức bẩn mồm
mình. Khi chúng ta muốn bôi bẩn người khác, chúng ta đã tự bôi bẩn mình.
Huống chi giữa chúng ta và con người mà chúng ta muốn bôi bẩn ấy,
khoảng cách giờ đã quá xa, quá rõ. Không khéo lại có thể làm cho mọi
người thấy rằng chúng ta chê bai bôi bẩn các người anh hùng ấy chỉ nhằm
mục đích muốn nổi tiếng nhờ vào cách đóng trò khỉ ở gần những ánh hào
quang của những người đã dám “thung dung tựu nghĩa!”
Thác trong thôi cũng nên đời
Sống thừa chi để kẻ cười người chê!
(Chính khí ca).
Có lẽ rồi một ngày nào đó sẽ có người viết một “Tân chính khí ca” để
nói về các Hoàng Diệu năm 1975. Còn xin thưa với các ông Đại tá, Thẩm
phán đã bỏ công viết lách để cố công làm mờ đi một biểu tượng: những con
đom đóm làm sao đọ được với ánh mặt trời.
Bởi vì so với những cái “THÁC TRONG” của các bậc anh hùng tuẫn quốc
kia, các vị Đại tá T.K.K, L.K.L., Thẩm phán Nguyễn Cần, tức Tú Gàn, tức
Lữ Giang và cả bản thân người viết bài này nữa, chúng ta chỉ là những kẻ
đang “SỐNG THỪA” mà thôi!
LÃO MÓC
0 comments:
Post a Comment