Minh Anh_RFI
Cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản trước thời hạn hôm 16/12/2012 đã đem lại
thắng lợi vang dội cho đảng Tư do-Dân chủ (PLD), mở đường cho chủ tịch
đảng, ông Shinzo Abe, lên lãnh đạo chính phủ sắp tới đây. Sự kiện này đã
thu hút sự chú ý của các báo Pháp, bởi thắng lợi này một phần là nhờ
PLD đã khơi dậy tinh thần dân tộc trong cử tri Nhật. Le Monde trở lại sự
kiện này với bài viết có tựa đề ” Lá phiếu thách thức chống Trung Quốc
tại Nhật ” .Nhật báo Le Monde lưu ý rằng đối với Tokyo, Trung Quốc cũng
là một đối tác thương mại quan trọng nhất, giúp các doanh nghiệp Nhật
Bản chống lại sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các tập đoàn Hàn
Quốc. Mặc dù vậy, ngay khi công bố kết quả đảng Tự do- Dân chủ (PLD)
giành được thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội trước hạn hôm chủ nhật
16/12 vừa qua, ông Shinzo Abe đã nhắc lại quyết tâm của mình trong việc
giải quyết bất đồng với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Ông khẳng định rằng quần đảo này cũng là « một phần lãnh thổ của Nhật
Bản ». Ông cam kết « chấm dứt thách thức do Trung Quốc đưa ra ». Ngày
hôm qua, thứ hai, 17/12/2012, một lần nữa, ông khẳng định sự toàn vẹn
lãnh thổ về các hòn đảo đó là « không thể nào tranh cãi được ».
Trung Quốc, một mặt lên tiếng chúc mừng chiến thắng của đảng PLD, mặt
khác cũng tỏ ra quan ngại, khi cho rằng đường lối chính sách mà Nhật
Bản đang theo đuổi chỉ « làm tổn hại đến chính mình cũng như là trong
khu vực và cho cả thế giới ». Tân Hoa Xã kêu gọi ban lãnh đạo mới của
Nhật Bản phải giữ « một vị thế hợp lý trên phương diện ngoại giao ».
Le Monde cho rằng đáng lo ngại hơn nữa là trước khi lên cầm quyền,
ông Shinzo Abe đã cam kết củng cố khả năng quân sự của Nhật Bản. Ông
muốn sửa đổi Hiến pháp, nhất là điều 9, quy định Nhật Bản không được
tham chiến, nhằm biến Lực lượng phòng vệ thành một ” quân đội ” thực
thụ. Dường như, ông cũng đã dự tính tổ chức lại các chuyến hành hương
viếng đền Yasukuni tại Tokyo, nơi vinh danh các binh sĩ Nhật tử trận vì
tổ quốc, mà đối với Trung Quốc và Hàn Quốc đó là những tội phạm chiến
tranh.
Về phần Trung Quốc, Le Monde cho rằng, việc Bắc Kinh sử dụng lá bài
chủ nghĩa dân tộc và bài Nhật còn làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường
quốc Đông Á, cũng là những cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba trên
thế giới.
Le Monde còn lưu ý, ngoài đảng bảo thủ PLD giành thắng lợi lớn, đảng
Phục hưng Nhật Bản, do hai ông Toru Hashimoto, thị trưởng thành phố
Osaka và Shintaro Ishihara, cựu thống đốc vùng Tokyo, sáng lập (những
người chủ trương theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc) cũng đã
giành được 54 ghế, trở thành đảng chính trị thứ ba tại Hạ viện, ngang
bằng với đảng Dân chủ Nhật (PDJ).
Sự tiến triển của chủ nghĩa dân tộc tại Nhật diễn ra vào lúc mà vụ
tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ
song phương giữa hai nước sau vụ chính quyền Nhật Bản quyết định mua lại
một số đảo hồi tháng 9 năm nay. Rõ ràng, ván cờ mà Nhật và Trung Quốc
đang chơi có nguy cơ dẫn đến những sự cố nghiêm trọng hơn. Thế nhưng, Le
Monde cũng nhận định, việc ông Shinzo Abe tỏ ra cương quyết không
nhượng bộ là cũng nhằm mục đích tranh cử. Ông cũng nói rõ rằng không
muốn « mối quan hệ song phương thêm mờ nhạt hơn nữa », rằng « cả hai
quốc gia phải thừa nhận việc duy trì quan hệ tốt nằm trong quyền lợi của
cả đôi bên ».
Le Monde nhắc lại, ông Shinzo Abe được bầu lên là để vực dậy nền kinh
tế đất nước, với mức tăng trưởng hầu như là không, thấp nhất kể từ 20
năm nay và với một khoảng nợ công khổng lồ (chiếm đến 230% của GDP hàng
năm). Ông Shinzo Abe cũng biết rõ rằng Nhật Bản chưa thể nào vượt qua
được Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu. Đối diện trước sự cạnh
tranh ngày càng khốc liệt với các tập đoàn Hàn Quốc, các doanh nghiệp
Nhật Bản lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm đến 19% kim
ngạch xuất khẩu của Tokyo. Do đó, Le Monde nghĩ rằng chính sách mà bộ
máy chính quyền mới đang theo đuổi đối với Trung Quốc cần phải được xem
xét lại.
Phe Bảo thủ Nhật Bản thắng lớn, Trung Quốc lo ngại
Phe bảo thủ Nhật Bản giành chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử Quốc
hội, diễn ra hôm chủ nhật 16/12/2012 vừa qua, khiến cho chính quyền Bắc
Kinh phải quan ngại. Le Monde đã trích dẫn lại phản ứng của Trung Quốc
trên các trang báo chính thống của nước này qua bài viết đề tựa « Bắc
Kinh quan ngại các lời tuyên bố của Nhật Bản». Khi hay tin đảng của ông
Shinzo Abe giành thắng lợi trong bầu cử ngày Chủ nhật, Bộ Ngoại giao
Trung Quốc đã bày tỏ thái độ quan ngại về đường lối chính sách của Nhật
Bản trong tương lai. Bà Hoa Xuân Ảnh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn
mạnh Bắc Kinh « sẵn sàng hợp tác với Tokyo để thắt chặt mối quan hệ bền
vững hơn ».
Le Monde trích xã luận đăng trên Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận
của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào hôm qua, thứ hai 17/12/2012, cho rằng
để có một mối quan hệ tốt với các nước châu Á, Tokyo phải xem xét lại
lịch sử của mình, biết kềm chế các cảm xúc và lời nói phải đi đôi với
việc làm. Theo tác giả bài xã luận, có ba vấn đề Nhật Bản cần phải giải
quyết.
Thứ nhất, xem xét lại việc thăm viếng đền Yasukoni. Tờ báo cho rằng
đó là một sự phủ nhận chiến thắng của thế giới trong cuộc chiến chống
chủ nghĩa phát xít. Thứ hai, vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Và cuối cùng, tờ báo cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp hiếu hòa là một
hành động tấn công chống lại hòa bình và sự ổn định tại châu Á. Tờ báo
khẳng định đó là ba vấn đề cốt lõi, không thể có bất cứ một sự mập mờ
nào. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo đánh giá rằng đường lối ngoại
giao mà Tokyo đang theo đuổi thể hiện sự « không chín chắn trong chiến
lược ».
Le Monde lưu ý rằng, đầu tháng 12 năm nay, ông Tập Cận Bình, nhân vật
số một của Đảng Cộng sản, đồng thời là chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã
khoác lại bộ quân phục khi đến thăm các binh sĩ thuộc tỉnh Quảng Châu.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường Quân đội
Giải phóng Nhân dân, một yếu tố chủ chốt để thực hiện « giấc mơ Trung
Hoa » của ông. Ông nói : « Giấc mơ này có thể được xem như là giấc mơ
của đại dân tộc, và đối với quân đội, đó chính là giấc mơ của một đội
quân hùng mạnh ».
Theo phân tích của Le Monde, những lời nói trên còn làm củng cố thêm
mối nghi ngờ của các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Một chuyên gia thuộc Viện
nghiên cứu khoa học chính trị nhận xét: « Trung Quốc ngày nay được lãnh
đạo bởi những nhân vật thân cận của ông Giang Trạch Dân. Ông Giang vẫn
luôn là người duy trì thái độ căm ghét Nhật Bản ».
Bắc Triều Tiên đối mặt với các thách thức trong khu vực
Nhìn sang Bắc Triều Tiên, đồng minh lâu đời của Trung Quốc, Báo Le
Figaro có đăng các phân tích của bà Valérie Niquet, phụ trách mảng châu Á
thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, về vụ phóng tên lửa gần đây do Bình
Nhưỡng thực hiện, qua bài viết đề tựa « Bắc Triều Tiên đối mặt với các
thách thức trong khu vực ».
Theo bà Valerie Niquet, có rất nhiều động cơ để giải thích cho quyết
định phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng. Trong đó, chính sách đối nội
giữ vai trò chủ yếu. Ông Kim Jong-un, lên cầm quyền khi tuổi đời vẫn
còn quá trẻ. Do đó, ngay trong lòng nội bộ giới lãnh đạo chắc chắn có sự
chia rẽ. Việc mở cửa nền kinh tế nhằm phục vụ cho các lợi ích của Trung
Quốc cũng được hiểu rõ qua nạn tham nhũng lan tràn và bất công xã hội
cũng ngày càng thấy rõ hơn bao giờ hết. Mà dấu hiệu của các mối căng
thẳng đó chính là việc thanh trừng hàng loạt các vị trí quan trọng trong
chính phủ và trong quân đội. Nhất là vụ cách chức ông Ri Young-ho, Tổng
tư lệnh quân đội vì lý do « sức khỏe ».
Về mặt đối ngoại, vụ thử tên lửa Unha-3 là cũng nhằm xóa bỏ « mối
nhục » cho vụ thử thất bại trước đó xảy ra vào tháng 4 năm nay. Trong
chiều hướng này, qua vụ thử mới, nhà lãnh đạo trẻ cũng muốn bày tỏ thái
độ trung thành của mình với người cha quá cố. Ông ta muốn chứng tỏ rằng
người kế vị, nhà lãnh đạo mới của đất nước và quân đội nắm trong tay tất
cả điều kiện của quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, bầu cử tổng thống
tại Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày mai. Bình Nhưỡng mong muốn gây áp lực
lên cử tri Hàn về việc chọn lựa nhà lãnh đạo tương lai, qua việc phóng
thử tên lửa.
Đối với Hoa Kỳ, nếu như trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã chọn
thái độ « thờ ơ » trước chế độ Bắc Triều Tiên, việc ông tái đắc cử đã
đập tan hy vọng của Bình Nhưỡng, mong muốn tái khởi động nhanh chóng các
vòng đàm phán mà không có một chút nhượng bộ thật sự. Với vụ thử lần
này, Bắc Triều Tiên hy vọng có thể củng cố khả năng gây phiền toái và
tài xoay sở của chế độ.
Cuối cùng, là Bắc Kinh, đồng minh lâu đời của Bình Nhưỡng cả trên
phương diện chính trị lẫn kinh tế. Bất chấp những bất đồng, Trung Quốc
cũng như Bắc Triều Tiên đều có cùng chung mối lo cho sự « thay đổi chế
độ ». Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng tiếp
tục chiến lược tái trỗi dậy nhưng có phần mạnh mẽ hơn tại châu Á. Điều
này được thể hiện rõ qua vụ tranh chấp biển đảo với Nhật Bản và các nước
khác trong khu vực. Hành động đó có thể gây bất ổn nghiêm trọng hơn là
vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Đối mặt trước chiến lược gây căng thẳng đó, Washington vẫn là cường
quốc duy nhất có khả năng đảm bảo sự bình ổn trong khu vực. Như vậy,
trong con mắt của Bắc Kinh, rõ ràng sự hiện diện của Mỹ là một chướng
ngại lớn trên « con đường đại phục hưng dân tộc Trung Hoa ».
0 comments:
Post a Comment