Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ
từ năm 2007 đến năm 2011. Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của
Chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông
Trần Văn Truyền đã có rất nhiều lần phát biểu trước báo giới liên quan
đến các vấn đề, trường hợp tham nhũng, chống tham nhũng, chống tiêu cực
tại Việt Nam.
Mời bạn đọc cùng Một Thế Giới điểm lại một số câu nói nổi bật nhất của
ông Truyền trong thời gian đảm nhiệm các trọng trách quan trọng.
Xử lý tham nhũng cán bộ nghỉ hưu dễ hơn
Năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Truyền từng khẳng định rằng: Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn.
"Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã
kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ
cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện
ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi", ông nói.
Bên cạnh đó, cách thức tham nhũng cũng
rất đa dạng; có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng
những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai.
"Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó".
"Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi,
chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người
gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy (chức) rất dữ".
Cũng trong bài báo đó, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền chắc nịch: "là
cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh tế 2 mặt của
chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có phải cái
gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu;
tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho" (Pháp Luật TP.HCM, 5.7.2005).
Cái chính là do phẩm chất đạo đức
"Vị trí trách nhiệm của mình đang được
người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức
mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.
Đúng là có những việc vượt ngoài khả
năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác
nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được.
Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc
dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức".
"Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ
giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp,
chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc". "Cái chính là do phẩm chất đạo đức,
họ không tự giữ mình" - (TTO, 30.3.2007).
Càng công khai, càng minh bạch, càng dễ kiểm soát
Bên lề cuộc đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng, ông
Truyền cho biết Chính phủ đang xây dựng chiến lược phòng chống tham
nhũng từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Trong đó, theo ông công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất.
"Càng công khai, minh bạch, càng kiểm
soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà
nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công
khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức" - (TTO, 4.12.2007).
Chỉ có báo chí chùng, cơ quan tham nhũng không chùng
Về những vụ án tham nhũng được coi là “đầu voi đuôi chuột”, ông Truyền giải thích: "Có
những vụ bản chất không nghiêm trọng nhưng do cách xử lý của các cơ
quan chức năng chưa thật rõ ràng, dứt khoát đã dẫn đến hiểu lầm... Việc
“chùng” xuống là do cách thông tin".
"Nếu được nói trên diễn đàn Quốc hội,
tôi sẽ nói công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng
xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác
không chùng".
Đối với vấn đề cán bộ liệt kê - công khai tài sản, ông nói: “Luật
không quy định công khai mà chỉ yêu cầu thẩm tra khi bị tố cáo, hay
trước khi bổ nhiệm. Nếu thẩm tra thấy không đúng mới công khai.
Hiến pháp đã quy định người dân có
quyền giữ bí mật tài sản của mình. Nên chúng tôi không thể kiến nghị sửa
hiến pháp được. Hiến pháp chưa sửa thì chưa thể công khai" - (TTO, 31.10.2008).
Phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu
Giải thích lý do vì sao đợt kê khai tài sản của các bộ đầu tiên đầu tiên
(31.12.2007) Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công
chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, thì ông Truyền cho hay đây
là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp luật quy định. Nó mang tính pháp lý
đối với cán bộ, công chức.
Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ
kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ
dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với
tổ chức.
Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không
trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi
thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Giải trình không rõ,
có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật về tội
không trung thực.
Cũng theo ông, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một
quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang
ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có
tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng
sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý - (VnEconomy 10.2.2009).
Đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội trước phiên đối thoại với Tổ
chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng trong giáo dục (sáng 28.5.2010),
Tổng thanh tra Chính phủ khi còn đương chức cho biết tham nhũng trong
giáo dục đang phức tạp và khuyên những người đấu tranh phải biết hy
sinh. Bản thân ông cũng phải hi sinh nhiều.
"Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại
nhiều. Nói chung dư luận xã hội có nhiều, nhưng đánh giá vấn đề phải có
những bằng chứng cụ thể".
"Đấu tranh chống tham những, tiêu cực
rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và
chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu
cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang
mong" - (TTO 28.5.2010).
Khai là phải trung thực
Sáng 14.6.2010 bên hành lang Quốc hội, ông Truyền đã có cuộc trao đổi
với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông
Ðặng Hạnh Thu, người vừa bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
(Bộ Tài chính) vào thời gian đó.
Cụ thể, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở
Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm
tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục
Hải quan).
Ông nói: "Thứ nhất, về đất mua như vậy
là đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Thứ hai là có kê khai tài sản,
và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn
đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà
mua quá nhiều đất.
"Bây giờ tiền thì thiếu gì nguồn, chứ
đâu phải mình hỏi lấy tiền đâu chung chung vậy. Hơn nữa vì gia đình vợ
anh Thu làm doanh nghiệp, làm ăn kinh tế, có khả năng thì mua cũng là
điều bình thường. Chỉ có chuyện trong thời điểm đó mà mua nhiều nền đất
như thế thì người ta không đồng tình thôi. Chứ còn về tiền nong thì
không có vấn đề gì khuất tất".
"Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác", ông nói thêm - (TTO, 15.6.2010).
Thi Anh tổng hợp
0 comments:
Post a Comment