Thursday, December 6, 2012
TỪ “NGÀN GIỌT LỆ RƠI” ĐẾN “THẾ LỰC ĐEN”!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
“Phân nửa Quốc Gia mong các chị
Chia hai công việc với đàn ông!”
I – TỪ TỰ TRUYỆN “NGÀN GIỌT LỆ RƠI” (A THOUSAND TEARS FALLING) CỦA YUNG KRALL:
Trong một cuộc biểu tình “Thứ Ba Đen” trước Tòa Thị Chính thành phố San Jose để giành lại danh dự và đòi lại nền dân chủ đã bị bà Nghị viên “ăn cháo đái bát” Madison Nguyễn và Thị Trưởng Chuck Reed chà đạp và tước đoạt bằng cách dùng “trò chính trị nhơ bẩn” (dirty politic game) áp đặt tên Saigon Business District cho khu thương mại trên đường Story, trong khi đa số người Mỹ gốc Việt đều thỉnh cầu được đặt tên Little Saigon, chúng tôi có hân hạnh gặp chi Đặng Mỹ Dung (tức bà Yung Drall) qua lời giới thiệu của anh Th., một người bạn hồi thời Trung học. Anh Th. là anh em bà con với chị Đặng Mỹ Dung. Tôi có ý định phỏng vấn chị Đặng Mỹ Dung về quyện tự truyện “A Thousand Tears Falling” (ấn bản Việt ngữ) nhưng sau đó, vì bị cuốn hút vào “sự biến” Little Saigon nên ý định phỏng vấn tác giả “NGÀN GIỌT LỆ RƠI” đã chưa thực hiện được thì chị Đặng Mỹ Dung đã rời San Jose.. Ý định này lại càng nung nấu khi chúng tôi nhận được bản thảo tự truyện “THẾ LỰC ĐEN” của nhà tranh đấu dân chủ NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH. Tôi đã soạn sẵn một số câu hỏi định nhờ anh Th. gửi cho chị Đặng Mỹ Dung, nhưng, may mắn thay, trên điện báo Việt Luận có bài phỏng vấn tác giả “Ngàn Giọt Lệ Rơi”.
Trong lời toà soạn, tuần báo Việt Luận đã giới thiệu về “người phụ nữ bản lãnh này” như sau:
“Cuộc chiến Bắc Nam kéo dài hơn 20 năm đã làm cho hầu hết những gia đình Việt Nam đếu phải chịu cảnh con xa cha, vợ xa chồng, gây ra những mất mát quá lớn về cả vật chất lẫn tinh thần và sau cuộc chiến chấm dứt vẫn còn để lại biết bao vết thương, thù hận, lòng người chia cắt… kéo dài đến hôm nay.
Gia đình chị Đặng Mỹ Dung là một trường hợp khá tiêu biểu của những gia đình ở miền Nam Việt Nam. Sau 1954, cha chị tập kết ra Bắc, còn chị em chị cùng mẹ ở lại trong Nam được nuôi dưỡng trong môi trường biết quý trọng giá trị của tự do và hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản. Chị lập gia đình với một sĩ quan cao cấp người Mỹ và rời khỏi Việt Nam trước ngày mất nước. Sau 1975, cha chị là ông Đặng Quang Minh, lúc đó là đại sứ của Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tại Moscow gặp lại gia đình lần đầu sau hơn 20 năm chia cắt tại Paris. CSVN nghĩ là có thể lợi dụng chị qua tình cảm cha con để xây dựng một mạng lưới gián điệp tại Hoa Kỳ. Chị Đặng Mỹ Dung hành xử trong cương vị là một công dân Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ quê hương thứ hai. Chính chị đã giúp cơ quan tình báo Mỹ phá vỡ mạng lưới gián điệp của CSVN tại Mỹ.
Tất cả những chi tiết đó và cuộc đời chị kể lại trong cuốn tự truyện “Ngàn Giọt Lệ Rơi” sẽ xuất bản bằng tiếng Việt trong năm nay (2008)”.
Chị Đặng Mỹ Dung đã trả lời câu hỏi: “Làm sao chị tạo được mối quan hệ với nhân viên ngoại giao và gián điệp của CSVN sau năm 1975? Và chị có thể kể lại cho độc giả biết về vụ án Trương Đình Hùng có liên hệ trực tiếp đến chị?” của tuần báo Việt Luận ở Úc như sau:
“Tháng 5 năm 1975, ba tôi trở về miền Nam trong chiến thắng của Hà Nội nhưng cá nhân của ông là chiến bại vì vợ con ông sợ Cộng sản quá nên đã bỏ chạy qua Mỹ trước đó 2 tuần. Trời thương gia đình tôi nên đưa đẩy cho ba má tôi gặp nhau trên nước Pháp do ông Lê Duẫn bạn chí thân của ba tôi đứng sau lưng giúp đỡ. Trong Bộ Ngoại Giao của Hà Nội lúc đó ai cũng biết là ông Lê Duẫn tin tưởng ba tôi lắm. Được biết trong lịch sử của đảng CS ba tôi là đảng viên lần đầu được nhà nước cho phép gặp vợ con ở nước ngoài, cho nên khi tôi gặp ba tôi ở Paris thì những cán bộ của hai tòa đại sứ Hà Nội và MTGPMN đều đón tiếp con gái của ba tôi một cách nồng nhiệt. Phải thành thật mà nói có những đồng chí của ba tôi cũng ở cùng hoàn cảnh xa vợ con suốt thời kỳ chiến tranh cho nên họ hết lòng giúp cho cuộc hội ngộ nầy trọn vẹn cho ba má tôi và tôi. Nhưng khi tới Paris, gặp một vài ông cán bộ tình báo thì mới biết họ đã làm “home work” kỹ càng về tôi, biết chồng tôi là sĩ quan tình báo của Hải Quân Mỹ làm việc tại Ngũ Giác Đài, là phi công của Hải Quân, họ muốn làm thân với tôi vì con mồi lớn kia cùng một lúc Hà Nội bắt đầu củng cố lại nội bộ của Việt Kiều Yêu Nước. Bất đắc dĩ tôi nhận lời làm tai mắt cho ông chủ tịch của Việt Kiều Yêu Nước, trụ sở tại Paris. Trùm gián điệp CSVN cũng cho tôi công tác để móc nối với gián điệp của họ ở Mỹ.
Mọi liên hệ giữa tôi và cán bộ CSVN tại Paris, Mỹ và các nước khác đều được báo cáo với CIA trong những bản báo cáo tôi trình lên cho sở này.
Nói tóm lại, nhân viên Bộ Ngoại Giao và gián điệp của CSVN LỢI DỤNG CON CỦA BA TÔI chớ TÔI KHÔNG CÓ RÌNH NHÀ HỌ TRƯỚC.
Vụ án của Trương Đình Hùng đã có nhiều báo chí, sách vở nói đến, trong A Thousand Tears Falling tôi cũng có ghi chép lại những chi tiết từ ngày đầu tôi được tình báo CSVN giới thiệu tôi với Trương Đình Hùng cho đến này ông ấy bị FBI bắt”.
II. ĐẾN TỰ TRUYỆN “THẾ LỰC ĐEN” CỦA NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH:
Theo tác giả Trần Hoàng Châu, là người vốn quen với chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh “vì tình chị em nặng nợ cưu mang việc “chống Cộng”, vì cùng lập trường đấu tranh” thì “THẾ LỰC ĐEN” là “những trang sách mang tính tự truyện những gì chị đã đi qua trong hành trình tìm tự do, trong đấu tranh cho tự do, dân chủ từ Âu sang Mỹ Châu.
Từ những cảnh ngộ của địa ngục trần gian trong các trại tù vượt biên thoát khỏi bàn tay quỷ dữ CSVN, rồi ở trong trại tù ở Anh Quốc vì đốt cháy tòa Đại sứ VC tại Luân Đôn, rồi chọn tòa án làm diễn đàn đấu tranh cho tự do dân chủ ở Hoa Kỳ. Để rồi, tình nghĩa của những cựu quân nhân Quân Lực VNCH, tình đồng bào giành cho chị khi chị còn trong lao tù ở Mỹ trong việc “đốt” (Phó) Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng ở San Francisco. Những trang tự truyện của chị Ngọc Hạnh đã thu hút tôi say sưa từng bối cảnh xẩy ra trong cuộc đời của chị. Càng đọc, tôi thấy càng thú vị, chị đã ghi lại một cuộn phim thật sống động trong đời đấu tranh của chị. Vì lý tưởng tự do, chị đã vượt thoát bao nhiêu khổ ải trong cuộc đời, chị dùng trí tuệ để đấu tranh với những trắc ẩn, phản bội xảy ra trên đường đấu tranh.
Ngọn bút của chị không trau chuốt như một văn hào, không văn hoa như một nhà tiểu thuyết, nhưng trong cung cách viết của chị đều là những lời xuất phát từ đáy lòng của một con người vì quê hương dân tộc, một chiến sĩ chống Cộng vì lý tưởng tự do.
Qua 11 chương tự truyện của chị Ngọc Hạnh là một con người hiếm quý trong công cuộc đấu tranh chống Cộng. Chương 1, chị chọn Pháp Đường tự do nói lên cho nhân dân Hoa Kỳ biết rằng họ đã làm một việc rất ư là lỗi lầm đối với sự bỏ rơi một đồng minh Nam Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tự do dân chủ ngăn lại làn sóng đỏ vì quyền lợi của quốc gia họ… Sự lỗi lầm này hôm nay được lương tâm của một người Mỹ làm nghề đánh máy trước quan tòa “rơi lệ”. Chị Ngọc Hạnh viết: “Ông già đánh tốc ký, chúng ta là người xa lạ, nhưng với tình nhân loại ông đã cùng tôi đau nỗi đau chung. Những giọt nước mắt của ông đã cho tôi niềm tin bất diệt, có Hồn Thiêng Sông Núi đưa đường dẫn lối để ông có mặt hôm nay. Những giọt lệ của ông, đã tiếp sức cho tôi đủ nghị lực đương đầu trước tòa án Hoa Kỳ, những giọt nước mắt của ông đã giúp tôi hoàn thành một sứ mạng của một nạn nhân, sứ mạng của một chứng nhân. Chính ông đã giúp hàn gắn trong tôi cái định kiến về nước Mỹ, về cuộc chiến cho lý tưởng tự do mà nước Mỹ đã xiển dương tinh thần tự do tiêu biểu cho nhân loại”.
Những chương kế là những tình tiết trên cuộc đời đấu tranh cho tự do của chị tại Hoa Kỳ, tại Luân Đôn, đâu đâu chị cũng chọn những “hành động” hiếm có làm cho kẻ địch khiếp sợ. Nhưng đâu phải dễ dàng, chị phải trả bởi những giá quá đắt cho cuộc đời của chị. Thay vì chọn sự dễ dàng để vượt qua lao tù, chị đã chọn 5 năm tù tại Hoa Kỳ để nói lên tiếng nói công đạo mà không phải cho cá nhân của chị mà cho cả một dân tộc Việt Nam đang khát khao tự do dân chủ.
Những trang kế tiếp là NHỮNG ĐẤU TRƯỜNG, người phụ nữ chỉ đôi bàn tay mềm yếu, nhưng trí cao vời vợi. Với cái đầu lớn hơn một quả bưởi mà trí rất cao đã giúp chị thoát ra khỏi những cạm bẫy của kẻ thù muốn ám hại chị và đã trở về trong vinh quang. Vinh quang này không phải của riêng chị mà nhờ ngày vinh quang này, hôm nay chị bình tĩnh, con tim lắng đọng, để ngồi viết lại những trang hồi ký với nhiệm vụ kế tiếp “VẠCH MẶT THẾ LỰC ĐEN”.
*
Chắc sẽ có nhiều độc giả thắc mắc vì sao chúng tôi lại liên hệ hai quyển tự truyện của hai vị nữ lưu Đặng Mỹ Dung và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.
Câu trả lời rất gản dị vì cả hai quyển tự truyện đều viết bởi NGƯỜI THẬT, VIỆC THẬT. Họ là NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG của một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, đau thương của dân tộc Việt Nam.
Hai vị nữ lưu đầy bản lãnh này đều là người miền Nam vốn là những người chơn chất, hiền lành. Nhưng những nanh vuốt, những móng nhọn của cuộc đời, của những gian manh, tráo trở, lật lọng, láo lường, độc ác của tình báo, gián điệp… đã bắt buộc họ đã phải phản ứng, chống đỡ để sinh tồn. Họ đã viết bằng MÁU CỦA CON TIM VÀ KHỐI ÓC CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH! Họ đã vì BẤT BÌNH TẮC MINH mà viết lên NHỮNG CHUYỆN THẬT CỦA ĐỜI MÌNH!
Theo tin báo chí thì, chị Đặng Mỹ Dung đã hợp tác với cơ quan CIA và đã phá vỡ mạng lưới gián điệp tại Hoa Kỳ qua tiếp xúc với “đầu mối” là Trương Đình Hùng (con của ông Trương Đình Dzu). Hoa Kỳ đã trục xuất đại sứ VC tại Liên Hiệp Quốc (?) lúc đó là Đinh Bá Thi về nước. Cũng theo tin báo chí thì sau đó Đinh Bá Thi đã bị tử nạn trong một tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Khi được hỏi: “Yếu tố nào đã thúc đẩy chị viết tác phẩm “Ngàn Giọt Lệ Rơi”? chị Đặng Mỹ Dung đã cho biết như sau:
“Câu chuyện của những người đi tập kết đâu có giấy mực nào ghi chép hết. Phần tôi, tôi viết để thế hệ con cháu của tôi nó biết gia đình của nó, hy vọng như vậy. Tôi viết để ghi ơn ông bà cha mẹ anh chị em của tôi và những người đi qua trong đời tôi đã giúp cho tôi thành người. Trăm ngàn gia đình có thân nhân đi tập kết cũng muốn kể lại khoảng đời nầy của họ, nhưng phần đông không viết được vì họ đang ở tại Việt Nam, có những người sống ở hải ngoại nhưng họ không dám ra mặt sợ thân nhân của họ bị phiền phức với nhà nước ở Việt Nam. Lần cuối cùng gặp ba tôi ở Luân Đôn, tôi có cho ba tôi biết là mấy chục năm qua tôi viết nhựt ký, ba tôi có vẻ ưu tư rồi khuyên tôi nên viết thành sách cho con cháu trong gia đình biết về tổ tiên ông bà của chúng nó.
Tôi nhớ hoài câu nói ngắn ngủi nhưng thành thật vô cùng của một đảng viên Cộng sản: “Con viết dùm cho ba, hoàn cảnh chưa cho phép những người như ba viết hồi ký, chỉ có chánh phủ mới được viết hồi ký thôi con à.”
Nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ngay trong “Lời nói đầu” của quyển tự truyện đã cho biết lý do chị phải viết quyển tự truyện này như sau:
“… Rất nhiều bạn hữu đề nghị tôi viết hồi ký tường thuật lại những gì đã qua trong thời gian đấu tranh tại San Francisco, Bắc California, Hoa Kỳ mà họ tin rằng tôi có thể biết nhiều uẩn khúc bên trong bức màn nhung của Thung lũng Hoa Vàng (Sillicon Valley). Nhưng tôi không sao viết nổi một chữ nào bởi hơn một năm đầu ra tù tôi đau yếu triền miên. Một ngày được nhìn thấy mặt trời lên như báo hiệu một ngày còn sống sót.
Nhưng hiện tình đấu tranh của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ngày càng một nghiêm trọng và phức tạp khi tập đoàn Cộng sản cho ra đời Nghị quyết 36, tôi quyết định bắt tay vào việc…
… Cuốn sách nhỏ bé này tới tay các bạn là cả một đoạn đường thống hận của chính tôi, những ngày đau thương máu lệ ngược dòng, những đêm dài trong cơn ác mộng nghe âm thanh sóng vỗ ầm ì, nghe từ tiềm thức những oan hồn réo gọi, hãy nói thay người bất hạnh những nỗi đoạn trường trên những tháng năm dài làm kẻ tha phương ngay trên chính quê hương cùng khổ của mình, cho những nạn nhân trong lòng biển Đông và thú dữ vượt rừng tìm tự do, những nắm xương phủ rong rêu dưới lòng biển Mẹ, những oan hồn vất vưởng giữa đại dương. Dòng máu mực như vết dầu loang hòa tan vào tim óc và những hệ lụy không ngưng tiếp diễn mà quê hương và đồng bào vẫn thống khổ lầm than. Tôi thân phận như cánh hoa đào tả tơi trước gió, một trong hàng triệu nạn nhân của thời cuộc, của sự đổi dời bể dâu khốn nạn, bèo dạt tả tơi tan nát một mảnh đời, VÉN BỨC MÀN ĐEN TÌNH BÁO CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM CÀI DÂY ĐẶC Ở HẢI NGOẠI NÀY (do tác giả bài viết này viết hoa). Tôi viết lên đây nỗi u uẩn đã từ lâu trăn trở trong lòng VÌ BIẾT MÌNH SỨC YẾU MÀ KẺ NỘI THÙ THÌ THẾ LỰC TRÙNG TRÙNG BÍ HIỂM VÀ HÙNG HÃN.
“XỨ NÀY LÀ XỨ CỦA ĐỒNG TIỀN. TÔI SẼ DÙNG TIỀN ĐỂ ĐÈ BẸP ANH, CHỊ.”
Tôi cố gắng đè nén nỗi lòng để được trình bày một cách trung thực hầu soi sáng Sự Thật, vâng chỉ có Sự Thật mới là sức mạnh vô biên, Sự Thật sẽ là chân lý và Sự Thật mới đáng trân quý. Tôi cố gắng bình tĩnh để sống lại những biến cố mà không quá xúc động hay hận thù bất kỳ ai khi viết lên trong cuốn sách nhỏ bé này. Những sự việc và con người liên quan chỉ là nói lên sự thật chớ không dụng ý bôi nhọ hay đả kích đồng thời trình bày quan điểm và nhận định của tôi với tư cách MỘT NHÂN CHỨNG SỐNG”.
*
Chị Đặng Mỹ Dung đã đem trải nghiệm của đời mình sau khi hợp tác với cơ quan tình báo CIA phá vỡ mạng lưới điệp báo của CSN tại Hoa Kỳ viết nên tự truyện “A Thousand Tears Falling” (quyển tự truyện đang được chị chuyển qua Việt ngữ với tựa truyện “NGÀN GIỌT LỆ RƠI” với “hy vọng con cháu tôi nó biết gia đình của nó”).
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, một “nữ chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ” viết tự truyện “THẾ LỰC ĐEN” với mục đích VÉN BỨC MÀN ĐEN TÌNH BÁO CỦA CSVN CÀI ĐẶC Ở HẢI NGOẠI NÀY!”
Chúc hai vị nữ lưu đầy bản lãnh với hai quyển tự truyện “NGÀN GIỌT LỆ RƠI” và “THẾ LỰC ĐEN” được viết “giữa ngàn cơn thác loạn” sẽ TRĂM NĂM ĐỂ MỘT TẤM LÒNG VỀ SAU!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
Tieng-dan-weekly.blogspot.com
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment