Là người thường xuyên bám sát các sự kiện xảy ra tại Việt Nam
trong năm 2012, tôi lựa chọn, theo chủ quan của bản thân, 12 sự kiện
trong năm, mà tôi cho là quan trọng và có ảnh hưởng nhất tới dư luận
trong nước, cũng như phản ứng của nhà cầm quyền CSVN, đặc biệt là sự
tham dự của báo chí truyền thông lề đảng.
Trong từng sự kiện được nêu ra tôi đều đã có các bài viết phân tích và đưa ra những nhận định của mình.
Tôi không xếp theo mức độ quan trọng của sự kiện, mà xếp theo thứ tự thời gian xảy ra từ tháng 1 đến tháng 12.
1. Nhà báo Hoàng Khương
Ngày 2/1 phóng viên báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ và khởi tố về tội “đưa hối lộ”.
Trong bài viết “Nhà báo Hoàng Khuơng, tai ương nghề nghiệp và tình người” tôi có trích dẫn lời của nhà báo Huy Đức:
“Cho dù không đồng tình với một số biện pháp nghiệp vụ, Tuổi Trẻ
cần phải khẳng định trên mặt báo điều mà Hoàng Khương đã tường trình:
“Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải
xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu
thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt
khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể
hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải”.
“Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của
tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không
phải là tội phạm”. Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ
tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội. Có thể, sau khi bắt Hoàng
Khương trên báo chí chỉ còn tin cảnh sát giao thông trả lại tiền hối lộ
chứ không còn “ăn” hối lộ. Nhưng, không phải những thông tin như thế sẽ
làm cho xã hội tốt đẹp hơn, bởi điều mà người dân cần là tham nhũng
không còn chứ không phải là những nhà báo chống tham nhũng không còn nỗ
lực để khui ra tham nhũng”.
Bất chấp phản ứng của dư luận, ngày 7/9 Toá án thành phố Sài Gòn đã xử Hoàng Khương 4 năm tù giam.
Trong bài “Nước mắt nghiệp chướng và “Nụ cười Hoàng Khương” tôi viết:
“Bản án dành cho nhà báo Hoàng Khương đã làm tôi, cũng như nhiều
người khác phẫn nộ và càng thấy quý mến Hoàng Khương hơn, cho dù khi bắt
đầu phiên toà tôi đã ý thức rằng, đối đầu với “thanh gươm và lá chắn”
của chế độ, Hoàng Khương khó có thể tránh được đòn trả thù của bộ máy
công an trị hà khắc nhất Đông Nam Á. Hơn thế, tham nhũng đã và đang là
bản chất của bộ máy cai trị của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay,
là phương tiện sống còn để vinh thân phì gia của quan chức, đặc biệt là
giới khoác áo nhân danh pháp luật tiếp cận hàng ngày với đời sống sinh
hoạt của quần chúng”.
“Nhưng bên cạnh những giọt nướcc mắt, nỗi cay đắng, xót xa, tủi
nhục của thân phận người làm báo lề đảng, vẫn sáng lên nụ cười. Hoàng
Khương cười, với khuôn mặt điềm tĩnh nhìn đồng nghiệp tại phòng xử án và
với hai tay bị còng trước khi bị đưa lên xe bít bùng của công an trở về
nhà tù, bên cạnh những khuôn mặt hung tợn của đám công an”.
Được biết Hoàng khương đã kháng án và một nguồn tin trên Facebook
nói phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra vào cuối tháng 12, khi Hoàng Khương
được tại ngoại về chịu tang mẹ hôm 6/12.
2. Đoàn Văn Vươn
Sáng 5/1, với lực lượng hơn 100 công an và quân đội, nhà chức trách
địa phương đã cưỡng chế thu hồi đầm nuôi cá Cống Rộc của gia đình ông
Đoàn Văn Vươn, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, và bị gia đình ông
Vươn chống trả. Những người trong gia đình đã dùng đạn hoa cải bắn vào
lực lượng cưỡng chế, làm 4 công an và 2 bộ đội bị thương.
Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố bắt giam Đoàn Văn Vươn và
những người có liên quan, gồm các ông Đoàn Văn Quý (em ruột ông
Vươn), Đoàn Văn Sinh, và Đoàn Văn Vệ, với cáo buộc “giết người và chống
người thi hành công vụ”, mặc dù trong ngày xảy ra sự vụ 5/1 ông Vươn
vắng mặt vì bận lên Viện Kiểm sát Nhân dân Hải Phòng kháng cáo.
Ngôi nhà hai tầng của ông Vươn bị nhà cầm quyền cho ủi sập. Công an
cũng khởi tố Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông
Vươn) nhưng không giam giữ.
Ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận vụ cưỡng chế trái
với pháp luật và yêu cầu nhà chức trách địa phương thi hành các thủ tục
cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao.
Chiều ngày 23/2, chủ tịch và phó chủ tịch Uỷ Ban (UB) huyện Tiên
Lãng bị cách chức. Ngày 22/10, Cơ quan Công an cũng đã ra quyết định
khởi tố Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch UB huyện Tiên Lãng; Phạm Xuân
Hoa, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng
Hoan, Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang; Lê Thanh Liêm, chủ tịch UB xã Vinh
Quang, vì hành vi “hủy hoại tài sản”, vi phạm điều 143 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, đến nay ông Vươn vẫn ngồi tù cùng những người thân, còn
gia đình chưa có nhà ở, và nói chung chưa được giải quyết bất cứ quyền
lợi gì thoả đáng, theo tinh thần kết luận của Thủ tướng.
Trong bài “Thời thổ tả” nhà văn Thuỳ Linh viết:
“Rồi đây anh Vươn sẽ ra sao ở trong lao lý? Nỗi uất nghẹn có thể
phá tung gan ruột một người để dẫn người ta đến cái chết. Mình cam đoan
anh Vươn sẽ khóc. Những giọt nước mắt còn hơn cả nỗi tuyệt vọng và đau
khổ. Nó vượt qua sự chịu đựng và nỗi đau đớn của kiếp người”.
Trên trang Web Bauxite VN ngày 12/2, Ban Biên Tập nhận định:
“Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ông Thủ tướng lại chỉ đặt
vấn đề kiểm điểm (đành rằng sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có tuyên bố rằng “sẽ xem xét kỷ
luật lãnh đạo TP Hải Phòng”)? Chẳng lẽ ông không biết rằng nếu không có
một cái gật đầu của bọn họ thì bọn ăn cướp ở Tiên Lãng dù có máu tham
bằng mười cũng chẳng dám ho he sao? Ông có nghĩ rằng nếu cướp được chừng
ấy đầm của ông Vươn, đám cướp Tiên Lãng đâu có dám ăn lấy một mình, còn
phải cống nộp nữa chứ. Hãy cứ xem cái mặt núc ních của đại tá Ca thì
cũng đủ đoán biết ông ta là người như thế nào, và chắc chắn không phải
vô cớ và vô tư khi ông ta tỏ ra rất hể hả nói rằng việc phá nhà ông Vươn
ông Quý là một trận đánh tuyệt đẹp đáng viết lại thành sách mẫu mực về
chiến công của công an và bộ đội thời buổi này”.
Ông Bí thư Thành uỷ Hải phòng Nguyễn Văn Thành với “Gúc gồ chấm
Tiên lãng” và “một trận đánh đẹp” của giám đốc công an Đỗ Hữu Ca, trở
thành đề tài châm biếng, mỉa mai trên các phương tiện truyền thông mạng.
3. Ngô Bảo Châu về trí thức Việt Nam
Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 20/1/2012, giáo sư Ngô Bảo Châu, được xem là
biểu tượng của giới trẻ VN trong nước, phản đối việc “coi phản biện
xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm trí thức”, và nói “trí thức là
người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà
anh làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Nhận xét này đã gây một làn sóng tranh luận sôi động trong giới trí thức, đặc biệt giới cầm bút.
Không đồng ý với Ngô Bảo Châu, bài của tôi viết “Clerc-ism, trí thức trùm chăn và lưu manh giả danh trí thức“, cũng được tôi chuyển trực tiếp tới Ngô Bảo Châu trên Blog “Thích học Toán”, có đoạn:
“Trí thức, nếu được “phong hàm”, thì phải gắn với vai trò phản biện xã hội, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất”.
“Giá trị của sản phẩm có thể “không liên quan gì đến vai trò phản
biện xã hội” thật. Nhưng nếu nó được làm ra từ “lao động trí óc” thuần
tuý, thì chẳng to tát gì hơn bộ bàn ghế đẹp được làm ra bằng bàn tay
khéo léo của người thợ mộc. Tìm ra đáp số bài toán hay chứng minh bổ đề,
trong ý nghĩa này, là sản phẩm của anh thợ toán”.
“Cần phải nói rằng, giai tầng trí thức giữ một vị trí đặc biệt
trong hệ thống. Stalin gọi họ là ‘những kĩ sư tâm hồn’. Vâng, họ là đối
tượng chính của những vụ đàn áp, mà lại rất tàn khốc nữa. Nhưng mặt
khác, chính quyền lại luôn sử dụng họ nhằm củng cố hệ thống. Không có
nhóm xã hội nào được ve vãn và nịnh bợ như thế, ngoài tầng lớp “con ông
cháu cha” cộng sản ra thì không có giai tầng nào được nhiều đặc quyền
đặc lợi như trí thức”.
“Vì thế, trí thức phải là tiếng nói của xã hội đã bị bịt miệng. Đối
với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người
trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ
máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy”.
4. Cưỡng chế Văn Giang
Vào ngày 24/4 tại huyện Văn Giang, khoảng 3 ngàn cảnh sát cơ động,
công an, an ninh được nhà cầm quyền huy động vào một cuộc cưỡng chế vô
tiền khoáng hậu, nhằm thu hồi đất của nông dân ba xã thuộc huyện Văn
Giang, Hưng Yên, giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án xây dựng
đô thị Ecopark.
Trong bài viết “Còn lại gì cho Văn Giang hôm nay và ngày mai?“, tôi đã trích lời của cụ Lê Hiền Đức từ bài “Phản cách mạng đã rõ ràng!“:
“Qua việc “tích cực”, “hăng hái” tham gia các vụ cưỡng chế, thu hồi
đất đai đối với người dân, những lực lượng mang danh “Uỷ ban nhân dân”,
“Công an nhân dân”, “Quân đội nhân dân”, “Viện kiểm sát nhân dân”, “Toà
án nhân dân”… ở VN đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ “Nhân dân”
trong cái tên của chúng”.
”Đã sống qua thời VN còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô
hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã
xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn
vụ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” cưỡng chế, thu hồi đất đai,
nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song
tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế,
với quy mô lớn như thế”!
“Mâu thuẫn giữa người dân với kẻ rắp tâm ăn cướp đất đai, tài sản
của họ đã lên tới đỉnh điểm, đã tới mức không thể dung hoà. Trong cuộc
đấu tranh giữ lấy đất, giành lại đất, có thể nhân dân phải tạm lui bước
vào lúc này, lúc khác, tại nơi này, nơi khác, song chắc chắn họ sẽ
thắng, như bao đời nay vẫn thế! “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ “ –
Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Cứ cái đà này thì ngày ấy chẳng
còn xa…”.
Tôi cũng dẫn lời của nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh:
“Ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ, chị em tôi, những người
bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn
đi đánh giặc giữ nước, giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị
đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ,
vô nhân”.
Trong nhiều tháng qua, nông dân Văn Giang vẫn thường xuyên tập
trung ở Hà Nội khiếu nại việc thu hồi đất đai này và vẫn là đề tài thời
sự chưa thấy hồi kết trên mặt báo lề đảng cũng như lề trái.
5. Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ
Trưa ngày 22/5, hai người phụ nữ VN, bà Phạm Thị Lài, ngụ tại
phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và bà Hồ Nguyên
Thủy, con ruột của bà Lài, kế toán viên của một công ty kinh doanh vật
tư xây dựng, đã khoả thân tên mảnh đất của nhà mình, phản đối việc thi
công dự án.
Trong bài “Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ: Những bi kịch đau lòng sẽ còn tiếp diễn“, tôi viết:
“Người có một chút lương tâm thôi sẽ đặt câu hỏi vì sao nên nỗi mà
người dân phải chống lại bất công bằng cách sử dụng hình thức đau xót,
xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt như thế”.
Tôi trich lời của cụ Lê Hiền Đức từ Blog của cụ:
“Đang trong trạng thái “lõa thể”, bà Lài nói trong nước mắt uất
nghẹn: “Đất của gia đình vợ chồng tôi dành dụm, mua bằng tiền mồ hôi
nước mắt để cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà… cả mấy
chục năm rồi. Công ty địa ốc vào đây tự đưa ra giá rồi ép chúng tôi nhận
tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. Ủy ban còn
hỗ trợ Công ty, dùng lực lượng Công an cưỡng chế đất tôi giao cho công
ty. Chồng tôi sức yếu thế cô chỉ biết tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi
biết làm gì ngoài việc lột hết đồ đạc, ráng chịu nhục nhã để phản đối
họ?! Nhục lắm mấy cô mấy chú ơi!”.
Hình ảnh hai phụ nữ trần truồng bị kéo lê lết trên mặt đất đã làm
dư luận bất bình, nổi giận. Thế nhưng cơ quan điều tra đã đề nghị phạt
hành chính bà Lài 1,5 triệu đồng về “hành vi cản trở hoạt động bình
thường của cơ quan tổ chức và 80 ngàn đồng cho hành vi được cho là vi
phạm thuần phong mỹ tục”.
Không thấy báo chí đề cập đã có quyết định phạt trong thực tế hay không.
6. Quan làm báo
“Quan làm báo” được xem là hiện tượng trong báo chí truyền thông mạng.
Xuất hiện vào khoảng tháng 5/2012, trang web “Quan Làm Báo” đã
giành được sự quan tâm khác thường của bạn đọc trong, ngoài nước, của
báo chí nước ngoài, với hơn 37 luợt triệu người truy cập (xếp hạng 82
tại VN, theo Alexa Ranking, vào thời điểm tháng 9/2012).
Tôi có hai bài viết về hiện tượng này: “Quả đấm phản tác dụng thảm hại của Nguyễn Tấn Dũng“và “Tờ Quan Làm Báo bị tấn công: Cú ra đòn hạ cấp“, trong đó có các đoạn:
“Quan Làm Báo” tập trung đưa thông tin về những câu chuyện liên
quan đến hậu tường của ĐCSVN, tấn công thẳng vào những người có vị trí
lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, bằng cách
vạch trần những việc làm ăn mờ ám, gây tổn hại cho nền kinh tế VN, đồng
thời khai thác những bí mật từ cuộc tranh giành ảnh hưởng quyền lực
trên thượng tầng kiến trúc của ĐCSVN”.
“Dẫu biết rằng một nửa chiếc bánh mỳ không phải là một chiếc bánh
mỳ, một nửa sự thật chưa phải là sự thật, nhưng trong một xã hội bị bịt
miệng và đói thông tin về hậu trường của những người cầm cân nảy mực,
quản lý đất nước, độc giả sẵn sàng ngốn ngáo ngon lành nửa chiếc bánh mỳ
khô. Khi bóng đêm của dối trá, bất lương trùm phủ, một nửa sự thật cũng
đủ làm ngọn nến soi sáng”.
” Người dân bị trị chẳng còn cách nào khác. Trong bối cảnh những vụ
hối lộ, móc ngoặc làm ăn bất chính được thực hiện dưới gầm bàn, trong
góc tối, tại dinh thự riêng hay qua trung gian các bà vợ, con cái, thân
hữu của các quan chức, sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là vô phương
để có thể “bắt tận tay day tận trán”. Để không trở thành những Hoàng
Khuơng tiếp theo, các “hiệp sĩ” buộc phải theo phương châm “cùng tất
biến, biến tất thông”, ra đòn trên mặt trận thông tin và tạm thời giấu
mặt”.
“Thực tế sau khi ban hành văn bản số 7169/VPCP ngày 12/9/2012,
trong đó Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị xử lý các trang mạng đưa thông tin bôi
xấu đảng và nhà nước CSVN, nêu đích danh “Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo”,
“Biển Đông”,… được báo chí lề đảng nhất tề tiền hô hậu ủng, đã chứng
minh cho thế thượng phong không chối cãi của báo ngoài lề đảng”.
“Sau khi công bố văn bản, ngay lập tức số lượng độc giả truy cập
“Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo” tăng cao đột ngột bất thường. Tên của hai
tờ báo xuất hiện trên nhiều trang báo của các hãng tin lớn trên thế
giới. Còn trang Biển Đông, nhiều người chưa biết đến, đã cố gắng tìm xem
tờ báo nói gì mà được cả Thủ tướng quan tâm đến thế!”.
Thông tin từ “Quan làm Báo” đã không đủ để góp phần hạ bệ Nguyễn
Tấn Dũng. Sau Hội nghị Trung Ương 6, tờ báo ít sôi động hơn và lượng độc
giả cũng bị giảm (xuống hạng 290 tại VN trong ngày 16/12, theo Alexa
Ranking). Tuy nhiên nó vẫn tiếp tục là trang thu hút sự tò mò, thích thú
cho độc giả về hậu cung của triều đại CSVN.
7. Bầu Kiên bị bắt
“Bầu” Kiên, tức Nguyễn Đức Kiên, một trong những ông chủ của ngân hàng ACB, bị công an bắt hôm 20/8/2012.
Hiệu ứng của sự việc làm rung động dư luận VN và quốc tế, chưa từng
thấy từ trước đến nay với một vụ án kinh tế. Trị giá của sàn chứng
khoán VN chỉ trong ba ngày sau đã bốc hơi trên 1 tỷ USD. Các tờ báo lớn
uy tín trên thế giơi chuyên về kinh tế tài chính đồng loạt đưa tin với
những tiêu đề rất sốc như “Chính trường VN nóng lên cũng như kinh tế
đang rúng động” (Jakarta Post 26/8/12); “Sự sụp đổ tiếp tục ở Ngân hàng
VN” (New Yorl Times 24/8/12); “Fitch: Các lỗ hổng của bề mặt ngân hàng
VN; RTG rủi ro gia tăng” (Reuters 24/8/12); “Cổ phiếu VN giảm nhiều nhất
ở châu Á” (Bloomberg 23/8/12); -”Ngân hàng của VN: lòng tự tin bị mục
nát” (Financial Times 23/8/12); “VN bị nghiền nát bởi bong bóng bất động
sản” (Business Insider 23/8/12); “Tại VN: Những lo ngại về một cuộc
khủng hoảng kinh tế” (New York Times 22/8/12)…
Trong bài “Nước Việt buồn và gia tài để lại của mafia đỏ“, nói về cách kiếm tiền của “bầu” Kiên, tôi viết:
“Những tay chơi bạc là những tay tổ sư của trò các trò ma giáo
“mượn đầu heo nấu cháo”, “lấy mỡ nó rán nó”, dù chẳng lạ lẫm gì trong
giới làm ăn, vì đã từng được các tay trùm mafia đỏ ở nước Nga áp dụng
trong thập niên 90, nhưng là sân chơi riêng vô cùng hạn hẹp của giới
quyền lực đầu sỏ. Những con bạc máu mê đặt cược hàng trăm triệu, hàng tỷ
đôla, nhưng “khi thua có người cứu, ngân hàng thương mại mà chết thì có
Ngân hàng Nhà nước cứu. Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh
bạc, thắng anh ăn, anh thua – nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc
không sợ mất vốn” – Ông Bùi Văn, cựu Phó Giám đốc chương trình giảng dạy
kinh tế Fulbright nhận định trên tờ Pháp Luật”.
“Ngay cả khi tiến trình điều tra, có thể phanh phui thêm những liên
kết ma quỷ, như dư luận đồn thổi, giữa “bầu” Kiên với Nguyễn Thanh
Phượng, ái nữ của Nguyễn Tấn Dũng thì, bằng mọi giá, kể cả thủ tiêu đối
tác hay thí tốt, Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm mọi thứ để cứu mình và con gái.
Nếu như Trung tướng Phan Văn Vĩnh Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống
tội phạm, Trưởng ban chuyên án vụ “bầu” Kiên cho hay “nội dung cụ thể
thuộc phạm vi bí mật nhà nước”, thì người ta có thể suy luận rằng, các
nhân vật thế lực trong nhóm lợi ích ngân hàng này sẽ tìm mọi biện pháp
che chắn những gì có thể để bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng, ngăn cặn phản ứng
của dư luận”.
Bầu Kiên đang bị tạm giam 4 tháng để điều tra, một cuộc điều tra
với đầy những toan tính khi các nhóm lợi ích ngân hàng cũng đã được nêu
ra trên báo lề đảng. Kết quả vụ án thế nào sẽ còn là chủ đề làm tốn
nhiều thời gian và giấy mực cho những người cầm bút.
8. Hội nghị Trung ương 6 và ông X
Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSVN (HN TW6) cuốn hút sự chú ý của xã
hội lớn, vì nó diễn ra trong lúc hàng loạt thông tin được tung ra trên
báo chí ngoài lề đảng về các vụ bê bối kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực
tài chính-ngân hàng liên quan đến chính sách của chính phủ và những nghi
ngờ về mối quan hệ thân hữu giữa giới đầu sỏ ngân hàng với Thủ tướng,
gia đình ông và phe nhóm lợi ích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế
của đất nước và đời sống thường nhật của mọi tầng lớp xã hội.
HN TW6 còn hấp dẫn, mang kịch tính hơn vì cuộc đấu đá này được cho
là trận thỉ hí sống còn giữ một bên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một bên khác là Thủ tướng Nguyễn tấn
Dũng.
Khi HN TW6 đang diễn ra, trong bài “Hội nghị Ương 6 tại Hà Nội: Việt Nam quo vadis?“, tôi nhận định:
“Giới quyền lực chóp bu: Đấu đá nhau tranh giành quyền lực, nhưng
tay nào cũng có con tin để áp lực lên đối thủ chính trị, vì tay nào cũng
có bàn tay ít nhiều nhúng chàm, không bản thân thì người thân trong gia
đình, họ hàng. Phương án cuối cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng. Một tay
nào đó nếu bị buộc rời ghế cũng sẽ hạ cánh bình an, vì sẽ được bảo đảm
an toàn trong cuộc mặc cả. Đừng đặt hy vọng nào từ biến động về nhân sự
(nếu có) của HN TW6 (đang diễn ra từ ngày 1 đến 15/10 tại Hà Nội) sẽ
mang lại điều tích cực gì đó cho tiến trình Dân chủ của VN. Gần 200 uỷ
viên trung uơng, tập hợp quan trọng nhất tạo ra toàn bộ bộ máy cai trị,
vẫn sẽ mãi giữ vững chắc nguyên tắc tuyệt đối: Còn đảng còn mình”.
Khi HN TW6 kết thúc, trong bài “Úm ba la, chúng ta tha chúng mình!“, tôi viết:
“Chúng ta tha chúng mình”- là cách nói giễu cợt, mỉa mai của tạp
chí kinh tế Anh, một tờ báo có uy tín hàng đầu trên thế giới “The
Economist”, trong bài “We forgive us” phân tích về diễn biến nhân sự
trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua”.
Bởi vì “Bộ Chính trị (BCT) thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành
Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối
với một đồng chí Uỷ viên”, nhưng vì “để giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng
liêng của Đảng”, “kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”, “Ban Chấp hành
Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật BCT và một đồng chí
trong BCT”.
Uỷ viên BCT không bị kỷ luật trên được ông Trương Tấn Sang gọi là
“X”, trở thành đề tài đàm tiếu, giễu cợt của dư luận. Nhà báo Trương Duy
Nhất viết:
“Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT yêu
cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí
ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của
Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến mức khi giải trình với cử
tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà
phải gọi là “đồng chí X”. Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ “tình
đồng chí” trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực?
Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để
cùng đảng chống tham nhũng?”.
Trong bài “Ông Thủ tướng khinh trí tuệ, trọng bạo lực“, nhà văn Phạm Đình trọng viết:
“Lời hứa của danh dự, lời hứa của lịch sử (từ chức nếu không chống
được tham nhũng) cũng không thực hiện thì liêm sỉ đâu còn nữa. Liêm sỉ
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chìm nghỉm, mất hút trong tham nhũng.
Lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành lừa dối với nhân dân, dối
trá với lịch sử! Sự dối trá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu tấm
gương cho xã hội. Cả xã hội dối trá. Dối trá là lẽ sống. Dối trá được
coi trọng. Dối trá lên ngôi thì sự trung thực không còn đất sống”.
Trong bài “Nguyễn Tấn Dũng không từ chức là một may mắn cho Việt Nam“, tôi viết:
“Một cuộc lên đồng tập thể (vì phấn hứng) may mắn đã không diễn ra,
nhờ Nguyễn Tấn Dũng không từ chức. Điều này làm cho hàng chục triệu
người Việt cân bằng lại tâm lý, nhìn kỹ hơn chính mình, đoạn tuyệt với
ảo tưởng, quay về với thực tế mà tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng để lại cho các
thế hệ tiếp nối”.
“Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tại vị còn tránh được bi kịch khủng hoảng
lãnh đạo ở thượng tầng kéo dài, có thể đẩy đất nước vào tình cảnh rối
loạn hơn, khi đám kiêu binh của ông ta trong ngành an ninh và các khu
vực kinh tế chủ chốt quậy tưng bừng trả đòn. Nồi cơm VN đã bị khê lại
thêm nhão nhoét!”.
9. Các nhà báo tự do Điếu cày, Anh Ba Sài Gòn và Tạ Phong Tần
Phiên toà ngày 24/9 kết án hết sức nặng nề ba nhà báo tự do, Nguyễn
Văn Hải: 12 năm tù, 3 năm quản chế; Tạ Phong Tần – 10 năm tù, 5 năm
quản chế; Phan Thanh Hải – 4 năm tù, 3 năm quản chế.
Trong bài “Khi súng đạn kết hợp với sợ hãi và ngu xuẩn“, tôi viết:
“Ở vòng ngoài, từ rất xa khu vực của toà án, trước và trong khi
phiên toà diễn ra, công an chìm nổi dày đặc đã thẳng tay trấn áp, đánh
đập tàn nhẫn và bắt giữ những người có nguyện vọng đến toà theo dõi
phiên xử “công khai”. Thậm chí thân nhân của anh Điếu Cày, chị Dương Thị
Tân và con trai, những người có đủ quyền lợi và nghĩa vụ tham gia phiên
toà, đã bị bắt, bị hành hung và Vũ Văn Hiển, trung tá công an phuờng 6,
quận 3, TP HCM, đã thằng thừng đe doạ bạo lực bằng thái độ vô học, hạ
cấp, ngay tại trụ sở, trước mặt nhiều người”.
“Ở vòng trong, phiên toà diễn ra nhanh đến kinh ngạc, ngỡ ngàng.
Xét xử ba người bị quy kết phạm tội nghiệm trọng mà chỉ trong mấy tiếng
đồng hồ! Trong khi các nhân chứng không được triệu tập đầy đủ (chỉ 3/9
người). Luật sư và những người bị quy kết tội phạm không có cơ hội và
thời gian để trình bày, phản biện, đối chất với các nhân chứng”.
“Luật sư Gerard Staberock, Tổng thư ký của Đài Quan Sát Bảo Vệ Các
Nhà Đấu Tranh Bảo Vệ Nhân quyền, gọi “phiên xử này là trò hề công lý” là
quá nhẹ, bởi vì trò hề ít ra còn có thể mua vui cho thiên hạ, còn phiên
toà này không những không gây cười cho ai, mà tạo ra sự khinh bỉ, tởm
lợm và lòng căm phẫn trước một nhà nước vô luân, đểu cáng, coi thường và
thách thức trâng tráo tiếng nói lương tâm của hàng triệu người Việt,
của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và nhân quyền quốc tế, các đoàn
ngoại giao và cả lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama”.
Nhà văn Phạm Đình Trọng viết:
“Nhà nước của tòa án đã buộc tội và tuyên bản án nhục nhã trong
lịch sử cho những người yêu nước Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan
Thanh Hải. chính là Nhà nước đã buộc tội và tuyên án cả Trần Bình Trọng
khi Trần Bình Trọng dõng dạc hét lên: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn
làm vua chư hầu cho đất Bắc. Và các anh, chị Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong
Tần, Phan Thanh Hải chính là Trần Bình Trọng của hôm nay. Tên tuổi các
anh chị còn mãi với lịch sử Việt Nam hào hùng còn Nhà nước đã buộc tội
và tuyên án các anh, chị sẽ bị nhân dân và lịch sử công minh xét xử”.
Được biết ba nhà báo tự do đã kháng cáo và phiên toà phúc thẩm sẽ
diễn ra tạai Sài Gòn ngày 28/12. Tôi khó tin là mức án sẽ thay đổi vì ba
người không chỉ là những cái gai lớn đâm vào mắt Hà Nội mà còn cả Trung
Nam Hải.
10. Nguyễn Phương Uyên
Bị bắt biệt tăm từ ngày 14/10, tới ngày 3/11, công an thành phố Sài
Gòn mới kết hợp với công an tỉnh Long An họp báo về việc bắt giữ Nguyễn
Phương Uyên, 20 tuổi, nữ sinh viên năm thứ ba thuộc trường đại học Công
nghệ Thực Phẩm Sài Gòn, cùng Đinh Nguyên Kha, với cáo buộc “vi phạm
Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
(CHXHCNVN) về tội tuyên truyền chống Nhà nước”, vì đã “rải truyền đơn có
nội dung chống phá Nhà nước VN tại cầu vượt Quang Trung (quận 12, Sài
Gòn)”.
Trong bài “Trò dàn dựng ‘nhận tội, xin khoan hồng’ cũ rích hoàn toàn bị phá sản“,
tôi đã phân tích và chứng minh khó ai bắt bẻ về trò “gắp lửa bỏ tay
người”, đổi trắng thay đen trắng trợn trong cuộc họp báo so với thực tế,
khi công an dẫn ra “tang vật thu được của vụ án gồm hơn 700 truyền đơn
và cờ của chế độ Ngụy quyền, hơn 2kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số
tang vật khác” và “trong vụ án còn một số dấu hiệu của tội khủng bố”.
Tôi cũng nhấn mạnh trò dàn dựng “nhận tội” đã không gây nên chút ấn
tượng nào, ngược lại còn làm dư luận khinh bỉ thêm nhà cầm quyền và vẫn
dành tình cảm quý mến cho cho cô sinh viên mới ở tuổi 20. Cha mẹ của
Phương Uyên cũng không tin vào những gì mà con gái ông bị cáo buộc hay
“nhận tội”, cũng bày tỏ lòng “cảm phục” và “hãnh diện” về con gái.
Nguyễn Phương Uyên và người bạn hiện đang bị giam giữ điều tra và
chúng ta sẽ chờ đợi một phiên toà với mức án định trước, không khác bao
nhiêu với phiên toà đã xử ba nhà báo tự do Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn và
Tạ Phong Tần.
11. Biểu tình 9/12
Cuộc biểu tình cùng lúc ở Hà Nội và Sài gòn trong ngày 9/12 đã
không diễn ra với số lượng tham gia không lớn và rầm rộ như trong mùa hè
2011, và đã bị dập tắt rất nhanh trong vòng nửa tiếng đồng hồ, nhưng có
ý nghĩa lớn: Nó được nhân sĩ, trí thức miền Nam, những người đã từng
nổi tiếng tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Sài Gòn trước năm
1975, phát động và thông báo công khai với nhà chức trách.
Nhà cầm quyền đã huy động công an, mật vụ dày đặc tìm cách không
chế, ngăn cản, cô lập những nhân tố tích cực và bắt giữ những người
thoát được vòng phong toả tham gia biểu tình.
Sự đàn áp này làm công luận càng căm phẫn trước tình trạng gây hấn
ngày mỗi leo thang và ngạo ngược của Trung Cộng trên Biển Đông và thái
độ nhịn nhục thái quá của ĐCSVN.
Các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê
Hiếu Đằng, những người đã ký tên vào Thông báo tổ chức mít tinh, biểu
tình vào ngày 9/12 tại quảng trường Nhà hát Thành phố, đã viết tuyên bố
công khai “cực lực phản đối những hành vi thô bạo vi phạm pháp luật của
các lực lượng công an và chính quyền địa phương tại những Phường và Quận
nơi cư trú và nơi tổ chức mít tinh”.
12. “Bên thắng cuộc”
Nếu “Quan Làm Báo” là hiện tượng của các trang web điện tử, thì tác
phẩm “Bên Thắng Cuộc” của nhà báo Huy Đức là hiện tượng của phát hành
sách Việt ngữ tại Mỹ. Cuốn sách đã thu hút rất lớn người đọc, đặc biệt
trong nước, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh VN và tình hình
đất nước sau cuộc chiến.
Giáo sư Trần Hữu Dũng từ đại học Wright thuộc tiểu bang Ohio Hoa
Kỳ, gọi đây là cuốn sách “cầm lên không thể đặt xuống” và “cuốn sách
viết về lịch sử hay nhất sau năm 1975″.
Tôi không cho đây là cuốn sử ký mà là cuốn sách tổng hợp công phu
các sự kiện lịch sử, được sắp xếp, đan chéo hợp lý, bằng kỹ năng của một
nhà báo chuyên nghiệp, có tài. Nhờ những quan hệ đặc biệt với các nhà
lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, đã chết, cũng như còn sống, và với những
nhân chứng của hai bên cuộc chiến, Huy Đức mang đến cho độc giả nhiều sự
kiện mới từ một xã hội bị bịt miệng và những thông tin liên quan đến
các nhà lãnh đạo thượng tầng của ĐCSVN được xem như bí mật quốc gia. Sự
khéo léo đưa ra những câu chuyện sinh động có thật để chứng minh cho các
sự kiện là một trong những ưu thế mà cuốn sách làm tăng thêm sự tò mò
của độc giả.
Với công sức thu thập tư liệu trong 20 năm và miệt mài làm việc
trong 3 năm, phong cách thể hiện công bằng, điềm tĩnh và mạch lạc, trong
sáng, tác giả Huy Đức đã cung cấp cho bạn đọc một kho tư liệu lịch sử
khổng lồ, có giá trị để để đời cho nhiều thế hệ và kho tàng tư liệu văn
hoá -lịch sử của Việt Nam. Thế nhưng, tôi thực sự băn khoăn, không biết
nhà báo Huy Đức (hiện đang tu nghiệp tại Mỹ) khi trở về nước sẽ phải
chịu những hệ lụy như thế nào trước nhà cầm quyền CSVN.
Kết
Rất có thể nhiều người sẽ đưa ra các sự kiện khác không kém phần
làm sôi động dư luận như bà Bùi Thị Minh Hằng được trả tự do (4/2012);
thương binh-côn đồ quậy phá ở Viện Hán Nôm (5/2012); cụ Lê Hiền Đức bị
nhốt tại Sở Văn hoá Thông Tin Tuyên truyền Hà Nội (6/2012); Huỳnh Thục
Vy tham gia biểu tình chống Trung Cộng và bị bắt (7/2012), bà Đinh thị
Kim Liêng tự thiêu (7/2012); Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines bỏ
trốn, bị truy nã và bị bắt trở lại (6-9/2012), phiên toà xử Việt Khang
và Trần Vũ Anh Bình (10/2012), v.v…
Nhưng như mở đầu, tôi chú trọng theo chủ quan của mình về tầm ảnnh
hưởng tới dư luận trong nước và phản ứng từ phía nhà cầm quyền, báo chí
lề đảng, để đưa ra 12 sự kiện nêu trên.
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
0 comments:
Post a Comment