Sunday, September 15, 2013

BÃ MÍA HAY LÀ PHÂN VOI?

 “Vào thập niên 60, Bảy Lương được Ban Binh vận Trung ương Cục giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội vận động sĩ quan chế độ Sàigòn. Với hai bộ quần áo và một căn cước giả, Bảy Lương nhảy vào Sàigòn hoạt động đơn tuyến, không nhà cửa, không thân thích.
Người được chọn lúc đó là Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh, Tư lệnh phó Vùng IV chiến thuật, một người rất có thế lực trong quân đội. Mục tiêu có vẻ rất khó vận động vì Đại tá Hạnh là một sĩ quan chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm chống Cộng sản và được đào tạo về tình báo ở Mỹ. Gia đình ông đông con, cuộc sống đầy đủ, không dễ gì chấp nhận sự thay đổi đầy rủi ro.
Bảy Lương đặc biệt chú ý tới chi tiết quê quán của Đại tá Hạnh: xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, một vùng giải phóng lõm, xôi đậu. Tìm đến xã Kim Sơn kế cận, Bảy Lương tiếp xúc được với một số bà con của Đại tá Hạnh để tìm hiểu chi tiết hơn về con người này.
Dù là sĩ quan cao cấp nhưng khi gặp bà con, cô bác ở vùng giải phóng ra Sàigòn, ông Hạnh vẫn ân cần, niềm nở. Khi cụ thân sinh ông mất, Đại tá Hạnh xin phép xã ủy Phú Phong cho ông đem thi hài cha về quê an táng. Xã ủy Phú Phong chấp nhận. Đại tá Hạnh tiếp tục xin xã ủy cho phép ông, nhân ngày mở cửa mả cha, được dùng máy bay trinh sát lượn ba vòng quanh mộ. Xã ủy trả lời: đồng ý! Và bảo đảm an toàn với điều kiện Đại tá Hạnh phải bay độc lập bằng máy bay trinh sát và không có máy bay hộ tống. Đại tá Hạnh thực hiện đúng và bay về Sàigòn an toàn. Những tin tức tình báo khác cho thấy Đại tá Hạnh khi xử lý công việc thường rất tự chủ và rất ghét sự can thiệp của người Mỹ. Nhắc lại chuyện cũ, ông Bảy Lương cho biết:
- Con người anh Hạnh không thể thuyết phục bằng những khái niệm lớn như quốc tế vô sản, cách mạng, đấu tranh giai cấp… mà phải đi bằng con đường tình cảm gia đình, làng xóm và cần có thời gian.
Bảy Lương chọn ông Tám “vô tư”, một thầy thuốc có họ hàng với Đại tá Hạnh, rất được Hạnh kính phục vì thuở nhỏ ông Tám “vô tư” đã từng dạy i tờ cho Hạnh:
- Anh Hạnh nắm trong tay hàng vạn quân với đủ cả máy bay, xe tăng, đại bác, nếu vận động được anh ngã theo cách mạng, chúng tôi sẽ đỡ rất nhiều xương máu…
Ông Tám “vô tư” lẳng lặng khăn gói lên Sàigòn mở tiệm thuốc ở quận 4. Thỉnh thoảng ông Tám ghé thăm ông Hạnh kể chuyện làng xóm bà con, dẫn dắt dần đến hiện thực cơ cực của bà con vì chiến tranh, vì Mỹ ngụy và lòng dân đối với phe giải phóng. Ông Hạnh nghe, không tranh luận gì nhưng cũng không  ra mặt biểu lộ sự đồng tình.
Ban Binh vận chỉ đạo phải móc nối ngay được với Đại tá Hạnh hoặc cắt kế hoạch vì để kéo dài sẽ rất nguy hiểm. Lúc này ông Hạnh đã được thăng cấp Chuẩn tướng. Bất ngờ xảy ra một việc có thể làm cho kế hoạch chuẩn bị nhiều năm bị đổ vỡ: con trai ông từ trần.
Ông Bảy Lương kể tiếp:
- Tôi đề nghị anh Tám “vô tư” đặt vấn đề trực tiếp với anh Hạnh. Con người này không thể vì tình mà bỏ qua đại nghĩa.
Quyết định của Bảy Lương không sai. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã nhận lời hợp tác với cách mạng…
… Những ngày cuối tháng 4-1975, quân Giải phóng áp càng sát Sàigòn. Lúc đó Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đóng vai trò xử lý Tổng Tham Mưu Trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vì Tướng Vĩnh Lộc bận việc và là trợ lý cho Tổng thống Dương Văn Minh. Chính Tướng Hạnh đã phát đi những quân lệnh rất có lợi cho quân giải phóng…
Tướng Hạnh đã khéo léo từ chối đề nghị phá cầu vào Sàigòn để tử thủ của một đơn vị:
- Quân ta còn cơ động, chưa được phép phá cầu, khi nào cần tôi sẽ huy động Không quân bỏ bom. Nếu phá cầu chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phản công.
Điều quan trọng hơn là bản báo cáo tình hình chiến sự của Nguyễn Hữu Hạnh đã khiến Tổng thống Dương Văn Minh đi đến quyết định đầu hàng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh gần đây đã tiết lộ. Mặc dù đó là báo cáo không hoàn toàn trung thực (bỏ qua sự đề kháng còn lại) nhưng rất bản chất, kéo dài chiến sự chỉ làm đổ máu chứ không giữ được chế độ Sàigòn. Vì vậy đã “thuyết phục” được Tướng Minh.
Tướng Hạnh cũng chính là người đã ra lệnh trên đài phát thanh cho quân đội Sàigòn buông vũ khí vào lúc 9 giờ 30 ngày 30-4-1975…
… Đã hơn 20 năm trôi qua, nhắc lại chuyện cũ ông Hạnh nói:
- Tôi vốn là người đứng phía bên kia chiến tuyến với Cộng sản. Tôi trở về với Cách mạng là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng và tình cảm, tôi cũng cảm nhận được người phía sau ông Tám “vô tư” phải là một nhà tình báo lớn, mưu trí, khôn khéo, nhạy bén. Sau giải phóng tôi mới được biết và tiếp xúc với ông Bảy Lương.
Đồng chí Lê Quốc Lương hiện là phó ban chỉ đạo Quản lý Thị trường thành phố Hồ Chí Minh…”
*
Trên đây là một phần bài viết của Hoàng Linh, đăng trên báo Tuổi Trẻ Xuân 95, xuất bản trong nước.
Thổi phồng và tự đề cao một cách quá đáng là một thủ thuật của các cây viết lãnh lương của nhà nước xã nghĩa. Nhưng dù sao qua bài viết này chúng ta cũng thu lượm được vài điều. Giữa bài viết còn có hình ông Hạnh đang… làm vườn với câu chú thích: “Tướng Hạnh giờ đây đã có thể vui thú điền viên.”
Quả bồ hòn nó đắng lắm. Bị bắt buộc phải ngậm một quả bồ hòn, đã là một cái khổ. Khổ hơn nữa là khi người ta nhét vào mồm mình cái quả bồ hòn ấy, tay nó lăm lăm một thanh củi tạ, nó hỏi: “Sao, ngọt không?” mà phải trả lời theo ý nó: “Dạ, ngọt lắm!” thì ấm ức là dường nào. Đó là tình cảnh của ông cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh hiện giờ.
Vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, ông Hạnh mới lẽo đẽo chạy theo con voi Cộng sản Bắc Việt để mong kiếm ít bả mía mà hít cho quãng đời còn lại. Con voi này có nhả ra một cái bả mía. Cái bả mía này là chức vụ: “Thành viên trong phái đoàn miền Nam” trong hội nghị chính trị hiệp thương thống nhất Nam Bắc. Một số bả mía khác, tương tự như thế cũng đã được nhả ra cho ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung… những người vẫn nhởn nhơ giữa lòng Sàigòn tranh đấu đòi quyền sống cho phụ nữ, tranh đấu đòi chính phủ miền Nam cải thiện chế độ nhà tù trước tháng 4 năm 1975.
Ngày 21 tháng 11 năm 1975, báo Nhân Dân loan tin “Hội nghị Chính trị Hiệp thương Thống Nhất Nam Bắc” đã “thành công tốt đẹp.” Cái tên nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ra đời. Con voi thôi không nhả thêm bả mía ra nữa. Và thuận chân, thuận vòi, nó gạt phắt cái đám vẫn lúp xúp chạy theo đuôi nó từ trước đến giờ.
Đâu phải đến năm 1995 ông Hạnh mới được “vui thú điền viên” như tay nhà báo xỏ lá Hoàng Linh của báo Tuổi Trẻ đã viết. Ông Hạnh đã được “vui thú điền viên” từ lâu rồi. Hồi ngay sau khi con voi cộng sản nuốt được miền Nam kia. Mấy chữ “vui thú điền viên” là mấy chữ văn vẻ để chỉ tình trạng của cái vỏ chanh trong thùng rác sau khi được người ta vắt hết nước. Và nếu nói một cách bình dân hơn, dễ hiểu hơn, hơi tục một chút, nhưng rất chính xác thì đó là tình trạng của những người bị người ta “đá đít” sau khi xong việc.
Nói làm gì những kẻ theo voi vào giờ thứ 25, mấy tay theo voi vào giữa đoạn đường như Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa… cũng chẳng khá hơn chút nào. Dương Quỳnh Hoa thì đã âm thầm xin ra khỏi đảng, được chuẩn y với điều kiện chỉ công bố việc này 10 năm sau. Trương Như Tảng  trốn qua Pháp viết hồi ký kể lể nỗi đoạn trường khi bị con voi nó đá hậu. Rồi cả những tay theo voi ngay từ đầu đoạn đường xâm lược miền Nam như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo… cũng chẳng có gì khác. Cái bả mía mà Nguyễn Hữu Thọ nhặt được là chức Phó Chủ tịch nước, một cái chức ngồi chơi xơi… nước! Cái chức Phó Thủ tướng của Huỳnh Tấn Phát là một chức rất thích hợp để… “vui thú điền viên.” Còn cái chức “Chủ tịch Liên minh Dân tộc Dân chủ” của ông luật sư Trịnh Đình Thảo thì, ôi thôi, nó có vẻ như là một bãi phân voi chứ không còn là cái bả mía nữa!
Hết xôi rồi việc. Người “sáng suốt vào giờ thứ 25” Nguyễn Hữu Hạnh đã được người ta trịnh trọng mời về vườn “vui thú điền viên” đã 20 năm rồi. Miếng vỏ chanh hết nước nằm mốc meo trong thùng rác lâu lâu lại được đem ra trình làng, mục đích không có gì khác hơn là có dịp kể lể mưu cao, trí lớn của đảng ta. Quả bồ hòn này sao mà quá đắng. Nuốt không xong mà nhả ra cũng chẳng được. Ông Tướng Hạnh giờ thì chắc đã chán chường, cay đắng nhận ra cái bã mía mình nhặt được ngày nào nó nhạt thếch và thoang thoảng mùi phân voi!
Mâm xôi  “Giải phóng miền Nam” đã hết! Mâm mới được dọn lên. Nhãn hiệu “Hòa hợp hòa giải, Xóa bỏ hận thù, Giao thương hợp tác,  Xây dựng đất nước!” Con đường mới, nhưng vẫn con voi cũ. Mấy cái bả mía lại được nhả ra.
Chạy lúp xúp sau đuôi voi để lượm bãi mía hay lượm phân voi ?
Giờ thứ 35, 36 người ta thấy có Phó Bá Long, Bùi Duy Tâm, Phạm Đăng Long Cơ, Vũ Đức Vượng, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh, Phạm Duy, Lê Xuân Khoa, Vũ Quốc Thúc, Mai Viết Triết, Lê Thiện Ngọ, Nguyễn Phương Hùng, Phùng Tuệ Châu, Đinh Viết Tứ, Trần Chung Ngọc, Vũ Ánh, Hoàng Duy Hùng, Lê Phát Minh, Huỳnh Tấn Lê, Đào Văn Bình, Võ Văn Ái v.v… chạy lúp xúp sau đuôi voi. (Có vị nào thấy mình thuộc dạng này mà chưa có tên, xin tự động điền tên vào).
Bây giờ là giờ thứ 40; ai sẽ theo voi hít bã mía?!
LÃO MÓC

0 comments:

Powered By Blogger