Mỗi dịp 30 Tháng Tư về lại thấy mọc thêm ra từ miệng người Cộng sản Việt Nam những cạm bẫy tẩm độc mang tên “hòa giải và hòa hợp” dân tộc.
Chiến lược năm nay (2014), 39 năm sau ngày Quân đội miền Bắc chiếm Sài
Gòn 30/04/1975, bắt đầu từ cuộc vận động “kiều bào” từ 09 đến 29/03/2014
ở Gia Nã Đãi, Hoa Kỳ và Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh
Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài (NVNONN).
Ông Nguyễn Thanh Sơn nói mục đích chuyến đi dài ngày của ông qua 3 nước là để gọi là “xóa bỏ sự ngăn cách, thù hận, tiến tới thực sự hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc.”
Nhưng liệu ông Sơn có xóa bỏ được “ngăn cách” và “thù hận” không hay ông
chỉ đổ thêm dầu vào lửa để đốt cháy hy vọng “hòa giải, hòa hợp và đoàn
kết dân tộc”?
Tương lai không lâu sẽ trả lời, nhưng xuyên qua nội dung phỏng vấn của
Thanh Mai đăng trong Tạp chí Quê Hương Online, cơ quan thông tin của Ủy
ban NVNONN, ông Sơn đã tự do “phóng đại” và “tô màu” một số người ông
gặp: “Tại các nước này, Đoàn đã làm việc với đại diện chính quyền sở
tại,cũng như với cộng đồng người Việt thuộc nhiều thành phần đa dạng
khác nhau: số bảo thủ cực đoan, giới truyền thông báo chí người Việt,
doanh nhân, trí thức, số anh chị em cốt cán, cộng đồng lao động, cô dâu,
đại diện thế hệ trẻ...” (Quê Hương Online, 29/03/2014)
Ngoài gặp “đại diện chính quyền sở tại” là chuyện đương nhiên theo phép
ngoại giao, ông Sơn đã lạm dụng nhóm chữ “cộng đồng người Việt thuộc
nhiều thành phần đa dạng khác nhau: số bảo thủ cực đoan, giới truyền
thông báo chí người Việt, doanh nhân, trí thức...” để “vơ vào” và “gây
ảo tưởng” cho người trong nước hiểu rằng phái đoàn Việt Nam đã được Cộng
đồng chống Cộng người Việt ở Canada và Hoa Kỳ, kể cả giới đông đảo Nhà
báo “Việt kiều” vốn không cảm tình với chế độ, đón tiếp nồng hậu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn không nêu tên những người được ông “mạ kền” và
“đánh bóng” là “bảo thủ cực đoan” hay “giới truyền thông báo chí”, nhưng
ai cũng biết số người này, nếu có, cũng chỉ đáng xếp vào hàng “tôm tép”
mà Cộng đồng nơi họ cư ngụ đã “nhẵn mặt”, đặc biệt ở hai nơi Texas và
California.
Bằng chứng như đã có vài ba người, từng đi về Việt Nam một số lần theo
sắp xếp của ông Nguyễn Thanh Sơn đã có mặt trong đoàn khỏang 50 “kiều
bào” đi thăm Trường Sa nhân dịp 30/4/2014.
Con số đầu tiên dự kiến có 70 “Kiều bào”. Và theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì: “Đa số là các doanh nhân đang thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam, đã lớn tuổi, có tư tưởng yêu nước và theo đạo Phật.”
Nói cách khác thì họ là Hội viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài (DNVNONN)” do đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.
Nhìn một vài người xuất hiện trên màn ảnh nói lý do tại sao họ đi Trường
Sa, người coi cảm thấy thương cho ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vì
ông đã “lỡ thổi phồng” họ tới mức “không cần thiết” đến độ phản tuyên
truyền!
Tuy vậy, ông Sơn vẫn không ngại để khoe tiếp rằng: “Chuyến đi của tôi
năm 2012 là chuyến đi đầu tiên mang tính chất đột phá và thăm dò tới
những người còn có tư tưởng hận thù với đất nước. Cuộc tiếp xúc lần đầu
đó tôi cho là thành công, bởi vì tất cả những nơi tôi đến thì họ đều gặp
tôi, đặc biệt ở Texas thì số lượng rất đông. So với chuyến đi năm 2012,
thì chuyến đi lần này thành công hơn nữa vì số lượng người gặp đông
hơn, thành phần cực đoan bảo thủ, đặc biệt là số cốt cán trong các phong
trào chống đối chúng ta, đến gặp nhiều hơn. Tôi cho rằng như vậy là họ
đã cởi mở và bắt đầu có niềm tin. Con người ta ai cũng có cội nguồn,
cuối đời ai cũng muốn trở về quê hương, cũng muốn thấy quê hương đất
nước phát triển tốt đẹp. Tôi hiểu tâm nguyện đó của bà con và mong sẽ
đặt những viên gạch, những nền móng để bà con trở về được vững chắc, để
thực sự là hòa giải, hòa hợp.”
Hãy cứ để cho ông Sơn và Chính phủ CSVN nuôi hy vọng. Nhưng ông Sơn cũng
nên thành khẩn với chính mình khi làm báo cáo với Bộ Chính trị kiểm
điểm sau 10 năm thi hành “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối
với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/3/2004 - 26/03/2014) đã thu đạt
được những gì và có bao nhiêu “kế họach” lớn, nhỏ đã tan ra mây khói?
Xôi bỏng bỏng không
Cái hỏng đầu tiên và quan trọng nhất là nhà nước CSVN đã thất bại thê
thảm trong kế họach chiêu dụ trên 300.000 trí thức, chuyên gia “Việt
kiều” về giúp nước.
Sau 10 năm, số Trí thức-chuyên gia “Việt kiều” chịu quay về giúp Việt Nam chỉ mới chưa đầy 400 người, ở vào giai đọan cao nhất.
Lý do rất đơn giản: đảng vẫn không tin “trí thức Việt kiều” trong khi
“trí thức đảng” học hành không bằng ai, nhưng lại được đảng giao quyền
“cai trị” trí thức hải ngọai.
Để có bằng chứng, rất tiếc tôi (Phạm Trần) phải lập lại thông tin dưới
đây lần thứ 3, sau khi đã sử dụng 2 lần trong các bài viết trước vì tình
trạng vẫn như thế.
Năm 2012, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng của Đại học danh tiếng Kỹ thuật và Thiết kế RMIT, Úc Đại Lợi, nói:
“Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:
“Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:
- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ
thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút
trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước
chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ
không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất
của nước sở tại;
- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví
dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây
Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay
đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra
hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;
- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức
Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế
giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt
nhất, thích hợp nhất và có lợi nhất cho đất nước;
- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;
- Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích
“mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ
khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;
- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm
việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin
tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có
thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.”
Giáo sư Vọng kết luận bài viết của ông trên Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 07/09/2010: “Từ
những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí
thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên
trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng
dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất
nhanh trong công cuộc hiện đại hóa công nghiệp hóa đất nước, trở thành
nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm
sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức
Việt kiều.”
Ông Nguyễn Di Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao là người có nhiều công
trong việc hình thành Nghị quyết 36 giải thích với Báo Việt Nam Net ngày
23/01/2012: “Cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự phân biệt giảm
đi và người trong nước phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại.
Như chuyện anh muốn vỗ tay thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một
tay. Nó phải từ hai phía. Hai phía phải tìm cách để cùng gặp nhau. Cần
thúc đẩy, làm mạnh hơn như tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư rộng rãi
hơn.”
Ông Niên nhìn nhận con đường kéo được người Việt ở nước ngoài về hợp tác với Nhà nước CSVN còn dài.
Ông nói: “Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể
phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn
dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới,
bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải
chấn chỉnh và quyết liệt hơn.”
Ngoài chuyên gia “Việt kiều”, Đảng cũng thất bại trong kế hoạch dùng ông
Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa vào công tác
“hòa hợp dân tộc”, sau chuyến về Việt Nam đầu tiên của tướng Kỳ vào
tháng 01/2003.
Đã có thời gian, dưới thời Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết-Thủ tướng
Phan Văn Khải, nhiều giới trong đảng CSVN đã hy vọng ông Kỳ sẽ tạo được
một “gạch nối” để các thành phần lãnh đạo cũ của Việt Nam Cộng Hòa quay
về “hòa hợp” với chế độ mà họ từng cầm súng chống lại.
Rất tiếc, quyết định “tự quên đi quá khứ hào hùng của một Thiếu tướng
Không Quân VNCH” rồi quay lưng lại với các “chiến hữu và đồng bào miền
Nam”, để về Việt Nam với hy vọng được chế độ nhờ cậy, ông Kỳ đã bị cả
hai phía “Quốc-Cộng” đẩy vào chân tường cô đơn cho đến khi ông qua đời
tại Mã Lai Á tháng 7/2011.
Thất bại ở nước ngoài
Trong khi đó, vào dịp kiểm điểm “thành tích” sau 8 năm thi hành Nghị quyết 36 (2012), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã thừa nhận: “Công
tác nắm tình hình ở nhiều địa bàn chưa sâu, chưa có biện pháp hữu hiệu
trong việc củng cố các hội đoàn tích cực, phát triển lực lượng nòng cốt
làm cơ sở để vận động tập hợp kiều bào. Chưa mạnh dạn mở rộng diện tiếp
xúc, đấu tranh trực diện với một số đối tượng có các hoạt động đi ngược
lại lợi ích của cộng đồng và đất nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng NVNONN tiếp tục
được đẩy mạnh hơn so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày
càng lớn và đa dạng của kiều bào.” (Báo điện tử ĐCSVN, 20-01-2012)
Tuy nhiên, theo dõi từ “lời nói đến hành động” của viên Thứ trưởng 57
tuổi Nguyễn Thanh Sơn mới thấy bên cạnh những lời “đường mật hòa
giải-hòa hợp” để đoàn kết dân tộc, còn hiện ra một Nguyễn Thanh Sơn có
đầu óc “quân phiệt quyết ăn thua đủ” với những “Việt kiều” không muốn
“hòa hợp” với chế độc độc tài CSVN.
Ông Sơn đã để lộ ra tâm địa này trong bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 12/09/2011: “Các
cơ quan đại diện(của Chính phủ ở nước ngoài) cần mạnh dạn mở rộng diện
tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động
chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong
công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền,
tôn giáo để chống phá đất nước.”
Thái độ hằn học và xuyên tạc người Việt có lập trường chống chính quyền CSVN của ông Sơn không mới.
Nhưng khi các cấp lãnh đạo khác coi người Việt tị nan chống chế độ là “chống phá đất nước” và “nhân dân ta” thì ông Sơn đã nói chệch đi “chống lại đất nước”.
Thực tế không người Việt Nam nào nuôi manh tâm “chống lại tổ quốc và
nhân dân”, ngọai trừ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang hay để bảo vệ
quyền lợi ích kỷ của phe nhóm. Nhưng có người Việt chống lại chủ nghĩa
Cộng sản (hay đang được gọi ở trong nước là Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư
tưởng Hồ Chí Minh) và chính quyền độc tài và phản dân chủ CSVN vì chính
quyền này đã và đang tước đoạt mọi quyền căn bản của con người Việt Nam.
Ngoài ra ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đã từng xuyên tạc lý do bỏ nước ra đi
của hàng triệu người dân miền Nam sau ngày 30/4/1975 như ông chứng minh
trong cuộc đối thoại với phóng viên Minh Hòa của Đài Tiếng Nói Việt Nam
ngày 02/11/2010:
PV: Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ
các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ
thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: “Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa
hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi
vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm
hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của
đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay. Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác
nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không
tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù...”
“... Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại
lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ
chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều
thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước
thì càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất
quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước
nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín
của họ đang bị giảm sút...”
Nhưng ông Sơn không nói ra “quốc gia sở tại” nào đã “cung cấp tài chính”
cho những người Việt ở nước ngoài làm cái việc “chống phá chúng ta”
không, hay ông chỉ “ăn ốc nói mò” để xuyên tạc lấy điểm với đảng?
Hành động thiếu trong sáng có chú ý xấu này của Thứ trưởng Nguyễn Thanh
Sơn đã được lập lại không một chút hổ thẹn nào khi ông ta vu khống số
người Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc chống chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang ngày 25/07/2013.
Ông Sơn nói: “Tôi cho rằng là những cái biểu tình chống đối của bà
con cô bác ở bên ngoài đối với chủ tịch nước vừa qua nó chỉ là những cái
hiện tượng. Tôi nghĩ rằng là tất cả mọi người không phải ai cũng muốn
như vậy. Có những người chì vì đồng tiền, có những người chì vì nhu cầu
cuộc sống, có những người chỉ vì một chút thu nhập thêm mà tham gia
những hoạt động đó, chứ trong lòng tôi nghĩ quý vị cũng không có những
suy nghĩ muốn phá hoại quan hệ Mỹ-Việt.” (Trích phỏng vấn của Phố Bolsa TV).
Đáng lẽ ra ông Sơn phải là người hiểu rõ tại sao nhà nước Việt Nam đã
thất bại trong kế hoạch “hòa giải, hòa hợp” dân tộc. Bởi vì đảng CSVN
chỉ muốn người Việt ở nước ngoài bảo nhau bồng bế về “hòa hợp” vào với
chế độ, chịu nhận quyền cai trị của đảng CSVN để lao động để duy trì chế
độ.
Hơn nữa, hai chữ “hòa giải” mới được ông Sơn và một số báo ở Việt Nam sử
dụng vài năm nay thôi chứ trước đây họ chỉ dùng hai chữ “hòa hợp”, ngay
cả khi các viên chức đảng nói chuyện “bắt tay” quên đi quá khứ với ông
Nguyễn Cao Kỳ.
Ngoài ra Nhà nước cũng chỉ muốn “hội nhập” mà không muốn bị “hòa tan”,
chủ trương “đổi mới” mà kiên quyết “không đổi màu” theo định hướng của
Hội đồng Lý luận Trung ương mà đã có thời nằm trong tay Tổng Bí thư đảng
Nguyễn Phú Trọng khi ông giữ chức Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung
ương (bây giờ gọi là Ban Tuyên Giáo).
Thực tế tình hình “hòa giải-hòa hợp” hiện nay giữa người Việt Nam ở nước
ngoài và chính quyền trong nước đã rã ra từng mảnh vụn vì làm theo quan
niệm “ta thắng trận, ta phải chế ngự” của những người như ông Nguyễn
Thanh Sơn và đảng CSVN.
Như vậy hy vọng của ông Sơn, sau chuyến đi 3 nước Canada, Hoa Kỳ và Nam
Hàn trong tháng 3/2014, sẽ tạo được những “viên gạch, những nền móng” để
người Việt ở nước ngoài “trở về được vững chắc, để thực sự là hòa giải,
hòa hợp” với đảng và nhà nước CSVN coi như đã tan vỡ trong trứng nước.
Mạ lỵ và Xuyên tạc
Tại sao? Bởi vì trong đảng CSVN vẫn còn những người như ông Đào Dục Tú
viết “mạ lỵ đồng bào phải bỏ nước ra đi” và “xuyên tạc về cuộc chiến”
kết thúc ngày 30/04/1975.
Với tiêu đề: “Hòa giải hòa hợp”- tiếng gọi không vô vọng nữa!”
đăng trên 2 báo điện tử “Nguyễn Tấn Dũng” (nguyentandung.org) và “Trương
Tấn Sang” (truongtansang.net) ra ngày Thứ bảy, 19/04/2014, tác giả Đào
Dục Tú viết về Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phần đông ở Bắc Mỹ
và Châu Âu như thế này: “Nhìn lại cái gốc sinh ra cộng đồng ấy là
cuộc chiến tranh Việt Nam do người Mỹ tiến hành và đủ thứ hệ lụy của nó,
người ta không thể không thấy một thực tế hiển nhiên. Đó là chiến lược
“Việt Nam hóa chiến tranh” của người Mỹ thập kỷ sáu mươi và nửa đầu thập
kỷ 70 thế kỷ trước, theo đà tăng tốc độ và cường độ chiến tranh Việt
Nam mỗi ngày một cao hơn, đã dần dần khoác lên vai, chất lên lưng người
Việt bên kia vĩ tuyến 17, từ con sông tuyến Bến Hải đổ vào tới mũi Cà
Mau...”
Hay: “Có lẽ nào giữa người Việt với nhau, gần 40 năm sau chiến tranh,
chia cắt, hận thù vẫn cố chấp khư khư ôm “mối thù truyền kiếp” thực ra
phần nhiều do tình thế lịch sử chiến tranh Việt Nam của Mỹ gây nên.”
Ô hay, đâu phải tự nhiên mà nửa triệu Quân Mỹ đã lần lượt tham chiến ở
miền Nam Việt Nam từ năm 1960 đến khi có Hiệp định Ba Lê tháng 1/1973?
Và Hoa Kỳ đã “tiến hành” hay “gây nên” cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam Cộng
hòa để làm gì?
Bằng chứng lịch sử sáng như ban ngày đã chỉ rõ chính đảng Lao động Việt
Nam, sau này đổi tên thành đảng Cộng sản, đã chủ mưu “tiến hành” và “gây
nên” cuộc chiến từ Vỹ tuyến 17 xuống mũi Cà Mâu của miền Nam Việt Nam
từ năm 1959. Sự có mặt của quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác, trong
số đó có Nam Hàn (Nam Triều Tiên) là để giúp Quân và Dân miền Nam bảo
vệ đất nước trước làn sóng xâm lăng của đội quân miền Bắc.
Như vậy, những “hệ lụy của nó” là do chính miền Bắc đã gây ra cho nhân
dân miền Nam, trong đó bao gồm cả tội ác chính trị và kinh tế từ sau
30/04/1975. Các chủ trương: bắt bỏ tù lao động với điều kiện ăn ở, y tế
khe khắt đã làm chết nhiều người mang danh “học tập cải tạo” được áp đặt
lên hàng trăm ngàn quân-cán-chính VNCH; chính sách “đánh tư sản mại
bản” được gọi là “cải tạo kinh tế” nhằm tiêu diệt tận gốc tầng lớp tư
sản ở miền Nam.
Thêm vào đó là kế họach “đuổi dân thành phố và vợ con binh lính VNCH” đi
vùng “kinh tế mới” không có điều kiện sống để cướp lấy tài sản của họ
còn là nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn người dân miền Nam đã liều chết
vượt biển hay vượt đường bộ qua ngả Cao Miên đến Thái Lan và các nước
Đông Nam Á tìm tự do trong thập niêm 80.
Lịch sử “Thuyền nhân” (Boat People) và hàng chục ngàn xác người dân vô
tội bị chết chìm, bị hải tặc tấn công trên Biển Đông chẳng lẽ cũng do
người Mỹ “tiến hành” và “gây nên” hay sao?
Với cái nhìn chủ ý xuyên tạc và ngụy biện như thế về nguyên nhân cuộc
chiến trong Nam và lý do dân phải bỏ nước ra đi nên không riêng Tác giả
Đào Dục Tú mà cả Thứ trường Nguyễn Thanh Sơn đã chạy trốn trách nhiệm
cho đảng khi ông nói rằng: “Chúng ta cần hiểu đúng về sự ra đi của
họ. Họ ra đi không phải vì hận thù với đất nước, mà vì chưa hiểu đúng về
chế độ, vì mưu cầu một cuộc sống khác tốt hơn trong khi chúng ta còn
khó khăn.”
Một lần nữa, ông Sơn đã lẫn lộn giữa “hận thù với đất nước” và “hận thù
với chế độ”. Và khi nói rằng người bỏ đi “vì chưa hiểu đúng về chế độ,
vì mưu cầu một cuộc sống khác tốt hơn” là viên chức ngoại giao cấp Thứ
trưởng này đã xuyên tạc nguyên nhân “đành phải nhắm mắt đưa chân” của
Thuyền nhân sau khi 25 triệu người dân miền Nam đã nhìn rõ “mặt thật”
của người Cộng sản Việt Nam sau ngày 30/04/1975.
Vì vậy không làm gì có chuyện “giá như” theo lối lý luận “con lươn” của người viết tên Đào Dục Tú. Ông Tú viết: “Giá
như tinh thần “Không có bên thắng bên thua giữa người Việt với người
Việt. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng cuối cùng cuộc chiến
tranh này” được thấu suốt thời kỳ hậu chiến, đi vào lòng người. Giá
như...Thật đáng tiếc những hành xử duy ý chí trong lĩnh vực kinh tế và
quản lý xã hội thời hậu chiến như đổ dầu chữa cháy...”
Hẳn ông Tú còn nhớ chính Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói câu “Không có bên
thắng bên thua giữa người Việt với người Việt. Chỉ có nhân dân Việt Nam
là người chiến thắng cuối cùng cuộc chiến tranh này”, nhưng cũng
chính ông Lê Duẩn đã quyết định “đầy đọa” quân-dân miền Nam xuống tận
bùn đen và chết chóc sau ngày 3/04/1975. Rồi cũng chính cái Bộ Chính trị
do Lê Duẩn đứng đầu đã có những quyết sách san bằng nền kinh tế trù phú
trong Nam xuống ngang hàng với xã hội bần cùng ở miền Bắc. Và cũng
chính ông ta và tập thể cầm quyền của CSVN phải chịu trách nhiệm với
lịch sử về những tan nát, đẩy đất nước đến bờ vực thẳm sau 10 năm hậu
chiến.
Và chẳng lẽ ông Lê Duẩn và những người như các ông Trường Chinh Đặng
Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn
Linh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt v.v... không có trách nhiệm gì trước lịch
sử đau thương của dân tộc về những xác người Việt Nam trôi dạt trên Biển
Đông hay sao?
Và giờ đây, sau gần 30 năm được gọi là “đổi mới”, tại sao Việt Nam vẫn
còn bần cùng, lạc hậu và chậm tiến? Tại sao luân thường, đạo lý dân tộc
của trên 4.000 năm văn hiến đã bị đảo lộn? Tại sao kinh tế vẫn hoàn toàn
lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt Trung Cộng? Tại sao công nhân và nông
dân là hai thành phần đóng góp tài sản và xương máu nhiều nhất cho đảng
CSVN tồn tại đang phải chịu thiệt thòi nhất trong xã hội? Tại sao bất
công xã hội vẫn chồng cao như núi? Và tại sao “quốc nạn” tham nhũng,
lãng phí trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những kẻ có chức có
quyền vẫn còn “nghiêm trọng”.
Cũng tại sao thanh niên là thành phần rường cột của quốc gia đã phai
nhạt lý tưởng, không muốn tôi luyện và trau dồi kiến thức để xây dựng
đất nước tiến lên “ngang tầm thời đại” với các dân tộc láng giềng? Tại
sao trí thức hết còn được kính trọng là các bậc tôn sư? Và tại sao tội
ác trong xã hội do giới thanh thiếu niên gây ra đã đến mức báo động? Tại
sao Việt Nam tiếp tục có trên 10.000 người chết vì tai nạn lưu thông
hàng năm. Và nhiều người dân cũng muốn đảng trả lời tại sao một dân tộc
anh hùng như người Việt Nam mà vẫn còn chia rẽ trước hiểm họa xâm lăng
của Trung Cộng?
Vì vậy mà thắc mắc của Tác giả Đào Dục Tú hỏi tại sao 39 năm sau ngày 30/04/1975 vẫn còn
“biết bao nhiêu người khác bất chấp thực tế lịch sử, cứ để nấm mồ quá
khứ mang tên “quốc hận” đè nặng tâm hồn, bịt chặt mọi cánh cửa hòa giải”
có cần phải trả lời không?
Tất nhiên không cần thiết vì sự tồn tại bất chấp lòng dân và trào lưu
tiến bộ của thời đại hậu Cộng sản Liên Xô của đảng độc tài Cộng sản Việt
Nam đã “bịt chặt mọi cánh cửa hòa giải” với những nạn nhân của chế độ.
(04/014)
0 comments:
Post a Comment