Sunday, December 16, 2012

Tây Tạng : Trấn áp không ngăn được làn sóng phản kháng


Lực lượng cảnh sát bán quân sự đi tuần tại Lhasa ngày 07/12/2012. REUTERS/Handout/The International Campaign for Tibet
Anh Vũ_RFI
Kể từ khi Đại hội đảng 18 đảng cộng sản Trung Quốc bầu ra ban lãnh đạo mới của đất nước hồi giữa tháng 11, làn sóng tự thiêu của người Tây Tạng tại Trung Quốc không dịu xuống, mà trái lại vẫn tiếp tục diễn ra một cách đáng ngại. Điều này cho thấy  trấn áp không thể dập tắt được ngọn lửa phản kháng của người Tây Tạng. Nhật báo Le Monde trở lại đề tài này với nhận định « Sự bất lực của Bắc Kinh trước các vụ tự thiêu của người Tây Tạng ».
Theo Le Monde, êkíp lãnh đạo mới của Bắc Kinh được bầu ra sau Đại hội đảng 18 không tỏ ra có dấu hiệu nào sẽ cởi mở với Tây Tạng, mà trái lại có chiều hướng hà khắc hơn. Trong lúc các hành động tuyệt vọngcủa người Tây Tạng vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, những ngày gần đây, báo chí chính thức Trung Quốc đã mở chiến dịch tấn công dữ dội với hy vọng răn đe, chuẩn bị dư luận cho các cuộc trấn áp mạnh tay, hòng dập tắt làn sóng phản kháng trong các vùng tự trị của người Tây Tạng.
Báo chí liên tục chỉ đích danh Đạt Lai Lạt Ma là người chỉ đạo các « thế lực đứng đằng sau kích động hàng loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng ». Để thêm sức thuyết phục dư luận, tờ Global Times mới đây đưa ra « bằng chứng » về sự can dự của « bè lũ Đạt Lai Lạt Ma » vào các vụ tự thiêu của người Tây Tạng, đó là việc bắt giữ tại Aba, tỉnh Tứ Xuyên, tâm điểm của làn sóng tự thiêu, một nhà sư 40 tuổi và người cháu bị buộc tội đã xúi giục 8 người khác tự thiêu. Theo phóng viên của Le Monde, vụ bắt giữ này càng làm tăng thêm phẫn nộ của dân chúng Tây Tạng.
Để đối phó với làn sóng tự thiêu, chính quyền Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát. Mới đây, Tòa án tối cao và Bộ Công an đã công bố văn bản gọi là « Thông báo xử lý các vụ tự thiêu », theo đó những người tự thiêu, những ai xúi giục tự thiêu, hay những ai ngăn cản công an can thiệp cứu hộ, cũng như những ai tụ tập tưởng niệm người tự thiêu, đều có thể bị đưa ra truy tố vì tội gây rối trật tự hoặc sát nhân.
Le Monde trích dẫn ý kiến của bà Tsering Woeser, nhà văn và là một blogger người Tây Tạng nhận định : « Chỉ thị mới này rất cụ thể. Những người Tây Tạng hỗ trợ gia đình người tự thiêu, hay tham dự đám tang đều có thể bị kết án rất nặng nề. Các cơ quan đoàn thể buộc phải thải hồi hoặc phạt nặng các nhân viên, nếu họ tham dự vào các vụ tự thiêu bất kỳ dưới hình thức nào ».
Theo Le Monde, hôm 10 tháng 12, bà Tsering Woeser đã công bố trên blog của mình con số 100 người Tây Tạng tự thiêu từ năm 2009 đến nay. Sau chuyến đi tới Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải, bà ghi nhận ngày càng nhiều người tự thiêu không phải là người tu hành. Họ thuộc đủ các thành phần xã hội, từ học sinh, người lao động, cho đến các nghệ sĩ người Tây Tạng.
Theo ghi nhận của tổ chức phi chính phủ đấu ttranh vì quyền của người Tây Tạng, Internationnal Campaign for Tibet, từ sau cuộc nổi dậy trong các vùng tự trị của người Tây Tạng năm 2008, trấn áp là biện pháp chủ đạo và ngày càng được tăng cường.
Hàng chục nghìn công an, cán bộ của đảng đã được cử về các vùng nông thôn hay thành thị thuộc các khu tự trị Tây Tạng để khoanh vùng quản lý dân cư. Việc kiểm tra giấy tờ lưu trú, đi lại, được tiến hành gắt gao. Vậy nhưng tinh thần phản kháng của người Tây Tạng lại càng dữ dội hơn. Các cán bộ của chính quyền cử đến rất sợ bị cử đến các chùa chiền. Ngay cả những công chức chính quyền là người Tây Tạng cũng ngần ngại không biết xử sự thế nào cho đúng với người dân và nhất là họ lo ngại bạo lực bùng phát từ những vụ tự thiêu.
Nhật Bản : Quyền lực trở lại với cánh hữu
Thời sự châu Á được báo chí Pháp quan tâm nhiều đó là cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản trước thời hạn vào ngày 16/12 tới, mà kết quả rất có thể sẽ dẫn đến việc thay đổi chính phủ ở đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn.
Le Figaro chạy tựa « Nhật Bản chuẩn bị trở lại với cánh hữu ». Năm 2009 người Nhật đã bầu cho đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ) chấm dứt sự trị vì liên tục gần nửa thế kỷ của cánh hữu đảng Tư do Dân chủ (PLD). Theo Le Figaro, 3 năm sau, ngày Chủ nhật tới, cử tri Nhật dường như sẽ quay lưng với đảng cầm quyền mở đường cho cánh hữu trở lại chính phủ. Theo những thăm dò dư luận mới nhất, đảngTự do Dân chủ có khả năng sẽ giành đa số ở Hạ viện.
Nếu bầu cho PLD, tức là người Nhật đưa ông Shinzo Abe trở lại nắm quyền thủ tướng, chức vụ mà ông đã phải rời khỏi năm 2007, sau chưa đầy một năm nắm giữ. Theo Le Figaro, nếu đúng như dự báo, đây sẽ là sự lựa chọn trong tuyệt vọng của cử tri Nhật. Chính phủ hiện nay đã tỏ ra bất tài trong suốt 3 năm cầm quyền vừa qua, trong khi những kém cỏi của ê kíp thuộc đảng PLD vẫn còn đọng lại trong ký ức của người dân Nhật.
Ba chủ đề tranh cử nổi bật của hai đảng chính trị lớn và cũng là thách thức chủ yếu của Nhật Bản hiện nay, đó là : Quan hệ với Trung Quốc, kinh tế và chiến lược năng lượng hạt nhân.
Theo phân tích của Le Figaro, trên hồ sơ kinh tế, đảng PDJ chủ trương tự do trao đổi mậu dịch, trách nhiệm thuế khóa, trong khi đảng Tự do Dân chủ muốn nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy sản xuất.
Trên hồ sơ quan hệ với Trung Quốc, sự khác biệt giữa hai đảng là khá lớn. PDJ cam đoan duy trì đường lối cứng rắn bảo vệ chủ quyền đất nước, chống lại những khiêu khích thường trực của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Về phần mình, PLD đề nghị hướng đất nước theo tư tưởng dân tộc cực đoan : Thay đổi nội dung Hiến pháp hòa bình, chuyển lực lượng « phòng vệ » thành một quân đội « bình thường », giảng dạy lịch sử « ái quốc » cho học sinh để đề cao tinh thần tự hào của dân tộc Nhật.
Cuối cùng là chuyện từ bỏ điện hạt nhân. Cả hai đảng về cơ bản đều có chung lập trường là sẽ từ bỏ hẳn nguồn năng lượng này, nhưng mà trong lâu dài, nhưng cũng không loại trừ khả năng quay trở lại hạt nhân vào bất kỳ lúc nào. Cả hai đảng đều đang bị đặt vào sự lựa chọn khó xử. Một bên là tai nạn kinh hoàng như ở nhà máy điện Fukushima có thể xảy ra bất cứ lúc nào và một bên là mối lo ngại tác động tiêu cực đến sản xuất của Nhật, bởi giá năng lượng bị đội lên khi từ bỏ điện hạt nhân. Sản xuất của Nhật trong năm nay cũng đang khốn đốn vì thiếu năng lượng do 48 trong tổng số 50 lò phản ứng vẫn đang ngừng hoạt động, chờ được phép khởi động trở lại.
Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản. Nhật báo Libération chú ý đến « sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong một nước Nhật đang chán ngấy chế độ lưỡng đảng » thay nhau cầm quyền. Tờ báo đề cập đến việc ông thị trưởng Osaka và cựu thủ hiến vùng Tokyo đang muốn đưa Đảng phục hưng của họ, với tư tưởng dân tộc cực đoan, thành một lực lượng chính trị thứ ba ở nước này.
Cựu thủ hiến vùng Tokyo, ông Shintaro Ishihara, năm nay 80 tuổi, là người có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, từng đưa ra sáng kiến quốc hữu hóa hòn đảo trong quần đảo Senkaku khiến căng thẳng tranh chấp biển đảo Trung Nhật bùng lên dữ dội hồi tháng 9 vừa qua. Ông còn là người có những phát biểu không khoan nhượng với Trung Quốc trên vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật như «Nhật bản không thể trở thành một thuộc địa của Trung Quốc như Tây Tạng ». Tất nhiên đây là một đảng nhỏ, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, khó có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Chủ nhật tới. Nhưng đây là dịp để tiếng nói của họ được lắng nghe, trong bối cảnh xã hội Nhật đã quá chán chường với hình thái chính trị lưỡng đảng thay nhau cầm quyền mà không bên nào khá hơn bên nào.
Tối hậu thư cho chế độ Damas ?
Tình hình Syria dường nhưng đang có chuyển biến mới. Trong tuần, Liên minh Quốc gia Syria (CNS) đối lập với chế độ Damas đạt được những thắng lợi ngoại giao quan trọng. Tiếp sau Hoa Kỳ, toàn bộ nhóm các nước bạn của Syria đã chính thức công nhận CNS là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria. Nga, đồng minh hiếm hoi của chế độ Damas có vẻ cũng bắt đầu có dấu hiệu bỏ rơi chế độ al-Assad.
Nhật báo Le Figaro cho biết Matxcơva và Washington đã đạt được thỏa thuận cử nhà trung gian hòa giải Brahimi mang « tối hậu thư » đến cho Bachar al Assad.
Theo Le Figaro, sau hai phiên thương lượng trực tiếp tại Dublin và Genève, Washington và Matxcơva đã quyết định cử ông Lakhdar Brahimi, nhà trung gian hoà giải của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập tới gặp Bachar al Assad với nhiệm vụ, dường như là để trao tối hậu thư để tổng thống Bachar al Assad rời bỏ quyền lực trong « danh dự ». Hôm qua trên BBC, Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria cũng đã nói đến sáng kiến trên và cho biết « Nga đã bắt đầu thay đổi dưới sức ép của phe nổi dậy tại hiện trường ». Sau đó ít giờ, chính thứ trưởng ngoại giao nga Mikhail Bogdanov đã thừa nhận chế độ Damas đang mất dần kiểm soát đất nước và khả năng phe đối lập Syria giành thắng lợi là hoàn toàn có thực. Cộng đồng quốc tế đang hy vọng cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn một năm qua tại Syria sẽ sớm chấm dứt, đồng thời cũng muốn biết số phận của nhà độc tài Bachar al Assad sẽ ra sao.

0 comments:

Powered By Blogger