Vũ Đức Khanh/VOA
Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, hôm
19/09/2013 tại Thủ đô Copenhague, Đan Mạch đã tuyên bố rằng: “Nhân quyền
là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm.”
Trong cuộc họp báo chung với nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle
Thorning-Schmidt ngay sau khi kết thúc hội đàm, ông Sang đã trả lời câu
hỏi của báo chí Đan Mạch liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam
như sau: “… Tôi xin cảm ơn câu hỏi của vị phóng viên báo Đan Mạch. Điều
mà bạn quan tâm cũng là điều mà cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm.
Chính vì quan tâm tới nhân quyền, tới tự do mà chúng tôi phải đổ máu rất
nhiều để giành độc lập trong các cuộc kháng chiến… Một đất nước đã
quyết tâm giành độc lập tự do bằng một sự hy sinh rất to lớn như vậy thì
không có lý do gì khi giành được độc lập rồi lại không lo lắng về cuộc
sống tự do hạnh phúc của nhân dân mình… Tôi không có ý định ca ngợi thể
chế chính trị của chúng tôi cái gì cũng đều tuyệt vời, vẫn còn có nhược
điểm. Nhưng mong các bạn cũng quan tâm những chỉ số có thể nói là dấu
son lớn trên bản đồ chính trị của thế giới. Chúng tôi có 86 triệu dân,
trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến
đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có
khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại
rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị
của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn
nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không
dưới 17.000 phóng viên…”
Chủ tịch Trương Tấn Sang quả thật là người rất hùng biện khi ông cho
rằng “Việt Nam rất tự do … tuy nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh
truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên…” Nhưng thật ra
cái “tự do ngôn luận” thông qua “số lượng” cơ quan truyền thông mà ông
Sang đưa ra nó chẳng chứng minh được điều gì cả! Không hiểu ông Sang đã
vô tình hay cố ý quên cho các bạn phóng viên Đan Mạch biết rằng Việt Nam
cấm tư nhân ra báo, và tất cả báo chí, đài truyền hình, đài truyền
thanh, các cơ sở phát hành báo chí và truyền thông đều do Nhà nước quản
lý. Và ông thậm chí cũng quên luôn rằng các luật sư, bloggers và nhà
hoạt động vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam thường xuyên luôn
là mục tiêu bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện của chính quyền mà ông đang
đại diện.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần phê phán ông Chủ tịch nước mà không tạo
điều kiện cho ông ấy một cơ hội chứng minh những gì ông ấy phát biểu là
đúng sự thật thì quả là hơi bất công. Vì thế tôi mạo muội đề nghị một số
ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi sẵn sàng làm hết sức mình để ông Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang có một diễn đàn tự do tại hải ngoại. Tôi sẽ đề nghị với 5 cơ
quan thông tấn truyền thông quốc tế và của người Việt tại hải ngoại như
VOA, BBC, RFA, RFI, và báo Người Việt tại Hoa Kỳ đăng tải toàn bộ nguyên
văn bài phát biểu của ông Chủ tịch nước về “hiện trạng nhân quyền tại
Việt Nam” để mọi người dân trong và ngoài nước cùng bè bạn quốc tế có
điều kiện hiểu rõ hơn về khái niệm “nhân quyền” của ông và của các đồng
chí lãnh đạo Cộng sản của ông.
Thứ hai, nếu quả thật ở Việt Nam có “truyền thông tự do” như lời của
ông Chủ tịch nước, tôi khẩn thiết đề nghị ông tạo điều kiện cho cá nhân
tôi cũng như một số chí hữu của tôi trong và ngoài nước, những người có
quan điểm không tương đồng với ông và đảng Cộng sản Việt Nam có một bài
viết cùng chủ đề “nhân quyền” và sẽ được phép đăng trên bất kỳ một trang
báo mạng, hay báo giấy nào ở trong lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, “với số lượng trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và
không dưới 17.000 phóng viên…” đang phục vụ đắc lực cho quyền lợi của
đảng Cộng sản, tôi nghĩ nếu ông Chủ tịch nước có chút xíu công bằng và
sòng phẳng với những người và/hoặc lực lượng bất đồng chính kiến ở Việt
Nam thì ông nên tạo điều kiện cho tôi, các chí hữu của tôi hoặc những
nhà đối kháng đó được phép cho ra đời một tờ báo “đối lập” hoặc chí ít
là “độc lập” với đảng Cộng sản của ông. Nó sẽ chẳng có nguy hiểm gì cả
khi đảng của ông có đến hoặc đang kiểm soát “trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo”.
Tôi mạn phép đề nghị việc này vì chính ông Chủ tịch nước và các đồng
chí Cộng sản của ông luôn ca ngợi là chính phủ của quý ông luôn tôn
trọng “tự do ngôn luận, tự do báo chí, truyền thông”. Tôi xin mạn phép
nhắc lại với ông Chủ tịch nước rằng dân chủ là tôn trọng không những ý
kiến của đa số mà còn phải tôn trọng cả ý kiến của thiểu số, cho dù
thiểu số đó có là 0,1%, 1% hay 20% hoặc 40%. Đảng Cộng sản của quý ông
luôn cho rằng quý ông được nhân dân Việt Nam tín nhiệm trao quyền lãnh
đạo quốc gia và quý ông luôn nắm đa số, thậm chí có lúc lên 99% qua các
kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng ông và các đồng chí của ông cũng phải nhớ rằng
quý ông cũng đang có những người bất đồng chính kiến với quý ông và
những người đó bắt đầu là cá nhân tôi, các chí hữu của tôi cũng như một
số tù nhân chính trị và lương tâm khác như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Linh
mục Nguyễn Văn Lý, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Doanh nhân Trần
Huỳnh Duy Thức, Luật sư Lê Quốc Quân và vân vân…
Cuối cùng vì ông Chủ tịch nước đã tuyên bố với thế giới rằng: “Nhân quyền là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm”
cho nên tôi ngỏ ý sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với ông Chủ tịch
nước, với đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam về những vấn đề liên quan
đến tự do, dân chủ và nhân quyền cũng như những vấn đề quốc sách khác mà
nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước chúng ta có cùng quan tâm chung.
Nhân tiện được biết ông Chủ tịch nước sắp đi thăm Canada, tôi trân trọng
chúc mừng ông có chuyến công tác thành công rực rỡ và hy vọng có dịp
tiếp kiến để cùng nhau thảo luận những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng
tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập
trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
0 comments:
Post a Comment