ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘIVĂN PHÒNG LUẬT SƯ VÌ DÂN
————-***————-
Số:48 /VPLSVD
V/v: Xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án cầu Nhật Tân và khiếu nại, tố cáo của nhân dân. |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–***—————–
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012
|
Văn phòng Luật sư Vì Dân, nhận tư vấn pháp luật cho gần 200 hộ dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c, Phú Thượng, Tây Hồ – Hà Nội; khiếu nại, tố cáo về những việc sai trái trong quá trình triển khai, thực hiện, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại Cầu Nhật Tân – Hà Nội; không thực hiện đúng pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm sai quy hoạch,… gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đưa gần 200 hộ gia đình với hàng ngàn nhân khẩu vào tình cảnh mất nhà, mất đất, cuộc sống khó khăn. Vụ việc này đã gây nên sự “chống” nhưng không “đối”, bức xúc của người dân khiếu tố, khiếu nại lên các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước; tạo nên sự mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền địa phương với nhân dân tại đây. Ông Đỗ Mười (nguyên Tổng Bí thư của Đảng) cũng đã có ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể các hộ dân ngày 03/12/2012; ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TW, Trưởng ban 6/2 của Đảng) cũng đã có văn bản gửi ông Vũ Đức Đam – Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ ngày 26/12/2012 trên đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xem xét thực tế, tiếp xúc với các hộ dân, căn cứ quy định của pháp luật,… Chúng tôi thấy rằng: việc triển khai thực hiện dự án Cầu Nhật Tân có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật và vì lợi ích nhóm; gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của gần 200 hộ dân tại đây; cụ thể là:
Thứ nhất: Những dấu hiệu vi phạm pháp luật:
1/ Dự án đầu tư xây dựng Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đã được xác định tại quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998; như vậy, muốn thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân thì phải được Hội đồng Nhân dân Thành phố chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tự mình thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân là không đúng pháp luật;
2/ Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 5251/TTr-BGTVT ngày 25/8/2005 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số: 76 BKH/ĐT&GSĐT ngày 05/1/2006; Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo số: 128/TTg-CN ngày 19/1/2006. Nhưng Bộ kế hoạch đầu tư và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã không chấp hành ý kiến của Thủ tướng, thể hiện là:
2.1/ Dự án Cầu và đường hai đầu cầu đã bị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải thay đổi mà không xin ý kiến Thủ tướng, được thể hiện tại văn bản số: 3453/UBND-XDĐT ngày 08/8/2006 (do ông Đỗ Hoàng Ân – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký): “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào các khu đất đã được UBND Thành phố giao thực hiện các dự án: Khu đất D1, D3 thuộc khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng và phường Xuân La, quận Tây Hồ, khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị hiện đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Đây là hành vi đủ căn cứ khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm hình sự, vì: Để bảo vệ lợi ích của một doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại khu đất này, mà thay đổi thiết kế đưa Đường đầu cầu nắn vào nhà dân, buộc gần 200 hộ dân bị giải tỏa đi vào cuộc sống cùng cực. Hành vi đó làm thay đổi quy hoạch cầu Nhật Tân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ thuật hàng trăm năm sau mà con cháu phải gánh chịu, làm thiệt hại đến lợi ích nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân;
2.2/ Không thực hiện ý kiến của Thủ tướng, lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch,…
2.3/ Không lấy ý kiến của giới chuyên môn và ý kiến của nhân dân như chỉ đạo của Thủ tướng. Việc này, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội lại được hợp thức hóa bởi việc giao cho Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải họp với một số cá nhân (21 người) đại diện cho một số Cơ quan mà về cơ bản không đúng thành phần và Hội Kiến trúc; họp một số người dân (các việc này đều có trước khi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ); nội dung cuộc họp đều không đi đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng; mặc dù các ý kiến này không đúng quy định về hình thức, thành phần, thời gian, … Nhưng cũng có một số ý kiến rất xác đáng đều bị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội không xem xét.
Thứ hai: Những dấu hiệu làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và quyền lợi chính đáng của các hộ dân:
- Việc điều chỉnh đất Đường đầu cầu né tránh đất của doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại đó, để chỉnh đường sang giải tỏa gần 200 hộ dân như đã nêu trên. Đồng thời không giải quyết cấp đất tái định cư cho các hộ dân, đẩy nhân dân lên căn hộ nhà chung cư, việc bồi thường, giải tỏa, cưỡng chế có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: Giá đất, tài sản trên đất, diện tích đất, xác định thành phần hộ gia đình trong một nhà ở, chính sách đối với người có công với nước (xin lưu ý khu đất này nguyên là của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân cấp cho các gia đình quân nhân sinh sống tại đây), việc áp dụng chính sách tái định cư thiếu công bằng (cùng điều kiện như nhau nhưng có hộ gia đình được 2 căn tái định cư, có hộ gia đình chỉ được 1 căn tái định cư); không cấp đất tái định cư cho dân, ngược lại lấy đât bán đấu giá để thu tiền;
- Việc cưỡng chế thu hồi đất, thông báo cho dân không đúng quy định, sử dụng lực lượng công an và quân đội để cưỡng chế, một số đối tượng chưa rõ thành phần, mặc thường phục đánh đập dân (có băng video);
- Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường đang khiếu nại, tố cáo chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của cấp có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án mà phá dỡ nhà dân, đẩy dân sống cảnh “màn trời chiếu đất” là vi phạm nghiêm trọng Luật Nhà ở.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin đề nghị các cấp có thẩm quyền:
Một là: Thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo với thành phần: Thanh tra Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… tiến hành thanh tra toàn diện dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, để làm sáng tỏ việc đúng – sai.
Hai là: Giữ nguyên hiện trạng đất ở và nhà ở của nhân dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c Phú Thượng, Tây Hồ – Hà Nội, điều chỉnh dự án trở về như cũ thuộc phần đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị. Nếu các hộ dân bị giải tỏa thì áp dụng chính sách tái định cư, cấp đất ở cho dân và bồi thường đúng pháp luật, bình đẳng, công bằng, đảm bảo đời sống cho nhân dân hiện tại và mai sau.
Ba là: Đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật như đã nêu trên, cần phải khởi tố vụ án, xem xét trách nhiệm hình sự của những người làm sai (cho dù người đó là ai), nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân; trừng trị, phòng ngừa và giáo dục chung những người lợi dụng chức quyền và vì lợi ích nhóm mà ngang nhiên chà đạp lên pháp luật. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin yêu của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Xin cảm ơn và gửi lời chào trân trọng./.
Nơi nhận:- Như trên;- Văn phòng TW Đảng;- VP Chủ tịch nước;- VP Quốc hội;
- Bộ trưởng Bộ Công an; - Bộ Tài nguyên và Môi trường; - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; - Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội; - Tư lệnh, Bộ tư lệnh Phòng không KQ; - Mặt trận Tổ quốc VN; - Ông Đỗ Mười và ông Vũ Quốc Hùng; - Đại diện 200 hộ dân; - Lưu. |
Trưởng văn phòng
Tiến sỹ, luật sư: Trần Đình Triển
|
Nguồn: Văn phòng Luật sư Vì dân-blog Basam
0 comments:
Post a Comment