BTC của HĐ từ lúc gần ra đời đến
nay đã làm xôn xao dư luận – nói như một học giả người Mỹ trong Vietnam
Studies Group (từ ĐH Washington) thì cuốn sách là một sensation. Người
khen thì rất nhiều, kẻ chê cũng không ít, nhưng dù yêu dù ghét thì mọi
người đều phải đồng ý một điều: đây là cuốn sách đầy đủ nhất về lịch sử
VN sau năm 1975, cho dù tất nhiên vẫn rất phiến diện, như chính tác giả
cũng thừa nhận và dự liệu.
Như rất nhiều người Việt khác ở
trong và ngoài nước, tôi cũng háo hức tìm và đọc cuốn sách này. Vì cuốn
sách rất dày, nên tôi chỉ mới lướt qua toàn bộ cuốn sách (Phần 1: Giải
phóng) và đọc kỹ những phần mình quan tâm nhất, đó là những chương về
cuộc sống ở SG sau năm 75, trong đó có các chương mà nhiều người khen
hay như các chương Cải tạo, Đánh tư sản, Nạn kiều. Nhưng có lẽ
không giống với nhiều người khác, tôi không có ấn tượng gì mấy về những
chương vừa nêu. Những chi tiết trong các chương ấy đa phần tôi đã biết
quá rõ và gần như có thể tự viết ra được mà chỉ dựa vào trí nhớ. Vì đó
chính là một phần không bao giờ quên được của cuộc đời tôi.
Trước khi “giải phóng”, tôi chỉ là
một đứa trẻ con chưa đầy 15 tuổi, nhưng sau ngày 30/4/1975 tôi đã từ vai
trò một đứa con thứ trong gia đình (tôi thứ ba, có cả anh trai và chị
gái, nên hầu như chẳng bao giờ được giao việc gì quan trọng) bỗng trở
thành một trụ cột, khi anh chị tôi đi “di tản” theo dòng người đông
nghẹt leo lên những chiếc tàu để chở quân nhân Mỹ rời VN vào chiều
29/4. Ba tôi thì làm việc với chế độ mới không được bao lâu rồi xin tự
nghỉ việc vì “mất sức lao động”. Ông vốn có bệnh glaucoma (cao nhãn áp)
từ trước, đến sau 30/4 thì trở nặng, phải vào Bệnh viện Bình Dân vài
lần, tôi và mẹ tôi phải nuôi bệnh khá vất vả, đặc biệt là những ngày sau
năm 75 thiếu thốn đủ thứ. Ra viện, ba tôi có đi làm thêm ít lâu nhưng
đi làm về rất căng thẳng, hay kêu nhức đầu (từ trước 1975 ông đã bị
“thiên đầu thống” tức là đau nửa bên đầu) rồi cuối cùng làm đơn xin nghỉ
việc.
Lúc ấy, việc tự động xin nghỉ việc
của ba tôi đã làm cho mẹ tôi có chút ít oán trách, vì không phải ai cũng
được chế độ mới lưu dụng – thậm chí có thể nói là “trọng dụng” như ba
tôi: ông là một công chức hành chính rất giỏi của chế độ cũ, tốt nghiệp
Học viện Quốc gia Hành chính của VNCH, trước năm 75 làm việc tại Sở Thuế
Quận 5 với chức vụ gì đó khá cao, nhưng sau năm 75 sau mấy ngày đi học
tập (3 ngày?), ông vẫn được làm việc với chế độ mới. Tôi còn nhớ ông làm
tại Phòng Thu Quốc Doanh thuộc Sở Thuế TP HCM với trụ sở đặt trên đường
Đồng Khởi, chuyên phụ trách mảng thu thuế của các công ty sản xuất của
tư nhân mới được chế độ mới tiếp quản; lúc ấy tôi còn đến đó một vài
lần để đưa giấy tờ gì đó trong thời gian ba tôi nằm bệnh viện. Tôi vẫn
nhớ trước khi ông quyết định nghỉ thì ba mẹ tôi có tranh cãi với
nhau khá nhiều về điều đó, và mẹ tôi cố khuyên ông cố gắng đi làm vì con
cái (lúc ấy là tôi) cần có lý lịch “cha (mẹ) làm việc cho nhà nước” để
thi đại học, nhưng cuối cùng ông vẫn nghỉ và tôi đã đi thi đại học với
cái lý lịch “mẹ buôn bán nhỏ, cha trước 1975 làm việc cho chế độ cũ, sau
1975 đi làm tại …, đến năm 1977 nghỉ việc vì mất sức lao động.”
Mãi đến sau này, khi tôi quyết định
nghỉ việc khỏi cơ quan cũ (cũng chính là trường đại học mà tôi đã thi
vào, đậu, là sinh viên rồi sau đó được giữ lại làm giảng viên đến mấy
chục năm) như một hành động phản đối (dù chỉ lặng lẽ và không nói ra cho
ai biết), tôi mới nhớ lại hành động nghỉ việc của ba tôi hồi ấy, và tự
hỏi, phải chăng ông đã quyết định nghỉ vì không thể chịu nổi những chính
sách vô lý, vô nhân của chính quyền mới mà lúc bấy giờ ông phải cam tâm
làm người thực hiện, và thậm chí phải đóng vai người tham mưu? Câu hỏi
này không ai có thể trả lời cho tôi được, vì cũng như nhiều người thuộc
bên thua cuộc còn ở lại VN sau năm 75, ông đã ra đi mang theo tất cả
những suy nghĩ của ông về chế độ mới và thời đại mới xuống tuyền đài mà
không kịp chia sẻ cho ai.
Cũng vì rút hồ sơ để nghỉ việc nên
tôi mới có dịp nhìn thấy trên tờ khai lý lịch đi thi đại học của tôi đã
được cán bộ tuyển sinh năm ấy ghi chú ở trên là “con ngụy quyền”. Chẳng
rõ dòng chữ ấy trên lý lịch có làm ảnh hưởng gì đến “sự nghiệp chính
trị” của tôi không, chỉ biết sau khi ở lại trường thì tôi luôn bị lẹt
đẹt, chậm chạp hơn những bạn bè cũng lứa trong việc xét biên chế chính
thức, xét tăng lương, xét cử đi học, vv. Nhưng cũng chẳng hiểu tại sao
tôi chưa bao giờ thắc mắc về những điều ấy cả, mà luôn chấp nhận đương
nhiên bị đối xử tệ hơn, “vì mình là con ngụy, lý lịch lại xấu, anh chị
đi di tản, định cư ở Mỹ” mà. Tôi luôn nghĩ như tôi mà được đi học, lại
có việc làm trong nhà nước (thay vì phải đi buôn bán ở chợ như nhiều
người khác cùng lý lịch), thì dù có bị kỳ thị đôi chút (!), lẹt đẹt đôi
chút, cũng là đương nhiên, và thực ra là may mắn lắm rồi!
Nói thẳng thừng ra, thì chúng tôi còn sống sót đã là may, vì chúng tôi là bên thua cuộc!
Vâng, suốt mấy chục năm đó từ ngày
30/4/1975, ở phía bên thua cuộc là tôi và gia đình tôi, rồi các chú, các
bác, cô dì cậu mợ và con cháu của họ hàng tôi và sau này là gia đình
ông xã tôi – vốn là một TNXP, đi theo lời kêu gọi của ông VVK để tìm
cách gột rửa lý lịch như HĐ đã viết trong chương về thanh niên xung
phong – có biết bao nhiêu là bi kịch đã xảy ra. Bà con tôi, bạn bè tôi
và hàng xóm tôi có rất nhiều người phải đi học tập cải tạo, có người
trốn trại cải tạo bị bắn chết, có người đi vượt biên bị bắt, khi công an
còng tay đã nhảy xuống biển chết, có người đi vượt biên bị mất tích cả
gia đình, có người bị đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, mất toàn bộ gia sản
nên phát điên, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm. Ông xã tôi
sau khi đi TNXP được ít lâu bị đưa sang Campuchia khi đang chiến tranh
thảm khốc, khi ba chồng tôi bị bệnh mất thì ông xin phép về chịu tang
cha rồi bỏ đi vượt biên luôn nhưng không thành, bị cắt hộ khẩu, cũng đã
có lúc phải lê la ở chợ trời buôn bán thuốc tây.
Tôi và đứa em kế cũng đã từng được
cha mẹ cho làm đơn đi “bán chính thức”, đóng tiền mỗi người cả chục cây
vàng (chả biết do ai mách bảo, dẫn mối), nhưng vừa mới đi đến Vũng Tàu
(giả dạng làm khách du lịch) thì được báo là “động, không xuống ghe
được” nên lại về chờ. Rồi ngay sau đó là vụ rồi chìm tàu ở SG (không rõ
có phải là vụ Cát Lái trong sách của HĐ không?), vụ này tôi cũng biết
rõ, vì lúc ấy ở khu Ông Tạ, Xứ An Lạc có nguyên cả một HTX đan len gồm
mấy chục gia đình với cả trăm nhân mạng cùng đi và mắc nạn trong chuyến
đi định mệnh ấy. Các xác chết được nhận về, đem về Nghĩa trang Chí Hòa
(bây giờ là Công viên Lê Thị Riêng) “người nào người nấy đã trương lên,
to như con bò”, tôi nghe mấy đứa hàng xóm kể như vậy khi chúng rủ
nhau lên nghĩa trang để xem, chúng rủ cả tôi nhưng tôi sợ ma, không
dám đi. Khăn tang trắng cả một xóm, rất thê lương. Chính vì vụ này mà
ba tôi ngừng hẳn không còn bao giờ dám nghĩ đến chuyện cho con cái đi
vượt biên nữa, nên tôi vẫn còn ở VN đến tận bây giờ.
Sau này, mỗi khi có dịp nghĩ đến
những sự kiện đã xảy ra, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, những nạn nhân xấu
số của bên thua cuộc ấy đã nghĩ gì, và cảm nhận những gì, trong những
phút giây đau đớn cuối đời?
Nhưng rồi thì người ta cũng phải
quên đi để mà sống. Trong số bạn bè có lý lịch thuộc “phía bên kia”
giống tôi (có lẽ phải khá hơn tôi một chút, vì ngoài việc thuộc về phe
thua cuộc thì tôi còn là Bắc di cư, Công giáo, cha ngụy quyền, anh chị
di tản), cũng có những người sau này vào Đảng, nắm giữ những chức vụ
quan trọng. Nhiều người cố gắng học hành để đi làm cho công ty nước
ngoài khi VN bắt đầu mở cửa, lương bổng tử tế, cuộc sống khá ung dung.
Một số không nhỏ đi định cư ở nước ngoài theo diện HO của cha sau khi đi
cải tạo về, hoặc lấy chồng, lấy vợ là con của những người HO và sau đó
được bảo lãnh để đoàn tụ gia đình. Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai, cuộc
sống cứ tiếp diễn, bạn bè, đồng nghiệp, sui gia có nhiều người thuộc phe
chiến thắng, là Đảng viên ĐCS … Tưởng như cuộc chiến đã hoàn toàn qua
đi, sự chia rẽ giữa những người Việt thực sự đã không còn… Mà cũng chẳng
ai muốn nhớ đến hoặc nhắc đến những ngày tháng đen tối ấy để làm gì.
Chỉ giữ ở trong lòng, vì nó là một phần cuộc đời mình, thế thôi.
Không ai trong chúng tôi lại có thể
ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên
thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của HĐ được tác giả
viết bằng giọng văn rất bình thản, khách quan, chẳng thấm vào đâu so với
những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người đã thực sự phải trải
nghiệm những thí nghiệm của một chế độ mới đối với những người anh em
thua cuộc của họ. Nhưng cũng chính vì giọng văn bình thản đó mà những sự
vô lý đến không thể tưởng tượng và không thể tin được của những chính
sách sau ngày “giải phóng” mới càng lộ rõ. Những thông tin trong cuốn
sách không làm tôi xúc động – vì chăc chắn các chi tiết mà tôi có thể kể
ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều – mà chỉ làm
cho tôi thắc mắc, không biết đến bao giờ thì những người anh em thắng
cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc, và ý thức rõ những
điều phi nghĩa, phi nhân mà họ đã làm đối với những người anh em kém may
mắn của họ?
Nếu bên thắng cuộc không chịu thực tình tìm hiểu và không chân thành nhận lỗi, thì sẽ không bao giờ có sự hòa giải thực sự.
Để tồn tại, những người thua cuộc
đã phải chấp nhận - dù muốn dù không - từ đó đến nay, đã cố nguôi ngoai
để quên đi và chung sống, nên chắc chắn họ không cần sự hòa giải này.
Giờ đây, những người thực sự cần hòa giải phải là bên thắng cuộc chứ
không bao giờ là bên thua cuộc nữa. Bên thắng cuộc chỉ có một cơ hội duy
nhất để có thể dễ dàng có được sự hòa giải thôi, đó là có sự độ
lượng và công bằng đối với bên thua cuộc ngay khi họ vừa chiến thắng.
Vì khi đối xử bất công, và thực
hiện chính sách trả thù với bên thua cuộc, lại trong suốt một thời gian
dài như vậy, thì bên thắng cuộc đã cho phép bên thua cuộc tự giải thoát
khỏi nỗi đau thua cuộc của mình bằng sự khẳng định chắc chắn rằng phe
thắng cuộc chẳng qua thắng được là vì họ tàn ác hơn. Nỗi đau thua cuộc
đã được gột rửa bằng niềm tự hào rằng chính mình mới là người có chính
nghĩa
Và tôi tự hỏi, liệu ai sẽ là người đầu tiên viết lên những trang sử VN đương đại từ cái nhìn phía của những người thua cuộc đây?
Vũ Thị Phương Anh
0 comments:
Post a Comment